Quanh việc Montenegro được mời tham gia NATO:

Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng

Thứ Năm, 10/12/2015, 19:45
Ngày 2-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: Nước này sẽ buộc phải đáp trả kế hoạch mở rộng của NATO, sau khi Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có lời mời Montenegro - một nước láng giềng của Nga, gia nhập tổ chức của họ vào đầu năm 2016, trở thành thành viên thứ 29 của NATO.

Tổng thống Nga đã chỉ trích gay gắt việc NATO liên tiếp “bành trướng về phía Đông”, động thái được Moscow xem là mưu toan nhằm bao vây, phong tỏa Nga. Mối quan hệ giữa Nga với NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh.

"Sáng kiến" dẫn đến viễn cảnh đối đầu

Trong Hội nghị Ngoại trưởng được tổ chức ngày 2-12, NATO đã quyết định mời Montenegro gia nhập vào khối này. Tổng Thư ký Jens Stoltenberg bày tỏ mong muốn các cuộc đàm phán giữa NATO với Montenegro về việc kết nạp nước này làm thành viên NATO sẽ hoàn thành vào đầu năm 2016. Sau đó, Quốc hội các nước thành viên NATO sẽ ký văn kiện phê chuẩn để Montenegro chính thức trở thành thành viên thứ 29 của khối.

Theo Jens Stoltenberg, chính sách mở cửa của NATO sẽ "thúc đẩy hòa bình và an ninh, sự ổn định trong khu vực". Theo ông, quyết định mời Montenegro tham gia khối liên minh quân sự này không nhằm chống lại bất cứ quốc gia nào, trong đó có Nga. Ông cũng không quên nhấn mạnh rằng, sẽ "không có bất cứ bên thứ ba nào có quyền can thiệp vào các quyết định được các quốc gia có chủ quyền thông qua". Trong khi đó, Chính phủ Montenegro cho rằng việc NATO mời nước này tham gia vào liên minh là tin tốt đẹp và có lợi cho toàn bộ khu vực Balkans.

"Việc NATO mời Montenegro tham gia vào khối là thông tin tuyệt vời cho tất cả các nước Tây Balkans trong bối cảnh họ cần củng cố an ninh và ổn định. Đây là tín hiệu tốt cho khu vực này vì chúng ta sẽ có thêm một thành viên trong gia đình Bắc Đại Tây Dương"- Bộ trưởng Ngoại giao Montenegro Igor Lukshich hân hoan bày tỏ.

Đáng chú ý là Montenegro sẽ không phải là quốc gia cuối cùng trong Balkans được NATO mời tham gia làm thành viên. Các nước NATO đang nhắm đến gồm Bosnia-Herzegovina, Macedonia. Ông Jens Stoltenberg khẳng định rằng, quyết định của NATO đối với Montenegro  đã cho thấy cánh cửa của NATO "luôn mở" cho tất cả các thành viên mới.

Sau khi Nga tái sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine, kích động cuộc nội chiến đẫm máu cướp đi sinh mạng của hơn 6.400 người ở miền Đông Ukraine.

Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên Xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO từ đó không ngừng tỏ ý định mời một loạt nước láng giềng Nga tham gia vào liên minh.

Hội nghị Ngoại trưởng NATO.

Lời mời của NATO dành cho quốc gia Balkan nhỏ bé được đưa ra trong bối cảnh phương Tây đang đối đầu căng thẳng với Moscow vì một loạt vấn đề. Đặc biệt, Liên minh Quân sự phương Tây đang phản ứng với cuộc khủng hoảng ở Ukraine bằng việc tăng cường hiện diện quân sự ở sát nách Nga đồng thời liên tục trấn an các nước từng là các chủ thể trong Liên bang Xôviết rằng, họ không việc gì phải lo sợ trước một nước Nga ngày càng mạnh hơn.

