Chàng thi sĩ mù và chuyện tình đẹp như cổ tích

Thứ Bảy, 09/06/2012, 05:30

Mới bước vào ngưỡng cửa đại học, một nam sinh viên xứ Nẫu đã vấp phải biến cố lớn trong cuộc đời mình. Đôi mắt bỗng dưng mờ dần rồi mù hẳn, khiến chàng trai đó phải gác lại ước mơ trở thành thầy giáo ngữ văn. Sau nhiều đêm dằn vặt với nỗi buồn ngổn ngang luôn đè nặng tâm trí, anh đã tìm đến với thơ để giải tỏa ức chế tâm lý, xoa dịu nỗi đau tinh thần. Và điều bất ngờ tưởng chừng chỉ có trong mơ là sau 20 năm sống đơn điệu với bóng tối, chàng thi sĩ mù đã có một mối tình đẹp như… cổ tích.

Người làm thơ trong bóng tối

Từ một sinh viên năng động, mê sách và thích làm thơ, Lê Đình Hòa sinh năm Quý Mão 1963, nhưng trong giấy khai sinh ghi sinh năm Bính Ngọ 1966 phải sống trong cảnh mù lòa, suốt ngày luẩn quẩn ở nhà cùng… bóng tối, nên thời gian đầu anh phải sống trong tâm trạng khổ đau, bất hạnh và ngổn ngang nỗi buồn.  Hòa nhớ lại: "Lúc đó tôi gần như tuyệt vọng, không còn khái niệm gì về thời gian vì trước mắt tôi đêm hay ngày đều là bóng đen định mệnh. Lắm lúc tôi nằm vùi trong phòng, bỏ luôn cơm cháo...".

Thương con, mẹ anh bà Huỳnh Thị Lài (chồng mất sớm một mình tần tảo nuôi 6 người con) phải dành nhiều thời gian động viên mãi Hòa mới gượng dậy và cố quên nỗi đau thực tại. Không đọc sách được nữa, Hòa chuyển sang nghe radio và thỉnh thoảng nhờ người thân đọc một bài thơ mới vừa tìm thấy trên những trang báo, tạp chí. Và rồi nỗi nhớ bạn bè, giảng đường đại học đã đánh thức Hòa tìm lại với thơ để giãi bày, chia sẻ nỗi niềm: “Ta bỏ trường nhung nhớ để ngàn sau/ Làm xa lạ bỏ tình yêu giữa phố/ Chiều nghiêng môi uống cùng ta bão tố/ Trời rưng rưng trăng chín sắp rơi rồi/ Sóng làm ta hoảng sợ chạy mòn hơi/ Ta vấp ngã bên vỉa hè đại học/ Tiếng ve sầu não lòng ta muốn khóc/ Ta nằm nghe mưa lạnh thấm vào hồn…”.

Trong bóng tối, Hòa tìm thấy những câu thơ giàu tâm trạng: “Rằng đời chắc thực là mơ/ Rằng hai con mắt đã mờ rồi sao/ Đôi khi trong giấc chiêm bao/ Ta nghe vỡ mộng hôm nào với trăng”.

Anh Lê Đình Hòa bên con gái Phương Anh.

Không thể cầm bút như thời mắt sáng, lúc đầu Hòa phải lẩm nhẩm sáng tác thơ bằng trí nhớ, sau này anh "chép" vào máy ghi âm trước khi nhờ người thân viết lại trên giấy. Cứ thế, thi sĩ mù lặng lẽ sáng tác rồi xếp vào góc tủ. Về sau, bạn bè anh tìm thấy, gửi đăng tải trên nhiều tờ báo, sóng phát thanh ở Trung ương và địa phương. Giữa năm 2007, Lê Đình Hòa trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên. Cho tới nay thi sĩ mù đã có số "vốn" hơn 200 bài thơ, dự tính trong năm nay sẽ rút một phần để cho ra mắt tác phẩm "Cõi Hạnh".

Và chuyện tình đẹp như cổ tích

Dòng thời gian trôi đi, chưa bao giờ thi sĩ mù dám mơ ước một mối tình riêng, nhưng chẳng ai ngờ cái điều không mơ lại tìm đến. Đầu năm 2004, một nhà báo gốc Phú Yên từ phương Nam về thăm quê đã viết bài báo về Lê Đình Hòa trên một tạp chí. Duyên phận sắp đặt thế nào, mà Trần Thị Hạnh, bút danh Hạnh Vân - một cô giáo quê xứ chè Thái Nguyên đang dạy trẻ tại một trường mầm non ở tận huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã đọc được bài báo đó và những vần thơ của thi sĩ mù.

