Châu Âu sợ hãi “cách chơi kiểu Anh”

Thứ Hai, 11/05/2015, 17:10
Tham gia tranh cử năm nay có nhiều đảng phái nhưng có hai đảng chính là Bảo thủ và Công đảng. 45 triệu cử tri được kêu gọi lựa chọn 650 nghị sĩ trong số hơn 3.900 ứng cử viên tranh cử tại 650 đơn vị bầu cử. Bầu cử ở Anh chỉ diễn ra một vòng, đảng nào giành được nhiều ghế nghị sĩ thì đảng đó có quyền lập chính phủ và thủ lĩnh trở thành thủ tướng.

4 triệu cử tri được huy động vào chương trình “bỏ phiếu chiến thuật”

Cuộc bầu cử này sẽ cho kết quả sơ bộ, đặc biệt tại thủ đô Luân Đôn và xứ Scotland, vào khoảng nửa đêm 7/5 (giờ Anh). Tuy nhiên, có phần chắc là kết quả tại các vùng còn lại sẽ chỉ được biết vào chiều 8-5, việc xử lý kết quả bị chậm lại, vì bầu cử Quốc hội diễn ra song song với các bầu cử địa phương.

Nhật báo Guardian nhận định cuộc bầu cử năm nay có thể sẽ có kết quả đặc biệt nhất trong lịch sử nước Anh, bởi vì chênh lệch phiếu giữa hai đảng Bảo thủ và Công đảng có thể sẽ chỉ là một vài phiếu mà thôi.

Ít giờ trước khi cuộc bầu cử này diễn ra, lãnh đạo các đảng phái chính vẫn tiếp tục du hành diễn thuyết để thuyết phục cử tri, với hy vọng cuốn hút các cử tri còn lưỡng lự chấp thuận cương lĩnh chính trị đảng mình.

Từ nhiều tháng nay, tỉ lệ cử tri ủng hộ hai đảng lớn, Bảo thủ và Công đảng, theo các thăm dò dư luận, gần như không thay đổi, với khoảng 33% cử tri dự định bầu cho mỗi bên, 1/3 còn lại cho các đảng còn lại, bao gồm các đảng dân tộc chủ nghĩa Bắc AiLen, Scotland, xứ Wales, đảng độc lập cho Vương quốc Anh Ukip, và cuối cùng là đảng Xanh, đảng Dân chủ tự do.

Nếu như cách đây 5 năm, trong cuộc bầu cử trước, David Cameron đã được chỉ ra như là người có khả năng chiến thắng, với một chút ít ưu thế so với đối thủ, thì trong cuộc tranh cử lần này, hai đảng đối thủ chính nhận được sự ủng hộ sít sao đến mức, không tổ chức thăm dò dư luận nào dám mạo hiểm chỉ ra ai có khả năng thắng cuộc.

Do đó, chính phủ được thành lập sau cuộc bầu cử Quốc hội này rất có khả năng sẽ là một chính phủ thiểu số, buộc phải thỏa hiệp từng vụ việc một với các đảng phái mà họ có rất ít chia sẻ về quan điểm. Tình hình này bắt đầu khiến người dân Anh thực sự lo ngại.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nick Clegg cảnh báo nguy cơ sẽ có một cuộc bầu cử mới trước Noel này (nếu chính phủ không có được một liên minh hậu thuẫn ổn định trong Quốc hội).

Thủ tướng mãn nhiệm đảng Bảo thủ David Cameron thì khoét sâu vào nỗi sợ của cử tri, khi tuyên bố: hoặc chọn tôi, hoặc chọn hỗn loạn. Còn lãnh đạo Công đảng Ed Miliband hứa hẹn một nước Anh ít bất bình đẳng hơn.

Các nhà quan sát nhận thấy rằng chưa bao giờ chiến dịch tranh cử ở Anh lại diễn ra ác liệt như năm nay. Đến tối 6/5, các ứng cử viên vẫn hối hả kết thúc cuộc tranh cử, có thể so sánh với một cuộc chạy việt dã thực sự trên khắp nước Anh. Mỗi người với phong cách riêng.

