Cần đối xử với sông Mekong theo thông lệ quốc tế

Thứ Sáu, 19/06/2009, 06:15
Sau khi Chuyên đề ANTG đề cập đến vấn đề liên quan đến khai thác tài nguyên ồ ạt nơi thượng nguồn sông Mekong gây ảnh hưởng tới hàng loạt các quốc gia vùng hạ lưu, trong đó có Việt Nam, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi. ANTG tiếp tục đi sâu hơn trong vấn đề này.

Mekong phải là dòng sông quốc tế

Sông Mekong là một trong những con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra biển Đông ở Việt Nam. Tính theo độ dài thì đây là con sông đứng thứ 12 trên thế giới và thứ 7 tại châu Á, còn tính theo lưu lượng nước thì đứng thứ 10 trên thế giới với lưu lượng hàng năm đạt khoảng 475 triệu m3. Người Tây Tạng cho rằng thượng nguồn sông Mekong chia ra hai nhánh: nhánh Tây Bắc và nhánh Bắc.

Năm 1994, một phái đoàn gồm Trung Quốc và Nhật Bản đã đến nguồn phía bắc cùng lúc một phái đoàn Pháp đến đầu nguồn mạch phía tây và rồi những cuộc thám hiểm kế tiếp cho đến năm 1999 dưới sự hợp tác của các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã chính thức xác minh nguồn mạch sông Mekong thuộc nhánh Bắc.

Gần một nửa chiều dài con sông chảy trên lãnh thổ Trung Quốc, ở đó đoạn đầu nguồn được gọi theo tiếng Tây Tạng là Trát Khúc, thường quen gọi chung là Lan Thương giang, có nghĩa là "dòng sông cuộn sóng". Phần lớn sông Lan Thương chảy qua các hẻm núi sâu, dòng chảy xiết không có giá trị về giao thông thủy và ra khỏi đất Trung Quốc khi độ cao chỉ còn khoảng 500m so với mực nước biển. Sau đó, đoạn sông Mekong dài khoảng 200km tạo thành biên giới giữa hai nước Myanmar và Lào. Điểm cuối của đường biên giới này, con sông hợp lưu với sông nhánh Ruak tại Tam Giác Vàng nổi tiếng. Đây cũng được coi là điểm phân chia phần Thượng và phần Hạ của sông Mekong.

Như vậy, qua các tài liệu đã thể hiện rằng Mekong thực sự là một dòng sông quốc tế, chảy qua nhiều quốc gia và có vị trí quan trọng trên bản đồ thủy văn quốc tế. Nhưng những gì mà quốc gia nơi thượng nguồn đang đối xử với dòng sông này lại chẳng mang tính quốc tế một tí nào. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng hệ thống đập thủy điện theo dạng bậc thang trên phần sông Mekong chảy qua nước này. Như đã nói ở trên, vì phần sông Mekong chảy trên đất Trung Quốc chảy xiết nên khai thác làm thủy điện là một trong những ưu tiên số 1 của quốc gia này.

Những "bậc thang" chết người

Hiện có 4 con đập đã và đang được đưa vào sử dụng. Việc Trung Quốc xây những con đập trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của các nước nằm ở hạ nguồn con sông này là điều khỏi phải bàn. Còn với các chuyên gia đánh giá, việc xây hàng loạt con đập nơi thượng nguồn và cả trên các tuyến dòng chảy chính của sông Mekong là tác nhân chính gây nên biến động thất thường của dòng nước và hiện tượng xói mòn ở các nước hạ lưu sông Mekong, trong đó có Việt Nam.

Mạng tin tức thủy điện tỉnh Vân Nam cũng đã công khai liệt kê 8 công trình thủy điện chính trên sông Lan Thương của tỉnh này. Trong đó đập Công Quả Kiều (công suất 4,04 triệu MW/năm) do Công ty TNHH Thủy điện năng lượng sông Lan Thương, tỉnh Vân Nam là chủ đầu tư đã tiến hành thăm dò địa chất vào ngày 7/11/2008. Đây là công trình thủy điện cấp 1 thuộc công trình khai thác dạng bậc thang đoạn trung - hạ lưu sông Lan Thương, đập cao 105m. Theo kế hoạch, nơi đây sẽ bắt đầu trữ nước vào tháng 6/2011.

