Châu Âu khủng hoảng: Làn sóng biểu tình lan sang Hungary

Thứ Ba, 25/12/2018, 12:36
Trong khi phong trào biểu tình “Áo ghi-lê vàng” ở Pháp còn đang tiếp diễn, biểu tình ở Brussles (Bỉ) cũng chưa có dấu hiệu dừng lại, thì người dân Hungary cũng xuống đường bất chấp mùa đông giá rét để phản đối chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban. Tuy chính quyền các nước có cách xử trí khác nhau, nhưng 3 cuộc biểu tình tương đồng ở chỗ: các chính sách của chính phủ không hợp lòng dân.

Đã một tuần lễ trôi qua, biểu tình ở Budapest, Hungary, vẫn tiếp tục và thậm chí còn lớn hơn ban đầu. Bắt đầu từ ngày 12-12 với khoảng vài ngàn người bột phát xuống đường phản đối ngay trước trụ sở chính phủ ở trung tâm thủ đô Budapest, cuộc biều tình đã dần dần thu hút số lượng người tham gia ngày càng đông. Tính đến ngày 17-12, số người đội tuyết phản đối Chính phủ Hungary đã lên đến 15.000 người.

Theo ghi nhận của kênh truyền hình cáp CNN, biểu tình ban đầu chỉ xảy ra ở Budapest, nhưng nay đã lan ra 7 thành phố khác, như Debrecen, Gyor, Szeged, Bekescsaba và Miskole,... Đáng chú ý là cuộc biểu tình này đã trở thành một dịp hiếm hoi - và duy nhất - các phái chính trị tả - hữu đối lập với đảng cầm quyền Fidesz đã thể hiện một sự “đoàn kết” đến kỳ lạ để cùng nhau phản đối Thủ tướng Viktor Orban và đảng cầm quyền của ông. Những người biểu tình còn phản đối cả Đài Truyền hình quốc gia MTVA vì đài này hạn chế đưa hình ảnh và phỏng vấn người biểu tình trên sóng trực tiếp.

Theo báo chí quốc tế, “cơn giận” của người dân Hungary khởi nguồn từ việc Thủ tướng Orban sắp ký ban hành Luật Lao động sửa đổi đã được Quốc hội do đảng Fidesz chiếm đa số thông qua. Khoảng 80% người dân Hungary phản đối luật này, gọi đó là “luật nô lệ” bởi nó chứa đựng những điều khoản hoàn toàn bất lợi cho người lao động, có lợi cho giới chủ, như việc gia tăng định mức thời gian làm “tăng ca” ngoài giờ từ 250 giờ lên 400 giờ trong năm. Đã vậy, giới chủ còn được ưu đãi với điều khoản cho phép họ trì hoãn đến 3 năm đối với việc chi trả tiền tăng ca ngoài giờ. Không một người lao động nào chấp nhận được điều khoản này.

Cũng góp phần đẩy cuộc biểu tình lên cao trào là luật cải cách hệ thống tư pháp. Theo luật mới, ngoài hệ thống tòa án truyền thống, Hungary sẽ có thêm hệ thống các tòa án mới để xử lý các vụ việc liên quan đến nhà nước, như thuế và bầu cử, đặt dưới sự quản lý của Bộ trưởng Tư pháp nước này. Theo luật, hệ thống tòa án mới sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2019.

Giới tư pháp Hungary và châu Âu lo ngại rằng, việc tạo thêm hệ thống tòa án mới sẽ phá hỏng tính độc lập của ngành tư pháp do sự can thiệp chính trị của chính phủ. Và đây là lý do để không chỉ ngành tư pháp mà cả các đảng phái chính trị cùng tham gia phản đối Thủ tướng Orban.

Quan điểm của Chính phủ Hungary thì khác. Thứ nhất, việc cải cách tư pháp bằng thể chế và tổ chức bộ máy vốn đã là một trong những ưu tiên đã được Thủ tướng Orban đặt ra khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 vào tháng 4-2018 vừa qua. Chính phủ của ông Orban cho rằng các tòa án mới cho dù đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Tư pháp thì vẫn đảm bảo tính độc lập trong hoạt động và “phù hợp với các tiêu chí và tiêu chuẩn hiện hành của châu Âu”.

Người biểu tình phản đối chính phủ ở Budapest.

Riêng đối với Luật Lao động, những sửa đổi về thời gian làm việc tăng ca là nhằm “đảm bảo lợi ích của người lao động” và cho phép người lao động có cơ hội tăng thêm thu nhập. Cách giải thích này không được giới chính trị đối lập chấp nhận vì thực chất quyền lợi của người lao động không được bảo vệ đúng mức.

Có vẻ như giới chính trị lẫn quan sát phương Tây đều có chung cái nhìn không mấy thiện cảm đối với Thủ tướng Orban, thậm chí còn gián tiếp gọi ông là “nhà độc tài” khi đề cập các chính sách và phong cách điều hành đất nước của ông. Đặc biệt là Brussels đang quan sát rất kỹ diễn biến ở Hungary để hoạch định phương án ứng xử thích hợp với một người luôn khiến họ đau đầu, nhất là tinh thần dân tộc và chính sách đóng cửa biên giới đối với người nhập cư của ông.

Ý muốn của phương Tây trong cuộc biểu tình hiện nay là “làm sao để ông Orban thay đổi các chính sách của ông”, trong đó đặc biệt quan trọng là chính sách đối với người nhập cư. Thậm chí, nếu điều đó không xảy ra thì chính người dân Hungary sẽ phải “hạ bệ” ông.

Không chỉ người Hungary “nổi giận”. Trên tờ Washington Post ngày 18-12, cây bút Ishaan Tharoor đã phân tích tính chất giống và khác nhau giữa các cuộc biểu tình hiện đang diễn ra ở Hungary và một số quốc gia châu Âu khác như Pháp và Bỉ. Điểm chung của người dân ba nước này là họ đều không đồng tình với các chính sách của chính phủ, tác động xấu đến đời sống của họ.

Ở Pháp, cuộc biểu tình “Áo vàng” diễn ra trên toàn quốc đã sang tuần thứ 6. Từ mục tiêu phản đối ban đầu là dự luật tăng thuế nhiên liệu, đến nay đã mở rộng ra hầu hết các chính sách mà Tổng thống Emmanuel Macron đã hứa nhưng chưa làm được trong hơn một năm qua. Ở Bỉ, hơn 5.000 người đã xuống đường ở thủ đô Brussels để phản đối việc chính phủ tham gia gói thỏa thuận về người di cư do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.

Đã có bạo lực đụng độ với cảnh sát và 100 người đã bị bắt do tìm cách tràn vào đập phá trụ sở Ủy ban châu Âu. Điều trùng hợp là các cuộc biểu tình ở Bỉ và Hungary đều liên quan đến vấn đề người nhập cư. Luật Lao động sửa đổi của Hungary gia tăng thời gian làm thêm giờ thực chất là một giải pháp của Chính phủ Hungary nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, trong khi chính sách của ông Orban thì ngăn cấm người nhập cư.

Người biểu tình ở Brussels thì ngược lại, họ phản đối vì khi tham gia thỏa thuận về người nhập cư, Chính phủ Bỉ sẽ phải “rộng rãi” hơn đối với người nhập cư.

An Châu (tổng hợp)
.
.