Chế độ Taliban mới ở Bangladesh?

Thứ Sáu, 04/03/2005, 09:43

Đàn ông phải để râu và đàn bà bắt buộc trùm khăn kín mặt. Đó là cảnh thường thấy tại Bangladesh hiện nay. Các nhóm hồi giáo cực đoan đang gây bất ổn hệ thống chính trị ở đất nước nghèo đói này và mưu đồ gây dựng một chế độ hà khắc như Taliban, biến Bangladesh thành Afghanistan thứ hai.

Khoảng 10.000 môn đệ Jagrata Muslim Janata Bangladesh (JMJB - Công chúng Hồi giáo thức tỉnh) của “giáo chủ” Bangla Bhai đang thực hiện cuộc cách mạng tôn giáo khắp Bangladesh. Tên thật là Azizur Rahman (sau đó đổi thành Siddiqul Islam sau khi tình nguyện tham gia cuộc “thánh chiến” tại Afghanistan), Bangla Bhai không giấu giếm mục đích “Taliban hóa” Bangladesh.

Vấn đề JMJB hiện trở thành một trong những sự kiện chính trị tại Bangladesh, nơi bạo lực liên tục xảy ra. Trong cuộc chiến giành độc lập từ Pakistan năm 1971, 3 triệu người Bangladesh đã chết trong 9 tháng. Dưới thời chính phủ đương nhiệm (nắm quyền từ năm 2001), nhiều nhà báo đã bị bắt. Năm 2004, 3 nhà báo đã bị giết khi tường thuật tình trạng tham nhũng cùng hiện tượng trỗi dậy của chính trị Hồi giáo.

New York Times cho biết 80% người Bangladesh sống lam lũ tại các làng mạc đã và tiếp tục gần như không thể tiếp cận hoặc bị khống chế bởi chính quyền địa phương. Và nhà báo nước ngoài chỉ được hoạt động tại Bangladesh nếu có nhân viên mật vụ đi kèm.

Bangla Bhai trong một cuộc tuần hành dương oai.

Bangladesh với 141 triệu dân, trong đó 83% người Hồi giáo đã được thành lập trên nguyên tắc Hồi giáo thế tục. Sau khi Sheikh Mujibur Rahman (một trong những gương mặt nổi bật trong cuộc chiến giành độc lập) bị ám sát năm 1975, giới quân đội bắt đầu đưa Hồi giáo trở lại quyền lực.

Cuộc bầu cử năm 1991 đã chia hệ thống chính trường Bangladesh thành 4 đảng: Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP - thiên hữu); Liên minh Awami (khuynh hướng thiên tả); đảng Islamist Jamaat-e-Islami; và đảng bảo thủ Jatiya. Hai đảng chính đều nằm dưới sự lãnh đạo của nữ giới: BNP thuộc Thủ tướng đương nhiệm Khaleda Zia (chồng bà - người sáng lập đảng - đã bị ám sát) và Liên minh Awami thuộc Sheikh Hasina Wazed (con của người sáng lập Sheikh Hasina Wazed - nói ở trên).

Khaleda Zia và Hasina Wazed ghét nhau như kẻ thù và cả hai đều bị quy kết dính dáng nhiều trò đen tối. Tháng 8/2004, khi Hasina Wazed bị mưu sát hụt, BNP cho rằng Liên minh Awami đã dựng lên vụ này nhằm kiếm điểm chính trị. Trong thực tế, cảnh sát đã không tóm được thủ phạm, khi có ai đó quẳng lựu đạn vào buổi họp của Liên minh Awami, làm chết ít nhất 20 người và bị thương hàng trăm người.

Mâu thuẫn trong Liên minh Awami-BNP tạo thêm điều kiện cho sự trỗi dậy của chính trị Hồi giáo, trong đó có đảng Islamist Jamaat-e-Islami (IJI), từng chống lại làn sóng đòi độc lập và hiện tiếp tục duy trì quan hệ thân thiện với Pakistan. Nhóm này từng bị cấm hoạt động vào thời gian đầu đất nước vừa giành độc lập nhưng sau đó dần trở lại chính trường, với chủ trương dùng bạo động làm công cụ đạt mục tiêu.

