Châu Âu trừng phạt Nga: Con dao hai lưỡi

Thứ Năm, 31/07/2014, 20:50

Cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraina bỗng gia tăng cường lực sau vụ chiếc máy bay MH17 của Malaysia bị rơi ở miền Đông Ukraina hôm 17/7. Trong khi Mỹ đã thông báo tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga vì nghi ngờ Moskva có dính líu tới vụ tai nạn thì châu Âu lại do dự. Vì sao vậy?

Cuộc chiến "trừng phạt" giữa Nga và phương Tây nổ ra khi Moskva bị cáo buộc gây ra cuộc khủng hoảng Ukraina. Mỹ luôn tiên phong trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga, từ nhẹ tới nặng, từ việc cấm đi lại của một số quan chức chính trị và kinh tế tới đình chỉ các dự án hợp tác giữa hai bên. Ngược lại, Nga cũng có đòn trả đũa tức thì với các biện pháp của Mỹ.

Cũng giống như những lần trước, Liên minh châu Âu (EU) thường đi sau Mỹ và chính xác là "bắt chước" gần đúng những gì Washington áp đặt với Moskva. Tuy nhiên, nếu như các biện pháp của Mỹ mỗi lúc một nặng ký thì sự "theo sau" của EU mỗi lúc một chậm trễ.

Chỉ vài ngày sau khi chiếc máy bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi ở miền Đông Ukraina, mà Mỹ ban đầu đã khẳng định ngay là do lực lượng đòi liên bang hóa ở Ukraina bắn hạ bằng tên lửa của Nga cung cấp, sau này họ nói lại là chiếc phi cơ này bị quân ly khai Ukraina bắn nhầm và không có liên quan gì đến Nga, Washington đã mở rộng danh sách trừng phạt gồm nhiều doanh nghiệp Nga, trong đó có Rosneft và Novatek, cũng như Gazprombank, một phần của Tập đoàn nhà nước Gazprom. Ngân hàng Nhà nước Nga Vnesheconombank và Công ty sản xuất vũ khí Kalashnikov cũng có tên trong danh sách.

Tuy nhiên, từ đó đến nay sau nhiều lần bị Mỹ "nhắc nhở thể hiện tinh thần liên minh", tức là cũng phải áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga tương tự, mãi tới ngày 23/7, liên minh 28 quốc gia mới đưa ra một danh sách những cá nhân và tổ chức Nga bị trừng phạt sau…5 lần trì hoãn. Nhưng điều đáng nói là các biện pháp mới thông báo của EU lại ở trạng thái "treo", tức là chưa áp dụng ngay tức khắc. Thời điểm nào áp dụng thì lãnh đạo EU không thông báo và chỉ nói là nó phụ thuộc vào sự hợp tác của Nga trong việc điều tra vụ rơi máy bay MH17.

Ngày 22/7, Nga đã chính thức chuyển cho EU toàn bộ dữ liệu quan sát khách quan về vụ tai nạn máy bay Boeing của Malaysia ở Ukraina. Nói chung, từ đầu đến giờ Moskva tỏ ra rất hợp tác trong vụ rơi máy bay này, nên không rõ các biện pháp trừng phạt mới của EU có được áp dụng hay không.

Sự chần chừ của "những người bạn Mỹ" trong việc trừng phạt Nga còn được giải thích qua sự phụ thuộc giữa Bruxelles và Moskva. Việc Mỹ có thể dễ dàng áp dụng các biện pháp gây tổn hại cho Nga là điều dễ hiểu vì quan hệ kinh tế giữa hai bên không nhiều. Chuyện tạm ngưng các dự án hợp tác với Nga không thể tác động lớn tức thì tới nền kinh tế và cục diện chính trị ở Mỹ.

Trong khi đó, với châu Âu, sự ràng buộc của khối này với Nga rất mật thiết. Một bước đi sai lầm sẽ khiến các chính trị gia EU phải trả giá tức khắc. Nga là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, với kim ngạch khoảng 330 tỉ USD. Đức, Pháp, Italia và Hà Lan tất cả đều có mối quan hệ kinh doanh với kim ngạch hàng tỉ USD với Nga. Đức là một trong những nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang Nga.

Năm 2013, Nga được xếp hạng ở vị trí thứ bảy về thị trường nước ngoài trong danh sách của Đức với kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 88 tỉ USD. Đức có hơn 6.200 công ty tham gia hoạt động kinh doanh với Nga. Nga nhập khẩu sản xuất hàng hóa và xe hơi, và các công ty như Volkswagen, Siemens đang có hoạt động tại Nga.

Tranh cãi giữa Anh và Pháp về các biện pháp trừng phạt Nga.

