Châu Á: Tiếp tục nóng cuộc đua chinh phục không gian

Thứ Tư, 20/11/2013, 07:15

Vụ phóng thành công tên lửa mang tàu vũ trụ Mangalyaan (Tàu Sao Hỏa) lên quỹ đạo Sao Hỏa của Ấn Độ được thế giới đón nhận như một dấu hiệu thành công mới của ngành khoa học vũ trụ Ấn Độ. Đồng thời đó còn được xem là tín hiệu mới của sự leo thang cuộc đua không gian quyết liệt ở khu vực châu Á.

Phát biểu với báo giới ngay sau khi vụ phóng tàu Sao Hỏa thành công, ông Koppillil Radhakrishnan, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) cho biết, mục tiêu của việc phóng tàu Sao Hỏa là đưa một tàu thăm dò bay quanh quỹ đạo của hành tinh Đỏ theo một đường quỹ đạo riêng hình êlíp, chụp ảnh địa hình bề mặt hành tinh và nghiên cứu bầu khí quyển của nó.

Với đường quỹ đạo bay này, điểm gần nhất của tàu Mangalyaan so với bề mặt Sao Hỏa là 360 km, và điểm xa nhất là 80.000 km. Sự kiện này mang ý nghĩa tinh thần yêu nước rất lớn ngay từ khi dự án phóng con tàu mới hình thành, nhưng "Ấn Độ không có ý cạnh tranh với bất cứ quốc gia nào" - ông Koppillil Radhakrishnan nói.

Giới quan sát đặt ra 2 vấn đề lớn trong vụ phóng tàu Sao Hỏa của Ấn Độ.

Thứ nhất, đó là vụ phóng tàu vũ trụ này mang ý nghĩa làm nóng cuộc chạy đua nghiên cứu không gian của các cường quốc khu vực châu Á, nổi bật nhất là Ấn Độ, Trung Quốc, Iran, Nhật Bản,… sứ mệnh phóng tàu Sao Hỏa của Ấn Độ trị giá 4,5 tỉ rupee (tương đương 74 triệu USD) đã được Thủ tướng Manmohan Singh thông báo vào dịp Quốc khánh nước Cộng hòa Ấn Độ 15/8/2012, chỉ vài tháng sau thất bại của một chương trình phóng tàu nghiên cứu Sao Hỏa hợp tác giữa Nga và Trung Quốc.

Tên lửa PSLV-C25 đưa tàu nghiên cứu Sao Hỏa Mangalyaan lên không gian.

Cho đến nay, trên thế giới chỉ có Liên Xô, Mỹ và châu Âu phóng thành công tàu nghiên cứu Sao Hỏa. Năm 1998, Nhật Bản cũng phóng tàu nghiên cứu Sao Hỏa nhưng không thành công. Trong lịch sử nghiên cứu Sao Hỏa, các cường quốc không gian trên thế giới như Nga, Mỹ, EU đã thực hiện nhiều phi vụ, và tỉ lệ thành công chỉ khoảng 50%.

Một điều quan trọng, người Ấn Độ đang băn khoăn liệu con tàu có tồn tại trên quỹ đạo Sao Hỏa lâu hay không. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới phóng thành công tàu nghiên cứu Sao Hỏa ngay trong lần đầu tiên. Trung Quốc chẳng hạn, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Nga, nhưng nỗ lực đưa tàu thăm dò Yinghou-1 lên Sao Hỏa vào năm 2011 vẫn không thành công, vì không thể bứt ra khỏi bầu khí quyển trái đất.

Năm 2003, Nhật Bản phóng lại lần thứ hai tàu nghiên cứu Sao Hỏa, đi xa hơn lần đầu một chút, nhưng cũng không thể đi vào quỹ đạo Sao Hỏa như mong muốn.

