Cảnh sát New York theo dõi cộng đồng sinh viên người Hồi giáo ở Mỹ

Thứ Sáu, 02/03/2012, 23:45

Trong nỗ lực truy tìm những nghi can khủng bố, Sở Cảnh sát New York (NYPD) đã bí mật giám sát sinh viên các trường đại học ở những bang phía đông nước Mỹ (East Coast), theo tiết lộ của AP. Trong hai năm 2006 và 2007, hàng ngày các thám tử NYPD âm thầm sục sạo những trang web học đường và nêu tên nhiều sinh viên người Hồi giáo trong các báo cáo "mật" gửi đến Cảnh sát trưởng Raymond Kelly, bất chấp việc số sinh viên này không hề phạm tội gì.

NYPD thậm chí giám sát cả cộng đồng sinh viên người Hồi giáo ở khu vực trường đại học nằm bên ngoài phạm vi quyền hạn của cơ quan, bao gồm Đại học Yale và Đại học Pennsylvania. Khi được hỏi về sự giám sát này, người phát ngôn Paul Browne của NYPD cung cấp bản danh sách 12 người bị bắt giữ hay bị buộc tội khủng bố ở Mỹ và hải ngoại. Số người này được cho là thành viên của Các Hiệp hội Sinh viên Hồi giáo mà NYPD gọi là MSAs. Tanwer Haq, giáo sĩ của Hội Sinh viên Hồi giáo (MSA) ở Syracuse, gọi hành động của NYPD là vi phạm nhân quyền và không ai muốn bị nằm trong danh sách đen của FBI hay NYPD.

Trong thời gian gần đây, Hãng Thông tấn AP tiết lộ những chương trình bí mật được NYPD xây dựng, với sự giúp sức của CIA, để theo dõi các sinh viên Hồi giáo ở những nơi họ ăn uống, mua sắm và hành lễ. AP cũng công bố nhiều chi tiết về chương trình cài người đưa tin vào các tổ chức MSA tại các trường đại học nằm trong thành phố New York. Tiết lộ của AP đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng sinh viên Hồi giáo ở Mỹ. Mặc dù NYPD tuyên bố cơ quan này làm đúng theo những quy định của FBI, song thực tế cho thấy các hoạt động của NYPD đã vượt quá những gì mà FBI cho phép.

Trường City College ở New York chỉ trích mạnh mẽ chương trình theo dõi sinh viên của NYPD đồng thời tuyên bố nhà trường sẽ không chấp nhận hay bỏ qua bất cứ cuộc điều tra nào nhằm vào bất cứ tổ chức sinh viên nào dựa vào tư tưởng tôn giáo hay chính trị của chúng.

Paul Browne cho biết các sĩ quan cảnh sát mật sẽ có mặt bất cứ nơi đâu mà những người nằm trong diện điều tra của NYPD đi đến. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy NYPD buộc tội khủng bố chống các sinh viên của City College. Các nhóm sinh viên là mối quan tâm đặc biệt của NYPD bởi vì chúng thu hút người Hồi giáo gia nhập, điều mà các nhóm khủng bố thường hay làm. Cảnh sát lo ngại các học giả Hồi giáo đang gây ảnh hưởng đến số sinh viên này và lo ngại những hoạt động ngoại khóa như là tập đánh trận giả ngoài trời có thể được sử dụng để huấn luyện các phần tử khủng bố.

Vào tháng 10/2011, lần đầu tiên AP công bố việc NYPD cài người đưa tin hay cảnh sát mật vào trong các MSA của City College, Brooklyn College, Baruch College, Hunter College, Queens College, Guardia Community College - những trường đại học nằm trong thành phố New York. Một sĩ quan cảnh sát giấu tên cũng cho biết NYPD có người đưa tin là sinh viên trong Trường đại học Syracuse. 