Vào cuối cuộc tranh cử, Thủ tướng David Cameron chỉ còn xuất hiện trong trang phục áo sơ mi đơn giản, với những bài diễn văn nóng bỏng, mà người nói dường như kiệt sức và cũng cạn cả lý mỗi khi kết thúc. Đảng Bảo thủ được nhận xét là sử dụng tối đa các kỹ thuật vận động hiện đại mà nhất là có tiền để in tài liệu phát tới từng hộ dân.

Bầu cử ở Anh với kết quả đầy bất trắc.

Trong những ngày qua, báo chí cũng nhận thấy là họ tập trung tổ chức sự kiện cho đảng viên và người ủng hộ của mình, một động tác có thể hiểu là để động viên và mang tính phòng thủ để khỏi bị mất phiếu vào tay đối thủ.

Song song đó, Chủ tịch David Cameron cũng tấn công trực diện vào chương trình kinh tế của đối thủ Ed Miliband, lãnh đạo Công đảng.

Theo nhận định của tờ Guardian, thì ông Miliband dù không đủ kinh nghiệm và tài lực, nhưng đã khéo léo chèo chống trong những ngày qua. Ông đã chiếm được lòng tin của cử tri, rút ngắn khoảng cách giữa hai đảng, mà hiện có thể nói là ngang bằng nhau và kết quả bầu cử vào tối 7-5 rất khó đoán nổi.

Tờ Times ước tính kết quả thắng thua sẽ phụ thuộc vào con số 4 triệu cử tri được huy động vào chương trình gọi là “bỏ phiếu chiến thuật”, mà đến sát giờ đóng cửa mới kéo tới phòng phiếu để lật ngược tình thế. Tờ Financial Times cho rằng Công đảng có thể chiếm được 25 ghế từ tay liên minh cầm quyền nhưng hiệu ứng tâm lý của người đi bỏ phiếu vào giờ chót có thể khiến người ta bầu cho đảng Bảo thủ.

Vậy tại sao cuộc bầu cử Quốc hội Anh lại gây lo sợ cho cả châu Âu? Đó là bởi xu thế ly khai khỏi Liên minh châu Âu đang nổi cộm trong các tranh cãi tranh cử. Giới phân tích nhận định, dù người chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp Anh tới đây là ai, Bruxelles sẽ phải thỏa hiệp với một nhân vật khó đối thoại ở Luân Đôn, nơi mà các nhà chính trị, người thì muốn cải cách, kẻ lại muốn rời khỏi EU.

David Cameron hứa hẹn nếu thắng lợi sẽ cho tổ chức trưng cầu dân ý về việc Vương quốc Anh có còn nằm trong EU ngay từ năm 2017 hay không.

Còn lãnh đạo Công đảng Ed Miliband, dù không đề cập đến việc Anh rời khỏi con tàu EU, nhưng ông phản đối mọi dự án mở rộng quyền lực của Bruxelles trong tương lai. Vì thế mà theo các nhà quan sát, dù kịch bản nào xảy ra, châu Âu cũng chuẩn bị phải đau đầu với kết quả hậu bầu cử, nhất là nước Đức.

Với bà Angela Merkel, việc nước Anh rút khỏi châu Âu sẽ là một kịch bản còn tồi tệ hơn là trường hợp Hy Lạp chia tay châu Âu.

Hào quang nhợt nhạt của một đất nước tụt xuống hàng “cường quốc trung bình”

Tương lai của một nước Anh trong châu Âu, cũng như tương lai của chính EU sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử này. Chả thế mà trong những ngày này, bầu cử Quốc hội Anh là chủ đề thời sự lớn thu hút sự chú ý của các báo châu Âu.

Báo Libération ra ngày 6/5 có bài viết đáng chú ý: “Vương Quốc Anh sẵn sàng chuồn khỏi Liên minh châu Âu theo kiểu Anh”.

