Các nước giàu đang quay lưng với người nghèo?

Thứ Tư, 10/12/2008, 17:30
Hội nghị Liên Hiệp Quốc về tài trợ phát triển kết thúc mà không thu được bất cứ kết quả cụ thể gì ngoài lời hứa của một nguyên thủ quốc gia duy nhất thuộc nhóm các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới tới tham dự. Giới phân tích cảnh báo, cuộc khủng hoảng tài chính có thể sẽ gây thảm họa nhân đạo nếu việc tài trợ phát triển thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ không được đảm bảo.

Giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng mạnh tới hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước giàu, từ ngày 29/11 đến 2/12, một hội nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) về tài trợ phát triển đã diễn ra tại Doha, Qatar, nhằm đánh giá lại việc thực hiện những mục tiêu thiên niên kỷ dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hội nghị kết thúc mà không thu được bất cứ kết quả cụ thể gì ngoài lời hứa của một nguyên thủ quốc gia duy nhất thuộc nhóm các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới tới tham dự. Giới phân tích cảnh báo, cuộc khủng hoảng tài chính có thể sẽ gây thảm họa nhân đạo nếu việc tài trợ phát triển thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ không được đảm bảo.

Xin lỗi tôi không thể giúp!

Thông thường những hội nghị như thế này sẽ bao gồm các nước giàu, đại diện cho phía những người "tài trợ", và các nước nghèo và đang phát triển, tức các nước nhận tài trợ. Tuy nhiên, trong hội nghị lần này, đại diện các nước giàu gần như chẳng có ai mà chỉ có duy nhất một nguyên thủ quốc gia là Tổng thống Pháp Sarkozy cùng vài đại diện của nhóm G8 và G20.

Thậm chí, cả lãnh đạo một số tổ chức tài chính quốc tế lớn nhất như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng không có mặt. Trong khi, phía những người cần được trợ giúp lại rất đông.

Cái lý mà ai cũng hiểu được các nước thuộc nhóm G8 và G20 đưa ra để giải thích cho sự vắng mặt của họ tại hội nghị này là: xin lỗi tôi không thể giúp anh trong khi tôi đang gặp khủng hoảng về tài chính. Tuy nhiên, trách nhiệm hô hào việc giữ lời hứa thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ vẫn được làm tròn.

Với cương vị Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cam kết rằng EU sẽ vẫn hỗ trợ cho các nước nghèo, nhất là các quốc gia châu Phi, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay: "Ngay cả khi tất cả chúng tôi đều phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp như kinh tế suy giảm, nạn thất nghiệp gia tăng... thì chúng tôi vẫn sẽ không "hy sinh" những mục tiêu thiên niên kỷ. Tôi đến đây để khẳng định rằng việc phát triển của các bạn không thể bị bỏ rơi vì cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay".

Tổng thống Pháp cũng cho biết, EU đã chi 61 tỉ USD cho tài trợ phát triển chính thức (ODA) trong năm 2007 (chiếm 60% tổng vốn ODA toàn cầu), vẫn sẽ tiếp tục bỏ ra 0,7% tổng sản phẩm nội địa của toàn khối để hỗ trợ các nước nghèo.

Ông Sarkozy cho rằng những cố gắng khắc phục về lâu dài cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay không thể tách rời việc viện trợ phát triển cho các nước nghèo cũng như cuộc chiến chống lại sự nóng dần lên của trái đất. Nói trắng ra, những khó khăn của nền kinh tế thế giới không thể là cái cớ để xem xét lại cuộc chiến chống đói nghèo và vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu.

Đồng tình với quan điểm này, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh: "Khủng hoảng tài chính không phải là cuộc khủng hoảng duy nhất chúng ta đang phải đối mặt. Một cuộc khủng hoảng về tiến trình phát triển, về sự gia tăng thay đổi khí hậu trái đất cũng đang rất cần được giải quyết. Những vấn đề này không thể tách rời mà phải được giải quyết đồng bộ".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso, khẳng định thật là không đúng khi tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính thế giới mà không tính đến cuộc "khủng hoảng về nhân đạo". Vấn đề ở đây không phải là giải cứu các hệ thống tài chính mà là giải cứu con người.

Ông Barroso nhấn mạnh việc cần thiết phải thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ: "Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là các nước giàu cần giữ lời hứa. 1,4 tỉ người trên thế giới hiện sống với mức dưới 1,25USD/ngày". EU vừa thông qua một chương trình viện trợ lương thực trị giá 1 tỉ euro, nâng tổng số tiền viện trợ cho các nước đang phát triển lên đến 1,8 tỉ euro chống lại cuộc khủng hoảng lương thực.

Các tổ chức nhân đạo cho rằng, sự thiếu vắng của quá nhiều đại diện các quốc gia phát triển đã làm cho hội nghị này thất bại. Ariane Arpa, Trưởng phái đoàn của Tổ chức nhân đạo Oxfam quốc tế tỏ ra thất vọng trước sự vắng mặt của nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia giàu có.

Các chuyên gia dự báo nếu trong thời gian tới các quốc gia không nâng khoản tiền viện trợ phát triển thì mục tiêu thiên niên kỷ sẽ không bao giờ thực hiện đúng lộ trình.

Theo một báo cáo mới đây của các chuyên gia kinh tế châu Âu, hiện nay cần khoảng 35 tỉ USD mỗi năm thì lộ trình thực hiện các mục tiêu cam kết đến năm 2015 của LHQ mới được đảm bảo.

Mục tiêu vẫn chỉ là mục tiêu?

Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là 8 mục tiêu được 189 quốc gia thành viên LHQ nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015. Những mục tiêu này được ghi trong bản tuyên ngôn thiên niên kỷ của LHQ tại Hội nghị Thượng đỉnh thiên niên kỷ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/9/2000 tại trụ sở của LHQ ở New York, Mỹ.

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của LHQ là triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2015, giảm một nửa tỉ lệ người có thu nhập dưới 1 USD/ngày. Trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2015, giảm một nửa tỉ lệ người bị thiếu ăn. Tạo việc làm thích hợp và hữu ích cho tất cả mọi người bao gồm cả phụ nữ và thanh niên.

Theo báo cáo của LHQ, tính đến thời điểm này các quốc gia phát triển đã cam kết giải ngân gần 20 tỉ USD cho viện trợ phát triển trên tổng số 50 tỉ USD mà các nước này cam kết giải ngân trước năm 2010.

Sự thất bại tại hội nghị lần này đã khiến một số quốc gia tới tham dự phải tuyên bố rằng, cần chấm dứt sự chi phối của Mỹ đối với hệ thống tài chính quốc tế và bày tỏ mong muốn xuất hiện của một trật tự thế giới mới cho phép các quốc gia lập ra những chính sách kinh tế tương thích để kích thích sự phát triển thay vì cứ phải chìa tay xin viện trợ từ các nước giàu

Nguyễn Bảo (Tổng hợp)
.
.