Từ năm 2001, IJI bắt đầu mạnh hơn, trở thành lực lượng quan trọng trong chính phủ liên minh dưới sự lãnh đạo BNP. Sự lớn mạnh của IJI cũng đồng nghĩa với hiện tượng bùng nổ các nhóm chính trị khoác áo tôn giáo, trong đó có Harkat-ul-Jihad-al-Islami (HUJI), nơi quan hệ với Fazlul Rahman - kẻ từng cùng Osama bin Laden ký “tuyên bố chung” năm 1998 về việc “hoằng dương” phong trào “thánh  chiến” toàn cầu.

Cách đây 6 năm, HUJI đã mưu sát nhà thơ tên tuổi Shamsur Rahman, người hiện được bảo vệ 24/24 giờ, từ ngày 18/1/1999 đến nay. Hôm đó có 3 thanh niên lạ mặt đến nhà “xin tặng thơ” - nhưng một tên bất ngờ phóng lên lầu dùng rìu bổ vào bàn làm việc của nạn nhân. “Hắn tính chặt đầu tôi nhưng vợ và con dâu ôm kín tôi” - Shamsur Rahman kể. Vụ việc chỉ kết thúc khi hàng xóm chạy đến bởi nghe tiếng thét kêu cứu từ nhà Shamsur Rahman. Sự kiện dẫn đến chiến dịch bắt giam 44 thành viên HUJI, trong đó có 2 tên (một tên người Pakistan và một tên người Nam Phi) khai rằng, chúng được Osama bin Laden phái đến với hơn 300.000 USD dùng để phát cho 421 madrassa (trường Hồi giáo tư nhân).

Theo Gowher Rizvi (Đại học Harvard), hệ thống cung cấp tài chính Bin Laden đã tài trợ cho khoảng 64.000 madrassa nhằm mục tiêu lôi kéo thành phần Hồi giáo Bangladesh đi theo con đường “thánh chiến” chống phương Tây. Ở một nước nghèo như Bangladesh, tiền có sức hấp dẫn đặc biệt. Trong 177 quốc gia có tên trong danh sách Chỉ số phát triển con người Liên Hiệp Quốc, Bangladesh đứng hạng 138. --PageBreak--

Sự bùng nổ các nhóm Hồi giáo cực đoan

Ngoài HUJI, JMJB - một nhóm chính trị Hồi giáo nữa cũng được hưởng cơ hội thuận lợi phát triển. Tại tây bắc Bangladesh, nơi JMJB cát cứ, cái nghèo là sự “thường tình”. Và cái nghèo cũng đưa đến lạc hậu và dốt nát. Đó chính là một điều kiện tốt nữa đối với JMJB của Bangla Bhai.

Không khí khu vực thuộc quyền kiểm soát của JMJB hiện không khác gì Afghanistan thời Taliban. “Lính” JMJB tuần hành vào trường đại học, dùng dùi cui gõ tóe máu đầu bất cứ sinh viên nào bị bắt quả tang hút thuốc lá. Từ mùa hè 2004, nhân viên JMJB thường xuyên đánh xe xuống phố và bắc loa huấn thị người dân về sự trừng phạt nơi công cộng. Chỉ vài tháng qua, người ta đã thấy hơn 50 người đàn ông bị treo ngược từ giàn tre, bị đánh bằng búa và roi sắt.

Taskforce against Torture (Lực lượng phản ứng nhanh chống tra tấn) - tổ chức nhân quyền Bangladesh thành lập cách đây ba năm - cho biết, họ đã ghi được hơn 500 trường hợp bị “xử” bởi JMJB. Một trong những nạn nhân là Abdul Quddus Rajon, nhân viên bưu điện làng Shafiqpur, 42 tuổi, xuất thân từ gia đình tương đối khá giả theo đạo Hồi.

Quddus Rajon bị bắt cóc đầu tháng 5/2004, khi hai người quấn băng đầu màu xanh xuất hiện ở bưu cục. Chúng buộc Quddus Rajon ra chiếc xe gắn máy đậu bên ngoài và hỏi số điện thoại người anh em, tên là Kayyam Badshah - thủ lĩnh Đảng Cộng sản. Từ chối yêu cầu, Quddus Rajon bị chở đến một doanh trại Bangla Bhai. Bị nhốt cùng 15 nạn nhân trong hai phòng, Quddus Rajon bị tra tấn tàn bạo. Cuối cùng, bọn JMJB đòi phải chuộc bằng 100.000 taka (khoảng 1.600 USD). Chấp thuận đòi hỏi đó, Quddus Rajon được thả, trước khi được đưa đến một giáo đường và buộc quỳ gối thề rằng từ nay phải để râu rậm, cầu nguyện đúng 5 lần/ngày và phải mặc áo thụng kurtas bất cứ khi nào ra phố.

