Châu Âu: Cực hữu hồi sinh

Thứ Ba, 15/05/2012, 13:30

Lời cảnh báo về một sự hồi sinh của khuynh hướng chính trị cực hữu ở châu Âu không bao giờ thừa. Hiện nay, điều này càng trở nên rõ ràng hơn với việc ứng cử viên tổng thống cực hữu ở Pháp thăng tiến lạ kỳ qua vòng 1, cùng sự kiện Chính phủ Hà Lan sụp đổ và sự trỗi dậy bất ngờ của đảng cực hữu ở Hy Lạp. Nguyên nhân chính: chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng để chống khủng hoảng.

Hà Lan, chính khách cực hữu Geert Wilders, biệt danh "Mozart", vừa trở thành nhân vật gây chú ý mạnh sau khi chính ông đã khiến cho Thủ tướng Mark Rutte phải từ nhiệm do thất bại trong các cuộc đàm phán về nợ công. Wilders - một đồng minh quan trọng của Thủ tướng Rutte, nhưng vào giờ chót đã quay lưng lại với ông Rutte.

Ở Pháp, con gái nhà sáng lập đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN), bà Marine Le Pen, vừa gây sốc bằng kỷ lục phiếu bầu mới với 18%, cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ hơn cả thời kỳ thăng hoa nhất của cha mình cách đây 10 năm. Ở Áo, đảng Tự do cực hữu đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong các cuộc thăm dò cử tri, còn ở Phần Lan, đảng cực hữu đã giành được đến 19% số ghế Quốc hội trong kỳ bầu cử vừa qua. Trong khi đó, ở Hy Lạp, đảng cực hữu Golden Dawn (Bình minh vàng) đang là tâm điểm thu hút cử tri trong cuộc đua tranh trước ngày bầu cử 6-5 này.

Xưa nay khuynh hướng chính trị cực hữu ở châu Âu nổi bật với luận điệu và chính sách dân tộc chủ nghĩa, chống nhập cư, chống Hồi giáo và chống sự hội nhập toàn châu Âu. Giờ đây, chính trị cực hữu còn có thêm một cơ hội mới để lôi kéo cử tri: đó là chính sách kinh tế khắc khổ trong thời buổi khủng hoảng. Kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng làm tăng cảm tình của giới trẻ châu Âu dành cho các chính khách cực hữu. Càng khó tìm việc làm, người ta càng tin rằng, chính dân nhập cư đã cướp đi công ăn việc làm của mình, và người ta thấy những chính sách của các chính khách cực hữu là hợp lý nhất, mang tính chất "dân túy" nhất.

Ở Hy Lạp, Golden Dawn đang làm nên một hiện tượng chính trị mới. Ra đời cách đây 20 năm, Golden Dawn chưa bao giờ được nhắc đến trên bản đồ chính trị châu Âu cho đến khi cuộc khủng hoảng nợ công khiến cho đất nước Hy Lạp lâm vào tình trạng gần như phá sản. Trong cuộc vận động tranh cử hiện nay, người ta thấy các thành viên đảng Golden Dawn đang vận động ồ ạt trên khắp đất nước với những chiêu bài, khẩu hiệu tranh cử đánh vào tâm tư, nguyện vọng, vào nhu cầu thiết thân nhất của cử tri. Golden Dawn kêu gọi đóng cửa biên giới để ngăn dòng nhập cư ồ ạt hiện chiếm 10% dân số Hy Lạp.

Ở Hà Lan, đảng Tự do của Geert Wilders từ một đảng vô danh cách đây 10 năm, đã trở nên nổi tiếng với cuộc chiến chống người Hồi giáo nhập cư. Giờ đây, đảng này lại đang gây chú ý với chiến dịch công kích dân nhập cư, đặc biệt là những người đến từ Đông Âu, như Ba Lan,…

Song song đó, chính sách chống châu Âu cũng đang được Geert Wilders và đảng Tự do đẩy mạnh hơn nữa. Với lập luận cho rằng, sự hội nhập quá sâu vào châu Âu là một sự "ngu ngốc", Wilders đã "thị uy" quyền lực của mình bằng cách từ chối ký vào bản thỏa thuận cắt giảm ngân sách theo đề xuất của Thủ tướng Rutte. Giới phân tích cho rằng, Wilders đang chuẩn bị cho một cuộc thăng tiến ngoạn mục trong kỳ bầu cử vào tháng 9 tới.

Chính khách cực hữu Pháp Marine Le Pen.

Khủng hoảng nợ công đang tạo thêm nhiều lợi thế để các đảng cực hữu khai thác. Việc cắt giảm chi tiêu, tiết giảm phúc lợi xã hội, lương hưu, trợ cấp thất nghiệp,… đang khiến cho dân chúng oán thán, tạo cơ hội cho các đảng cực hữu triển khai các chính sách dân túy. Ở Hy Lạp, đảng Golden Dawn mở chiến dịch quyên góp lương thực và quần áo để giúp đỡ những người gặp khó khăn do ảnh hưởng của chính sách kinh tế khắc khổ, và lên tiếng yêu cầu giới chính khách cầm quyền phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra khủng hoảng.

Trong khi đó, chính sách thắt lưng buộc bụng đang cho thấy hiệu quả giải quyết khủng hoảng không cao và đặt ra những vấn đề lớn hơn, khiến cho ngay cả những chính khách đi đầu trong việc áp dụng chính sách này, như Thủ tướng Italia Mario Monti chẳng hạn, bắt đầu "suy nghĩ lại", và nhìn nhận rằng chính sách này đang làm cho kinh tế châu Âu bị "mắc cạn". Ngay cả những chính khách chủ trương quyết liệt nhất cho chính sách thắt lưng buộc bụng, như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi, cũng đã hạ giọng, cho rằng cần phải có các chính sách hỗ trợ theo hướng thúc đẩy tăng trưởng và kêu gọi châu Âu phải hành động ngay theo hướng này.

Sự hồi sinh của các đảng cực hữu đang khiến cho những người chủ trương thống nhất toàn châu Âu lo lắng. Marine Le Pen ở Pháp chẳng hạn, giành được cảm tình của cử tri bằng cách kêu gọi Paris rút khỏi đồng tiền chung euro. Còn ông Wilders ở Hà Lan thì tuyên bố thẳng: "Chúng tôi chống lại châu Âu. Chúng tôi chống đồng tiền chung euro".

Những tuyên bố tương tự như thế làm cho người ta có cảm giác những nỗ lực thống nhất châu Âu trong gần nửa thế kỷ qua với hàng loạt hiệp định, thỏa thuận đang đứng trước nguy cơ phá sản. Các đảng phái chính thống đang tìm mọi cách để giành lại cử tri nhằm ngăn chặn sự lớn mạnh của chính trị cực hữu. Nhưng chính khách cực hữu bây giờ không chỉ có quan điểm cực đoan mà họ còn tỏ ra mềm dẻo, biết thích nghi với hoàn cảnh thực tế hơn trước. Vì vậy, cuộc chiến sẽ vô cùng khó khăn và không kém phần quyết liệt

Tiểu Bảo (tổng hợp)
.
.