Cảnh sát Toronto, Canada trấn áp hiệu quả tội phạm

Thứ Sáu, 16/06/2006, 08:30

Chiến dịch “Kim châm” trước lúc trời sáng hồi cuối tuần qua đã đem về kết quả khả quan: Hơn 100 vụ bắt giữ những kẻ tình nghi liên quan đến băng tội phạm Jamestown của Toronto.

Thành tích này ngay lập tức được ngợi khen là chiến dịch truy quét tội phạm thành công và lớn nhất thành phố này xưa nay. Cuộc tập kích đã giúp cất vó được rất nhiều hàng nóng (súng), côcain, cần sa, và thậm chí có cả những chiếc xe hơi bị mất cắp. Tính chung, cho đến lúc này cảnh sát đã lập hồ sơ truy tố với hơn 1.000 tội danh cho băng tội phạm này.

Phó trưởng Cảnh sát kiêm Trưởng ban chống tội phạm thành phố Toronto, ông Tony Warr, cho biết: “Cộng đồng rất tin tưởng và cung cấp cho cảnh sát chúng tôi nhiều thông tin xác thực kể từ khi chúng tôi được phân công điều tra băng nhóm tội phạm này vào năm ngoái. Giờ đây mọi người cảm thấy nhẹ nhõm vì luật phòng chống súng và tội phạm đã được thực thi chặt chẽ hơn”.

Chiến dịch “Kim châm” và việc thực thi luật pháp hiện nay nằm trong chiến dịch trấn áp tội phạm, bạo loạn băng nhóm và “hàng nóng” trên toàn lãnh thổ Canada, đặc biệt là tại Toronto – nơi những vụ giết người bằng súng và gây thương tích đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 2004-2005. Thế nhưng, trong khi cảnh sát và công chúng tán thưởng phương thức trấn áp hiệu quả này, thì các giáo sư tội phạm học và một số học giả uyên thâm về hiện trạng xã hội lại tỏ ra hoài nghi với cách giải quyết ấy sẽ “không tận gốc” những vấn đề đáng quan tâm, đó là nghèo khó, thất học, nạn thất nghiệp và nạn phân biệt chủng tộc trong nhiều nhóm người da màu thiểu số.

Những học giả này trích dẫn một trong những thành phố như thế là Boston, nơi có một sáng kiến tương tự đã dẫn đến giảm tỉ lệ giết người khoảng 80% vào năm 1999 – một thành công mệnh danh là “Huyền thoại Boston”. Thế nhưng kể từ đó, những vụ bắn nhau mất mạng lại tăng gấp đôi.

Tại Canada, súng và băng đảng là một hiện tượng tương đối mới và lạ, nhất là tại Toronto. Bởi vì từ xưa đến nay đường phố tại đó rất an toàn và tỉ lệ giết người hầu như không có. Tuy nhiên, đã xảy ra 52 vụ dùng súng bắn nhau tại thành phố này vào năm 2005, tăng 40 vụ so với năm 1995 (chỉ 12 vụ). Cảnh sát và các nhà hoạt động xã hội cho rằng các hành vi phạm trọng tội như thế tập trung vào nhóm thanh niên da màu bởi họ cho rằng họ bị đối xử không công bằng.

Chính quyền Toronto đã dành 51 triệu đôla Canada (khoảng 46 triệu USD) cho các chương trình triệt tiêu tội phạm và xã hội mới có liên quan đến giáo dục, việc làm và đào tạo nghề. Ngoài ra, chính quyền còn chi hơn 5 triệu đôla Canada cho việc thành lập đội cảnh sát hình án tuần tra 24/24 giờ. Đội tuần tra hình án này có nhiệm vụ truy quét bọn buôn lậu ma túy, súng lậu, và người vi phạm luật tạm tha có điều kiện hoặc những tên tội phạm có lệnh truy nã tại các khu vực bạo loạn lân cận Toronto.

Tiền tài trợ của chính quyền Toronto còn dành thêm 26 triệu đôla Canada cho Trung tâm đặc nhiệm các chiến dịch truy bắt súng và băng đảng tội phạm, cùng với 31 công tố viên, 3 quan tòa và nhiều phòng xử án công nghệ cao được thiết kế đặc biệt cho việc xét xử chúng. Ngoài ra, Chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper vừa ban hành luật mới nhằm giảm những cái chết vô nghĩa vì súng ống, trấn áp nạn buôn lậu vũ khí và dẹp bỏ hiện tượng manh nha của những băng đảng trong nội thành.

Alvin Nicholson, thuộc Liên minh các Lãnh tụ Thiên Chúa giáo – nơi thực thi chương trình “Kéo giảm súng ống” do chính quyền Toronto tài trợ, chủ yếu lo cho thanh niên da màu tránh khỏi sự lôi kéo của các băng đảng – cho biết: “Chúng tôi sát cánh với thanh niên da màu và tư vấn cho họ qua nhiều chương trình có thể tham gia cho đến khi họ thật sự có được niềm vui trong cuộc sống như có việc làm và gia đình êm ấm”

Phương Nguyên (theo C.Science Monitor)
.
.