Các nước lớn với đường hướng chiến lược của Trung Quốc

Thứ Năm, 07/11/2019, 12:51
Kết thúc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIX tại Bắc Kinh ngày 31-10, các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua văn kiện trong đó nhấn mạnh mục tiêu kiên trì chế độ xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hệ thống quản trị quốc gia và hiện đại hóa năng lực quản lý.

Hội nghị diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang phải đối phó với nhiều tình huống phức tạp. Mỹ và các nước phương Tây theo dõi sát sao hội nghị này. Cuộc chiến giữa các cường quốc dường như cũng chỉ mới bắt đầu.

Hiện đại hóa năng lực quản lý và hệ thống quản trị quốc gia

Hội nghị toàn thể lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 28 đến ngày 31 tháng 10. Tham dự hội nghị lần này có 202 ủy viên trung ương, 169 ủy viên trung ương dự khuyết. Chủ đề chính thức của hội nghị là cách thức “hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị của Trung Quốc”. An ninh quanh khu vực hội nghị được siết chặt khi cảnh sát chặn hết các lối đi và kiểm soát những người qua lại. Truyền thông nước ngoài và nhiều nhà báo Trung Quốc cũng không được tiếp cận.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, Hội nghị Trung ương 4 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX vừa bế mạc là hội nghị quan trọng được tổ chức trong năm kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Hội nghị đã thông qua “Quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề quan trọng như kiên trì và hoàn thiện chế độ chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản lý điều hành và năng lực điều hành nhà nước”, qua đó khẳng định thành tựu lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc điều hành đất nước, tổng kết toàn diện ưu thế rõ rệt của thể chế nhà nước và hệ thống điều hành nhà nước...

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị. Ảnh: Xinhuanet.

Hệ thống quản lý điều hành và năng lực điều hành nhà nước là sự thể hiện tập trung của chế độ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và năng lực điều hành chế độ đó. Qua 70 năm kể từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo nhân dân tạo ra thành tựu lớn về phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Những thành tựu to lớn mà Trung Quốc đạt được đã chứng minh rằng chế độ chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc và hệ thống quản lý điều hành nhà nước là chế độ và hệ thống quản lý điều hành do chủ nghĩa Mác dẫn dắt, mang đậm dấu ấn văn hóa Trung Hoa.

Tờ Nhân dân nhật báo thì chỉ rõ: Để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược này, Hội nghị Bộ Chính trị chỉ rõ mục tiêu tổng thể được chia thành 3 giai đoạn: Đến thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (2021), các mặt thể chế càng trở nên chín muồi, định hình và thu được hiệu quả cao; Đến năm 2035, các mặt thể chế càng hoàn thiện, cơ bản thực hiện được hệ thống quản lý đất nước và hiện đại hóa năng lực quản lý.

Đến thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước (2049), thực hiện toàn diện hệ thống quản lý đất nước và hiện đại hóa năng lực quản lý, khiến chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc càng được củng cố và thể hiện hết mức tính ưu việt.

Phương Tây "dè chừng" sự thần tốc của Trung Quốc

Cuối hội nghị, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã tuyên bố Trung Quốc sẽ triển khai các bước đi mới để “bảo vệ an ninh quốc gia” tại một số khu vực và bàn những vấn đề liên quan tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như sự suy giảm rõ rệt trong tăng trưởng kinh tế. Có thể thấy rõ, Trung Quốc đã ý thức rất rõ cả nguy cơ, thách thức và những cơ hội có thể đạt được.

Nhìn lại chặng đường mà Trung Quốc đã trải qua mấy chục năm qua thấy rõ, lần đầu tiên trong lịch sử gần đây, một nước nghèo và kém phát triển, chỉ trong một thời gian ngắn đã vươn lên vị thế của một siêu cường kinh tế ảnh hưởng lớn đến các sự kiện thế giới. Như Napoleon Bonaparte đã từng tiên đoán: "Trung Quốc là một người khổng lồ đang ngủ. Khi gã thức dậy, cả thế giới sẽ rung chuyển".

Vào đầu cuộc cách mạng Trung Quốc, năm 1949, Trung Quốc là một trong những nước nghèo và lạc hậu nhất thế giới. Phần lớn người Trung Quốc làm nông nghiệp (chủ yếu là nền nông nghiệp sơ khai). Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) bình quân đầu người chỉ bằng 1/2 GNP của châu Phi và bằng 1/6 của Mỹ Latinh. Để bối cảnh toàn cầu đầy bất lợi trở thành một cơ hội đối với đất nước, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công nghệ một cách nhanh chóng là điều cần thiết.

