Châu Âu lấy gì đối phó khủng bố?

Thứ Năm, 22/01/2015, 20:05
Vụ thảm sát Tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Pháp hồi đầu tháng đang khơi dậy “phong trào” chống khủng bố trên khắp châu Âu. Khắp nơi người ta bàn chuyện ngăn chặn làn sóng khủng bố. Câu hỏi đặt ra là châu Âu sẽ diệt khủng bố tại chính quê hương mình bằng vũ khí gì?

Từ lâu các nước châu Âu lo ngại rằng mối đe dọa lớn nhất với họ là những phần tử Hồi giáo sang chiến đấu ở Syria và Iraq trở về. Biến cố hôm 7/1 tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris đã biến nỗi sợ hãi này thành sự thực. Chính vì thế, trong suốt tuần qua, hàng loạt các quốc gia châu Âu đã gia tăng các cuộc bố ráp khủng bố.

Gần đây nhất, cuộc bố ráp những chiến binh Hồi giáo từ Trung Đông trở về đã diễn ra ở khắp các thành phố lớn của Bỉ, đặc biệt là thủ đô Brussels, nơi có nhiều cộng đồng di dân từ các nước Hồi giáo. Ngày 16/1, hai người bị cáo buộc là phần tử thánh chiến bị nhân viên an ninh Bỉ hạ sát ở thành phố Verviers miền Đông. Hai nghi can này đều là công dân Vương quốc Bỉ. Tại Verviers, người dân cho biết sau những gì xảy ra ở Paris, họ có cảm tưởng châu Âu không được an toàn.

Các nước châu Âu tăng cường bố ráp khủng bố.

Theo truyền thông Bỉ, sự theo dõi thu thập liên lạc qua điện thoại đã khiến nhà chức trách an ninh phải khẩn cấp mở chiến dịch đối phó. Thủ tướng Bỉ Charles Michel, ra lệnh nâng cấp báo động trên toàn quốc từ 2 lên 3, mức 4 là mức cao nhất. Hồ sơ của các cơ quan tình báo cho biết, có khoảng 310 dân Bỉ lén lút qua Trung Đông, 40 người đã bị giết, 170 người còn chiến đấu tại Syria hoặc Iraq và 100 người trở về mang theo kinh nghiệm chiến đấu cũng như được tuyên truyền thêm tinh thần tín ngưỡng để sẵn sàng phục vụ cho lý tưởng cực đoan.

Như vậy nếu tính theo đầu người thì Bỉ có số dân qua Trung Đông tham gia các tổ chức thánh chiến Hồi giáo cao nhất châu Âu. Pháp có khoảng 1.400 phần tử Hồi giáo trong lực lượng thánh chiến nhưng dân số Pháp 66 triệu trong khi Bỉ chỉ 11 triệu.

Cộng đồng Hồi giáo hơn nửa triệu người ở Bỉ hầu hết là dân gốc Bắc Phi nói tiếng Pháp, còn lại khoảng 1/3 dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả người Kurd. Con số này có thể lớn hơn vì có nhiều di dân bất hợp pháp không thể kiểm soát hết. Đa số dân Hồi giáo ở Bỉ tập trung tại các thành phố lớn như Antwerp, Brussels, Charleroi. Giống như tại Pháp, nhóm dân thiểu số này ít thành công về mặt kinh tế, xã hội như dân bản xứ, tỷ lệ thất nghiệp cao, tạo nên môi trường thích hợp cho sự truyền bá ý thức hệ cực đoan và sự khuấy động của thành phần quá khích.

Chính vì sự lo lắng về tình hình an ninh quốc nội, Bỉ là nước dẫn đầu EU trong nỗ lực ngăn chặn sự trở về của những “chiến binh ngoại quốc” từ nguồn gốc là Trung Đông. Bỉ từng đưa một phi đội máy bay chiến đấu F-16 tham gia vào liên minh do Mỹ lãnh đạo chống IS ở Syria và Iraq.

Các chuyên gia phân tích nói rằng, các nước châu Âu đang đề cao cảnh giác và hành động nhanh để trấn áp các âm mưu khủng bố. Ngày 16/1, Cảnh sát Pháp cũng đã bắt giữ cả chục người và một nhà ga xe lửa ở Paris đã bị sơ tán trong chốc lát, vào lúc cả nước đề cao cảnh giác sau các vụ tấn công khủng bố hôm 7/1. Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nói Pháp vẫn ở trong tình trạng báo động cao, với hơn 120.000 cảnh sát và nhân viên quân đội bố trí khắp nước.

Trong khi đó, ngày 16-1 Cảnh sát Đức cho biết đã bắt 2 công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong các vụ bố ráp sáng sớm. Martin Steltner, thuộc Văn phòng Công tố ở Berlin, thông báo những vụ bắt giữ được tiến hành dựa trên “tình nghi có chuẩn bị ở Syria cho một tội ác nghiêm trọng và tàn bạo nhắm vào nhà nước”.

Các nước khác ở châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bulgari cũng đang đi tìm những liên hệ có thể có giữa nước họ và các tay súng đã thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở Paris gây thiệt mạng cho 17 người.

Các nước châu Âu tăng cường bố ráp khủng bố.

