Chân tướng Nguyễn Sĩ Bình và tổ chức “đảng nhân dân hành động” (tiếp theo và hết)

Thứ Sáu, 26/06/2009, 21:20
Chuyển hướng hoạt động sang đất Thái Lan, tháng 8/2000, sau khi tuyển mộ được 2 người Việt là Ba Hoàng và Vũ Thị Ngọc Ẩn, Nguyễn Sĩ Bình nhập cảnh đất Thái, tổ chức huấn luyện cho 2 người này cách thức liên lạc qua mạng Internet. Đến tháng 9, Bình xúi cả hai xâm nhập trái phép Việt Nam để bắt liên lạc lại với một số "đảng viên" lâu nay vẫn nằm im thở khẽ, rồi kêu gọi họ tìm cách sang Thái Lan, để gặp "lãnh tụ" Nguyễn Sĩ Bình.
>> Chân tướng Nguyễn Sĩ Bình và tổ chức “đảng nhân dân hành động”

Đỗ Hữu Nam và "trà đàm dân chủ"...

Sinh năm 1958 tại Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, năm 1980 - khi nhận được thông báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, Nam trốn sang tỉnh Kô Kông, Campuchia rồi kiếm sống bằng đủ thứ nghề, từ xe ôm đến mánh mung, cờ bạc.

Năm 1996, Đỗ Hữu Nam quen Nguyễn Quốc Cường, là "đảng viên đảng nhân dân hành động". Sau một thời gian được Cường rủ rê, lôi kéo, tháng 3/1997, Đỗ Hữu Nam nhận lời tham gia tổ chức này với chức vụ "phó ban trật tự". Tháng 7/1997, nhận sự chỉ đạo của Nguyễn Sĩ Bình, Nam thâm nhập vào Việt Nam qua đường biên giới tỉnh An Giang để tiến hành tuyên truyền, lôi kéo những người nghèo, nhẹ dạ, cả tin, gia nhập tổ chức. Tuy nhiên, Đỗ Hữu Nam cùng một số đồng bọn như Nguyễn Công Cẩm, Danh Giàu, Nghiêm Vi Linh..., đã bị Cơ quan An ninh - Công an tỉnh An Giang bắt gọn rồi sau đó ra tòa, mỗi tên lĩnh 3 năm tù giam vì tội danh tuyên truyền phản động...

Mãn hạn tù, Nam chạy lên Đồng Nai để trốn lệnh quản chế. Tháng 10/2005, Nam vượt biên sang lại Campuchia rồi thông qua Danh Giàu bắt liên lạc với Đỗ Thành Công - kẻ cầm đầu tổ chức phản động "đảng dân chủ nhân dân" ở Mỹ. Nhận được 800 USD và chỉ thị của Đỗ Thành Công, Nam lập tức triển khai kế hoạch thành lập "chi bộ sông Mê Kông", trực thuộc tổ chức "dân chủ nhân dân" với bí danh là Đỗ Hoài Bão. Chẳng mấy chốc, danh sách thành viên trong "chi bộ sông Mê Kông" đã lên đến 187 người nhưng hầu hết đều là người... “ma” bởi lẽ hễ nghĩ ra được cái tên nào, Nam viết vào danh sách cái tên nấy.

Để lôi kéo những người nhẹ dạ gia nhập, Đỗ Hữu Nam khoác lác: "mỗi tháng sẽ được lĩnh lương 50 USD, được cấp điện thoại di động, xe gắn máy...". Đã thế, Đỗ Hữu Nam còn ăn cả hai đầu. Bằng cái danh sách “ma” này, Nam liên hệ với Nguyễn Sĩ Bình, Nguyễn Xuân Ngãi, bốc phét rằng mình đã tập hợp lại được lực lượng, rồi xin tiền. Mắc mưu Nam, Bình chỉ đạo Đỗ Hữu Nam dùng lực lượng ấy, thành lập "hội dân chủ", và sau đó đổi thành "phong trào dân chủ Việt Nam", đồng thời gửi cho Nam 1.200 USD để hoạt động.

Tuy nhiên, trong suốt năm 2006, rồi 2007, cái gọi là "phong trào dân chủ Việt Nam" chẳng làm được  trò trống gì ngoại trừ mấy bài viết chửi bới lăng nhăng trên mạng Internet. Đã vậy, cả bọn còn phảI liên tục trốn tránh sự truy quét của các cơ quan chức năng Campuchia nên đầu tháng 2/2008, theo lệnh Nguyễn Sĩ Bình, Đỗ Hữu Nam bèn đẻ ra cái quái thai dưới lớp vỏ bọc rất hiền lành, là "trà đàm dân chủ Việt Nam".