Vấn đề lớn thứ hai chính là chi phí cho dự án phóng tàu Sao Hỏa của Ấn Độ. Giới chuyên gia ngành không gian vũ trụ thế giới rất ấn tượng với mức kinh phí 74 triệu USD, và dự án của Ấn Độ được đánh giá là "siêu rẻ" so với các dự án của Mỹ và một số nước khác. Không kể các vụ phóng tàu nghiên cứu Sao Hỏa trước đây, sứ mệnh mới nhất của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chuẩn bị lên bệ phóng vào cuối tháng 11 này có chi phí tổng cộng lên đến 671 triệu USD - gần gấp 10 lần chi phí của Ấn Độ.

Phải chăng ngành công nghiệp vũ trụ của Ấn Độ phát triển tột bậc, đạt đến trình độ tiết kiệm chi phí tối đa so với một quốc gia được đánh giá là tiên tiến bậc nhất thế giới?

Theo phân tích của giới chuyên môn, chi phí cao của chương trình Sao Hỏa của NASA một phần là bởi cách chi tiêu tốn kém của người Mỹ, nhưng chi phí đó cũng thỏa đáng bởi mức độ phức tạp, mục tiêu, yêu cầu nghiên cứu của chương trình Sao Hỏa của NASA cao hơn nhiều lần so với Ấn Độ.

Như phát biểu trên đây của ông Koppillil Radhakrishnan, Giám đốc ISRO, mục tiêu của Ấn Độ chỉ là đưa được tàu nghiên cứu bay vào quỹ đạo Sao Hỏa, do đó tàu Sao Hỏa được thiết kế đơn giản tối đa nhằm phục vụ mục tiêu tối thiểu đó, việc nghiên cứu chỉ dừng lại ở chụp ảnh từ không gian và nghiên cứu một phần khí quyển.

Dự án của Ấn Độ được đánh giá là "siêu rẻ" so với các dự án của Mỹ và một số nước khác.

Với cách thiết kế và mục tiêu nghiên cứu khiêm tốn như thế, hiển nhiên bên cạnh sự khen ngợi của thế giới về một số mặt (như chi phí thấp,…), vụ phóng tàu nghiên cứu Sao Hỏa của Ấn Độ bị một số chuyên gia trong nước phê phán kịch liệt. Có người, như tiến sĩ kinh tế Jean Dreze của Trường đại học Kinh tế Delhi đặt dấu hỏi về tính hiệu quả kinh tế khi đầu tư nguồn lực tài chính cho một chuyến bay "khoe mẽ" trên Sao Hỏa.

Còn tiến sĩ G. Madhavan Nair, cựu Giám đốc ISRO, thì chỉ trích dự án là một sự lãng phí nguồn lực tài chính quốc gia, cho rằng dự án được thực hiện theo kiểu nửa vời, không thấu đáo và quá tốn kém. Đa số giới chuyên gia Ấn Độ đều bày tỏ sự ủng hộ chương trình nghiên cứu Sao Hỏa, nhưng lại không đồng tình với cách làm như việc phóng tàu Mangalyaan.

Dù sao thì mục tiêu dài hạn của chương trình nghiên cứu Sao Hỏa của Ấn Độ vẫn được giới chuyên môn thế giới đánh giá cao. Trong lịch sử 50 năm, chương trình nghiên cứu không gian của Ấn Độ chủ yếu chỉ nhằm ưu tiên phát triển năng lực công nghệ phục vụ đời sống thiết thực của người dân Ấn Độ, như cơ sở hạ tầng viễn thông và giám sát môi trường bằng vệ tinh.

Mạng lưới vệ tinh viễn thông của Ấn Độ là một trong những hệ thống lớn nhất toàn cầu. Nhưng đến năm 2008, mục tiêu đó đã thay đổi, chuyển hướng sang nghiên cứu vũ trụ tầm xa, với sự kiện Ấn Độ lần đầu tiên đưa tàu thăm dò lên Mặt Trăng.

Với dự án thăm dò Sao Hỏa lần này, Ấn Độ đang muốn tiến xa hơn một chút: chứng minh năng lực công nghệ không gian liên hành tinh. Chỉ một việc này thôi, Ấn Độ đã thành công ngay từ bước đầu tiên

Văn Trương (tổng hợp)
.
.