Châu Âu háo hức trở lại Iran

Thứ Ba, 01/09/2015, 14:30
Việc Anh chính thức mở lại đại sứ quán nước này tại thủ đô Tehran của Iran đã trở thành sự kiện được thế giới quan tâm nhiều nhất tuần qua, nó không chỉ đánh dấu bước tiến lớn trong nỗ lực cải thiện quan hệ ngoại giao song phương sau 4 năm đóng băng, mà còn thể hiện sự ấm lên trong quan hệ giữa phương Tây với Iran, một dấu hiệu tích cực hy vọng giúp giải quyết nhiều vấn đề vốn tồn tại nhiều năm qua.

Giới phân tích cho rằng sự kiện diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi Iran cùng các cường quốc thuộc nhóm P5+1 ký kết thỏa thuận lịch sử cũng phần nào phản ánh sự háo hức trở lại Iran của các nước châu Âu.

Sau 4 năm Anh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, ngày 23/8, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã chính thức kéo lá Quốc kỳ lên trước cửa tòa nhà Sứ quán Anh ở thủ đô Tehran. Đại biện lâm thời hai nước sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất tại các cơ sở ngoại giao này trước khi tân Đại sứ được bổ nhiệm.

Cũng trong ngày 23/8, Đại sứ quán Iran tại London cũng đã được mở cửa trở lại với sự có mặt của Thứ trưởng Ngoại giao Iran Mehdi Danesh-Yazdi và Đại biện lâm thời Iran tại Anh Hassan Habibollahzadeh. Ngoại trưởng Hammond cho rằng việc mở cửa trở lại các đại sứ quán ở hai nước là "bước đầu tiên" hướng tới việc khôi phục quan hệ giữa Anh và Iran.

Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Iran Mohammad-javad Zarif tại Tehran, Ngoại trưởng Hammond nhấn mạnh: Đại sứ quán Anh tại Tehran sẽ là cầu nối quan trọng và hữu ích để Anh hợp tác với Iran trong "nhiều vấn đề mà hai nước có chung lợi ích". Ông khẳng định Iran đang và sẽ là một quốc gia quan trọng trong khu vực chiến lược nhưng dễ biến động này. Anh đã từng bước thúc đẩy quan hệ với Iran kể từ khi Tổng thống Hassan Rowhani, một nhân vật ôn hòa, lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tháng 7/2013.

Ngoại trưởng Hammond cho biết, ông hy vọng hai bên sẽ sớm tổ chức đối thoại thường xuyên và đẩy mạnh hợp tác đôi bên cùng có lợi, đồng thời khẳng định hai đại sứ quán sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động này.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu tại cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Iran ở Tehran hôm 23/8.

Ông Mohammad Marandi - Trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Tehran - cho rằng sau sự thành công của thỏa thuận hạt nhân lịch sử ngày 14/7, các nước phương Tây đã tỏ ra khá hào hứng với triển vọng khôi phục quan hệ với Iran, nhất là trong bối cảnh quốc gia này có tiềm năng trở thành một thị trường đang nổi then chốt và một nhân tố chính trong các vấn đề khu vực. Sự thành công của thỏa thuận hạt nhân lịch sử này cũng đã làm thay đổi gam màu xám trong mối quan hệ gập ghềnh giữa hai bên. Sau nhiều năm chịu các lệnh trừng phạt vì chương trình hạt nhân, Iran đang "khát" nhiều thứ. Các nhà phân tích cho rằng việc xóa bỏ cấm vận Iran mở ra cơ hội tuyệt vời cho các thị trường từ dầu mỏ, xây dựng, cho tới ôtô, hàng điện tử, xa xỉ phẩm...

Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng của Iran sẽ tăng lên 5,2% trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2019, so với mức chỉ 2% trong năm nay. Iran hiện là nền kinh tế lớn thứ 29 trên thế giới, nhưng sẽ vượt lên thứ 22 vào năm 2020, trên cả Thụy Sĩ, Argentina hay Thái Lan,…

Một trong những bằng chứng thực tế rõ nhất trong thời gian qua là nhiều nước châu Âu đã nhanh chóng thúc đẩy xây dựng mối quan hệ kinh tế chính trị với Iran. Ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh tới Tehran, các ngoại trưởng Pháp, Italia, rồi Phó thủ tướng Đức, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) đều đã đến quốc gia vùng Vịnh này. Chính vì thế, Anh thực sự không thể chậm chân hơn nữa trong cuộc đua giành thị phần tại Iran trước khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ, và việc mở lại đại sứ quán tại mỗi nước cho thấy ý chí của hai bên vượt qua những bất đồng còn tồn tại để chớp lấy những cơ hội hợp tác làm ăn mới.

Hơn nữa, các nhà phân tích cho rằng Tehran còn "là một phần của giải pháp" trong cuộc chiến chống lực lượng thánh chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo  tự xưng (IS). Vì thế, việc Anh - Iran khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ cũng có thể tạo xung lực mới cho nỗ lực quốc tế chống "bóng ma" khủng bố IS. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tuyên bố rằng việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria đã bước vào "một chương mới" nhờ sự ấm lên trong quan hệ giữa phương Tây với Iran.

Theo ông Hammond, cả Iran và Anh đều mong muốn tận dụng kết quả thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran đã đạt được hồi tháng 7 vừa qua như một cơ hội để thảo luận cuộc khủng hoảng Syria và các vấn đề khu vực khác.

Ngoại trưởng Anh thừa nhận cho tới thời điểm này, các cuộc thảo luận về Syria vẫn thiếu vắng hai "người chơi" quan trọng và có ảnh hưởng nhất là Iran và Nga, và để tìm được một giải pháp chính trị thì tiến trình này cần phải có cả Iran và Nga. Mức độ đàm phán với Nga về cuộc chiến Syria đã sâu rộng hơn trong những tháng gần đây và giờ đây đang có cơ hội để Iran cũng tham gia cuộc thảo luận với các nước.

Ông Hammond nói: "Chúng ta đang có cơ hội để Iran tham gia cuộc đàm phán và nhờ đó chúng ta có thể có cuộc thảo luận thực chất hơn, bởi vậy tôi nghĩ rằng đây là một chương mới".

Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad-Javad Zarif khẳng định rằng việc mở cửa trở lại Đại sứ quán Anh tại Tehran và sự hiện diện của các đại diện châu Âu tại quốc gia này là bằng chứng cho thấy "vai trò hữu ích của Iran trong khu vực và trên thế giới".

Thừa nhận vẫn còn nhiều bất đồng giữa Iran và một số quốc gia phương Tây song ông nhấn mạnh những điều này có thể được giải quyết bằng một "cách tiếp cận thực tế".

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.