Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Học viện ANND:

Cán bộ An ninh phải rất nhân văn

Thứ Năm, 14/02/2013, 16:20

Thế giới đang thay đổi từng ngày với xu thế ngày càng gia tăng của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế dẫn đến sự thay đổi môi trường an ninh quốc tế, an ninh khu vực và an ninh quốc gia.
Là cái nôi đào tạo cán bộ an ninh lớn nhất, Học viện An ninh Nhân dân (ANND) đã có những chiến lược đào tạo như thế nào để thích ứng với tình hình mới? Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Học viện ANND đã dành cho phóng viên ANTG cuộc trao đổi về chủ đề này.

Phóng viên: Từng là cựu sinh viên rồi nay trở thành người đứng đầu Học viện ANND, ông hãy chia sẻ về tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ đào tạo các cán bộ an ninh mà Học viện đang phải đảm đương.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Ngọc: Học viện ANND là trường đầu tiên của Lực lượng, cũng là trường đầu tiên đào tạo đại học. Từ Học viện ANND, đến nay lực lượng Công an đã có hệ thống học viện, nhà trường đào tạo từ trung cấp tới đại học, sau đại học.

Đặc thù Lực lượng Công an là phải tự mình xây dựng lý luận, nhất là với lĩnh vực an ninh. Cảnh sát thì hội nhập nhanh vì phòng chống tội phạm hình sự, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế… đang là mối quan tâm chung của tất cả các nước. Nhưng với lĩnh vực an ninh thì lại khác, một người bị coi là tội phạm nguy hiểm ở nước này thì có thể lại là anh hùng của nước khác, khoa học nghiệp vụ an ninh là khoa học đặc thù, là bí mật của mỗi quốc gia. Thực tiễn của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia trong hơn 65 năm qua cho thấy kinh nghiệm về bảo vệ an ninh quốc gia phải do chính chúng ta xây dựng là chủ yếu, sứ mệnh xây dựng lý luận thuộc về Học viện.

Vai trò của nhà trường là cực kỳ quan trọng khi đào tạo ra đội ngũ nòng cốt, những người chuyên nghiệp làm công tác bảo vệ an ninh quốc gia. Vì vậy trong việc đào tạo phải đảm bảo được 3 yêu cầu: có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ và giỏi pháp luật.

Ngoài ra, người làm về an ninh phải có nền tảng về văn hóa và tấm lòng nhân hậu. Tính nhân văn rất cần trong con người cán bộ an ninh. Bởi một người chống đối về tư tưởng nghĩa là họ đã có quá trình diễn biến lâu dài trong tư tưởng và đến cái ngưỡng tiêu cực nào đó thì bung ra thành chống đối. Đấu tranh với những con người như vậy thì cũng giống như giải độc. Cán bộ an ninh là người giúp họ giải độc vì thay đổi về tư tưởng phải là tự giác. Quá trình tự giác ấy nhanh hay chậm là phụ thuộc người cán bộ an ninh phải dày công và đòi hỏi người cán bộ an ninh phải có trình độ cao, có lòng nhân ái, nhân văn.

- Thực tế tuyển sinh những năm qua ở Học viện ANND cho thấy, đã tuyển chọn được những sinh viên xuất sắc mà bằng chứng là điểm đầu vào của Học viện ANND luôn ở tốp cao so với các học viện, các trường đại học trong cả nước. Nhưng cũng thực tế cho thấy, công việc của các sĩ quan an ninh rất nặng nề, thậm chí cam go mà đời sống vật chất thì chưa phải thật tốt.

- Các em chọn thi vào Học viện ANND vì nhiều lý do. Có thể do cha mẹ hướng theo nghề, có thể vì mơ mộng vì nghĩ Công an là người "súng bắn hai tay" như trong phim trinh thám, cũng có em thi vào trường vì học ra có việc làm ngay.

