Châu Âu và bài toán người tị nạn

Thứ Hai, 02/03/2020, 10:49
Nếu thế giới không lựa chọn cách “can dự” tỉnh táo để tìm giải pháp cho xung đột tại Libya thì làn sóng người tị nạn chắc chắn vẫn là gánh nặng ngày càng lớn, đặc biệt với liên minh EU, vốn là “miền đất hứa” của làn sóng di cư từ phía Nam.

Thách thức âm thầm

Trong khi báo chí quốc tế đổ dồn sự chú ý vào cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức tại Davos hồi tháng 1 vừa qua, họ có thể sẽ bỏ lỡ câu chuyện về một động lực có thể ảnh hưởng tới tương lai của châu Âu nhiều hơn nhiều so với những gì được nói tới tại khu nghỉ dưỡng ở Thụy Sĩ.

Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với những mối đe dọa từ bên ngoài, xuất phát từ sự bất ổn dọc theo biên giới của liên minh này và những quốc gia láng giềng thích phiêu lưu nhưng rốt cuộc, theo ông Mike Watson, Phó Giám đốc Trung tâm Tương lai của xã hội tự do thuộc viện Hudson (Mỹ), thách thức lớn nhất đối với EU lại đến từ bên trong.

Tháng trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chủ trì một hội nghị ở Berlin với nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài ở Libya. Mặc dù những người tham dự đã cam kết trên giấy tờ về việc tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc, vốn đã bị phớt lờ từ nhiều năm nay, song các phe phái đang chiến đấu chống lại nhau tại Libya vẫn chưa đạt được một lệnh ngừng bắn hay một thỏa thuận lớn hơn.

Nếu không có những chính sách rõ ràng, làn sóng người tị nạn sẽ khiến châu Âu quá tải.

Tuyên bố được công bố sau hội nghị đã đưa ra một lập luận rất đúng đắn rằng “chỉ có một tiến trình chính trị do người Libya và của người Libya mới có thể chấm dứt được cuộc xung đột và mang lại hòa bình lâu dài”. Tuy nhiên, một tiến trình như vậy không chắc sẽ xảy ra. Thủ tướng Merkel nói: “Sự khác biệt giữa các bên là rất lớn, tới nỗi họ không thể đối thoại được với nhau”.

Vấn đề ngay trước mắt của châu Âu đó là cuộc xung đột này gây ra những ảnh hưởng rất sâu rộng. Vấn đề không chỉ là các nhóm khủng bố lợi dụng tình hình bất ổn tại Lybia mà sự mất trật tự tại quốc gia này còn giúp những kẻ buôn người lợi dụng hàng trăm nghìn người đang tìm cách vượt qua biển Địa Trung Hải để vào EU.

Khi những người di cư tới được châu Âu, họ làm nền chính trị châu Âu mất ổn định và EU không có khả năng giải quyết vấn đề này nếu không có sự giúp đỡ của Libya. Từ năm 2015, gần nửa triệu người di cư đã tới được Italy và các đảng cầm quyền dường như không có khả năng ngăn chặn dòng người nhập cư này. Chính điều đó đã góp phần vào sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân túy tại Italy.

Chính phủ bị lật đổ thực sự đã áp dụng nhiều chính sách làm chậm lại đáng kể dòng người nhập cư nhưng vấn đề này còn phải phụ thuộc vào việc Libya ngăn chặn những kẻ buôn lậu người ở châu Phi. Một cuộc nội chiến leo thang ở Libya đe dọa phá hủy chiến lược này.

“Can dự” có lợi

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Libya là một mô hình thu nhỏ của thảm kịch đã bám chặt lấy nhiều quốc gia ở Trung Đông. Nếu nó không được xử lý sớm thì chiến tranh tại Libya có thể gieo rắc sự bất ổn sang các nước láng giềng như Tunisia, Ai Cập và kích động thêm nhiều làn sóng tị nạn tràn sang châu Âu.

