Canada: Chính phủ giải tán vì bê bối tài chính

Thứ Tư, 07/12/2005, 15:19

Nỗ lực thống nhất của một quốc gia sử dụng hai thứ tiếng như Canada lại là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ thuộc phe Tự do, đảng phái đã vững vàng trên ngôi vị lãnh đạo từ 12 năm qua.

Quốc hội Canada vừa bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Paul Martin, cũng có nghĩa vị thủ tướng sẽ buộc phải từ chức. Ngay sau đó một ngày, ông Martin đã tới gặp Toàn quyền Michaelle Jean để xin ý kiến ấn định thời điểm tổ chức bầu Quốc hội mới. Cần biết là Canada hiện vẫn đang bảo lưu cơ chế một xứ tự trị thuộc Anh, nơi các chức trách của người đứng đầu quốc gia sẽ thuộc về Toàn quyền - một cương vị đại diện cho Hoàng gia Anh. Thời hạn cho cuộc bầu cử Quốc hội mới cũng đã được ấn định vào ngày 23/1/2006.

Kết quả cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được công bố với tỉ lệ 153/150. Lãnh tụ đảng Bảo thủ Stephen Harper ngay sau đó còn lên tiếng tố cáo Thủ tướng Martin đã cố gắng níu kéo quyền lực “bằng mọi giá”. Phe đối lập được đánh giá đã chọn đúng thời điểm để hạ gục chính phủ của Paul Martin, khi có tới 2 vị bộ trưởng trong nội các không thể có mặt vì những lý do cá nhân.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trên chính là hậu quả trực tiếp của vụ bê bối đã đeo bám đảng Tự do từ hơn một năm qua. Đầu năm 2004, các chính trị gia đối lập chính từ đảng Bảo thủ đã phát hiện ra một cơ cấu tự cung cấp tài chính trái phép của phe Tự do. Đảng Tự do cầm quyền đã chi phí tới 85 triệu đôla Canada từ ngân sách quốc gia cho một chiến dịch tuyên truyền ý tưởng thống nhất Canada, chủ yếu tại tỉnh nói tiếng Pháp Quebec, nơi phong trào đòi ly khai đang phát triển mạnh.

Điều tra cho thấy, một phần lớn số tiền này đã được chi trả cho các công ty không liên quan đến lĩnh vực quảng cáo và văn hóa, và nói chung không đủ khả năng tham gia vào chiến dịch tuyên truyền. Nguyên nhân chủ yếu là những công ty này có quan hệ thân cận với đảng Tự do cầm quyền và từng quyên góp nhiều về tiền bạc cho chính đảng này.

Vụ bê bối trên liên quan chủ yếu đến cựu Thủ tướng Jean Chretien, người đã từ chức khoảng một năm rưỡi trước đây. Thủ tướng Martin (người kế nhiệm của Chretien) đã phần nào thành công trong việc “giải quyết hậu quả” của vụ việc này, sau những bài phát biểu mang nặng tính “ăn năn” trước Quốc hội. Phe Tự do cũng đã quyết định rút ra 1,1 triệu đôla từ ngân quỹ của đảng để hoàn trả cho ngân sách quốc gia. Nhưng dù sao, vụ bê bối trên đã khiến cho đảng Tự do không thu thập đủ số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 6/2004 và trở thành một chính phủ thiểu số - chiếm chưa tới nửa số ghế tại Quốc hội.

Bước ngoặt mới trên chính trường bắt đầu nổ ra, sau khi đảng Dân chủ mới (một đảng nhỏ ủng hộ chính phủ trước đây) đã chính thức chuyển sang phe đối lập. Thế là ba đảng phái trong phe đối lập - đảng Bảo thủ, đảng Dân chủ mới và Bloc Quebecois - lại trở thành đa số áp đảo trong Quốc hội.

Dù sao, lãnh tụ đảng Tự do vẫn hết sức tự tin. Theo tính toán của Martin, cuộc bầu cử trong tương lai sẽ cho phép đảng của ông ta vượt qua hậu quả từ vụ bê bối này và giành chiến thắng dựa trên “các chỉ số kinh tế”. Ý Martin muốn nói đến tình hình kinh tế đang phát triển thuận lợi của Canada, có khả năng giúp đảng Tự do thoát khỏi tình trạng thiếu hụt ngân sách, vốn là căn bệnh kinh niên trong giai đoạn cầm quyền của phe bảo thủ hồi những năm 90 của thế kỷ trước.

Các kết quả thăm dò công luận cũng cho thấy, đảng Tự do vẫn đang chiếm ưu thế, nhưng vẫn không đủ số phiếu để chiếm đa số. Tỉ lệ ủng hộ cụ thể hiện nay là 36% cho đảng cầm quyền và 31% cho đảng bảo thủ, được coi là đảng phái lớn nhất trong phe đối lập. Các nhà bình luận dự đoán, trong cuộc bầu cử đầu năm tới, đảng Tự do vẫn chỉ duy trì được số ghế tương tự như hiện nay

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.