Một báo cáo - tựa đề "Báo cáo hàng tuần về MSA" đề ngày 22/11/2006 - gửi đến Cảnh sát trưởng Raymond Kelly của NYPD giải thích, các sĩ quan trong Đơn vị Tình báo mạng (CIU) của NYPD thường xuyên theo dõi các trang web, blog và forum của các MSA và hoạt động đó được coi như là "công việc thường ngày".

Người phát ngôn Paul Browne khẳng định các sinh viên chỉ thông báo về những sự kiện hay gửi email về những sự kiện bình thường thì không phải lo ngại bị đưa vào "hồ sơ khủng bố" của NYPD. Ông nhấn mạnh, NYPD chỉ quan tâm điều tra những sinh viên bị nghi ngờ dính líu đến các hoạt động vi phạm pháp luật nước Mỹ.

Tuy nhiên, sự trấn an như thế thật ra không thể làm an lòng một số cựu sinh viên. Như trường hợp của Adeela Khan, cựu nữ sinh viên một trường đại học ở thành phố Buffalo, bang New York. Khan bị đưa vào báo cáo của cảnh sát sau khi cô nhận được một email ngày 9/11/2006 có nội dung thông báo về một hội nghị Hồi giáo sắp diễn ra ở Toronto, với sự tham dự của "các học giả Hồi giáo rất được kính trọng".

Adeela Khan cho biết, khi nhận được email cô đã nhấp chuột theo yêu cầu để gửi thông điệp đến một nhóm người Hồi giáo trong chat forum của Yahoo rồi sau đó cô đã quên bẵng đi chuyện này. Thời gian đó Khan là thành viên quan trọng của MSA của trường đại học ở Buffalo. Khan cho biết cô không hề tham dự hội nghị ở Toronto theo lời mời qua email, không liên quan đến nó và cũng không muốn nói về nó. Nhưng sĩ quan Mahmood Ahmad trong CIU của NYPD vẫn đưa tên Adeela Khan vào trong báo cáo hàng tuần gửi đến Cảnh sát trưởng Raymond Kelly.

Sĩ quan Mahmood Ahmad bắt đầu điều tra hội nghị ở Toronto và tìm thấy một người trong số những người diễn thuyết tên là Tariq Ramadan có visa bị thu hồi năm 2004 vì có hành vi góp tiền cho một nhóm người Palestine. Năm 2010, Ramadan mới được cấp lại visa. Báo cáo của Mahmood Ahmad cũng nêu tên 3 người diễn thuyết khác của hội nghị Toronto.

Người thứ nhất, Siraj Wahaj, là một giáo sĩ Hồi giáo gây tranh cãi và thu hút sự chú ý đặc biệt của chính quyền Mỹ trong suốt nhiều năm liền. Các công tố viên cũng đưa tên của người này vào danh sách dài 3 trang rưỡi về những người mà họ cho là có dính líu đến vụ đánh bom Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) năm 1993 mặc dù anh không bao giờ bị buộc tội. Hai người khác là Hamza Yusuf và Zaid Shakir, nằm trong số những học giả Hồi giáo có tiếng tăm nhất ở Mỹ. Cả hai đều thường có những buổi diễn thuyết tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Yusuf từng gặp Tổng thống George W. Bush ở Nhà Trắng sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Sự nổi bật của hội nghị Toronto cũng đủ để Cảnh sát New York đưa tên Adeela Khan vào báo cáo hàng tuần về MSA - được ghi chữ đỏ "MẬT" - gửi đến văn phòng của Raymond Kelly. Không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc điều tra tiến xa hơn hay Adeela Khan bị buộc vào bất cứ tội gì. Nhưng Khan cũng hết sức lo ngại khi tên mình có trong báo cáo mật của Cảnh sát New York.

Về phần mình, trường đại học ở Buffalo tuyên bố không muốn hợp tác với một cuộc điều tra như thế của NYPD và ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và bảo vệ đời tư sinh viên

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.