Chẳng còn gì giới hạn cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới

Thứ Hai, 12/08/2019, 15:36
Ngày 2-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Cùng ngày, Nga cũng thông báo chính thức chấm dứt hiệp ước INF.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Vào ngày 2-8-2019, dựa trên hành động của Mỹ, hiệp ước giữa Liên Xô cũ và Mỹ về việc loại bỏ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung... đã chấm dứt". Hiệp ước đã chấm dứt. Thế giới sẽ ra sao hậu INF khi những quả tên lửa không còn chịu sự ràng buộc nào?

Tổng thống Nga Vladimir Putin kiểm tra một đơn vị chiến đấu. Ảnh: straitstimes.com.

Không thể đối thoại

Để thể hiện thiện chí hòa bình, trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov kêu gọi Mỹ thực thi một lệnh đình chỉ triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung. Hãng thông tấn TASS dẫn lời Thứ trưởng Ryabkov nêu rõ: "Chúng tôi đã đề nghị Mỹ và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xem xét tuyên bố một lệnh đình chỉ việc triển khai các tên lửa tầm trung".

Theo ông Ryabkov, lệnh đình chỉ này có thể so sánh được với một lệnh đình chỉ vốn đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố. Ông nhấn mạnh nếu Mỹ không triển khai tên lửa tầm trung ở một số khu vực, Nga cũng sẽ không làm điều này.

Như vậy, INF vốn được Mỹ và Liên Xô cũ ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Tuy nhiên, vào tháng 10-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729".

Trong khi đó, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Theo Moscow, Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.

Hệ thống tên lửa phòng thủ hay tấn công của Nga luôn là nỗi lo sợ đối với phương Tây. Ảnh: BBC.

Ngày 1-2, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2-2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Ngày 6-2, Nga cũng thông báo sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng, như một sự đáp trả tương xứng đối với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn dự luật đình chỉ hiệp ước này và được đăng trên trang web chính thức của Chính phủ Nga ngày 3-7. Nga cũng tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp quân sự đáp trả những mối đe dọa của NATO liên quan đến việc Moscow đình chỉ thực thi INF.

Nguy cơ cuộc chạy đua vũ trang mới

Ngày 2-8, Nga nhận định Mỹ đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi rút khỏi INF. Hội đồng An ninh Nga từng cảnh báo việc Mỹ rút khỏi INF có thể dẫn tới nguy cơ trở lại thế đối đầu giữa các cường quốc thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng tuyên bố nước này sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng, song Moscow vẫn cân nhắc những đề xuất nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: “Chắc chắn chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp kỹ thuật-quân sự để đối phó với những mối đe dọa đến từ việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF cũng như kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân dùng ít năng lượng của nước này”. Theo ông Lavrov, Nga không muốn một cuộc chạy đua vũ trang giống như thời Chiến tranh Lạnh và Moscow sẽ làm việc trong phạm vi ngân sách của Bộ Quốc phòng nước này.

Hệ thống tên lửa phòng thủ hay tấn công của Nga luôn là nỗi lo sợ đối với phương Tây. Ảnh: BBC.

Tuy các bên đều ra tuyên bố không làm gì ảnh hưởng tới hòa bình thế giới nhưng các chuyên gia quốc tế dự báo rất có thể hai cường quốc này sẽ triển khai các loại vũ khí mới, làm dấy lên lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang mới. Các chuyên gia nhận định, INF từng được xem là một trong những “hòn đá tảng” giúp duy trì an ninh và sự ổn định chiến lược toàn cầu thì nay đã không còn.

“Cái kết không có hậu” này phản ánh một thực tế Nga và Mỹ đã không thể tìm được tiếng nói chung qua đối thoại để “cứu” INF. Có vẻ lập trường cứng rắn của cả hai khiến các cuộc thương lượng kéo dài 6 tháng qua kể từ thời điểm Mỹ “kích hoạt” thủ tục rút khỏi INF ngày 2-2, không đem lại kết quả, thậm chí còn có nguy cơ ảnh hưởng tới Hiệp ước Hạn chế và cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới sẽ hết hiệu lực năm 2021.

