Chiếc nón lá Việt Nam và bà tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ

Thứ Sáu, 23/01/2009, 10:00
Nhận từ tay người thanh niên chiếc nón lá Việt Nam, bà Hillary chỉ thoáng một giây bất ngờ, rồi không kịp để cho 2 cô cảnh vệ tiếp cận kịp lao đến kiểm tra chiếc nón, phu nhân Tổng thống đã mỉm cười đầy xúc động và đội ngay chiếc nón lên đầu, như những người mẹ, người chị, như mọi cô gái Việt Nam đang xúm xít quanh bà.

23h đêm đầu tiên của tháng cuối cùng năm Dương lịch 2008, người bạn đồng nghiệp bên Thông tấn xã Việt Nam gọi điện thoại từ Mỹ về, báo tin ít phút trước (giờ địa phương là 10h40' sáng 1/12), tại thành phố Chicago, Tổng thống đắc cử Barack Obama vừa tổ chức họp báo để công bố tên một số nhân vật quan trọng trong bộ máy an ninh quốc gia, đồng thời công bố quyết định chính thức bổ nhiệm nữ Thượng nghị sĩ bang New York Hillary Clinton làm Ngoại trưởng. Vậy là Đệ nhất phu nhân nước Mỹ năm xưa, nữ ứng cử viên tổng thống Mỹ hôm nào, giờ đã chính thức trở thành người kế nhiệm danh giá của nữ Ngoại trưởng Condoleezza Rice.

Câu chuyện cũ về tân Ngoại trưởng

Gọi là chuyện cũ nghe nó hơi lạnh lùng? Có lẽ phải gọi là kỷ niệm chăng, khi mà đã tròn 8 năm trôi qua, những chi tiết của câu chuyện cũ này vẫn cứ đầy sống động trong lòng không ít người dân Hà Nội hôm nay.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, chiều tối ngày 16/11/2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và phu nhân - bà Hillary Clinton đã tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm lịch sử - chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Tổng thống Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ tại nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Đúng 10h sáng hôm sau, tại Phủ Chủ tịch, đã diễn ra trọng thể lễ đón chính thức Tổng thống Clinton và phu nhân với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Sau lễ đón, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã hội đàm với Tổng thống Clinton. Sau đó, 2 vị nguyên thủ đã chứng kiến lễ ký kết các văn bản hợp tác giữa Chính phủ hai nước gồm: Hiệp định hợp tác Khoa học và Công nghệ giữa Chính phủ ta và Chính phủ Hoa Kỳ; Bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động Hoa Kỳ.

Nhưng, kể từ sau lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, trong các sự kiện hội đàm và ký kết kể trên, mọi người đều không thấy sự hiện diện của phu nhân Tổng thống. Bà Hillary đi đâu? Mệt mỏi về tầng 18 khách sạn Daewoo nghỉ? Hay đi dạo phố tham quan Hà Nội - Thăng Long? Hay đã tới một nhà hàng đặc sản nào đó dùng bữa trưa? Rất nhiều “hay là”, rất nhiều “đoán già, đoán non”, nhất là cánh phóng viên cả nội lẫn ngoại tháp tùng theo dõi sự kiện này, nhưng chẳng ai đoán đúng.

Bà Hillary cùng con gái tại thôn Yên Tàng, Bắc Phú, Sóc Sơn, Hà Nội.

Ngay sau lễ đón chính thức, phu nhân Tổng thống cùng con gái đã nhanh nhẹn mà kín đáo chuyển sang một chiếc xe khác (cũng được chuyên cơ “cẩu” từ Mỹ sang) cùng một đoàn bảo vệ yếu nhân Mỹ và cảnh vệ ta nhằm hướng cầu Thăng Long dông thẳng.

Qua cầu Thăng Long, đoàn xe rẽ trái. Nhìn các chốt cảnh binh Mỹ đứng ở các ngã ba, ngã tư, nhìn thấy các nhân viên mật vụ Mỹ căng dây bảo vệ chỗ qua đường chắn tàu hỏa Bắc Hồng, mới thấy lộ trình này không hề là... “ngẫu hứng”. Hóa ra là phu nhân Tổng thống sang Sóc Sơn, Hà Nội.