Để đánh lừa những người thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, trong tuyên bố thành lập, Đỗ Hữu Nam viết: "Đặc điểm của trà đàm dân chủ là lúc gặp gỡ thân mật của người dân chủ, không phân biệt tuổi tác, nam nữ, thành phần xã hội, sắc tộc, tôn giáo..., cùng nhau ngồi lại bàn luận tương lai đất nước...".

Tiếp theo, Đỗ Hữu Nam khẳng định: "Trà đàm dân chủ không phải là một tổ chức, một hội đoàn, ở tỉnh thành nào thì gọi tên theo tỉnh, thành đó, thí dụ ở Hà Nội thì gọi là trà đàm dân chủ Hà Nội, ở Huế gọi là trà đàm dân chủ Huế...". Và mặc dù Đỗ Hữu Nam cho rằng "trà đàm" không phải là hội đoàn hay tổ chức, ấy vậy mà nó vẫn có một... ban đại diện, đứng đầu là Đỗ Hữu Nam, cùng 31 nhân vật khác, trong đó - ít nhất 19 người là những người được Đỗ Hữu Nam bịa ra tên tuổi nhằm phô trương thanh thế. Chưa kể vẫn trong danh sách ấy, có người đã mất từ 4 năm trước vì bệnh tật.

Trở lại chuyện Nguyễn Sĩ Bình chuyển hướng hoạt động sang đất Thái Lan, tháng 8/2000, sau khi tuyển mộ được 2 người Việt là Ba Hoàng và Vũ Thị Ngọc Ẩn, Nguyễn Sĩ Bình nhập cảnh đất Thái, tổ chức huấn luyện cho 2 người này cách thức liên lạc qua mạng Internet. Đến tháng 9, Bình xúi cả hai xâm nhập trái phép Việt Nam để bắt liên lạc lại với một số "đảng viên" lâu nay vẫn nằm im thở khẽ, rồi kêu gọi họ tìm cách sang Thái Lan, để gặp "lãnh tụ" Nguyễn Sĩ Bình.

Từ đó cho đến tháng 11/2004, mỗi năm một lần, Nguyễn Sĩ Bình, Nguyễn Thị An Nhàn lại vào Thái Lan để tổ chức các lớp huấn luyện. Đầu năm 2005, Nguyễn Sĩ Bình phát hiện ra một "gương mặt mới": Đó là Huỳnh Văn Ba, tức Thích Thiện Minh, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định.

...đến Huỳnh Văn Ba, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định

Sinh ngày 29/8/1955 tại xã Vĩnh Lợi, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, Huỳnh Văn Ba là con thứ hai trong một gia đình có 7 anh chị em. Năm 1970, Huỳnh Văn Ba xin vào chùa Long Phước, Bạc Liêu để tu hành. Năm 1972, ông ta thọ giới Sa di, pháp danh Thích Thiện Minh rồi được đưa về trụ trì tại chùa Vĩnh Bình, thuộc ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Tại đây, ông ta học thêm nghề thuốc nam, châm cứu, đồng thời theo học khoa Báo chí của Trung tâm giáo dục Vì Sao ở Sài Gòn - theo cách bài vở gửi qua đường bưu điện.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thay vì dốc lòng lo việc Phật sự, đem khả năng xem mạch, bốc thuốc của mình ra để giúp đời, thì Huỳnh Văn Ba lại nung nấu lòng căm thù chính quyền cách mạng mặc dù việc tu hành của ông ta không hề bị ai gây khó dễ. Lợi dụng chức vụ trụ trì, ông ta sáng tác những bài thơ, bài vè rất phản động, rồi ngấm ngầm truyền bá cho thiện nam, tín nữ, hoặc lồng vào những bài thuyết pháp, những tư tưởng chống đối.

Đầu năm 1977, sự chống đối chính quyền cách mạng của Huỳnh Văn Ba càng lúc càng công khai nên ông ta nhanh chóng lọt vào "mắt xanh" của các nhóm phản động nổi lên sau ngày giải phóng. Cuối năm 1977, tổ chức phản động "mặt trận dân quân phục quốc" cử Trịnh Thanh Sơn, từ rừng U Minh về Bạc Liêu, móc nối với Huỳnh Văn Ba rồi phong cho ông ta là "cố vấn chính trị".

Để đáp lại, Huỳnh Văn Ba gửi vào "chiến khu" máy đánh chữ, giấy, bút, vải may cờ, áo mưa, gạo, thuốc sốt rét, bản đồ tỉnh Bạc Liêu, bản đồ Quân khu 4 (do chế độ cũ ấn hành). Bên cạnh đó, ông ta còn trực tiếp in roneo truyền đơn cương lĩnh của "mặt trận", in "tuyên cáo", rồi dùng một cây nhang đốt cháy, buộc vào bó truyền đơn, treo lên quả bong bóng bay để khi nhang cháy làm đứt sợi dây buộc, truyền đơn sẽ rơi xuống.