Moscow lập tức lên án NATO trong việc mời Montenegro gia nhập liên minh, nhận định đó là "một cú giáng nghiêm trọng vào khối châu Âu - Đại Tây Dương". "Kiểu sáng kiến đó gây ra viễn cảnh đối đầu thực sự. Nó sẽ chẳng giúp tăng cường hòa bình và sự ổn định ở vùng Balkan nói riêng cũng như cả châu Âu nói chung", Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitri Peshkov khẳng định rằng Nga sẽ không thể không đưa ra các biện pháp đáp trả đối với kế hoạch mở rộng sang phía đông của NATO. "NATO đang thực thi một chính sách rất không thân thiện với Nga, và Nga cần phải tính đến các đe dọa tiềm tàng này. Đề nghị của NATO không có nghĩa rằng Montenegro sẽ nhanh chóng gia nhập khối này" - Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Kalashnikov tuyên bố.

Sau đó, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng trực thuộc Thượng viện Nga Viktor Ozerov đã đề xuất các biện pháp đáp trả cụ thể có thể sẽ được Moscow áp dụng trong thời gian tới: Nga sẽ hủy bỏ việc thực hiện tất cả các chương trình chung với Montenegro nếu như nước này gia nhập NATO, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật-quân sự.

Ngoài ra, Montenegro có thể sẽ phải gánh chịu những tổn thất không nhỏ về kinh tế từ các biện pháp trừng phạt của Nga, trong đó có việc rút hết toàn bộ nguồn tiền đầu tư vào nước này.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương từng đưa ra vào cuối cuộc Chiến tranh lạnh. Điều cơ bản của cam kết này là Liên minh Quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới sát biên giới nước Nga. Vì vậy, những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên.

Rõ ràng, nhìn vào những diễn biến như trên, người ta có thể thấy, cuộc đối đầu giữa Nga và NATO đang hết sức nóng bỏng và có thể bùng phát thành xung đột bất kỳ lúc nào nếu các bên không hành động một cách kiềm chế và thận trọng.

Lòng tin đặt nhầm chỗ

Bức tường Berlin sụp đổ đã tạo ra những thay đổi địa chính trị ở châu Âu và cả trên toàn thế giới nói chung. Những nhà nghiên cứu lịch sử quốc tế và giới chức lãnh đạo Nga cho rằng, tình hình "kẻ Đông người Tây" và bạo lực chiến tranh luôn chực chờ bùng phát ở Ukraine hiện nay là hệ quả của việc Mỹ và NATO quên lời cam kết "Không mở rộng NATO về phía đông". Ngược lại, Mỹ và NATO phản bác cách lý giải này chỉ là tiền đề để Moscow can dự vào Ukraine; sự thực thì Washington và đồng minh chưa bao giờ cam kết "đóng băng" mở rộng NATO.

Lập luận mâu thuẫn này có căn nguyên sâu xa, gắn với bối cảnh rất phức tạp và nhạy cảm trong giai đoạn cuối của Chiến tranh lạnh. Sự thực là chưa hề có một thỏa thuận bằng văn bản quy định NATO không được phép mở rộng về phía đông. Nhưng nếu chỉ dựa vào đây để khẳng định NATO có quyền tự ý hành động thì cũng là một thiếu sót lớn. Thực chất là đã có những cam kết "bất thành văn" trong các cuộc hội đàm con thoi thời điểm năm 1990, gắn với một cục diện chính trị rất đặc biệt. Những cam kết phi chính thức này lại có giá trị trong quan hệ chính trị quốc tế; điều này đặc biệt đúng trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Cũng như nhà sử học Marc Trachtenberg từng nhận xét: Chiến tranh lạnh khởi nguồn từ các bước triển khai đối sách của châu Âu, Liên Xô, Mỹ trong những năm 1950 - 1960, nhưng nó chỉ được thừa nhận chính thức hơn một thập kỷ sau đó. Việc mở rộng NATO sang phía đông có nghĩa là gì; nếu không phải là sự mở rộng mạnh mẽ vùng ảnh hưởng của Mỹ và khối NATO (cả về quân sự - chính trị - kinh tế) trong không gian mà trước đây thuộc vùng ảnh hưởng của Nga? Không một quan chức hay nhà bình luận nào của phương Tây công nhận điều này.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Gruzia Saakashvili vốn mong muốn gia nhập NATO thì không chút ngại ngùng nói về điều này. Năm 2010, ông Saakashvili nồng nhiệt chào đón việc NATO tăng cường "sự hiện diện trong khu vực", bởi điều đó cho phép Mỹ và các đồng minh "mở rộng phạm vi ảnh hưởng".