Nằm tiếp nối đập Công Quả Kiều là đập Tiểu Loan (19 triệu MW/năm). Đây là đập lớn thứ hai sau đập Tam Hiệp của Trung Quốc nằm ở trung du lưu vực sông Lan Thương. Bắt đầu thi công vào năm 2006, đập cao 292m và sẽ chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 10/2009.

Tiếp theo là đập Mạn Loan (6,2 triệu MW/năm), khởi công xây dựng vào tháng 5/1986 và đưa vào hoạt động năm 1993. Đập cao 132m với tổng dung tích chứa nước 920 triệu m3. Nằm kế tiếp là đập Đại Triều Sơn (5,9 triệu MW/năm), cách thành phố Côn Minh 600km, cao 111m, tổng dung lượng 940 triệu m3. Tháng 8/1997, bắt đầu thi công và đã đưa vào hoạt động cuối năm 2001.

Sau Đại Triều Sơn là đập Cảnh Hồng (7,85 triệu MW/năm) - con đập cấp 6 trong dự án hệ thống đập thủy điện bậc thang trên sông Lan Thương. Đập được khởi công vào giữa năm 2003, cao 108m và được đưa vào hoạt động một phần vào giữa năm 2008, đến năm 2009 đã chính thức hoạt động toàn bộ công suất.

Phác lược số lượng đập thủy điện đã và dự kiến xây dựng trên dòng sông Mekong.

Ngoài ra, trong dự án ngăn dòng khai thác nguồn tài nguyên sông Lan Thương còn ba con đập khác đang trong quá trình hình thành từ nay đến năm 2011 là đập Nọa Trát Độ (nằm giữa đập Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng, 23,9 triệu MW/năm), Cảm Lãm (0,87 triệu MW/năm) và Mãnh Tống (55.110 MW/năm) nằm ở đoạn cuối tỉnh Vân Nam giáp với Lào.

Trả lời báo chí, Tiến sĩ Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng, tổng trữ lượng của 8 con đập trên dòng Lan Thương có khả năng chứa tới hơn 23 tỉ m3 nước. Điều này đồng nghĩa với việc các nước hạ lưu mất đi ngần ấy lượng nước vào lãnh thổ. Cũng theo Tiến sĩ Tô Văn Trường, hoạt động hợp tác sông Mekong có từ cuối thập niên 50 thế kỷ XX, cho đến nay, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và phụ thuộc vào mức độ thiện chí của các nước thành viên, nhiều người nhận xét hoạt động này đôi khi cũng "quanh co như dòng sông Mekong" vậy!

Cũng theo ông Tô Văn Trường, ngoài những ảnh hưởng và tác động tiêu cực về môi trường do những con đập kia mang đến thì điều đáng lo nhất là các nước hạ lưu không nắm được cụ thể quy trình vận hành các nhà máy thủy điện của các nước nằm ở thượng lưu. Như vậy là việc khai thác, sử dụng dòng sông ở vùng hạ lưu, cho dù có phù hợp với quy ước chung đi nữa, cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. --PageBreak--

Các nước vùng hạ lưu Mekong: Phải chủ động!

Cùng một mối quan tâm, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên Nước và Môi trường Đông Nam Á vừa có cuộc trao đổi thẳng thắn với phóng viên Chuyên đề ANTG.

Phóng viên: Thưa Giáo sư, việc Trung Quốc không tham gia Ủy hội sông Mekong, nên hiểu như thế nào?