Vốn là người yêu thơ và biết làm thơ, Hạnh Vân đã viết thư gửi đến địa chỉ nhà riêng Lê Đình Hòa để chia sẻ buồn vui. Hòa tâm sự: "Mới nghe nhân viên bưu tá nói, tôi cứ tưởng đùa, vì trước đó chưa bao giờ có người quen hay bạn thơ ở tận miền đông bắc của Tổ quốc. Đến khi nhờ người thân bóc thư ra đọc, tôi thật sự bất ngờ khi biết đó là của một cô gái không quen, nhưng những câu chữ lại đầy ắp tình người và sự sẻ chia, đồng cảm. Đáp lại tình cảm chân thành đó, tôi cũng đã nhờ người viết thư hồi âm".

Từ một khoảng cách rất xa, bây giờ họ đã trở thành vợ chồng đầm ấm và hạnh phúc.

Sau một thời gian ngắn, Hạnh Vân không gửi thư bằng những trang viết sợ làm phiền người đọc lẫn người nhận thư, nên gửi "thư" bằng… băng cátsét để Hòa nghe được giọng của mình. Và điều bất ngờ là lần này có cả thơ do Hạnh Vân sáng tác, khiến cho trái tim thi sĩ mù rung động: “Nỗi nhớ ơi sao cứ da diết mãi/ Bước chân em không dài, cánh tay lại ngắn/ Làm sao chạm được tới anh/ Hay em hóa vào cỏ mượt dưới trăng/ Trải đệm anh nằm, làm chăn  anh đắp/ Chỉ xin trời đừng mưa, mây đừng tan thành nước/ Ướt anh thấy lạnh, em đau”. Và thi sĩ mù cũng hồi đáp bằng những câu thơ: “Đêm thật buồn, đêm như vực sâu/ Anh đăm đắm nhìn về phương Bắc/ Anh sống được nhờ thơ, nhờ hoa và nhờ cảm giác/ Và nhiều khi anh sống nhờ nước mắt/ Sao em nỡ “Nói đùa” như Anton Sekhop/ “Xin em là chiếc lá cuối cùng” của O.Henry”.

Vượt qua khoảng cách hơn nghìn cây số, những câu thơ mặn nồng thấp thoáng một tình yêu không chỉ giúp họ gần hơn và thêm hiểu nhau hơn, mà còn kết nối duyên nợ giữa người con gái xứ Bắc với chàng thi sĩ ở vùng đất Nam Trung Bộ, Lê Đình Hòa chủ động bày tỏ tình cảm của mình sau khi nhận được tặng phẩm rất dễ thương của Hạnh Vân: “Người thương gửi áo cho anh/ Anh chưa mặc xếp để dành nhớ nhung/ Một ngày trời rét căm căm/ Áo kỷ niệm lại đắp chung hai người”.

Đành rằng cuộc sống của Hạnh Vân cũng có đôi chút trắc trở, nhưng khi nhận được thư của Hòa, cô đã nhiều đêm trăn trở, vì chưa biết gì về gia đình, người thân của Hòa, dù Hạnh Vân vẫn mong tìm được một nửa của mình. Hơn thế nữa cuộc sống của Hạnh Vân đang ổn định trong tình yêu thương của người thân nơi quê nhà, chấp nhận kết duyên chồng vợ với chàng thi sĩ mù là đến với môi trường, cuộc sống mới hết sức xa lạ.

Mùa hè năm đó, Hạnh Vân rời quê làm một chuyến du hành vào Nam Trung Bộ. Không hẹn trước nên chàng thi sĩ mù bất ngờ khi nghe giọng nói trong băng cátsét đang hóa thành hơi thở ấm áp rất gần. Mới hôm qua "Bước chân em không dài, cánh tay lại ngắn" nhưng giờ này bước chân đó đã đến tận nhà riêng, bàn tay ấy đã chạm vào vai anh, dễ thương đến lạ. Nửa năm sau đó, một lễ cưới được tổ chức trong không khí thân thương đầy ắp nghĩa tình người thân, bạn bè văn nghệ sĩ tìm đến chia vui, chúc mừng thi sĩ mù đã tìm được tổ ấm cho riêng mình. Khác biệt với nhiều lễ cưới, đám cưới này không có nhạc trẻ xập xình, mà chỉ đọc thơ cho nhau nghe và thơ của Hòa - Hạnh được bạn bè trân trọng, bởi ai cũng mừng vui chúc phúc cho họ.

