Nhìn lại một năm sau sự kiện Crimea tái sáp nhập nước Nga

Thứ Ba, 31/03/2015, 11:40
Đúng một năm trước, 2 triệu người dân của bán đảo Crimea và thành phố Sevastopol đã quyết định sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Nga. Mặc dù đó là nguyện vọng của hơn 96% người dân sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 16/3/2014, song tại sao Mỹ và EU không chịu chấp nhận thực tế này và vẫn tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức của Nga. Liệu có phải Mỹ và phương Tây quá tức giận khi bị Nga nẫng mất "con mồi" béo bở họ đang rình rập lâu nay.

Một quyết định đúng đắn

Trước tiên phải khẳng định rằng việc Crimea sáp nhập vào Nga một năm trước là một quyết định hoàn toàn đúng đắn đối với cả Nga và Crimea.

Đúng đắn ở chỗ, trên thực tế Nga chỉ "lấy lại" phần lãnh thổ mà trước đây nước này đã giành được sau chiến dịch Biển Đen trước đế chế Ottoman hồi thế kỷ XVIII và sau đó lại bị mất hai lần. Lần thứ nhất là thời kỳ 1854-1855 khi Anh và Pháp hỗ trợ người Thổ Nhĩ Kỳ chống lại nước Nga. Lần thứ hai, khi phát xít Đức xâm lược Ukraine trong Thế chiến II.

Từ năm 1954, bằng một mệnh lệnh hành chính, bán đảo Crimea thuộc về nước CHXHCN Xôviết Ukraine thuộc Liên bang Xôviết. Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, thực trạng về lãnh thổ này được giữ nguyên và đây là lần thứ ba, bán đảo Crimea và hải cảng Sevastopol rời khỏi tay người Nga.

Đối với người dân Crimea, tình hình hỗn loạn tại Ukraine và cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của ông Yanukovych tại thời điểm đó khiến họ cảm thấy bất an và không còn muốn ở lại với Ukraine bởi sự an toàn của họ không còn được bảo đảm.

Hơn 96% số người ủng hộ việc tách khỏi Ukraine là một bằng chứng sống khẳng định đây là nguyện vọng của người dân Crimea cũng như Nga không làm điều gì sai.

Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov từng tuyên bố: "Tôi có thể nói với các bạn rằng không ai lấy đi thứ gì cả. Đó là lựa chọn của người dân Crimea. Không điều gì có thể diễn ra nếu không có sự ủng hộ của người dân địa phương, và đó là lý do vì sao đây không phải một hành động khiêu khích, mà là hành động dân chủ thực sự".

Ông nhấn mạnh: "Đây chính là sai lầm và hiểu lầm chính của các nhà lãnh đạo phương Tây. Mọi người bị truyền thông đưa tin sai lạc và không cho thấy bức tranh chính xác về những gì diễn ra tại Crimea vào thời điểm đó".

Cảnh mở đầu bộ phim tài liệu “Crimea: Đường trở về Tổ quốc” với nguyên bản tiếng Nga.

Một năm sau khi sáp nhập vào Liên bang Nga, người dân Crimea có lẽ đã không hối tiếc về quyết định của mình. Một năm qua, Crimea đã có những bước hội nhập nhanh chóng về kinh tế và chính trị với Liên bang Nga. Vượt qua nhiều trở ngại của giai đoạn chuyển tiếp, Crimea đã trở thành một phần của hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế Nga. Cuộc thăm dò mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Công luận Nga cho thấy, hơn 90% số người Crimea được hỏi cho biết họ vẫn sẽ chọn việc sáp nhập Crimea vào Nga nếu tiến hành lại một cuộc trưng cầu dân ý.

Mỹ và phương Tây không chấp nhận

Bán đảo Crimea có vị trí địa chính trị chiến lược trong khu vực, đối với cả Nga và Ukraine, thậm chí với nhiều nước trong vùng xung quanh Biển Đen.

Ông Marcus Papadopoulos, chuyên gia về chính trị người Anh, hiện là Tổng biên tập Tạp chí Politics First nhận định: "Đã từ lâu NATO rất muốn xây dựng căn cứ quân sự tại Crimea mà cụ thể hơn là ở Sevastopol, bởi điều này sẽ khiến cho vị thế của Nga tại Biển Đen suy giảm nghiêm trọng. Cũng như vậy, Mỹ có tham vọng chiếm Crimea và giờ thì tham vọng này đã bị sụp đổ hoàn toàn".

Ông Srdja Trifkovic, chuyên gia phân tích ngoại giao và từng là cố vấn cho hai đời Tổng thống Serbia chia sẻ: Mỹ luôn coi toàn bộ không gian hậu Xôviết có vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng trong chiến lược đối đầu với Nga của mình và mục tiêu hàng đầu trong chiến lược này chính là thay đổi chế độ tại Moscow".

