Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào không liên kết lần thứ 15:

Cần hình thành một trật tự thế giới mới

Thứ Tư, 29/07/2009, 23:25
Hơn 50 lãnh đạo các quốc gia thành viên Phong trào không liên kết (NAM), nhóm họp ngày 15/7 tại Ai Cập để thảo luận về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay, đã kêu gọi kiến tạo một trật tự thế giới mới đem lại một vị thế lớn hơn cho các nước đang phát triển. Qua hội nghị lần này, Phong trào không liên kết, gồm phần lớn các quốc gia đang phát triển, không muốn tiếp tục là "đồ chơi" của các nước phương Tây.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Cuba Raul Castro khẳng định rằng, chính các quốc gia đang phát triển đang phải gánh chịu những tác động nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay. "Mỗi quốc gia phải có trách nhiệm tìm kiếm những giải pháp đúng đắn để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi yêu cầu thành lập một trật tự thế giới mới về tiền tệ và kinh tế. Chúng ta phải tái cấu trúc hệ thống tài chính quốc tế để phục vụ nhu cầu của các nước đang phát triển" - Chủ tịch Castro nói.

Đi xa hơn cả lời phát biểu của Chủ tịch Cuba, nhà lãnh đạo Lybia Mouammar Kadhafi còn yêu cầu cải tổ cả cơ quan quyền lực của Liên Hiệp Quốc. Ông phát biểu gay gắt: "Các quốc gia thuộc NAM chiếm đa số tại Đại hội đồng LHQ. Hội đồng Bảo an LHQ không phải là đại diện của chúng tôi mà do một nhóm độc quyền chiếm giữ thành viên thường trực. Điều này là mối nguy cho hòa bình thế giới. Như thế cơ quan này chẳng khác nào một tổ chức khủng bố". Ông Kadhafi cho rằng, Tổ chức các nước châu Phi và các quốc gia châu Mỹ Latinh cần phải có chân trong Hội đồng Bảo an LHQ.

Từ trái sang: Chủ tịch Cuba Raul Castro, Tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon tham dự hội nghị ngày 15/7.

Thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh, cũng khẳng định các quốc gia thành viên của phong trào này phải có một vai trò quan trọng hơn hiện nay trên trường quốc tế. "Các cơ chế quyết định tại LHQ hoặc trong các tổ chức tài chính quốc tế vẫn tiếp tục dựa trên những bản hiến chương được viết từ cách nay hơn 60 năm, trong khi thế giới hiện đang thay đổi rất nhiều. Các quốc gia đang phát triển phải được đại diện đầy đủ trong các nấc thang quyền lực tại các tổ chức quốc tế" - ông Manmohan Singh nhấn mạnh.

Nhìn chung trên hồ sơ kinh tế, đa phần các đại biểu tham dự hội nghị lần này đều muốn thay đổi cục diện thế giới. Theo họ, các nước đang phát triển không thể tiếp tục là "đồ chơi" của các nước phương Tây. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay bắt nguồn từ Mỹ đã tác động mạnh tới các thành viên trong NAM nhưng khi kinh tế cực thịnh thì họ lại không phải là những đối tượng hưởng lợi hàng đầu. Giải pháp được  nhiều đại biểu đưa ra là cần tăng cường trao đổi thương mại NAM - NAM. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Cần tạo một thế đối trọng kinh tế với phương Tây. Hiện NAM đang tiếp cận Trung Quốc để tìm thế đối trọng ấy.

Ngoài hồ sơ về khủng hoảng kinh tế, những tham vọng chính trị của các nước đang phát triển cũng là đề tài không kém phần quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh NAM lần này mà cuộc gặp ngày 16/7 giữa hai thủ tướng Ấn Độ và Pakistan, hai cường quốc hạt nhân vốn đã từng xảy ra 3 cuộc chiến kể từ ngày giành độc lập tháng 8/1947, đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Thủ tướng Pakistan, Yousuf Raza Gilani, khẳng định quan hệ với Ấn Độ hiện rất tốt. "Đã có một số tiến triển theo chiều hướng tích cực trong quan hệ của chúng tôi với Ấn Độ. Chúng tôi tin rằng một nền hòa bình bền vững tại Nam Á có thể thực hiện được" - ông Gilani cho biết.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Pakistan và Ấn Độ lần này nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình vốn bị ngưng trệ từ tháng 1/2004. Tháng 11/2008, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á này xuống cấp tới mức báo động sau khi các vụ khủng bố tại thành phố Bombay, Ấn Độ, làm 174 người chết (trong đó có cả những kẻ khủng bố) được cho là do một nhóm trong quân đội Pakistan thực hiện với sự trợ giúp của các cơ quan tình báo quân sự Pakistan. Từ sau vụ khủng bố trên, đây là cuộc gặp thứ hai giữa lãnh đạo hai nước. Hai bên đều tỏ rõ thiện chí vượt qua giai đoạn khủng hoảng để tiếp tục vòng đàm phán hòa bình.

Được thành lập từ năm 1955, giữa thời kỳ Chiến tranh lạnh, tôn chỉ ban đầu của NAM là không ủng hộ lập trường của bất cứ phe nào, cả phương Đông lẫn phương Tây. Sau khi phe xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu sụp đổ, trật tự thế giới đã thay đổi, nhiều người đã lên tiếng cho rằng phong trào này không còn lý do để tồn tại. Hiện phong trào này quy tụ được 53 quốc gia châu Phi, 38 châu Á, 26 Mỹ Latinh và Caribê và 1 quốc gia châu Âu. 16 quốc gia và 9 tổ chức đã tham gia phong trào này với tư cách quan sát viên.

Ai Cập, nước chủ nhà của hội nghị lần này, đồng thời là một thành viên sáng lập NAM, đang mong muốn khôi phục lại uy thế của mình.

Còn nhớ, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser thời đó đã sáng lập nên NAM như một thách thức với Mỹ. Trong vòng một nửa thế kỷ qua, sau một giai đoạn ngắn ngủi tiếp cận với khối Xôviết, Ai Cập đã kiên quyết đứng hẳn về phía Mỹ. Cho đến nay, Washington vẫn là nhà cấp vốn chủ yếu cho Ai Cập với gần 2 tỉ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, Ai Cập dưới thời của Tổng thống Hosni Moubarak vẫn còn là thành viên tích cực của NAM. 8 năm cầm quyền của chính phủ Bush đã củng cố hơn nữa "xu hướng không liên kết" của Cairo. Do những bất đồng về cuộc can thiệp tại Iraq, những bất đồng về lộ trình hòa bình ở Trung Đông và đặc biệt là bất bình về sức ép mạnh mẽ của Mỹ buộc Ai Cập phải thúc đẩy quá trình dân chủ hóa chế độ, Ai Cập không còn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại vùng Trung Đông nữa.

Hiện nay, Ai Cập hy vọng khởi động lại phong trào đã hụt hơi này bằng cách tăng cường sự hợp tác chính trị và kinh tế giữa các nước thuộc NAM

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.