1h30’ sáng ngày 28/3/1979, Huỳnh Văn Ba cùng một số đồng phạm hoạt động bí mật trong thị xã Bạc Liêu như Hồ Văn Minh, Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Văn Kiểm, Trần Văn Giải..., bị bắt với tang vật là một số mặt nạ chống hơi độc, bản đồ tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau), thuốc men, truyền đơn, cờ "mặt trận" cùng tập thơ "Vịnh đạo đời" gồm rất nhiều bài có nội dung chống đối chính quyền do Huỳnh Văn Ba "sáng tác".

Bị tạm giam tại trại giam huyện Vĩnh Lợi, Huỳnh Văn Ba một mặt lén lút gửi thư ra ngoài, liên lạc với đồng bọn, mặt khác móc nối với những thành viên thuộc nhóm phản động Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Túy, bị bắt trong vụ xâm nhập Việt Nam, tiến hành bạo loạn, lật đổ chính quyền để âm mưu cướp vũ khí, phá trại giam. Tuy nhiên, kế hoạch bị phát hiện, Huỳnh Văn Ba ra tòa, lĩnh án tù chung thân.--PageBreak--

Ngày 2/2/2005, Huỳnh Văn Ba được đặc xá và được cho về cư trú tại Bạc Liêu. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, ông ta đã tiến hành liên lạc với một số phạm nhân can tội phản cách mạng, đã từng bị giam chung với ông ta và đã được tha, để cho ra đời cái gọi là "hội ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo", đồng thời liên lạc, cầu cạnh với Nguyễn Sĩ Bình. Lập tức,  Bình gửi tiền về cho Huỳnh Văn Ba mua sắm thiết bị như máy tính xách tay, điện thoại di động, máy fax để Ba viết bài, xuyên tạc vu khống Nhà nước Việt Nam.

Bản chất của "hội ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo" có thể tóm gọn trong mấy chữ: Đó là đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, xóa bỏ Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lợi dụng thiên tai, bão lũ, Huỳnh Văn Ba tổ chức những đợt đi cứu trợ, từ thiện nhưng thực chất  là để móc nối với những phần tử cơ hội, bất mãn, rủ rê, lôi kéo họ vào "hội".  Bên cạnh đó, Ba viết hồi ký rồi chuyển sang Mỹ để in và tán phát. Nội dung hồi ký, Huỳnh Văn Ba bịa ra nhiều chuyện, xuyên tạc chính sách của Nhà nước Việt Nam, đồng thời thường xuyên viết bài và trả lời phỏng vấn cho những ổ nhóm phản động hải ngoại.

Theo chỉ đạo của Nguyễn Sĩ Bình, Huỳnh Văn Ba bắt liên lạc với Thích Không Tánh, thuộc tổ chức không được pháp luật và xã hội thừa nhận, là "Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (GHPGVNTN)", để đòi "phục hồi GHPGVNTN, đòi thực hiện quyền tự do tôn giáo (?!), xây dựng lực lượng đối kháng Nhà nước Việt Nam để cuối năm 2006, thành lập những văn phòng đại diện "đảng nhân dân hành... lạc", công khai hoạt động tại Việt Nam".

Ngày 23/11/2007, Ba từ Bạc Liêu lên chùa Bà La Mật tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gặp Hồ Bửu Hoa, "cố vấn" của "hội ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo", để cùng chủ trì một buổi họp với những người nằm trong cái gọi là "đại diện thanh niên dân chủ", gồm Nguyễn Thu Trâm, Phan Lê Nam, Văn Thiên Chương... Trong buổi họp này, kế hoạch mà Huỳnh Văn Ba, Hồ Bửu Hoa đưa ra, là theo chỉ đạo của những tổ chức phản động người Việt ở nước ngoài như "cao trào nhân bản", "mạng lưới nhân quyền", "dân chủ nhân dân", "nhân dân hành động"...,  nhóm "đại diện thanh niên dân chủ" tiếp tục lợi dụng những vụ đình công, khiếu kiện để kích động gây rối.

Bên cạnh đó, Ba, Hoa phân công cụ thể cho từng người như chụp hình các vụ khiếu kiện, đình công, viết bài tán phát trên mạng Internet, trả lời phỏng vấn, tuyên truyền lôi kéo những người đi khiếu kiện gia nhập "hội dân oan", "hội ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo". Hễ nghe nói ở đâu, có ai đó bị bắt, thì lập tức Ba tìm cách hỏi thăm, rồi ghi tên vào "hội" mà cụ thể là một người dân theo đạo Hòa Hảo ở Đồng Tháp, đi chơi, tạm trú qua đêm tại nhà người quen nhưng không khai báo tạm trú, bị xử phạt hành chính, Ba lập tức "kết nạp" ngay người này vào "hội". Thậm chí có anh xe ôm, đã vi phạm luật lệ giao thông, lại còn toan tính hành hung Cảnh sát Giao thông đang làm nhiệm vụ nên bị mời về đồn, Huỳnh Văn Ba cũng phong cho anh ta là "tù nhân chính trị".