Bài viết của nhà báo Marc Semo, phụ trách ban chính trị quốc tế của Libération, cho thấy mặc dù xu thế ủng hộ giữ nguyên trạng quan hệ giữa Anh và châu Âu có xu hướng tăng nhẹ so với cách nay 2 năm, nhưng quan điểm đối kháng với châu Âu được hưởng ứng rất mạnh trong chính giới, trong truyền thông, cũng như trong các giới doanh nhân và văn hóa, và điều đặc biệt đáng lo ngại là “cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư đã bị trộn lẫn với vấn đề mối quan hệ mật thiết của Anh với châu Âu”, như phát biểu của Denis MacShane, cựu Bộ trưởng đặc trách về châu Âu dưới thời Thủ tướng Tony Blair.

Libération điểm lại lịch sử quan hệ giữa Anh và châu Âu trong 40 năm qua, kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 1975, khi 67% dân Anh - trong giai đoạn đảng Bảo thủ cầm quyền - quyết định gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (CEE). Vào thời kỳ này, hoàn toàn khác với hiện nay, Công đảng có quan điểm chống lại việc hội nhập châu Âu.

Theo tờ báo Pháp, dù gia nhập Liên minh châu Âu, nhưng “những nỗ lực của 19 quốc gia thành viên khu vực đồng euro, vì một sự hội nhập sâu sắc của châu Âu hoàn toàn không khiến London quan tâm. Anh vẫn giữ đồng tiền riêng và hưởng lợi từ một châu Âu được tổ chức theo nhiều phương thức khác nhau, nhờ những ưu đãi tài chính từ Bruxelles”.

Không khí khẩn trương ở một tổ kiểm phiếu.

Ít năm sau khi gia nhập Cộng đồng, Anh đã buộc Bruxelles phải hoàn lại 2/3 số tiền đóng góp vào ngân sách chung, với lý do London không được hưởng lợi gì từ chính sách nông nghiệp của khối.

Thái độ hết sức thực dụng của Anh được nhà sử học Robert Toms - đại học Cambridge - tóm lược: “Khi chúng tôi gia nhập thị trường chung (châu Âu), chúng tôi tự coi mình là một đất nước đang suy thoái; việc tham gia có thể nói giống như được cứu vớt. Hiện nay, tình hình là ngược lại, (người Anh) chúng tôi có ấn tượng rằng châu Âu kìm hãm chúng tôi”.

Libération nhấn mạnh đến bước ngoặt những năm 80 khiến thái độ của Anh đối với châu Âu thay đổi, trong bối cảnh bắt đầu một giai đoạn toàn cầu hóa mới, kinh tế Mỹ vọt tiến, châu Âu thì chững lại, nước Đức chìm ngập trong quá trình tái thống nhất… Việc xây dựng một đồng tiền chung euro, với nhiều vấn đề tiêu cực của lục địa (thất nghiệp gia tăng, các đảng dân túy phát triển…), lại càng củng cố thêm thái độ chán ghét châu Âu tại nước Anh.

Bài viết của nhà báo Marc Semo tóm lại thái độ hai mặt của Anh với châu Âu, mà gốc rễ của nó đã được nhận ra từ hơn hai thế kỷ trước: Anh ủng hộ một thị trường chung châu Âu, nhưng không cổ vũ cho một sự hội nhập về chính trị. Denis MacShane nói: “Chỉ riêng từ Liên bang đã khiến chúng tôi phải rùng mình”.

Nhà quý tộc Palmerson, từng đảm nhiệm chức Thủ tướng Anh thập niên 50-60, có một câu để đời: “Chúng ta không có đồng minh vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích của chúng ta là vĩnh viễn, và nghĩa vụ của chúng ta là theo đuổi chúng”.

Libération kết luận: “Thái độ nghi ngờ châu Âu hiện nay (ở Anh) là hào quang nhợt nhạt của quan điểm xa xưa ấy tại một đất nước nay đã bị tụt hạng xuống hàng cường quốc trung bình, nhưng không muốn thừa nhận điều này”.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.