Ngoại trưởng Liên Xô Shevardnadze (người tóc bạch kim bên trái ảnh) gặp Ngoại trưởng đức Hans-Dietrich Genscher, năm 1990.

Moscow có lý do để quy kết Mỹ và NATO bội ước. Các tài liệu giải mật của Mỹ miêu tả, chính quyền Tổng thống George H. W. Bush (Bush-cha) và lãnh đạo các nước đồng minh lúc đó quyết tâm thuyết phục giới lãnh đạo Liên Xô rằng, trật tự châu Âu thời hậu Chiến tranh lạnh sẽ là một thực thể "chấp nhận được" cho cả hai bên, với điều kiện Liên Xô chịu tiết giảm ảnh hưởng ở châu lục và đổi lại là việc NATO "đóng băng" tiến trình mở rộng, kết nạp thành viên mới. Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách Mỹ của các chính quyền kế tiếp dường như đã không muốn biến tầm nhìn này thành hiện thực.

Câu chuyện bắt đầu vào thời điểm vài tháng sau khi xảy ra sự kiện bức tường Berlin sụp đổ (tháng11-1989), khi mà giới lãnh đạo phương Tây còn đang vật lộn với câu hỏi có nên thống nhất nước Đức hay không và nếu có thì theo cách thức nào. Đến đầu năm 1990, câu trả lời đã có, khi Mỹ và CHLB Đức quyết định sẽ theo đuổi phương án thống nhất hai miền Đông Đức - Tây Đức. Do không biết chắc Liên Xô liệu có đồng ý rút quân khỏi Đông Đức (CHDC Đức) hay không, Washington và Berlin thỏa thuận sẽ đưa ra một đề xuất mang tính hồi đáp để thử phản ứng của Moscow.

Ngày 31-1, Ngoại trưởng CHLB Đức Hans-Dietrich Genscher tuyên bố sẽ không có việc NATO mở rộng sang phía đông sau khi hai miền thống nhất. 2 ngày sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Jame Baker có cuộc gặp với ông Genscher để thảo luận về kế hoạch này. Dù ông Baker không công khai ủng hộ kế hoạch của Ngoại trưởng Genscher, nhưng ý tưởng này trở thành tiền đề cơ sở cho các cuộc gặp sau đó giữa ông Baker với giới lãnh đạo Liên Xô: Tổng thống Mikhail Gorbachev và Ngoại trưởng Eduard Shevardnadze.

Trong các cuộc thảo luận này, ông Baker nhiều lần nhấn mạnh đến một thỏa thuận không chính thức. Đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ nói với người đồng cấp Shevardnadze rằng, quyền lực của NATO sẽ không dịch chuyển về phía đông. Tại các cuộc tiếp kiến ông Gorbachev sau đó, ông Baker cũng đưa ra một lời bảo đảm tương tự rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông. Khi Tổng thống Gorbachev nói "việc mở rộng vùng NATO là điều không thể chấp nhận được", Ngoại trưởng Mỹ đã đáp lại rằng "chúng tôi đồng ý về điều đó".

Quan điểm rõ ràng nhất được thể hiện trong cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng Xô - Mỹ hôm 9-2-1990. Các tài liệu giải mật của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Baker đã hứa rằng "ảnh hưởng và lực lượng của NATO sẽ không di chuyển về phía đông". Thủ tướng CHLB Đức Helmut Kohl ngay lập tức đã có một cam kết đúng như vậy trong cuộc gặp với lãnh đạo Liên Xô tại Moscow một ngày sau đó.

Như vậy cả hai bên tại thời điểm đó đã chấp thuận cục diện địa chiến lược trong tương lai: Nước Đức thống nhất, Liên Xô rút quân khỏi CHDC Đức và NATO sẽ triệt thoái dần như là một thế lực quân sự nguy hiểm ở châu Âu. Rõ ràng, giới lãnh đạo Liên Xô khi đó đã quá vội vã và ngây thơ "tín thác" vào đối phương.

Đ.L. (tổng hợp)
.
.