Nhưng dù với động cơ gì thì để thi được vào trường, trải qua một kỳ thi rất khó như thế thì đều có một chút gì đó yêu nghề. Do đó Học viện phải có kế hoạch khơi dậy và bồi đắp lòng yêu nghề cho các em. Ngoài việc giáo dục truyền thống, trong suốt quá trình đào tạo, thông qua những hoạt động giảng dạy, sinh hoạt chính trị, phân tích cho các em trách nhiệm công dân, trách nhiệm và niềm tự hào của người theo cái nghề này từ đó xây dựng cho các em có lý tưởng, để khi ra trường các em có thể tự tin rằng mình chọn cái nghề này là đúng, yêu nghề hơn và chung thủy với nghề.

Hàng năm Học viện thường tổ chức cho sinh viên giao lưu với các thế hệ đi trước, những người từng là sinh viên của trường giờ thành đạt trong sự nghiệp. Chúng tôi đã tổ chức giao lưu với 10 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là cựu sinh viên của trường như Trung tướng Hoàng Kông Tư, Trung tướng Phạm Dũng, Trung tướng Phan Văn Vĩnh…; giao lưu với các đồng chí không chỉ là cán bộ cao cấp của lực lượng mà còn thành công ở nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật như Trung tướng, nhà văn Hữu Ước; Thiếu tướng, nhà thơ Khổng Minh Dụ với những câu chuyện rất đời thường…

Qua những câu chuyện kể từ những sĩ quan an ninh cao cấp ấy, các em tự tìm cho mình những cách rèn luyện, tìm thêm cho mình những điểm tựa tinh thần để thêm yêu ngành, yêu nghề, phấn đấu vươn lên để trưởng thành. Cũng qua đó, các em thấy con người an ninh không chỉ biết làm nghề một cách khô cứng mà cũng rất lãng mạn, nhân văn.

Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Văn Ngọc. Ảnh: Minh Trí.

Trong hàng vạn cựu sinh viên của Học viện, hiện có nhiều người rất thành đạt trong sự nghiệp. Từng là cựu sinh viên ở mái trường này, Thiếu tướng có thần tượng nào trong lĩnh vực an ninh để làm gương cho sinh viên học tập và nối tiếp truyền thống vẻ vang của Học viện ANND?

- Tôi vào lực lượng từ năm 1974, sau khi tốt nghiệp chỉ làm công tác đào tạo. Có ngày hôm nay là tôi học được rất nhiều từ những người ưu tú của ngành an ninh. Nhưng có 3 con người tôi ngưỡng mộ.

Đó là Dzerzhinsky, cha đẻ của ngành an ninh Liên Xô dưới thời Lênin lãnh đạo, đó là một huyền thoại. Là người đặt nền móng cả về lý luận và phong cách làm việc cho ngành an ninh, tình báo Xôviết. Đặc biệt tôi rất tâm đắc câu ông ấy đúc kết phẩm chất của người cán bộ an ninh, đó là: "Cán bộ an ninh phải có cái đầu lạnh, trái tim nóng và bàn tay sạch". Rất ngắn gọn, gần gũi nhưng phản ánh được hình mẫu để chúng ta đào tạo con người làm công tác an ninh.

Người thứ hai là cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Đó là con người như sinh ra để làm nghề Công an, sắc sảo, giỏi giang ở 2 phương diện: vừa tổ chức thực tiễn rất tài, vừa là nhà chiến lược. Đó là người có tầm nhìn chiến lược về đào tạo cán bộ. Ông đặc biệt chú ý tổng kết lý luận. Những lý luận về công tác Công an của ông cho đến nay vẫn mang tính thời sự, cơ bản, vừa xác định con người là yếu tố quyết định nhưng rất coi trọng kỹ thuật. Đến nay chúng ta thấy càng ngày khoa học kỹ thuật càng có vai trò quan trọng trong công tác an ninh, dù con người vẫn quyết định, nhưng không có kỹ thuật là không thể có thắng lợi.

Người thứ ba là Bộ trưởng Trần Đại Quang. Đó là con người trưởng thành từ người lính, đã trải qua nhiều cương vị công tác và đều trưởng thành; luôn bản lĩnh cao và trí tuệ. Tôi đặc biệt quý anh ấy ở tình cảm gần gũi, bao dung, có trước có sau, là một tấm gương sáng trong hoạt động khoa học và học tập nâng cao trình độ. Bộ trưởng cũng là người rất tâm huyết với việc xây dựng hệ thống lý luận nghiệp vụ Công an.

