Cần chấm dứt “cơn ác mộng Syria”!

Thứ Tư, 28/09/2016, 14:45
Đó là lời kêu gọi được Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon đưa ra trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ sau khi lệnh ngừng bắn ở Syria bị phá vỡ. Không một tuyên bố, không một lộ trình, không một giải pháp nào được đưa ra sau cuộc họp này ngoài những tranh cãi, đổ lỗi cho nhau. Cơn ác mộng Syria xem ra còn lâu mới chấm dứt như lời kêu cứu của ông Ban.

Tối 26-9 (theo giờ VN), tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Samantha Power tuyên bố Nga sử dụng đặc quyền của mình (tức ghế thành viên thường trực HĐBA LHQ) để gây ra cuộc “tắm máu” tại Syria. Theo đại diện ngoại giao Mỹ, Nga không theo đuổi hòa bình mà vẫn “ngày đêm không kích giết hại dân thường”.

Hòa điệu với đại diện Mỹ, Đại sứ Anh Matthew Rycroft nói: “Rất khó để phủ nhận Nga đang hợp tác với chính quyền Syria để thực hiện tội ác chiến tranh”. Rycroft còn mô tả Syria là “địa ngục mới khi cáo buộc Nga đã sử dụng bom xuyên phá boongke và các vũ khí tinh vi trong những cuộc không kích vào khu dân cư.

“Thay vì theo đuổi hòa bình, Nga và Assad gây ra chiến tranh. Những gì người Nga đang làm không phải là chống khủng bố. Đó là sự man rợ”, Đại sứ Mỹ Samantha Power tuyên bố. Tuy nhiên, bà Samantha Power không đả động gì tới trách nhiệm của Mỹ khi vô cớ ném bom làm thiệt mạng 62 binh sĩ Syria cũng như hàng trăm vụ vi phạm ngưng bắn từ phiến quân, khiến quân đội Syria buộc phải chấm dứt lệnh ngưng bắn.

Đại sứ Mỹ và Nga tranh luận dữ dội ở Hội đồng Bảo an LHQ ngày 26-9.

Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin, cũng giống như quan điểm của Ngoại trưởng Lavrov trước đó, cho rằng không có ngưng bắn hay hòa bình nào cho Syria nếu như Mỹ không thể hoặc không muốn kiểm soát các lực lượng phiến quân thánh chiến và nổi dậy. Vitaly Churkin nói: “Có hàng trăm nhóm phiến quân vũ trang ở Syria. Không kiểm soát được chúng hoặc không tiêu diệt được thì đừng nói tới hòa bình”.

Cuộc họp của HĐBA LHQ không chỉ chứng kiến sự căng thẳng giữa Nga và Mỹ mà còn giữa các nước thành viên còn lại. Đại sứ các nước Mỹ, Anh, Pháp thậm chí đã bỏ ra khỏi phòng họp khi Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Jaafari bắt đầu có bài phát biểu tại phiên họp.

Trong khi đó, từ sau khi lệnh ngừng bắn bị phá vỡ do phe phiến loạn vi phạm nhiều lần (theo tố cáo của chính quyền Damascus), tình hình chiến sự ở thành phố Aleppo, Syria mấy ngày qua được cho là nghiêm trọng hơn cả khoảng thời gian trước lệnh ngừng bắn. Chỉ riêng thành phố này trong hai ngày cuối tuần qua đã hứng chịu 200 cuộc không kích khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.

Hôm 26-9, phiến quân Syria tuyên bố tái chiếm khu trại tị nạn Handarat (thuộc Aleppo), chỉ sau khi thất thủ chưa đầy 48 giờ đồng hồ. Phía dân quân Palestine Liwa al-Quds cũng thừa nhận phải rút lui do phiến quân tổ chức phản công quy mô lớn. Trước đó, báo chí Trung Đông cho biết ngày 24-9, lực lượng dân quân Palestine tình nguyện (Liwa al-Quds) được sự yểm trợ của quân đội Syria đã tái chiếm thành công khu vực Trại tị nạn Handarat.