Mừng vui là thế, nhưng chặng đường phía trước của vợ chồng nhà thơ Lê Đình Hòa phải đối mặt với nhiều khó khăn. Dẫu vậy họ vẫn tìm ra lối mưu sinh bằng công việc trông giữ trẻ cho nhiều gia đình trong khu phố, bởi Hạnh Vân đã có trải nghiệm sau một thời gian công tác tại trường mầm non ở Bắc Kạn. Thu nhập ít ỏi không đủ trang trải cho cuộc sống thường nhật, nhưng hai vợ chồng vẫn tìm thấy niềm vui. Và thật rạng ngời hạnh phúc khi bé Phương Anh chào đời vào cuối năm 2005 đã bồi đắp phù sa cho gia đình Hòa - Hạnh. Hai năm sau đó, do nhu cầu cuộc sống nên vợ chồng Hòa phải vay mượn vốn để mua bán trà có nguồn gốc từ Thái Nguyên do người thân của Hạnh Vân gửi vào.

Thương con vất vả với cảnh mua đi, bán lại hết sức bấp bênh, gia đình Hạnh Vân đã chủ động hỗ trợ nguồn vốn cho vợ chồng Hòa đầu tư lắp đặt hai thiết bị sấy trà và ép chân không, để họ chế biến sản phẩm từ nguyên liệu chè thô. Cũng từ đó đông đảo người tiêu dùng và không ít quán cà phê ở Phú Yên đã cảm nhận được hương vị mới từ sản phẩm chè Thái Nguyên mang thương hiệu HẠNH VÂN. Mỗi ngày chàng thi sĩ mù vẫn phụ giúp vợ sàng lọc và đóng gói bao bì sản phẩm. Có thêm chút thu nhập, đời sống của gia đình cũng tạm ổn, nhưng giữa bộn bề cuộc sống vẫn có không ít chuyện trớ trêu. Thừa biết gia cảnh của Hòa còn lắm khó khăn, vậy mà có kẻ lại  vô tâm đến mức mua chè nợ rồi… biến luôn!

Rời Tuy Hòa trong nắng chiều, tôi được biết chỉ vài hôm nữa chàng thi sĩ mù Lê Đình Hòa sẽ đến với lớp học chữ nổi Brai do Hội Người mù tỉnh Phú Yên tổ chức. Cùng thời điểm này, anh và một số người cùng cảnh ngộ vận động thành lập Hội Người mù Tp Tuy Hòa để họ có một khoảng "sân riêng" giao lưu, chia sẻ,  khẳng định mình bằng niềm tin và nghị lực sống. Với riêng vợ chồng Hòa - Hạnh, tôi tin họ luôn tìm thấy niềm vui trong mỗi ngày mới khi biết sống bằng lẽ sống tình người, giàu nghĩa cử và đậm chất nhân văn.                                                                      

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên: Lê Đình Hòa là một hội viên đặc biệt của Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên. Anh sáng tác thơ từ lâu, nhưng do hoàn cảnh khiếm thị, nên đến năm 2007 mới gia nhập hội. Dẫu vậy, Hòa đã tạo sự đột phá của riêng mình bằng sức sáng tạo đậm chất thi ca và gửi gắm đến bạn đọc khá nhiều tác phẩm có chất lượng. Với phong cách cổ điển, anh đã chia sẻ, trải lòng mình bằng những câu thơ có sức truyền cảm, lay động người đọc, nên thơ của anh được đông đảo bạn đọc yêu mến. Càng yêu mến và cảm phục hơn khi anh đã vượt qua số phận nghiệt ngã, vươn lên bằng niềm tin và nghị lực, nên anh em văn nghệ sĩ ở Phú Yên rất trân trọng tình thơ của Lê Đình Hòa…

Phan Thế Hữu Toàn
.
.