Dù được tự do nhưng Quddus Rajon vẫn đau buồn. Trưa 19/5/2004, Quddus Rajon bị đánh thức bởi tiếng loa phóng thanh. Ngoài đường, bọn JMJB loan báo bắt được người anh em của ông (Kayyam Badshah). Sáng hôm sau, người ta thấy thi thể Kayyam Badshah bị treo ngược trên cây gần đồn cảnh sát. Nạn nhân đã bị đánh cho đến chết.

New York Times cho biết, tất cả thành phần Cộng sản hiện đều trở thành nạn nhân của bọn cuồng tín loạn óc JMJB. Và không chỉ Cộng sản, tín đồ Hindu, Công giáo và thậm chí Phật giáo cũng bị chúng tấn công. Tất nhiên, các nhóm Hồi giáo đơn lẻ - như Hồi giáo Ahmadiyya (khoảng 100.000 người), tin rằng Muhammad không là đấng tiên tri cuối cùng - càng “bị đòn” nặng...

Trước sức ép của cộng đồng nhân quyền quốc tế, Chính phủ Bangladesh đã buộc thực hiện một số thao tác kiềm chế Hồi giáo cực đoan. Mohammad Selimullah - thủ lĩnh một nhóm Hồi giáo cực đoan cát cứ dọc biên giới Đông Bangladesh (giáp Myanmar) - đã bị bắt tại Chittagong đầu năm 2001. Trong phiên tòa, Selimullah thú nhận nhóm mình nhận vũ khí từ một số tổ chức Hồi giáo ở Libya, Saudi Arabia...

Đầu năm 2004, cảnh sát Bangladesh cũng tịch thu được 10 xe tải chở đầy vũ khí (nhờ thông tin cung cấp từ tình báo Ấn Độ). Vài tháng sau, Cảnh sát Bangladesh tấn công hai doanh trại tại Ukhia của HUJI (cách không xa Chittagong). Tuy nhiên, làn sóng Hồi giáo cực đoan vẫn bùng nổ. Cách đây không lâu, thành viên Islamic Oikya Jote (IOJ) - đảng cực đoan nhất trong chính phủ liên minh đương nhiệm - đã cùng IJI tổ chức biểu tình tại Chittagong và thủ đô Dhaka, hét vang "Amra sobai hobo Taliban, Bangla hobe Afghanistan" (Chúng ta sẽ là Taliban và Bangladesh sẽ là Afghanistan). Chủ tịch IOJ Fazlul Haque Amini - thành viên Quốc hội 3 năm qua - cho rằng luật thế tục đã thất bại và đã đến lúc nên điều khiển xã hội bằng luật Hồi giáo. 

Đảng phái nào bao che Bangla Bhai?

Theo tờ Daily Star (Bangladesh), Bangla Bhai - dù bị chính phủ tuyên bố cấm hoạt động từ tháng 5/2004 - hiện tiếp tục lọt lưới cảnh sát. Tuy nhiên, tờ The Independent (Bangladesh) cho biết, Chủ tịch Liên minh Awami, Sheikh Hasina Wazed, thú nhận hôm 21/2/2005 rằng, chính phủ liên minh BNP-IJI thật ra đã nhắm mắt làm ngơ hoặc bí mật che chở JMJB lẫn Bangla Bhai.

Hasina Wazed cũng cáo buộc chính phủ về việc phớt lờ không điều tra vụ Yasin Ali (thủ lĩnh phân nhánh Baghmara thuộc đảng Liên minh Awami) bị ám sát ngày 30/6/2004. Chẳng ai có thể biết bao nhiêu phần trăm sự thật khi Hasina Wazed nói rằng BNP làm ô dù che cho Bangla Bhai (hay đó chỉ là thêm một đòn ma mãnh chính trị) nhưng có điều chắc chắn rằng sự bất đồng trong nội bộ chính trường cũng như sự lớn mạnh của các nhóm Hồi giáo cực đoan rất có thể sẽ đưa Bangladesh đến một giai đoạn u ám thật sự, với bóng ma của một xã hội Taliban hóa

Mạnh Kim (Tổng hợp)
.
.