Phá vỡ cục diện an ninh toàn cầu

INF là thỏa thuận kiểm soát vũ khí đầu tiên và duy nhất đến nay loại bỏ hoàn toàn một loại vũ khí hạt nhân, khi yêu cầu hai cường quốc thủ tiêu các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km, nhất là loại tên lửa tầm trung có thể thực hiện đòn tấn công hạt nhân mang tính hủy diệt trên toàn lãnh thổ châu Âu trong thời gian chỉ chưa đầy 6 phút, khiến quốc gia bị tấn công gần như không có cơ hội đáp trả.

Vì vậy, việc đạt được INF từng được đánh giá là thành công lớn nhất về kiểm soát vũ khí của thời kỳ Chiến tranh Lạnh và hiệp ước cũng được xem như “tấm khiên” bảo đảm an ninh và ổn định ở châu Âu, góp phần vun đắp nền tảng cho hòa bình thế giới. INF đã phát huy vai trò tích cực đối với việc thúc đẩy kiểm soát vũ khí trên thế giới với việc hai bên phá hủy hơn 2.600 tên lửa tầm trung và tầm ngắn.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hai cường quốc liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF, đồng thời nhiều lần đe dọa rút khỏi hiệp ước này, dù phần lớn là để gây sức ép cho các mục tiêu chiến lược và mục đích lợi ích liên quan. Tranh cãi giữa hai bên liên quan tới INF càng trầm trọng sau những biến động trong môi trường an ninh xung quanh Mỹ và Nga, đặc biệt khi Mỹ và NATO liên tục mở rộng sự hiện diện quân sự về phía Đông sát biên giới Nga, điều mà Moscow coi là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.

Cựu lãnh đạo Liên Xô M.Gorbachev và Tổng thống Mỹ R.Reagan ký INF năm 1987. Ảnh: BBC.

Nga nghi ngờ các loại vũ khí Mỹ bố trí ở Đông Âu vi phạm hiệp ước. Có ý kiến cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại châu Âu chủ yếu là một cái cớ để “các bên thứ ba”, ám chỉ các nước thành viên NATO ở châu Âu không bị ràng buộc bởi hiệp ước này, xây dựng lực lượng tên lửa tầm trung chống Nga.

Trong khi đó, Mỹ cũng nghi ngờ Moscow phát triển các loại vũ khí vượt qua các hạn chế theo quy định của INF. Mặt khác, Mỹ cho rằng việc chịu sự ràng buộc của INF phần nào hạn chế khả năng của Washington trong việc đối phó với những nguy cơ từ các quốc gia “đối thủ địa chính trị” sở hữu tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Giới chức Mỹ nhiều lần lên tiếng coi các lực lượng tên lửa của Trung Quốc, chủ yếu là tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân, là mối đe dọa an ninh của Mỹ, khiến Mỹ phải nới lỏng ràng buộc của mình trong việc phát triển và bố trí tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng tuyên bố muốn đạt một thỏa thuận kiểm soát vũ khí “thế hệ kế tiếp”, toàn diện hơn với cả Nga và Trung Quốc nhằm thay thế INF, bởi Trung Quốc chưa có bất cứ thỏa thuận kiểm soát vũ khí tương tự nào với Mỹ.

Dù Mỹ và Nga có lý do gì thì việc INF bị “khai tử” cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Và tình trạng này sẽ tiếp tục leo thang nếu hai bên triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn vốn trước đây bị cấm theo INF. Mâu thuẫn hai bên càng khoét sâu thêm sự nghi kỵ và thù địch giữa Nga và Mỹ nói riêng, Nga và phương Tây nói chung, thậm chí có thể dẫn tới “cuộc Chiến tranh Lạnh mới” hay một cuộc chạy đua vũ trang mới, không chỉ có sự tham gia của Nga và Mỹ, mà còn kéo theo các cường quốc khác vốn đang tìm mọi cách để khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, cũng được cảnh báo có thể diễn ra, làm trầm trọng hơn sự mất cân bằng chiến lược toàn cầu.

Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ D.Trump đã không thể cứu vãn được sự đổ vỡ của INF. Ảnh: Quartz.

Theo trang mạng Tin tức quốc phòng của Mỹ, một giai đoạn mới của cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân rất có thể sẽ bắt đầu. Nếu thế, trước hết nó sẽ đe dọa an ninh châu Âu cũng như sự ổn định chiến lược toàn cầu. Châu Âu được dự báo sẽ là “kho thuốc súng” tích tụ các loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Cục diện an ninh toàn cầu vốn ở trạng thái tương đối ổn định và cân bằng hiện nay có thể bị phá vỡ bởi khi Nga và Mỹ coi nhau là đối thủ chiến lược, hai nước có khả năng vũ trang cho các nước đồng minh các loại vũ khí.

Khả năng hai bên tìm được lối thoát trong giải quyết các bất đồng đối với INF và tìm kiếm một cơ chế kiểm soát vũ khí mới càng lúc càng trở lên khó khăn khi mỗi bên đều có lý do để theo đuổi chiến lược của riêng mình.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, như nhận xét của nhiều chuyên gia, INF đổ vỡ chắc chắn sẽ tạo ra một điểm nóng bất ổn mới. Hiệu ứng "domino" rất có thể sẽ xuất hiện trong tương lai với sự đổ vỡ của START mới, Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) hay Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT).

Theo đánh giá của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), sự đổ vỡ của Hiệp ước INF gây ảnh hưởng tới an ninh của châu Âu, làm gia tăng khả năng khu vực sẽ trở lại thời kỳ bất ổn những năm 1980. Các tên lửa tầm trung của Nga có thể làm gia tăng khả năng xảy ra leo thang hạt nhân giữa các nước NATO và Nga trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Các chuyên gia được hãng tin Tân Hoa Xã phỏng vấn cũng đánh giá rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF sẽ gây ra thêm nhiều bất ổn cho an ninh quốc tế. William Perry, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng "Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF ngày hôm nay là một đòn giáng lớn đối với việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và an ninh toàn cầu, chúng ta đang “mộng du” bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới".

Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, nói: "INF đổ vỡ mà không có kế hoạch kiểm soát vũ khí nào thay thế có thể sẽ mở ra cánh cửa dẫn tới một kỷ nguyên nguy hiểm của cạnh tranh quân sự không bị kiểm soát". Rõ ràng, những lo ngại này không phải bị thổi phồng.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ quan ngại rằng với sự kết thúc của Hiệp ước INF, thế giới đã mất đi một "chiếc phanh" vô giá để ngăn cản chiến tranh hạt nhân. Người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đang bị thách thức và bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc cơ chế giải trừ quân bị quốc tế và không phổ biến quốc tế đang đứng trước mối đe dọa to lớn.

Cần bảo toàn các thành tựu của Hiệp ước INF. Trước tình hình căng thẳng tăng cao, các bên phải cẩn trọng để không đi vào con đường của cuộc chạy đua vũ trang mới sẽ làm tổn thất những gì đạt được sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Mỹ và Nga cần tìm cách giảm thêm kho vũ khí của mình, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến lược và phi chiến lược, đã được triển khai và chưa triển khai, có tính đến trách nhiệm đặc biệt của các quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất. Không được để sự đổ vỡ của INF lan sang các hiệp ước kiểm soát vũ khí khác.

Nhanh chóng tổ chức các cuộc đối thoại nhằm xây dựng một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới. Tuy nhiên, chắc chắn vấn đề vũ khí hạt nhân không thể được giải quyết nếu thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa Nga và Mỹ. Rủi ro xung đột sẽ tăng, chi phí kinh tế cho chạy đua vũ khí sẽ tăng và ngày càng có nhiều ý kiến chỉ trích. Điều đó có nghĩa là sớm hay muộn, hai bên cũng sẽ phải quay trở lại bàn đàm phán.

Hoa Huyền
.
.