Các nước Âu - Mỹ: Lo ngại về tấn công khủng bố

Thứ Tư, 14/08/2013, 08:40

Lần đầu tiên từ nhiều năm qua, hàng loạt các nước phương Tây như Mỹ, Đức, Anh và Pháp đã khẩn cấp ra lệnh đóng cửa tạm thời các sứ quán tại Bắc Phi và các nước Hồi giáo do sợ bị khủng bố tấn công. Việc báo động mức độ cao và trên diện rộng như vậy nhằm ẩn ý gì và vì sao lại bắt đầu từ ngày 4/8?

Theo Cảnh sát quốc tế Interpol, bắt đầu từ hôm 4/8 các cơ quan ngoại giao của các nước Âu - Mỹ đặt tại Trung Đông và Bắc Phi được đặt trong tình trạng báo động cao. 25 tòa đại sứ Mỹ tại các quốc gia Arập, Israel, châu Phi tạm đóng cửa hai ngày (4 và 5/8). Anh, Pháp, Đức quyết định tương tự tại Yemen - nơi được xem là "sào huyệt" của Al-Qaeda. Canada cũng đóng cửa sứ quán tại Bangladesh để phòng ngừa vào hôm 4/8, mặc dù chủ nhật là ngày làm việc ở các nước theo đạo Hồi.

Nếu những thông tin tình báo của Mỹ là chính xác thì đây là lần đầu tiên Al-Qaeda đe dọa một cách cụ thể toàn bộ lợi ích của phương Tây trên thế giới từ giờ cho đến cuối tháng 8. Các thủ đô Âu - Mỹ cũng được đặt trong tình trạng an ninh cao độ.

Chiều 3/8, Nhà Trắng đã tổ chức một cuộc họp bất thường về mối đe dọa khủng bố dưới sự chủ tọa của Cố vấn An ninh Mỹ Susan Rice và sự hiện diện của những nhân vật trọng yếu gồm Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Bộ trưởng An ninh quốc nội Janet Napolitano, Giám đốc các cơ quan CIA, FBI và cả chỉ huy trưởng Cơ quan An ninh quốc gia NSA.

Trước đó, Tổng thống Barack Obama ra lệnh "sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ công dân Mỹ". Từ sau vụ khủng bố trên chuyến bay 103 của Hãng Hàng không PanAm trên không phận Lockerbie sát hại 270 người vào năm 1988, Chính phủ Mỹ buộc phải chia sẻ thông tin về an ninh cho tất cả công dân Mỹ giống như thông báo cho các nhân viên trong bộ máy nhà nước.

Trong bản thông cáo ngày 5/8, Bộ Ngoại giao Mỹ loan báo sẽ tiếp tục đóng cửa 19 trong tổng số 25 cơ quan đại diện ngoại giao tại Trung Đông và châu Phi cho đến hết ngày 10/8/2013 vì lý do an ninh trước những đe dọa của Al-Qaeda. Danh sách này gồm 15 đại sứ quán và lãnh sự quán đã tạm ngưng hoạt động trong hai ngày 4 và 5/8, cộng thêm 4 cơ quan được đưa vào danh sách các cơ sở ngoại giao cần phải nâng cao cảnh giác. Ba trong số 22 cơ quan phải tạm đóng cửa trong danh sách đầu tiên đã hoạt động trở lại kể từ hôm 5/8.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice (phải) họp bàn với các quan chức hàng đầu trong chính quyền Obama tại Nhà Trắng vào ngày 3/8; Vụ Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya, bị tấn công đêm 12/9/2012 là hồi chuông cảnh tỉnh Mỹ và phương Tây trước nguy cơ khủng bố.

Theo giải thích của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki thì quyết định gia hạn thời gian đóng cửa các sứ quán thêm một tuần không phải vì có thông tin đe dọa mới. Lý do chính là Mỹ muốn thể hiện "thái độ cẩn trọng và tiến hành những biện pháp thích nghi để bảo vệ  nhân viên sứ quán, người Mỹ cũng như dân bản địa và khách viếng thăm". Tuy nhiên, các dân biểu và nghị sĩ Mỹ cho hay, các tin tức tình báo thu thập được cho thấy một cuộc tấn công khủng bố lớn đã được chuẩn bị. Một nguồn tin còn nói rằng, ngày giờ và địa điểm tấn công cũng được đề cập tới.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các nguồn tin tình báo thẩm định Al-Qaeda và các nhóm liên hệ tiếp tục lên kế hoạch đánh phá quyền lợi phương Tây trong vùng bán đảo Arập và xa hơn nữa. Khủng bố quốc tế sẽ tập trung tấn công vào phương tiện giao thông, trung tâm du lịch và các cơ quan ngoại giao. Kiều dân Mỹ trên khắp thế giới được kêu gọi thận trọng.

Một viên chức an ninh Mỹ giấu tên khẳng định là các tin tình báo này dựa trên cơ sở vững chắc và đáng tin cậy. Trên đài truyền hình ABC, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Martin Dempsey khẳng định mối đe dọa của Al-Qaeda lần này cụ thể hơn những lần trước, với ý định rất rõ là tấn công vào quyền lợi phương Tây chứ không riêng gì Mỹ.