Với mục tiêu ban đầu là giảm căng thẳng tại Aleppo, nhưng phiên họp của HĐBA LHQ tối 26-9 kết thúc mà không đạt được bất cứ kết quả cụ thể nào. Điều mà dư luận lo ngại nhất hiện nay đó là Nga và Mỹ sẽ bắt đầu một chiến dịch hậu thuẫn mạnh cho các bên đối lập trong cuộc xung đột tại Syria thay vì tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Các vụ tấn công mới tại Aleppo, với tuyên bố của Chính phủ Syria có kế hoạch kiểm soát lại tất cả các vùng lãnh thổ bị mất là dấu hiệu cho thấy một trận chiến quyết liệt hơn sẽ diễn ra tại Syria trong thời gian tới.

“Còn những ai có ảnh hưởng mà lại cho phép cái ác này tiếp diễn? Tôi kêu gọi tất cả các bên hữu quan hãy nỗ lực làm việc nhiều hơn để kết thúc cơn ác mộng” - Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố tại cuộc họp của HĐBA LHQ. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế thống nhất cùng nhau để gửi thông điệp rõ ràng rằng sẽ không chấp nhận việc sử dụng bừa bãi các loại vũ khí có công suất mạnh gây thương vong nhiều hơn chống lại dân thường.

Trước đó tại Hội nghị cấp bộ trưởng của HĐBA LHQ ngày 21-9, ông Ban nói rằng, lãnh đạo các quốc gia hàng đầu trên thế giới phải lấy làm hổ thẹn về bi kịch lớn đang diễn ra tại Syria. “Mỗi quốc gia của HĐBA đều phải chịu trách nhiệm về xu hướng phân rã quan điểm trong cộng đồng quốc tế” - ông Ban Ki-moon khẳng định. Nếu trước đây LHQ ước tính số người thiệt mạng trong cuộc chiến Syria vào khoảng 250.000, thì bây giờ theo báo cáo mới nhất từ các tổ chức quốc tế, con số đó đã vượt xa mốc 300.000.

Tổng Thư ký LHQ kêu gọi chấm dứt “cơn ác mộng Syria”.

Theo lời Tổng Thư ký LHQ, trong tình hình phức tạp hiện nay, nhiều người dân Syria lo ngại rằng, đất nước họ sẽ bị chia năm xẻ bảy, IS và các tổ chức khủng bố khác sẽ lợi dụng điều đó để hoành hành mạnh hơn nữa.

“Đã đến lúc phải thay đổi triệt để tình hình. Tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy nỗ lực sử dụng ảnh hưởng của mình tác động đến việc tái lập tình trạng ngừng bắn, bảo đảm nguồn cung cấp viện trợ nhân đạo, hỗ trợ LHQ vạch ra và thực hiện các giải pháp thương thuyết hiệu quả nhất để giúp người dân Syria thoát khỏi cảnh địa ngục trần gian” - ông Ban Ki-moon nói với thành viên HĐBA và yêu cầu họ dành ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 26-9 thừa nhận Mỹ không có kế hoạch B để triển khai trong trường hợp đàm phán hòa bình cho Syria thất bại. Phó phát ngôn bộ này, ông Mark Toner cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ: “Chẳng có kế hoạch B nào cả. Cho đến nay chúng ta chỉ công nhận duy nhất Thỏa thuận Geneva và chú tâm hiện thực hóa thỏa thuận này, đồng thời thúc đẩy quá trình ngoại giao như là con đường tốt nhất để đạt tiến bộ trong vấn đề giải quyết xung đột ở Syria”.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố là Nga chẳng trông chờ gì vào cái gọi là “kế hoạch B” ấy cả. Phía Nga khẳng định rằng cần có cách tiếp cận khác trong vấn đề ổn định tình hình ở Syria, vì cuộc khủng hoảng này không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự. “Ngoại trưởng (Mỹ) John Kerry cũng thừa hiểu điều đó” - ông Lavrov nói trong cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ở New York.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.