Giáo sư Ngô Đình Tuấn: Tôi nói thế này: Trung Quốc họ đã tính cái gì là tính trước trên thời gian cách 50 năm, 100 năm, chứ không phải bây giờ mới sinh ra thế. Ví dụ như đập Tam Hiệp, họ tính từ thời Tôn Trung Sơn, nhưng mà thế giới họ phản đối cũng nhiều nên chậm. Hồi đó quốc tế phản đối vấn đề di dân xây dựng đập Tam Hiệp lắm, nhưng mà rồi họ vẫn làm đấy thôi. Hay là việc Trung Quốc dự kiến đưa nước phía nam lên phía bắc, vốn là vùng hạn hán thiếu nước trầm trọng, cũng là từ những năm 50, chứ không phải bây giờ. Bây giờ họ chỉ lần lượt thực hiện. Phần lớn nguồn nước của Đông Nam Á này bắt nguồn từ Trung Quốc. Duy chỉ có con sông Kỳ Cùng là bắt đầu chảy từ Việt Nam, sang Trung Quốc rồi hợp với sông Châu Giang mà cũng là sông nhỏ, nhánh nhỏ, còn thượng nguồn là của họ. Chính vì thế họ mới chủ động được, và vì thế mà họ không muốn dính dáng gì đến Ủy hội này chăng?

Phóng viên: Vấn đề sông Mekong phức tạp thì đã rõ, vậy đối với Việt Nam là nước ở cuối nguồn, trước tình hình và xu hướng như hiện nay, chúng ta phải làm gì, thưa Giáo sư?

Giáo sư Ngô Đình Tuấn: Bây giờ tình hình khó khăn như thế, nên đối với 4 nước còn lại, chúng ta nên cố gắng có sự đồng thuận, dù cái đồng thuận ấy cũng chỉ là tương đối, để mà cùng chia sẻ nguồn lợi với nhau. Lúc này đây chính là lúc vai trò của Ủy ban sông Mekong phải cố gắng hết sức tích cực, được chừng nào hay chừng ấy. Hiệu quả hay không còn là chuyện khác.

Nhưng chúng ta không làm, thì tiêu cực nó càng đến sớm. Nếu ta làm tích cực, thì cái tiêu cực sẽ được đẩy lùi càng xa. Khi đó ta sẽ có thời gian để tìm ra các biện pháp để giải quyết vấn đề. Chứ nếu bây giờ mà buông lơi ra là sẽ bị động ngay. Cho nên nói trong hoạt động của Ủy ban sông Mekong trước nay vẫn còn hạn chế nhưng cũng sẽ phải có những nỗ lực nhất định.

Tôi lấy ví dụ lại trường hợp của Thái Lan, cách đây chừng 20 năm, đã định lấy 1200m3/s tại một trạm bơm ở vùng đông bắc Thái Lan. Nên nhớ rằng mùa cạn kiệt nhất của sông Mekong ở nước ta, như ở Châu Đốc cũng chỉ 1.200m3/s thôi. Nếu lấy như thế ở đầu trên thì dưới còn đâu nữa? Là chưa kể qua các hồ, nước lại bị lấy thêm đi nữa... Nhưng rồi qua hoạt động của Ủy ban, tranh luận, trao đổi ý kiến, cuối cùng họ không làm trạm bơm đấy. Như vậy là cũng có hiệu quả nhất định. Ủy ban sông Mekong quốc tế có từ năm 1957 rồi. Nôm na lại rằng các nước cùng sử dụng chung thì nên có sự hòa thuận một tí.

Phóng viên: Vậy cũng giống như đã là hàng xóm của nhau, biết tôn trọng nhau thì không lợi mặt trước cũng được mặt sau. Nhường nhịn nhau một tí thì cùng tốt cả, phải không ạ?

Giáo sư Ngô Đình Tuấn: Đúng rồi! Việc mỗi quốc gia khai thác dòng chảy qua lãnh thổ mình làm thủy điện là điều khó tránh khỏi. Nhưng thủy điện thì không mất nước. Chứ còn lấy đi để tưới tiêu, phục vụ các mục đích khác thì mất nước, dưới hạ lưu bị ảnh hưởng ngay. Nhưng dù là thế, khai thác thủy điện cũng phải có sự đồng thuận. Thủy điện giữ nước về mùa lũ và thêm nước vào mùa cạn.

