Châu Âu muốn dọn dẹp vũ khí hạt nhân của Mỹ

Chủ Nhật, 28/02/2010, 15:25
Vấn đề phòng thủ của NATO nói chung và Mỹ nói riêng tại châu Âu ngày càng được đem ra mổ xẻ. Nếu như cách đây không lâu, châu Âu cho biết dự định sẽ xây dựng hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa cho riêng mình, thì nay 5 nước châu Âu là thành viên của khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương đã lên tiếng yêu cầu Mỹ rút vũ khí hạt nhân ra khỏi nước họ.

Theo giới phân tích, quyết định trên của các quốc gia châu Âu là phù hợp với thời cuộc khi mà sức răn đe hạt nhân tại châu lục này không còn hiệu quả, mà đôi khi lại tỏ ra bất lợi cho họ trong tương lai.

Dọn dẹp sạch sẽ khỏi châu Âu những vũ khí hạt nhân cuối cùng của Mỹ là mong muốn của 5 nước thành viên NATO. Theo đề xuất của Chính phủ Bỉ đưa ra hôm 19/2 vừa qua, Đức, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan và Bỉ muốn khởi động cuộc tranh luận về phi vũ khí hạt nhân ngay bên trong tổ chức Quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Hiện nay trên toàn thế giới chỉ duy nhất Mỹ mới có kiểu huy động vũ khí như vậy, trong khi Pháp và Anh không triển khai vũ khí hạt nhân của họ ra các nước thành viên khác của NATO. Đề nghị trên của Chính phủ Bỉ nhằm vào khoảng 240 đầu đạn hạt nhân mà Mỹ còn trữ tại 4 nước thành viên NATO là Đức, Bỉ, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một bài phát biểu gần đây của Thủ tướng Bỉ, Yves Leterme, cho biết những vũ khí này hiện giờ không còn bất cứ lý do nào để tồn tại ở châu Âu và ông muốn đưa vấn đề này ra thảo luận tại hội nghị của khối quân sự lớn nhất thế giới, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới tại New York, Mỹ. "Chiến tranh lạnh đã kết thúc, xung đột Đông - Tây không còn nữa, giờ là thời điểm tốt nhất để yêu cầu rút kho vũ khí nguyên tử này về. Bỉ ủng hộ một thế giới phi hạt nhân và bảo vệ quan điểm này bên trong NATO. Đề xuất kiến nghị này của Chính phủ Bỉ cùng 5 quốc gia châu Âu khác xuất phát từ lời kêu gọi được Tổng thống Barack Obama đưa ra trong một bài phát biểu hồi tháng 4/2009 tại Praha, CH Séc, về một thế giới không có vũ khí hạt nhân" - ông Yves Leterme cho biết.

Được biết, hội nghị sắp tới của NATO sẽ tập trung vào việc xem xét lại quan điểm chiến lược trong tương lai của khối này. Chính phủ Bỉ cho biết, tại hội nghị này, những tiến bộ thực sự chỉ có thể đạt được nếu có sự phối hợp nghiêm túc giữa các quốc gia thành viên của NATO và phải tính đến những kết quả thảo luận đạt được trong lĩnh vực giải giới.

Cụ thể theo ông Yves Leterme, cần phải đặt đề xuất trên của Chính phủ Bỉ vào phạm trù rộng hơn của vấn đề giải giới, nó phải được áp dụng cả cho những vũ khí quy ước chứ không riêng gì vũ khí hạt nhân. Trước đề xuất của Bỉ, Đức cũng đã yêu cầu Mỹ rút toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của họ về nước.

