Các thỏa thuận của Tổng thống Obama với Cuba tới đây có bị chấm dứt?

Thứ Năm, 01/12/2016, 17:20
Chỉ vài ngày sau khi lãnh tụ huyền thoại của Cuba Fidel Castro qua đời, Tổng thống đắc cử Mỹ đã viết trên Twitter: "Nếu Cuba không sẵn lòng tạo nên một thỏa thuận tốt hơn cho người dân Cuba, người Mỹ và nước Mỹ trên tổng thể, tôi sẽ chấm dứt thỏa thuận" (thỏa thuận tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa 2 nước đã có những bước đi đầu tiên đáng khích lệ trong nhiệm kỳ cuối của ông Obama).

Còn nhớ, trong chiến dịch vận động tranh cử hồi tháng 9, ông Trump từng đe dọa “sẽ đảo ngược các thỏa thuận của Tổng thống Barack Obama với Cuba bởi đây chỉ là thỏa thuận một phía".

Ngày 27-11 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus tuyên bố, để thỏa thuận về mối quan hệ với Cuba của chính quyền tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama được duy trì, chính quyền của ông Raul Castro sẽ phải "đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi", chẳng hạn như mở cửa thị trường kinh tế.

Cho đến nay, Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm vận kinh tế với Cuba và lệnh này cần được Quốc hội Mỹ thông qua mới có thể dỡ bỏ hoàn toàn. Trong khi đó, yêu sách chủ yếu của Cuba vẫn là “Washington phải bãi bỏ lệnh cấm vận phi lý và vô nhân đạo” gây những hậu quả nặng nề lên nền kinh tế của hòn đảo tự do. Cuba luôn cho rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt là điều cần thiết để ổn định mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Trong Thông điệp liên bang cuối cùng của mình, Tổng thống Obama cũng nhắc đến mong muốn của ông về việc lệnh cấm vận thương mại lâu đời của Mỹ đối với Cuba sẽ được chấm dứt trong nhiệm kỳ cuối cùng của ông ở Nhà Trắng. “50 năm cô lập Cuba đã thất bại trong việc thúc đẩy dân chủ, cản trở lợi ích của chúng ta tại khu vực Mỹ Latinh”, đồng thời ông thêm rằng “Cần thừa nhận Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt. Hãy dỡ bỏ lệnh cấm vận”.

Căn cứ hải quân của Mỹ ở vịnh Guantanamo. Ảnh: BBC.

Tuy nhiên, điều này nằm ngoài khả năng của ông Obama, bởi việc dỡ bỏ lệnh cấm vận từ trước tới nay vẫn vấp phải rào cản lớn nhất là Quốc hội Mỹ. Quốc hội được kiểm soát bởi phe Cộng hòa vốn phản đối thay đổi này vì vẫn xem Cuba là kẻ thù.

Mỹ và Cuba từ trước đến nay luôn luôn tồn tại những khác biệt về vấn đề nhân quyền và dân chủ. Mỹ nêu điều kiện rằng Cuba cần phải có những thay đổi và cải thiện rõ ràng trong vấn đề nhân quyền, chấm dứt cầm tù những người bất đồng chính kiến. Trong khi Cuba nói rằng quan điểm về nhân quyền của Havana là khác biệt so với Washington. Ngoài ra, Mỹ cũng muốn Cuba thay đổi hệ thống chính trị một đảng, tuy nhiên Cuba luôn khẳng định sẽ không chấp nhận đòi hỏi này.

“Chướng ngại” lớn thứ hai trong tiến trình bình thường hóa quan hệ 2 nước là căn cứ hải quân của Mỹ ở vịnh Guantanamo. Đây là trại giam giữ nghi can khủng bố nhiều tai tiếng, được Mỹ kiểm soát và đặt căn cứ quân sự từ hơn một thế kỷ qua. Mỹ luôn khẳng định quyền thuê vĩnh viễn khu vực này từ Cuba theo các hiệp ước Mỹ - Cuba năm 1903 và 1934, trong khi chính quyền Havana liên tục đòi Mỹ giao trả kể từ năm 1959, sau khi Cách mạng Cuba thành công, cho rằng các hiệp ước trên được thiết lập dựa trên sự đe dọa sử dụng vũ lực và vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong lĩnh vực văn hóa - truyền thông, Chủ tịch Cuba Raul Castro luôn chỉ trích mạnh mẽ các chương trình phát thanh của cộng đồng người Cuba lưu vong, được thực hiện với sự tài trợ của nhiều tổ chức tư nhân và cả Chính phủ Mỹ núp bóng. Ông khẳng định: đây là một trở ngại chính cho việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước.

Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì quan điểm rằng các chương trình này giúp cho người dân Cuba được cập nhật những thông tin và tin tức mà họ không có cơ hội tiếp cận do chính sách kiểm soát truyền thông chặt chẽ của chính quyền Cuba.

M.Q. (theo Reuters)
.
.