Châu Âu lo ngại sau các cuộc tấn công khủng bố

Thứ Tư, 21/01/2015, 15:35
Sau khi thủ đô Paris của Pháp chấn động kinh hoàng với các vụ khủng bố, bắt cóc con tin, rồi khủng bố “lên tiếng” tại thành phố Hamburg của Đức, tiếng chuông báo động về mối đe dọa của những con “sói cô đơn” trên khắp châu Âu lại vang lên khẩn cấp. Trong khi đó, các chuyên gia lo ngại sự tăng cường an ninh và do thám tại châu Âu có thể dẫn đến phản ứng mạnh hơn từ cộng đồng Hồi giáo cực đoan.

Trong các thập niên qua, bạo lực nhân danh tôn giáo diễn ra ngày càng nhiều trên đường phố nước Pháp, mặc dù chính quyền ra sức mô tả vụ tấn công của "những con sói cô đơn" thật ra là hành vi của những cá nhân có vấn đề về tâm thần.

Chính quyền Đức cũng đang lo ngại về xu thế chống Hồi giáo đang lan rộng tại nhiều thành phố nước này, các chính quyền phương Tây đang báo động về làn sóng khủng bố mới từ 3.000 chiến binh người châu Âu gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trở về quê hương. Thủ tướng Pháp Manuel Valls gọi mối đe dọa từ số phần tử cực đoan từ Syria trở về nước là "mối nguy hiểm lớn nhất mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong tương lai". Thủ tướng Anh David Cameron mô tả số chiến binh này là "mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh nước Anh hiện nay".

Một trong những nhân vật nỗ lực đối phó với mối đe dọa là Will van Gemert, người được bổ nhiệm vào vị trí chỉ huy của Europol hồi tháng 5/2014 sau nhiều năm phục vụ trong ngành tình báo và cảnh sát Hà Lan. Trong cuộc phỏng vấn tại tòa nhà trụ sở 4 tầng của Europol tại The Hague (Hà Lan), ông Will van Gemert nhấn mạnh: "Đó không phải là tình huống giả định. Đó là tình huống hiện thực khi những phần tử này đang trở về".

Will van Gemert, chỉ huy chiến dịch của Europol (ảnh trái) và Stephane Charbonnier, Tổng Biên tập tờ Charlie Hebdo, bị bắn chết trong vụ tấn công tòa báo hôm 7/1/2015.

Will van Gemert cũng nhắc lại vụ tấn công khủng bố Nhà Bảo tàng Do Thái ở Brussels của Bỉ hồi tháng 5/2014 giết chết 4 người. Nghi phạm, một công dân Pháp quy theo đạo Hồi tên là Mehdi Nemmouche, đã gia nhập đội quân thánh chiến Hồi giáo ở Syria vài tháng trước khi trở về châu Âu. Van Gemert cho biết, những cuộc tấn công từ "sói cô đơn" là mối đe dọa nghiêm trọng nhất và khó đối phó nhất do những phần tử cực đoan trở về nước bởi vì chúng "không nằm trong nhóm nào cho nên khó có thể phát hiện sớm. Sói cô đơn tấn công rất thành công so với các nhóm khác. "Sói cô đơn" thực tế đang hiện diện ở Brussels cũng như ở London và những nơi khác".

Kể từ khi Mỹ và các đồng minh khác liên tục mở nhiều chiến dịch không kích chống lại IS, tổ chức này đã lên tiếng kêu gọi những người ủng hộ chúng tự tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào một số mục tiêu ở phương Tây. Một công dân Pháp khác quy theo đạo Hồi tên là Mickael dos Santos - được  xác định là một trong số những chiến binh IS chặt đầu 18 binh sĩ Syria bị bắt giữ hồi tháng 11/2014, trước đó đã xuất hiện trong một video tung lên Internet lớn tiếng kêu gọi "Mọi anh em đang sống ở Pháp hãy giết chết bất cứ công dân nào" của nước này!

Will van Gemert cảnh báo: "Mục tiêu chính của IS là cố gắng hết sức thuyết phục mọi công dân phương Tây nên làm điều gì đó để đóng góp cho tổ chức của bọn chúng và chúng ta cũng đã chứng kiến mức độ hủy diệt của một cuộc tấn công đơn lẻ khủng khiếp như thế nào".

Không chỉ kêu gọi các chiến binh nước ngoài, IS còn khuyến khích những người Hồi giáo nói chung hành động chống lại các quốc gia liên quan (với những chiến dịch không kích chống IS). Điều đó có nghĩa là mối đe dọa cho phương Tây trở nên rộng lớn hơn rất nhiều. Các chuyên gia chống khủng bố cũng lo sợ thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi muốn lặp lại cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 ở nước Mỹ nhằm thỏa mãn tham vọng tiếp nối "sự nghiệp" của trùm khủng bố Osama bin Laden để trở thành thủ lĩnh thánh chiến toàn cầu!