Cũng dưới sự chỉ đạo của Huỳnh Văn Ba, Trương Minh Nguyệt ở Long An, Nguyễn Văn Ngọc ở Đồng Nai - là những kẻ được Huỳnh Văn Ba phong chức "hội phó", lại tiếp tục thành lập cái gọi là "nhóm người Việt Nam yêu nước" (nhưng đã bị Công an Đồng Nai đập tan). Bên cạnh đó, một số kẻ phản động, đã bị xử tù rồi khi được tha, đã chạy ra nước ngoài như Phạm Trần Anh ở Mỹ, Phạm Văn Tưởng ở Thụy Điển, Vũ Trọng Khải ở Australia, Nguyễn Thị Châm Oanh ở Đức,  cũng “theo voi hít bã mía” bằng cách lập ra những "chi hội" ở hải ngoại.

Cuối năm 2006, được sự xúi giục và hỗ trợ của Nguyễn Sĩ Bình, một số phần tử cơ hội, bất mãn trong nước, phản động ngoài nước cho ra đời cái gọi là "đảng dân chủ Việt Nam", và tờ tạp chí chui "tập san dân chủ" - mà thực chất đó chỉ là hình thức biến tướng của "nhân dân hành... lạc", với sự tham gia của các nhân vật trong nước như Hoàng Minh Chính (đã chết), Huỳnh Văn Ba, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức... Trong đó, Trần Huỳnh Duy Thức sử dụng Công ty "Một kết nối" (OCI) làm trạm liên lạc, nhận những chỉ thị, tài liệu do Nguyễn Sĩ Bình, Nguyễn Xuân Ngãi từ nước ngoài gửi về. Lê Công Định dùng Văn phòng luật sư của mình để biên soạn tài liệu, như "con đường Việt Nam", "từ độc tài đến dân chủ", cùng Nguyễn Sĩ Bình soạn thảo bản "tân hiến pháp"...

Mục tiêu của cái "đảng" này gồm: Xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế bằng cách tập trung vào những vấn đề mà dư luận đang quan tâm nhằm tạo ra sự hoài nghi trong xã hội. Biên soạn tài liệu rồi tung lên mạng, nhằm bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước Việt Nam, gây chia rẽ nội bộ. Tìm cách khuynh loát các cơ quan truyền thông, tìm cách vận động một số nhà báo có tư tưởng bất mãn, nhất là những người viết blog, viết bài và lồng vào đó những quan điểm của "đảng dân chủ Việt Nam". Thành lập thêm các tổ chức ngoại vi như "đảng lao động Việt Nam", "đảng xã hội Việt Nam", các "câu lạc bộ chấn hưng" để từ đó, hình thành nên một tổ chức chính trị.

Gần đây nhất - tháng 7/2008, Nguyễn Sĩ Bình, Nguyễn Xuân Ngãi đã tổ chức "đại hội đảng dân chủ Việt Nam" tại Băng Cốc, Thái Lan để phân chia ngôi thứ. Nhằm tạo cho "đảng dân chủ Việt Nam" có một bộ mặt sạch sẽ, Bình từ chức đảng trưởng, chỉ nhận làm "trưởng ban tuyên vận trung ương đảng" nhưng thực tế, tất cả mọi hoạt động của số tay chân, nhất nhất đều phải thông qua Nguyễn Sĩ Bình.

Việc Cơ quan An ninh Việt Nam bắt giữ Trần Huỳnh Duy Thức - rồi Lê Công Định đã như một cái tát trời giáng vào mặt Nguyễn Sĩ Bình, Nguyễn Xuân Ngãi. Trong mấy ngày vừa qua, Bình giãy như đỉa phải vôi. Ngoài việc tung tin để lên mạng Internet cùng một số tờ báo của những nhóm người Việt phản động hải ngoại, Bình còn chạy đi vận động cá nhân này, đến cầu cạnh tổ chức khác để mong họ tin rằng "Việt Nam đang đàn áp nhân quyền".

Tuy nhiên, thúng làm sao úp nổi voi, vở tuồng "đảng nhân dân hành... lạc" của "kép chính" Nguyễn Sĩ Bình, "đào thương" Nguyễn Thị An Nhàn cùng những thứ màu mè bâu xung quanh nó, đã tới lúc hạ màn

Hoà Xuân
.
.