Vừa rồi Bộ trưởng quyết định thành lập Hội đồng lý luận Công an nhân dân, đây là bước đột phá về tư duy, coi trọng trí tuệ, tạo điều kiện tiền đề phát triển lý luận của ngành lên một tầm cao mới.

- Sự thay đổi môi trường trong nước và quốc tế đã đưa đến những nguy cơ, thách thức mới đối với an ninh quốc gia, các yếu tố an ninh phi truyền thống đang nổi lên và diễn biến phức tạp. Là một cơ sở giáo dục, nghiên cứu khoa học trọng điểm của lực lượng CAND, Học viện ANND đã có chiến lược giáo dục như thế nào để đào tạo được các sỹ quan an ninh có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới?

- Thế giới đang thay đổi rất nhanh, thay đổi lớn nhất là tương quan lực lượng thế giới ngày nay không phân tuyến thuần túy được nữa, các quốc gia vừa hợp tác vừa đấu tranh. Vì vậy nhà trường xác định trong công tác đào tạo phải cho sinh viên thấy được bức tranh chính trị thế giới đã thay đổi lớn, phức tạp, khó lường hơn. Vì vậy tư duy chính trị cũng phải uyển chuyển theo. Uyển chuyển không phải là xu thời mà để thích ứng với cuộc đấu tranh mới phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Vấn đề thứ hai là lợi ích quốc gia là vấn đề cũng phải tư duy lại. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích quốc gia lên. Trước kia có thể khô cứng chỉ biết làm nhiệm vụ chính trị thôi, nhưng bây giờ phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị và lợi ích quốc gia. Phải uyển chuyển là như vậy. Nghề an ninh là nghề xử lý tình huống, nó uyển chuyển lắm chứ không thể máy móc, khô cứng được. Nhưng uyển chuyển gì thì cũng phải bám "trục" rất quan trọng là sự sống còn của chế độ và lợi ích quốc gia, không được xa rời, chứ uyển chuyển mà mất nguyên tắc là bị hòa tan ngay, chịu sự đô hộ ngay. Đó là đô hộ về văn hóa, về kinh tế bởi thời đại ngày nay là biên giới mềm, sự xâm lăng về kinh tế, về văn hóa nó diễn ra âm thầm nhưng rất khốc liệt. 

Chúng tôi dạy sinh viên kỹ năng đánh giá và phân tích tình hình. Tình hình rất phức tạp và chuyển rất nhanh. Cho nên việc đánh giá phải hết sức khoa học và tỉnh táo. Nên kỹ năng phân tích phải có. Để sinh viên không lạc hậu với tình hình, chúng tôi mời giáo viên thực tế từ các đơn vị vào, giáo viên của trường ra các đơn vị nghiệp vụ tiếp cận với công việc để trải nghiệm sau đó đưa vào giáo án dạy sinh viên. Tăng cường cho sinh viên đi thực tế, thực tập.

Trong bối cảnh khoa học, công nghệ thay đổi mạnh mẽ, các thế lực thù địch đang lợi dụng khoa học kỹ thuật vào chống phá cách mạng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ an ninh, Học viện cũng rất chú ý trang bị cho học viên những kiến thức về khoa học, công nghệ liên quan trực tiếp đến nghề để học viên ra trường có thể sử dụng vào công tác của mình.

Vấn đề thứ 3 là ngoại ngữ. Thế giới ngày nay là thế giới phẳng rồi, toàn cầu hóa rồi, cán bộ an ninh không thể đứng ngoài cuộc được. Chúng tôi đã xây dựng chuẩn ngoại ngữ đầu ra và bắt buộc sinh viên phải đạt được.

 Trong công tác đào tạo hiện nay, tất cả những cái cơ bản, kinh điển thì nằm trong chương trình chính khóa. Những kiến thức cơ bản chỉ có cải tiến tốt hơn chứ không cắt bỏ. Còn nâng cao thì ở chương trình ngoại khóa, để làm sao khi ra trường, các học viên Học viện An ninh có thể bắt nhịp ngay với những nhiệm vụ quan trọng và phức tạp của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia đang đặt ra.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thiếu tướng

Đặng Huyền - Nguyễn Thiêm (thực hiện)
.
.