So với Tây Âu, tiến trình công nghiệp hóa của Trung Quốc phát triển nhanh gấp 4 lần, với dân số đông gấp 5 lần. Cách đây 70 năm, nền kinh tế Trung Quốc nhỏ nhoi trên phạm vi thế giới nhưng đến năm 2014, Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới (tính theo sức mua tương đương - PPP) và cũng trở thành cường quốc xuất khẩu lớn nhất thế giới. Giờ đây, 35 thành phố của Trung Quốc có GNP tương đương với GNP của các nước như Na Uy, Thụy Sĩ hay Angola. Trong khi đó, GNP của Trung Quốc cao hơn GNP của 154 nước cộng lại.

Riêng trong năm 2011-2012, lượng xi măng mà Trung Quốc sản xuất nhiều hơn số lượng xi măng của Mỹ trong cả thế kỷ XX. Trung Quốc xây dựng mới 10 sân bay mỗi năm và có mạng lưới đường cao tốc và đường sắt cao tốc lớn nhất. Hiện tại, chỉ trong 6 giờ, lượng hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu nhiều bằng lượng hàng hóa mà họ xuất khẩu trong cả năm 1978. Mới đây nhất, cường quốc kinh tế số 2 thế giới đã nhảy 14 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB). Chìa khóa tạo nên xu hướng này là chương trình cải cách quyết liệt của Bắc Kinh.

Theo WB, trong khoảng thời gian từ 2016-2018, Trung Quốc đã ban hành 6 cải cách với mục đích mở cửa thị trường. Đáng chú ý, chỉ riêng năm 2019, Trung Quốc đã ban hành 7 cải cách. Điều này cho thấy sự quyết tâm tuân thủ các quy định mà nước này đã tham gia.

Trung Quốc gây ngạc nhiên không chỉ do sự phát triển về mặt định lượng. Cả về mặt định tính, nền kinh tế Trung Quốc cũng có những bước nhảy vọt mạnh mẽ, điển hình là sự phát triển công nghệ. Trong thập kỷ qua, các trường đại học Trung Quốc đã đào tạo được hàng triệu kỹ sư và kỹ thuật viên. Nếu cách đây không lâu, Trung Quốc vẫn bị coi là nước "bắt chước công nghệ" thì giờ đây, họ đã khẳng định mình trong lĩnh vực phát minh. Trung Quốc hiện có siêu máy tính nhanh nhất thế giới và đang xây dựng trung tâm nghiên cứu tiên tiến nhất thế giới nhằm phát triển các máy tính lượng tử.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được những kết quả ấn tượng trong việc chế tạo tên lửa siêu thanh, tiến hành những thử nghiệm về liệu pháp gen, chế tạo vệ tinh lượng tử và - có lẽ quan trọng hơn - nước này đã đạt được những thành công trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Những thành tựu chung của Trung Quốc giúp nước này trở thành một trong những nước giảm nghèo thành công nhất trong lịch sử thế giới. Năm 1949, vào thời gian đầu cuộc cách mạng Trung Quốc, tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc là 35 tuổi. 30 năm sau, tuổi thọ của họ đã tăng gần gấp đôi: 68 tuổi. Hiện tại, tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc là 76 tuổi. Từ năm 1978 đến năm 2018, ở Trung Quốc, số người dân thoát khỏi cuộc sống nghèo đói đạt mức kỷ lục: 770 triệu người, tương đương với tổng dân số của châu Phi.

Nhiều tiến bộ khoa học được ứng dụng tại các vùng nông thôn giúp hàng trăm triệu người thoát nghèo. Ảnh: Newtalk.

Dự kiến, với tốc độ phát triển như hiện tại, tình trạng nghèo đói cùng cực ở Trung Quốc sẽ được xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2020. Cựu Chủ tịch WB Robert Zoellick từng tuyên bố: "Trung Quốc đã thực hiện được bước nhảy vọt lớn nhất trong lịch sử trong cuộc chiến chống đói nghèo. Những nỗ lực của Trung Quốc đã giúp các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc trong cuộc chiến chống đói nghèo có thể được hoàn thành. Chúng tôi và thế giới có thể học hỏi được nhiều điều từ Trung Quốc".

Sau câu chuyện thành công của Trung Quốc thì vẫn còn đó những mảng tối của bức tranh xã hội. Sự gia tăng năng suất trong ngành công nghiệp và ngành dịch vụ nhanh hơn so với ngành nông nghiệp, gây ra khoảng cách giữa thành phố và nông thôn, giữa khu vực nghèo khó và khu vực giàu có.