Cuộc khủng hoảng Libya bắt nguồn từ một cuộc nội chiến giữa nhiều nhóm bị chia rẽ bởi lòng trung thành sắc tộc và tôn giáo, cũng như bởi những niềm tin về hệ tư tưởng. Tất cả đang cạnh tranh nhau để kiểm soát những nguồn thu nhập từ dầu mỏ của đất nước. Hiện nay, có hai phe chính trong cuộc xung đột: đó là Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) do những người Hồi giáo chi phối, được quốc tế công nhận, vẫn đang kiểm soát thủ đô Tripoli và phe Quốc hội và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đóng tại Tobruk nằm dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Khalifa Haftar có tư tưởng chống Hồi giáo. Mặc dù hầu hết đất nước hiện đều nằm trong sự kiểm soát của nhà độc tài theo chủ nghĩa dân túy Haftar, song Tripoli vẫn chưa bị khuất phục.

Sẽ là thách thức lớn nếu châu Âu là cường quốc bên ngoài duy nhất can dự vào Libya nhưng không phải vậy. Các nước khác đã can thiệp trong nhiều năm qua nhưng cuộc chiến tại Libya gần đây đã thay đổi khi lính đánh thuê gốc Nga tới hỗ trợ thủ lĩnh Khalifa Hifter, buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải triển khai các cố vấn quân sự và các lực lượng ủy nhiệm của Syria để hỗ trợ Chính phủ Đoàn kết dân tộc được Liên Hiệp Quốc công nhận của Libya.

Một tàu tị nạn của Libya bị lật nghiêng trong vụ chìm tàu năm 2016.

Hiện tại, chưa rõ bên nào thắng cuộc sẽ ít gây ảnh hưởng hơn tới các lợi ích của châu Âu hơn. Nếu thủ lĩnh Hifter chiến thắng, người Nga sẽ tiếp cận được biển Địa Trung Hải tốt hơn so với từ các căn cứ của Nga ở Syria, giúp họ có thể đe dọa sườn phía Nam của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong bất kỳ cuộc đối đầu nào.

Mặt khác, năm ngoái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đe dọa trả đũa việc châu Âu chỉ trích các hành động của ông ở Syria bằng cách để cho người tị nạn đang ở Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào châu Âu và nếu ông Erdogan kiểm soát được một cửa ngõ lớn khác dẫn vào châu Âu thì ông ta sẽ nắm trong tay quân át chủ bài để chống lại EU.

Rõ ràng, ẩn sau những mối nguy hiểm đó là một thách thức lớn đối với EU. Tháng 4-2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người luôn chủ trương ủng hộ EU - đã chống lại phần còn lại của khối bằng việc bác bỏ một nghị quyết lên án cuộc tấn công của thủ lĩnh Hifter. Lý do là vì các tài sản dầu mỏ của Pháp tại Libya đang nằm ở các khu vực chịu sự kiểm soát của Hifter. Kết quả là, như ông Erdogan từng chua chát chỉ ra, châu Âu hoàn toàn bị tê liệt.

Câu chuyện con thuyền bị chìm khiến khoảng 70 người thiệt mạng trên đường đến châu Âu từ Libya ở hải phận Tunisia có lẽ vẫn khiến nhiều người châu Âu ám ảnh. Tuy nhiên, nếu EU không có những quyết đoán về chính sách và nhận được sự đồng thuận từ các nước thành viên thì những thảm kịch tương tự chắc vẫn có thể xảy ra.

Nếu cuộc nội chiến tại Libya tiếp diễn thì những hệ quả của nó chắc chắn sẽ lan sang khác nơi khác của khu vực. Sẽ có thêm nhiều dân tị nạn phải trốn sang châu Âu. Tunisia, Sudan, hay Liban đều có thể trở thành sân khấu cho các thế lực khu vực hay quốc tế thực hiện các cuộc chiến ủy nhiệm với suy nghĩ trở thành bá chủ tiếp theo của thế giới Arab. EU cần có những chính sách và bước đi tỉnh táo để mang lại những lợi ích tối đa cho mình.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.