Không chỉ tiến hành các cuộc bố ráp tạm thời, lãnh đạo châu Âu còn có một lịch trình họp bàn cách chống khủng bố dày đặc. Cụ thể ngày 19/1 diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU, ngày 29/1 sẽ là Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ các nước EU, rồi ngày 12/2 tới đây tại Brussels sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU.

Nội dung của cuộc gặp hôm 19/1 giữa các ngoại trưởng EU là thảo luận về mối lo ngại đang ngày một lớn xung quanh việc các phần tử cực đoan châu Âu đã từng chiến đấu tại Iraq và Syria quay trở về quê hương. Những ý kiến được đưa ra trong cuộc họp này sẽ được xem xét tại Hội nghị của Liên minh quốc tế chống IS diễn ra tại London vào ngày 22/1 với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Ngoài sự góp mặt của 28 ngoại trưởng các nước thành viên như thường lệ, hội nghị lần này có sự tham dự của một nhân vật đặc biệt, đó là Tổng thư ký Liên đoàn Arập Nabil Al-Araby. Sự tham gia của các nước Arập sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược đối phó với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan của các nước EU. Hội nghị lần này cũng thảo luận về chiến dịch truy quét nạn buôn bán vũ khí, hỗ trợ cảnh sát ở Trung Đông và Bắc Phi, ngăn chặn các công dân EU tham chiến ở nước ngoài, cũng như các biện pháp kiểm soát tư tưởng Hồi giáo cực đoan trên Internet. Bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU kêu gọi thiết lập một liên minh lớn hơn, trong đó có sự tham gia của thế giới Arập để đối phó với chủ nghĩa khủng bố.

Hội nghị Ngoại trưởng lần này được cho là sẽ tạo tiền đề cho những quyết định quan trọng có thể được đưa ra tại các cuộc họp tiếp theo cũng như Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU sẽ diễn ra vào ngày 12/2 tới.

Nhìn vào những vận động chính trị hiện nay tại EU người ta có cảm giác như liên minh này đang tạo thành một khối đoàn kết vững chắc chống khủng bố.

Các nước châu Âu tăng cường bố ráp khủng bố.

Tuy nhiên, cần phải biết rằng, các nước châu Âu thường hay "phanh gấp" mỗi khi nói đến một cách tiếp cận chung của 28 thành viên. Đơn cử tại hội nghị hôm 19/1, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius sẽ trình bày một kế hoạch 7 điểm trong đó có việc tăng cường kiểm soát đối với công dân châu Âu ở biên giới châu Âu với nước ngoài, cũng như thiết lập một "danh sách lớn" với các dữ liệu do các hãng hàng không thu thập, và ngăn chặn hiện tượng cực đoan hóa trong nhà tù và trên Internet... Tuy nhiên, trong thực tế, những  lực cản đối với một chính sách chung còn nhiều.

Trước tiên, các cơ quan tình báo thích làm việc kiểu song phương, hơn là với cả 28 đối tác. Nhiều người cũng hoài nghi về hiệu quả của một cơ chế toàn châu Âu như cơ quan Frontex chẳng hạn. Đây là định chế đặc trách việc giám sát biên giới của châu Âu, nhưng cho đến giờ đã tỏ ra không mấy hữu hiệu và hữu ích.

Nhưng liệu những biện pháp của EU hiện nay và sắp được áp dụng có đủ sức bảo vệ họ trước làn sóng khủng bố từ nước ngoài trở về? Theo các chuyên gia, với vị trí địa lý ngay sát khu vực Trung Đông đầy bất ổn, cùng với việc tự do di chuyển giữa các nước trong liên minh châu Âu, những kẻ khủng bố có thể thực hiện những vụ tấn công với hệ quả tương tự như tại Paris vào bất cứ quốc gia châu Âu nào. Ngoài ra, với ít nhất 20 triệu người Hồi giáo đang sinh sống tại châu Âu, chỉ cần một số rất nhỏ trong số đó đi theo con đường cực đoan cũng tạo ra các thách thức an ninh rất lớn.

Giới chuyên gia cho rằng, sẽ không thể có một chiến dịch an ninh hiệu quả, nếu không ngăn ngừa được những tế bào khủng bố đang ẩn náu trong lòng châu Âu. Tịch thu hộ chiếu và bỏ tù chỉ đẩy những con người này vào bước đường cùng và họ càng có nguy cơ trở thành những quả bom nổ chậm nếu bị phân biệt đối xử. Điều quan trọng là phải giúp họ hòa nhập với xã hội châu Âu. Nhiều ý kiến cho rằng, các biện pháp đối phó với khủng bố hiện thời chỉ là giải pháp phần ngọn và châu Âu chắc chắn sẽ phải có những điều chỉnh trong chính sách để giải quyết mâu thuẫn giữa thế giới phương Tây và thế giới Hồi giáo. Bởi việc nhận thức rõ ranh giới giữa Hồi giáo và các đối tượng khủng bố cực đoan là hết sức quan trọng trong những thời điểm như hiện nay.

Có thể nói bất chấp bối cảnh đáng ngại hiện giờ, cũng như mối đe dọa khủng bố trên lãnh thổ châu Âu, việc đề ra được một chính sách chung thật sự cho EU trong lĩnh vực chống khủng bố, sẽ không thể nhanh chóng và cũng không dễ dàng.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.