Nhưng những thiệt hại cho hạ lưu cũng nhiều. Thiệt hại thứ nhất là về nguồn cá. Rồi thiệt hại về phù sa. Phù sa đáng lẽ ra bồi đắp cho hạ lưu, đồng thời cũng là thức ăn cho cá thì nay bị chặn ở trên, phù sa bồi đắp cũng ít đi mà thức ăn cho cá vì thế cũng dần cạn kiệt. Rồi khi phù sa bị giữ lại ở trên thì chỉ còn nước trong xuống. Mà vấn đề quan trọng cũng chính là ở đây nữa. Bình thường dòng chảy có phù sa, giống như xe có tải trọng, nó hãm bớt dòng lại. Còn bây giờ, phù sa giảm hẳn, chỉ còn nước trong thoát qua đập thủy điện sẽ gây ra xói lở bờ sông nơi lưu vực rất mạnh, chứ không còn là bồi đắp nữa...

Phóng viên: Ở trên Giáo sư có nhắc đến kế hoạch của Trung Quốc đưa nước từ phía nam lên vùng hạn phía bắc, là thế nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư Ngô Đình Tuấn: Như tôi đã nói, vấn đề này được biết đến từ những năm 50. Và họ đã lấy nước ở sông Hoàng Hà lên phía bắc rồi đấy. Mà sông Hoàng Hà cũng không phải nhiều nước lắm đâu, đi từ Vũ Hán lên Bắc Kinh, qua sông Hoàng Hà thấy cũng cạn trơ đáy. Vậy thì để bù lại lượng nước của sông Hoàng Hà đã đưa lên phía bắc thì phải lấy nước từ sông Trường Giang. Rồi muốn Trường Giang đủ nước thì lấy ở đâu? Lấy ở thượng nguồn sông Mekong chứ còn đâu nữa. Cách làm thế nào thì ta chưa biết, nhưng dự định của họ thì đã rõ là như vậy. Cái này họ đâu có tuyên bố, nhưng ta phải luận ra mà biết, mà đề phòng trước.

Và đây mới thực sự là vấn đề quan trọng. Họ mà làm như thế thì rất là nguy hiểm, chúng ta và các quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng của dòng sông Mekong đều phải lên tiếng. Không thể nào im lặng được nữa. Dù họ không coi đó là sông quốc tế, thì cũng vẫn phải lên tiếng, và cộng đồng quốc tế cũng không thể đứng ngoài cuộc được nữa. Thay đổi dòng chảy của một con sông lớn như sông Mekong là thay đổi cả một khu vực cực kỳ rộng lớn trên bề mặt của quả địa cầu, sẽ động đến các vấn đề về địa chất, khí hậu, sinh thái, dân cư... Không thể im lặng được đâu!

Nhưng một mặt chúng ta cũng phải chủ động. Cái này chúng ta cũng đã có rồi, cần đẩy mạnh thôi. Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu, tôi biết là đã làm xong và đã ký quyết định rồi, giao cho các Bộ, các ngành xây dựng chương trình hành động để mà thích ứng.

Ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải trồng cây gây rừng, đắp đê biển... Bộ Công thương thì phải giảm khí thải hoặc có kế hoạch thay thế các loại năng lượng sạch... Rồi xây dựng các cửa cống giữ ngọt, ngăn mặn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long đề phòng nước từ thượng lưu khan hiếm. Đợt vừa rồi, nhân cửa sông Ba Lai cạn, đã làm xong cửa cống Ba Lai rồi, chỉ còn hoàn thiện thôi. Chúng ta cũng đang nghiên cứu xây dựng tiếp trên cửa sông Vàm Cỏ...

Lại nói câu chuyện trên thế giới có con sông Danuýp đấy, chảy qua rất nhiều quốc gia, các quốc gia đều có ý thức và có hẳn một hiệp ước không được vi phạm về khai thác, sử dụng trên dòng sông. Các nước có dòng sông Mekong chảy qua đều phải nên học theo cách hành xử ấy mới được.

Phóng viên: Xin cảm ơn Giáo sư!

Việt Anh
.
.