Hà Lan là điểm đến lớn nhất đối với xuất khẩu của Nga ở châu Âu và là một đối tác trong lĩnh vực dầu khí, bởi ngành vận chuyển của Hà Lan rất phát triển. Nhiều công ty Nga được thành lập tại Hà Lan vì ưu đãi thuế thấp. Công ty dầu thuộc nhà nước kiểm soát là Rosneft và "gã khổng lồ" khí đốt Gazprom, cả hai công ty này đều có "mối quan tâm" ở Hà Lan cũng như Công ty Lukoil, công ty dầu khí độc lập lớn nhất của Nga. Hà Lan, nước chủ yếu cung cấp hoa, sản phẩm nông nghiệp và công nghệ, có kim ngạch thương mại trị giá 75 tỷ USD với Nga.

Italia cung cấp cho thị trường Nga, một thị trường đang bùng nổ tiêu dùng với sản xuất hàng hóa, cũng như may mặc thời trang. Thương mại song phương Italia - Nga là gần 37 tỉ USD. Thương mại của Pháp với Nga bị chi phối bởi hàng không và quốc phòng, năm ngoái kim ngạch thương mại Pháp Nga đạt 21 tỉ USD. Anh, một nước ủng hộ mạnh mẽ lệnh trừng phạt, có quan hệ giao dịch ít hơn đáng kể với Nga, kim ngạch là 23 tỉ USD.

Chưa kể đa phần các nước châu Âu đang sử dụng khí đốt của Nga, một số nước còn tham gia vào các dự án cung cấp khí đốt với Nga. Sự ràng buộc như thế chắc người Mỹ cũng hiểu.

Còn nữa, nếu như Mỹ là một thực thể thì Liên minh châu Âu là 28 thực thể khác nhau. Một biện pháp trừng phạt Nga có thể lợi cho thành viên này nhưng lại là tai hại cho các thành viên khác. Điển hình là những tranh cãi giữa Anh và Pháp đang diễn ra. Tối 21/7, Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố vẫn giao chiếc tàu chiến Mistral đầu tiên cho Nga.

Hợp đồng làm Paris bối rối từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraina lại được Thủ tướng Anh David Cameron gợi lên hôm 21/7, nói rằng việc chuyển giao này đối với Anh là "khó thể chấp nhận được". Ông Cameron còn kêu gọi EU cấm bán vũ khí cho Nga vì cho rằng Moskva trang bị vũ khí và huấn luyện phe ly khai tại Ukraina. Đồng thời, lãnh đạo Anh cũng khẳng định là London đã ngừng xuất khẩu vũ khí cho Nga, như đã cam kết hồi tháng 3/2014.

Tổng thư ký đảng Xã hội Jean-Christophe Cambadélis cho rằng các chỉ trích của Anh - nơi thị trường tài chính có sự tham gia của nhiều đại gia Nga - mang tính mị dân. Còn cựu Bộ trưởng đảng cánh hữu UMP Xavier Bertrand nhấn mạnh đến quyền tự quyết quốc gia. Ông cho rằng lời cam kết và chữ ký của nước Pháp phải được tôn trọng, nếu không giữ lời hứa thì Paris không thể đóng được vai trò nào trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Hơn nữa, nếu không giao chiến hạm chở trực thăng đầu tiên trị giá 1,2 tỉ USD, Pháp sẽ phải bồi thường cho Nga.

Tuy nhiên, hai ngày sau khi Thủ tướng Anh chỉ trích Pháp về vụ bán vũ khí cho Nga, ngày 23/7, theo bản báo cáo của Nghị viện Anh, chính quyền London đã cấp 251 giấy phép xuất khẩu vũ khí và các thiết bị quân sự sang Nga, với tổng giá trị lên tới 167 triệu euro. Các giấy phép này vẫn đang có hiệu lực, cho phép xuất khẩu sang Nga các loại vũ khí đạn dược hạng nhẹ, áo chống đạn, các thiết bị mã hóa, thông tin liên lạc quân sự… Cho đến nay, mới chỉ có 31 giấy phép bị đình chỉ hoặc bị rút bỏ và có 3 giấy phép không cho phép xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự sang Nga.

Ngay sau thông tin này, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius mỉa mai là ngài Thủ tướng Anh nên xem lại những phát biểu của mình ngày 21/7 và còn nhắc là có không ít công ty Nga đang góp phần biến London thành một trong những thị trường tài chính lớn của thế giới.

Bàn về các biện pháp trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga, ngày 22/7, nhiều nhà lập pháp Mỹ nghi ngờ về cái ngưỡng "đau", cái mức chấp nhận, của các quốc gia châu Âu khi đề cập đến các biện pháp trừng phạt có thể làm tổn hại đến nền kinh tế của họ.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain nói, trong một thời gian dài châu Âu phụ thuộc vào Nga về năng lượng, các biện pháp trừng phạt của EU sẽ yếu ớt. Ông nói: "Người châu Âu sẽ không làm gì đâu. Nếu ai đó tin là các biện pháp trừng phạt của châu Âu là chắc chắn thì tôi có đi đầu xuống đất"

M.T. - Đan Kô (tổng hợp)
.
.