Trong tiến trình NATO mở rộng sang phía đông. Hiện Mỹ đã đưa nhiều loại vũ khí hạng nặng đến các quốc gia vùng Baltic.

"Chính vì vậy, những người nghĩ rằng NATO sẽ kiềm chế trong việc biến Sevastopol thành một căn cứ Hải quân của Mỹ nên nhớ lại lời hứa của Ngoại trưởng Mỹ đưa ra với Gorbacheov năm 1991. Và nếu họ vẫn cho rằng cả Mỹ và NATO đều không có tham vọng như vậy thì rõ ràng là họ đang sống trong mộng tưởng, trong một câu chuyện cổ tích", ông Trifkovic nói.

Ngoài việc là vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trên Biển Đen, Sevastopol cũng là một căn cứ hải quân quan trọng trên thế giới, và trong 2 thập kỷ qua, Mỹ nói riêng và NATO nói chung chưa bao giờ nguôi tham vọng biến căn cứ này thành của mình.

Và khi tham vọng ấy bị giáng một đòn mạnh, dù 96% hay 100% người dân Crimea bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập trở lại Nga đương nhiên vẫn không được coi cuộc trưng cầu hợp lệ.

Crimea là công cụ trong tay họ để lấy cớ áp đặt các lệnh trừng phạt Nga, vì vậy dù tình hình Ukraine có được giải quyết một cách hòa bình hay không thì phương Tây khó có thể chấp nhận tính hợp pháp trong việc sáp nhập Crimea trở lại Nga bởi Crimea chính là cái cớ không thể tốt hơn để tiếp tục gây sức ép với Nga và bôi nhọ hình ảnh của ông Putin theo cách mà họ mong muốn.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây không vì thế mà làm Moscow nhụt chí. Nga vẫn tiến hành hiện đại hóa quân sự tại bán đảo Crimea và coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong sự phát triển của quân đội nước cộng hòa này kể từ khi sáp nhập vào Liên bang Nga.

Máy bay chiến đấu Nga được bố trí tại căn cứ không quân Belbek ở Crimea.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, đến nay Nga đã thành lập ở Crimea 7 đơn vị (cỡ sư đoàn) và 8 đơn vị (cỡ trung đoàn) với các chức năng khác nhau. Việc sáp nhập Crimea cũng tạo điều kiện để Nga phát triển Hạm đội Biển Đen.

Theo kế hoạch năm 2015 và 2016, Hạm đội Biển Đen sẽ nhận được 6 tàu khu trục mới thuộc dự án Grigorovich, 6 tàu ngầm diesel thuộc dự án 636 "Varshavianka" cũng như các tàu mang tên lửa Buyan-M. Hầu hết trong số này sẽ được bố trí tại Crimea.

Nga cho rằng, hiện có nhiều thách thức đối với an ninh của Crimea. Những thách thức đó không chỉ là sự hiện diện của NATO tại Biển Đen mà cả từ lực lượng pháo binh Ukraine tại biên giới với bán đảo này. Chính vì vậy, việc xây dựng tại Crimea một cứ điểm mạnh là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

“Crimea: Đường trở về Tổ quốc”

Tối ngày 15/3 vừa qua, trên Kênh 1 của Đài Truyền hình Trung ương Nga (Rossiya 1) đã công chiếu bộ phim tài liệu có tựa đề: "Crimea: Path to the Motherland" (Crimea: Đường trở về Tổ quốc), do đạo diễn Andrei Kondrashov, người Nga thực hiện, thu hút hàng chục triệu khán giả yêu màn ảnh nhỏ chú tâm theo dõi.

Qua cuộc trò chuyện thẳng thắn cởi mở trước ống kính ghi hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình bày bản chất của vấn đề, khiến công chúng hiểu rõ quan điểm chính thống của Nhà nước Nga, cũng như tránh bị ảnh hưởng bởi lối tuyên truyền phiến diện một chiều từ giới truyền thông phương Tây.

Tổng thống V. Putin phân tích bối cảnh địa chính trị trong vùng, dẫn đến hành động đưa Crimea trở lại với đất mẹ Nga: "Đứng trước nguy cơ Khối Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng là tổ chức  quân sự lớn nhất thế giới do Mỹ đứng đầu đang bành trướng về phía đông, với các thành viên thường trực của họ như Romania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ... án ngữ vùng Biển Đen, trong đó có bán đảo Crimea là địa bàn chiến lược có tầm vóc cực kỳ quan trọng đối với nước Nga.