Được thành lập vào những năm 90 thế kỷ trước, Europol có 850 nhân viên làm việc tại trụ sở ở The Hague với nhiệm vụ hợp tác và hỗ trợ hoạt động của các cơ quan hành pháp tại 28 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) - cũng như với một số đối tác khác như là Mỹ - trong cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Europol tham gia khoảng 18.000 cuộc điều tra xuyên biên giới vào mỗi năm. Các sĩ quan an ninh đến từ các nước khắp châu Âu thường xuyên tham gia những hội nghị chuyên đề tổ chức tại trụ sở Europol về hoạt động của tội phạm “cổ cồn trắng” cũng như tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên Internet.

Trụ sở Europol ở The Hague, Hà Lan.

Một cuộc triển lãm vào tháng 11 năm ngoái, tại trụ sở Europol cho thấy những thiết bị bắt giữ được từ các phòng bào chế ma túy của bọn tội phạm. Mặc dù chỉ có 7 người bị bọn khủng bố giết chết ở EU trong năm 2013, song báo cáo hàng năm của Europol hồi tháng 5/2014 cũng cảnh báo "từ cuộc xung đột ở Syria, mối đe dọa cho EU đã gia tăng theo cấp số nhân".

Đầu năm 2014, Europol thành lập thêm một đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận và chia sẻ thông tin từ những cuộc điều tra về mối đe dọa chiến binh cực đoan nước ngoài do các cơ quan an ninh khắp châu Âu tiến hành. Will van Gemert cho biết: "Trong những tháng đầu năm 2014, Europol nhận được hàng trăm ngàn thông điệp và sự hợp tác đến từ các quốc gia đang tăng rất mạnh".

Từ khối lượng thông tin khổng lồ này, Europol nỗ lực xây dựng một cái nhìn tổng quan về tình hình để từ đó nắm được cách chọn người để tuyển mộ của IS, những con đường mà bọn khủng bố chọn để đi vào những khu vực đang xung đột ở Trung Đông, các cơ cấu ủng hộ chiến binh Hồi giáo cực đoan và vai trò của truyền thông xã hội trong xu hướng cực đoan hóa và tuyển mộ phần tử khủng bố.

Will van Gemert giải thích: "Sau khi hệ thống của chúng tôi tiếp nhận hàng loạt thông tin từ các cuộc điều tra, trách nhiệm của Europol sau đó là tổng hợp và phân tích để lần tìm ra những cái tên, số điện thoại, vị trí và bất cứ những thứ gì có thể hình dung được trong môi trường khủng bố nguy hiểm. Nhưng, như thế vẫn chưa đủ. Cũng giống như một cơ quan hành pháp hay tình báo của một quốc gia thành viên EU, chúng tôi phải luôn cảnh giác trước sự trở về của phần tử cực đoan bởi vì EU có hệ thống biên giới mở".

Các chuyên gia chống khủng bố thừa nhận sự hợp tác đang gia tăng và mở rộng giữa các lực lượng hành pháp cũng như tình báo ở châu Âu có tác động tích cực trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, song họ cũng nhấn mạnh sự bảo đảm thông tin phải được chia sẻ đồng đều giữa các quốc gia và giữa các cơ quan trong nước với nhau.

Mark Singleton, Giám đốc Trung tâm Quốc tế chống khủng bố (ICCT) trụ sở tại The Hague, phát biểu với báo chí: "Chúng ta còn đánh giá tình huống chưa đúng mức và do đó đã không có sự ưu tiên xử lý, một phần cũng do nhiều cơ quan hành pháp tỏ ra khá miễn cưỡng hợp tác, không chịu chia sẻ thông tin tình báo kịp thời và luôn muốn giữ bí mật cho riêng mình. Tuy nhiên, tin tốt lành là vẫn còn có những văn kiện pháp luật tồn tại bên trong châu Âu cho phép chính quyền các nước trao đổi kinh nghiệm".

Ông Mark Singleton bày tỏ mối quan ngại về mức độ phẫn nộ hiện nay từ cộng đồng Hồi giáo phương Tây và sợ rằng chiến thuật cực kỳ bạo lực của IS có thể khiến cho các chính quyền áp dụng những biện pháp trả đũa mạnh tay hơn nữa, và từ đó dẫn đến xu hướng cực đoan hóa trở nên bùng phát và lan tràn trong cộng đồng tín đồ Hồi giáo trẻ tuổi ở châu Âu. Will van Gemert cho biết, giới chức an ninh ở châu Âu cũng lo ngại bạo lực giáo phái và sắc tộc ở Trung Đông có thể dẫn đến sự xung đột trong các cộng đồng dân tộc ở châu Âu, hoặc các cộng đồng thiểu số người Hồi giáo phương Tây sẽ là mục tiêu tấn công của bọn cực hữu.

Will van Gemert tuyên bố: "Nếu muốn ngăn ngừa xu hướng cực đoan hóa, các chính quyền không nên chỉ dựa vào chính sách của pháp luật mà cần chú trọng đến yếu tố chăm sóc các cộng đồng trong xã hội. Lực lượng cảnh sát cần hòa nhập vào các cộng đồng nhạy cảm để tìm hiểu".

Duy Minh (tổng hợp)
.
.