Không chỉ thế, kể từ cuối những năm 1980, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển gây ô nhiễm môi trường ở mức độ khủng khiếp. Là "công xưởng của thế giới", Trung Quốc là một trong những quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất hành tinh. Ngoài ra, chính sách một con cũng gây ra hiện tượng thừa nam giới, từ đó "đẻ" ra không ít hậu quả xã hội...

Nước Mỹ không muốn ngồi chờ Trung Quốc lớn mạnh

Sự tiến triển nói trên của Trung Quốc rõ ràng đã làm Washington lo ngại. Nước Mỹ lo ngại Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ về mặt kinh tế. Và khi ấy, rất có thể sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như mối đe dọa của một cuộc "chiến tranh nóng".

Trong các cuộc thảo luận về ngân sách cho năm 2019, Quốc hội Mỹ tuyên bố rằng "cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc là một ưu tiên của Mỹ". Điều này không chỉ liên quan tới khía cạnh kinh tế mà còn liên quan tới một chiến lược tổng thể trên nhiều mặt trận, với mục tiêu duy trì sự thống trị trong 3 lĩnh vực: công nghệ, công nghiệp và vũ khí.

Tổng thống Mỹ  Donald Trump tìm cách thiết lập lại hoàn toàn các mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước tiên, mục tiêu mà ông Trump nhắm đến là các lĩnh vực chiến lược nhằm cản trở sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, trong đó sự phát triển của mạng công nghệ 5G đóng vai trò mấu chốt. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà Tập đoàn Huawei, vốn đi đầu trong việc phát triển công nghệ 5G, đã rơi vào tầm ngắm của Mỹ.

Ông Trump đang tìm cách lôi kéo các nước khác vào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hoặc bằng cách thúc đẩy họ ký kết những điều khoản trong các hiệp ước thương mại, hoặc đơn giản là khiến họ phải chịu sức ép. Mục tiêu của ông Trump là xây dựng một kiểu "bức màn sắt kinh tế" vây quanh Trung Quốc.

Về chiến lược quân sự của Mỹ cũng phát triển theo hướng cạnh tranh trực tiếp với Nga và Trung Quốc. Chiến lược quân sự của Mỹ nhằm vào Trung Quốc gồm 2 hướng: tiến hành cuộc chạy đua vũ trang và bao vây Trung Quốc. Hằng năm, Mỹ chi 650 tỷ USD cho hoạt động mua sắm vũ khí, chiếm hơn 1/3 tổng chi phí mua sắm vũ khí của thế giới, nhiều gấp 2,6 lần so với Trung Quốc.

Mỹ cũng chi cho hoạt động nghiên cứu quân sự nhiều gấp 5 lần so với Trung Quốc. Lầu Năm Góc đang ráo riết nghiên cứu để cho ra đời một thế hệ vũ khí mới hết sức tinh vi, các máy bay không người lái và các loại robot có khả năng vượt trội.

Không chỉ vậy, Mỹ quyết tâm bao vây Trung Quốc trong khi Trung Quốc quyết "chọc thủng" sự bao vây này để tạo ảnh hưởng của mình với thế giới và khu vực. Sự giằng co giữa Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng hơn bao giờ hết. Hội nghị vừa diễn ra chắc chắc đã giành không ít thời lượng cho việc bàn bạc làm sao để thoát ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và hoàn tất thỏa thuận sơ bộ vào tháng tới với Mỹ nhằm giải quyết một vài trong số các vấn đề nan giải hơn.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, tới đây hai bên sẽ đạt được thỏa thuận do có sự ủng hộ của Trung ương Đảng để ký được một thỏa thuận với Mỹ thông qua việc áp dụng một số nhượng bộ liên quan đến việc mở cửa thị trường theo hướng đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và dĩ nhiên là cả việc giảm bớt trợ cấp cho một số doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung chưa biết bao giờ sẽ kết thúc những căng thẳng, tranh chấp mà châu Á và thế giới đang chứng kiến không chỉ là một chuỗi các vấn đề độc lập mà là dấu hiệu của sự thay đổi lớn hơn. Liệu rằng có phải những căng thẳng là sự tổn thương ngày càng gia tăng của một trật tự thế giới mới khi địa vị siêu cường của Mỹ đang bị thử thách bởi sức mạnh toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc và nơi mà cuộc cách mạng kỹ thuật số đang thay đổi mọi toan tính của con người? Phải chăng chúng ta không nhìn thấy ranh giới của khuôn khổ mà chúng ta đều quen bị đẩy đến giới hạn của chúng?

Hoa Huyền
.
.