Tuyên bố của Chính phủ Bỉ được đưa ra cùng lúc với lời kêu gọi của 2 cựu Thủ tướng Bỉ, Jean-Luc Dehaene và Guy Verhofstadt, và 2 cựu Ngoại trưởng, Louis Michel và Willy Claes, người từng làm Tổng thư ký NATO. "Vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ tại châu Âu đã mất hết tầm quan trọng chiến lược quân sự" - 4 nhân vật trên cho biết để chứng minh yêu cầu Mỹ rút vũ khí của họ về nước. Sau đó, trong một diễn đàn tranh luận, 4 cựu quan chức trên còn đưa ra một lý lẽ then chốt về việc triệt thoái vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu: "Không thể cấm cản những quốc gia khác sở hữu vũ khí hạt nhân. Thời gian này quá lâu đủ để chúng ta có thể chế tạo vũ khí hạt nhân cho riêng mình".

Phát biểu trên làm người ta nhớ lại rằng tranh thủ sau khi Mỹ tuyên bố hủy bỏ kế hoạch xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa tại Đông Âu, châu Âu mà chính xác là Pháp, Đức đã manh nha ý tưởng thiết lập riêng cho mình một hệ thống bảo vệ tên lửa, để tránh phụ thuộc Mỹ về chiến lược chung cho cả châu Âu vì dù gì họ cũng là một khối mạnh trên thế giới.

Như nhận thấy châu Âu đang đi lệch quỹ đạo của mình, tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã có chuyến thăm các đồng minh tại châu lục này để củng cố quan hệ và nhất là "nắn lại" đường đi cho họ. Tuy nhiên, xem ra quá muộn, chuyến thăm của ông Obama đã không thể ngăn cản nổi đề xuất của Chính phủ Bỉ được 4 quốc gia thành viên NATO khác tại châu Âu hậu thuẫn.

Một dàn phóng tên lửa Patriot tại châu Âu.

Theo như quy định được đưa ra hồi cuối năm 2009, mọi quyết định về việc triệt thoái các đầu đạn hạn nhân của Mỹ phải được tiến hành trong khuôn khổ đa phương của NATO chứ Mỹ hay một quốc gia thành viên của khối quân sự này có sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Mỹ cũng không thể tự ý làm việc này.

Giới chức ngoại giao châu Âu cho rằng việc triệt thoái những quả bom hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu không có nghĩa là sự bảo đảm hạt nhân của Mỹ với châu Âu chấm dứt và càng không nên hiểu là NATO phải giải giới hạt nhân hoàn toàn. Sau hội nghị tại New York, Mỹ vào tháng 5 tới, NATO sẽ nhóm họp thượng đỉnh tại Lisbon, Bồ Đào Nha vào tháng 11/2010, để bàn thảo về chiến lược của khối này trong tương lai, mà vấn đề trọng tâm sẽ là sức răn đe hạt nhân trong bối cảnh mới của thế giới.

Có thể thấy, đề xuất trên của Bỉ cũng như các thành viên châu Âu khác của NATO dựa trên nhận thức của họ về tác dụng thực tế của vũ khí hạt nhân Mỹ trong thời buổi mới. Cụ thể là cái lợi họ có được nhờ vũ khí hạt nhân của Mỹ trong quá khứ đang có nguy cơ trở thành cái bất lợi trong tương lai. Suốt một thời kỳ dài, các nước nói trên dựa vào “cái ô” hạt nhân của Washington để đảm bảo an ninh. Nay họ không còn nhu cầu này nữa vì thời thế đổi thay.

Trong khi đó, có thể chỉ vì trên lãnh thổ của họ có triển khai hoặc lưu giữ vũ khí hạt nhân của Mỹ mà họ bị vạ lây. Hơn nữa, ở châu Âu, vấn đề vũ khí hạt nhân và năng lượng hạt nhân vẫn luôn là những vấn đề nhạy cảm có thể ảnh hưởng tới sự tồn vong của các chính phủ. Mặt khác, các nước châu Âu hiện cũng không muốn sự phụ thuộc về an ninh vào Mỹ, vì như vậy họ sẽ bất lợi về đối ngoại, khó có thể nói được người khác trong khi mình còn đang phụ thuộc

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.