Chưa biết là với khả năng nghe lén điện đàm và xem lén thông điệp điện tử, an ninh Mỹ đã nắm vững tình hình đến mức độ nào, nhưng theo phân tích của Cảnh sát quốc tế Interpol thì có ba lý do cần quan tâm: thứ nhất, trong những ngày qua, Al-Qaeda đã giải thoát cho hàng trăm chiến binh bị giam giữ trong các nhà tù ở 9 nước từ Afghanistan, Iraq, Libya cho đến Pakistan. Thứ hai, tháng 8 cũng trùng hợp với nhiều vụ khủng bố đẫm máu trong quá khứ ở Ấn Độ, Nga và Indonesia.

Hôm 3/8, lãnh sự quán Ấn Độ ở miền Đông Afghanistan bị khủng bố bằng xe bom làm 9 người chết. Ngày 7/8 cũng là ngày ghi dấu 15 năm vụ sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania bị tấn công đồng loạt làm hơn 200 người chết mà đại đa số là dân bản địa.

Đáng nói hơn cả theo Interpol, cuộc tấn công khủng bố được dự kiến vào đêm 4/8, khi người Hồi giáo ăn mừng Đêm quyền lực và tiền định - đêm quan trọng nhất của lễ hội Ramadan.

Một tín hiệu khác làm tăng thêm lo ngại là trong thông điệp ghi âm công bố hôm 4/8, lãnh đạo Al-Qaeda quốc tế Ayman al-Zawahiri, người kế vị Bin Laden, tố cáo Mỹ đã âm mưu với quân đội Ai Cập và cộng đồng Thiên chúa giáo Copte, lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mahamed Morsi hồi đầu tháng 7.

Quyết định đóng cửa nhiều cơ sở đại diện ngoại giao của Tổng thống Obama lần này đã nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng trong quốc hội Mỹ. Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, dân biểu Michael McCaul của đảng Cộng hòa nói, trong tình hình cảnh báo cao độ hiện thời, việc chính quyền yêu cầu đóng cửa các đại sứ quán thực ra là một quyết định rất sáng suốt.

Ông McCaul cho rằng, các biện pháp của Mỹ có thể khiến các phần tử khủng bố nghĩ lại về các kế hoạch của chúng. Theo ông McCaul, khi để cho các phần tử khủng bố biết những vì mình biết, nghĩa là đặt vấn đề thẳng thừng với bọn chúng, thì thường là chúng sẽ chùn bước.

Dân biểu Peter King, cũng thuộc đảng Cộng hòa, và là thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho rằng các biện pháp của chính quyền ắt sẽ gạt bỏ mọi khái niệm cho rằng mối đe dọa do Al-Qaeda đề ra đã không còn nữa. Dân biểu King nói: “Đây là một lời cảnh tỉnh  về nhiều mặt, Al-Qaeda còn ở thế mạnh hơn so với trước sự kiện 11/9. Tổ chức này đã biến thể và lan tràn và có thể tấn công chúng ta từ nhiều hướng. Và Al-Qaeda ở bán đảo Arập có lẽ nguy hiểm nhất trong các chi nhánh của Al-Qaeda”.

Ông King phát biểu như thế trong chương trình This Week của Đài Truyền hình ABC. Cũng xuất hiện trong chương trình này là một thành viên có hạng của đảng Dân chủ, dân biểu Dutch Ruppersberger. Ông nói rằng, không nên để xảy ra một vụ khủng khiếp khác như vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya. Theo ông Ruppersberger, những gì xảy ra ở Benghazi “là một sự bất hạnh và chúng ta cần phải học hỏi từ những diễn biến như thế và bảo đảm rằng ưu tiên cao nhất của chúng ta sẽ là bảo vệ người Mỹ.

Cựu Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Michael Chertoff đưa ra nhận định: khả năng của nước Mỹ theo dõi thông tin liên lạc toàn cầu là một công cụ vô giá trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo ông Chertoff, khi nghe những kẻ xấu nói về các ý đồ của chúng, điều khó khăn là nó không cụ thể. Bọn chúng chưa nói về một mục tiêu nào nhất định, hay một địa điểm nào chắc chắn. Ðó chính là lý do vì sao ta phải có một cảnh báo rộng lớn. Trong khi tập trung vào các hoạt động của Al-Qaeda ở nước ngoài, các giới chức Mỹ còn xem xét những manh mối về hoạt động khủng bố trong nuớc có thể xảy ra có liên quan đến mối đe dọa hiện thời.

Tuy nhiên, một số dư luận cho rằng, báo động an ninh chỉ vô tình giúp tăng thêm uy tín của Al-Qaeda. Qais Mohammed, một kỹ sư ở Baghdad (Iraq), nói: "Việc đóng cửa các tòa đại sứ Mỹ gửi đến thế giới một thông điệp sai lầm, rằng tổ chức khủng bố Al-Qaeda vẫn còn mạnh”

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.