Thành phố cảng Sevastopol là căn cứ trú đóng của Hạm đội Hắc Hải, một trong những "quân chủ bài" của lực lượng Hải quân Nga. Do vậy ngay từ khi trở lại Điện Kremlin nhiệm kỳ thứ 3 vào đầu tháng 5/2012, tôi đã lên phương án được ban lãnh đạo tối cao Nga thống nhất, rằng phải lấy lại Crimea để Moscow vẫn có chỗ đứng tại vùng Biển Đen sát sườn phía nam đất nước, cũng như phù hợp với nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng ở đấy.

Thời cơ chín muồi đã đến, gần 2 năm sau đó, vào thời điểm ban lãnh đạo mới ở Kiev, sau khi loại bỏ ông Yanukovych, đã tỏ rõ thái độ thù nghịch ra mặt đối với nước Nga. Song song là sự kiện dân chúng Crimea tiến hành cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý, với kết quả đa số phiếu ủng hộ việc tái thống nhất với Liên bang Nga, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tiến trình này đã khởi sự việc áp đặt đường lối trừng phạt và phong tỏa kinh tế của phương Tây đối với Moscow. Nhân đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc sáp nhập Crimea là vì lợi ích tinh thần của đất nước, không một thế lực nào có thể ngăn cản được, cũng như không một món vật chất nào có thể đánh đổi được.

Nhóm đặc nhiệm hỗn hợp chờ đón Tổng thống V. Yanukovych trên đường biên giới Nga. Ảnh trong phim tài liệu.

Các lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (GRU), thủy quân lục chiến, lính dù... đã hoàn thành sứ mệnh đưa Crimea trở về với Tổ quốc mà không cần nổ một phát súng nào...

Ở đây tôi muốn nêu một ví dụ điển hình khác, nếu như người dân xứ Scotland sau trưng cầu dân ý nhất trí tách ra khỏi Vương quốc Anh, vậy người ta có áp dụng lệnh trừng phạt với London hay Edinburgh không?".

Khi đề cập đến những nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan liên quan đến cuộc đảo chính cướp chính quyền, quyết tâm loại bỏ Tổng thống hợp hiến V. Yanukovych, ông Putin cho biết: "Về chuyện giúp đỡ Tổng thống Ukraine V. Yanukovych phù hợp với đạo lý và truyền thống tốt bụng lâu đời của người Nga, không thể bỏ rơi bạn bè lúc hoạn nạn - Tổng thống Putin cho biết thêm - Ngay sau khi các sự kiện xảy ra tại Quảng trường Maidan giữa trung tâm Kiev phát triển đến mức mất kiểm soát, ông V. Yanukovych có điện đàm thông báo với tôi, rằng sẽ không dùng vũ lực để trấn áp những kẻ đối kháng, cho dù lúc ấy trụ sở các cơ quan đầu não của chính quyền đã bị đám người biểu tình quá khích chiếm giữ. Tôi ủng hộ quyết định của Yanukovych...

Nhân đây tôi cũng xin biểu dương các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, đã kịp thời đưa ông Yanukovych đến chỗ an toàn, bất chấp nỗ lực của những kẻ thù nghịch muốn phục kích ám sát ông ấy.

Thoạt đầu V. Yanukovych đến Kharkov, rồi lại chạy tới Crimea để trốn tránh sự truy lùng, đồng thời cấp báo với chúng tôi rằng tính mạng của mình đang bị đe dọa. Cuối cùng, chúng tôi quyết định dùng các phương tiện cả đường bộ lẫn đường không đưa ông ấy đến thành phố Rostov trên sông Đông, cũng là địa điểm thuận tiện gần biên giới Ukraine, để V. Yanukovych tổ chức cuộc họp báo đầu tiên lên án vụ đảo chính lật đổ chính thể hợp hiến do dân bầu ra".

Nhân đây cũng cần đề cập đôi điều về vị đạo diễn kỳ cựu 61 tuổi A. Kondrashov. Hiện ông đang là biên tập viên chủ chốt của các ấn phẩm có lượng độc giả đông đảo là TelevEdenie, Literary Gazette, New Crocodile và Russian Businessman đều phát hành ở thủ đô Moscow.

Ngoài nghề báo, A. Kondrashov còn là đạo diễn kiêm diễn viên kịch nghệ "quen thuộc" với công chúng Nga. Ông từng có bề dày hơn 20 năm là diễn viên tại Nhà hát Trung ương Quân đội Liên Xô, thường đóng vai chính trong các tác phẩm của giới văn hào Nga và Xôviết nổi tiếng như Lev Tolstoy, Mikhail Bulgakov, Vasily Puskin, Vladimir Mayakovsky...

A. Kondrashov cũng là thành viên của Hội Nhà văn Moscow, được trao 2 giải thưởng danh giá nhất của hội là Văn chương và Cây bút Vàng. Đồng thời ông cũng là tác giả của nhiều đầu sách ăn khách bán rất chạy, được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới.

Bảo Trân - T.Q.Long (tổng hợp)
.
.