Căng thẳng Pháp - Mexico: Nhập nhằng giữa văn hóa và chính trị

Thứ Tư, 02/03/2011, 11:20
Quan hệ giữa Pháp và Mexico đã trở nên căng thẳng trong vài ngày qua với tuyên bố của chính quyền Mexico hủy bỏ việc tham gia Năm Mexico tại Pháp sau khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy quyết định duy trì sự kiện văn hóa, kinh tế song phương này để… “tặng” cho “nữ tướng cướp” Florence Cassez, công dân Pháp bị Mexico kết án về tội bắt cóc.

Trong mắt người dân Mexico, chính quyền của Tổng thống Felipe Calderon đã có lý khi phản ứng dứt khoát trước điều mà họ coi là “sự khiêu khích” của chính quyền Pháp.

Trong một tuyên bố phát đi ngày 14/2 vừa qua, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã thông báo quyết định duy trì Năm Mexico tại Pháp nhưng để "hiến tặng" sự kiện văn hóa này cho Florence Cassez, công dân Pháp vừa bị Tòa án Mexico y án 60 năm tù trong một vụ án mà Paris cho là bất công. Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang căng thẳng trên hồ sơ này, phản ứng của chính quyền Mexico rất tức thời. Bộ Ngoại giao nước này lập tức tuyên bố hủy bỏ mọi sự tham gia của họ vào chương trình văn hóa Năm Mexico tại Pháp và cho rằng Paris đã nhập nhằng giữa văn hóa và chính trị.

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Mexico giải thích, họ đã "ghi nhận" đầy đủ những lời tuyên bố của Tổng thống Pháp. Chính quyền của Tổng thống Felipe Calderon lấy làm tiếc là Paris chủ trương gắn liền một hồ sơ thuần túy pháp lý với các hoạt động văn hóa, và Pháp lại muốn lợi dụng sinh hoạt văn hóa để nhắc đến vụ Florence Cassez.

Từ đó Mexico rút ra kết luận rằng, các mục tiêu ban đầu của Năm Mexico tại Pháp trong năm 2011 này không còn giống như đã từng được thảo luận. Ngoài ra, Mexico cũng bác bỏ khả năng cho dẫn độ Florence Cassez về Pháp thụ án.

Sự căng thẳng giữa hai vị tổng thống càng làm mất đi tính chất ngoại giao. Thật khó mà tưởng tượng nổi là quan hệ rất hữu hảo từ trước đến nay giữa Pháp và Mexico, lại rơi xuống mức tệ hại như hiện nay.

Đối với Mexico, hồ sơ pháp lý liên quan đến Florence Cassez là một vấn đề nguyên tắc và chủ quyền quốc gia. Theo họ, vụ án Cassez được xét xử một cách hoàn toàn công minh, trong sự tôn trọng luật pháp. Và nước ngoài không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Mexico.

Florence Cassez là người miền Bắc nước Pháp. Người anh trai của cô tên Sébastien, năm 1998 đến Mexico tìm cơ hội làm ăn. Năm 2001, Sébastien thành lập một nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế ở thủ đô Mexico và gọi Florence sang phụ giúp việc quản lý. Florence đặt chân đến thủ đô Mexico vào năm 2003 và ngay lập tức bị cuốn hút bởi sự náo nhiệt của một trong những đô thị lớn nhất thế giới này.

Tại Mexico, lúc đầu Florence làm việc tại nhà máy của anh trai và đến năm 2004 chuyển sang làm việc cho một văn phòng kiến trúc. Trong thời gian làm việc tại đây, Florence làm quen với một khách hàng đặc biệt tên Israel Vallarta. Vallarta tự xưng là chủ thầu nhiều công trình xây dựng dân dụng, chủ yếu là xây nhà cho người dân. Đến tháng 10/2004, Florence trở thành tình nhân của Vallarta mà không biết gã này là một tên tướng cướp chuyên bắt cóc tống tiền và giết người. Giả danh thầu xây dựng, Vallarta nắm được thiết kế của nhiều ngôi nhà cùng mức độ giàu có của gia chủ để sau đó tiến hành các vụ bắt cóc tống tiền và nếu cần sẽ giết luôn nạn nhân để bịt miệng.

Cảnh sát Mexico đưa Florence Cassez cùng bạn trai Israel Vallarta ra trước báo chí vào tháng 12/2005.

Theo phía các cơ quan điều tra Mexico, khi biết được chân tướng của tình nhân thay vì phải chia tay với Vallarta thì Florence lại tham gia tích cực các hoạt động tội phạm với tình nhân. Florence trở thành con mồi dụ dỗ những người giàu có để nắm bắt thông tin về việc đi lại, khả năng tài chính rồi sau đó phối hợp với Vallarta tổ chức bắt cóc con cái, vợ hay người thân của họ để đòi những món tiền chuộc lên đến cả trăm ngàn euro.

Hoạt động phạm tội của Vallarta và Florence chỉ chấm dứt vào ngày 8/12/2005 khi một đơn vị cảnh sát đặc biệt của Cục Điều tra liên bang Mexico bắt giữ được Vallarta cùng Florence. Cuộc tấn công chớp nhoáng đã giải thoát được 3 con tin, trong đó có một bé trai 10 tuổi, bị giam giữ suốt 51 ngày để đợi tiền chuộc từ gia đình.

Trở lại vụ việc, người dân Mexico nghĩ rằng chính quyền nước họ đã trả lời một cách thích đáng trước thái độ khiêu khích của Chính phủ Pháp. Thậm chí nhà văn Mexico Carlos Fuentes còn cho rằng: "Ông Nicolas Sarkozy hành xử như một vị lãnh đạo độc tài". Báo chí Mexico nhìn chung có phản ứng rất mạnh và đánh giá rằng, nước Pháp đã thổi phồng sự kiện này, nếu không nói là làm lớn chuyện.

Điều đó khiến cho cuộc trao đổi giữa hai ngành ngoại giao chẳng khác gì một cuộc nói chuyện giữa hai người điếc, nói mà chẳng hiểu nhau. Đảng PRI của Mexico đã lên tiếng kêu gọi cả hai chính phủ nên có thiện chí chấm dứt cuộc tranh cãi này.

Sau phản ứng dữ dội trên, phải chăng chính quyền Mexico đang bình tĩnh trở lại. Tuyên bố với báo chí ngày 15/2, ông Carlos De Icaza, Đại sứ Mexico tại Paris cho biết, đất nước ông "sẵn sàng" tham gia trở lại vào Năm Mexico tại Pháp nếu chính quyền Paris thôi không gắn liền vụ Florence Cassez với sự kiện này.

Quan hệ xấu đi giữa Mexico và Pháp sẽ ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với lĩnh vực hợp tác văn hóa mà còn cả lĩnh vực kinh tế. Mexico hiện là nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Pháp ở khu vực

Hà Ninh (tổng hợp)
.
.