Sóc Sơn là huyện nghèo nhất Hà Nội ngày ấy. Bắc Phú lại được coi là xã nghèo nhất trong huyện. Các địa điểm mà bà Hillary chọn làm nơi đến thăm đầu tiên trong chuyến cùng chồng sang Việt Nam 4 ngày này lại chính là cái nơi đang bị coi là nghèo nhất Hà Nội, cũng là “nhập gia tùy tục” lắm chứ?

Đường vào Bắc Phú ngày ấy còn chưa trải nhựa. Đất đỏ vùng đồi mịt mù bụi. Và quái lạ đã Đông chí rồi mà trưa ấy vẫn nắng gay nắng gắt. Chớm Ngọ, xe của phu nhân Tổng thống dừng trước cổng thôn Yên Tàng. Tại thôn này, từ năm 1995, những hộ nông dân nghèo nhất đã được trợ giúp bởi “Quỹ Tình thương”, một loại tín dụng tiết kiệm, cho vay vốn trả dần thông qua Ngân hàng Nông nghiệp Sóc Sơn.

“Quỹ Tình thương” là một dự án được ký kết giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức phi chính phủ Oxfam Hoa Kỳ. Bà Hillary tới Bắc Phú chính là để gặp gỡ các thành viên của dự án, để chứng kiến việc những người nông dân nghèo ở đây đang sử dụng nguồn vốn của Quỹ vào phát triển kinh tế hộ gia đình, cụ thể là chăn nuôi lợn và chế biến đậu phụ.

Đã quen nhìn thấy các nhân viên mật vụ Mỹ trang bị tận răng đeo kính đen xịt, bộ đàm gài tai, uy nghi tháp tùng yếu nhân giữa các đô thị khắp thế giới, bên những buynh-đinh chọc trời, trong những dinh thự uy nghiêm, trong những khách sạn xa hoa và sang trọng, nay cứ thấy hài hài, khi nhìn các “chú”, các “cô” mật vụ Mỹ to như bò mộng, da trắng da đen đủ cả, loay hoay bên đống rơm đầu ngõ, bên rặng chuối giữa thôn, bên cả mấy chú ỉn ụt à ụt ịt, mấy chú cún ăng ẳng, vì thấy “nhà mình” hôm nay sao mà đông người lạ, sao mà lắm mùi lạ!

Những súng to súng nhỏ, những dò mìn, bộ đàm, những ăng-ten viễn thông, những xe kính chống đạn, tất cả như bỗng thấy thừa, thấy vô nghĩa dưới lũy tre, giếng nước, bên gốc rạ quê mình! Chợt nhớ câu thơ vịnh bức ảnh cô dân quân áp giải phi công Mỹ năm xưa của nhà thơ Tố Hữu: “Anh hùng đâu cứ phải mày râu?”...

Tại thôn Yên Tàng, bà Hillary thăm nhà chị Thu. Gia đình chị Thu cách đây vài năm còn là một hộ nông dân không đủ ăn, nhà tranh vách đất chẳng khác túp lều. “Nhờ vay được vốn của Quỹ Tình thương - chị Thu bô lô bô la kể cứ như bà đệ nhất phu nhân nước Mỹ là cô hàng xóm mới sang chơi - giờ nhà tôi đã xây được nhà ngói, lại còn sắm được cả tivi màu cơ đấy…”.

Nghề phụ mà gia đình chị Thu và nhiều hộ nghèo thôn Yên Tàng đang làm nhờ vay vốn là chế biến đậu phụ. Một khay đậu phụ vừa được xuất lò, nóng hôi hổi. Chị Thu bê cả khay đậu từ bếp ra, đặt uỵch giữa sân để khoe. Bà Hillary cúi xuống, ngắm nghía khay đậu, nhìn kỹ từng bìa đậu, rồi ngước lên ân cần hỏi han công việc của chủ nhà.

Chị tíu tít kể cho Đệ nhất phu nhân nước Mỹ đến chơi nhà mình từ bên kia nửa vòng trái đất rằng, sau 5 năm được vay vốn của Dự án “Quỹ Tình thương” để sản xuất, thu nhập của các hộ nghèo trong thôn Yên Tàng giờ đã khấm khá hơn. Năm 1995,  thu nhập chỉ 26.000đ hộ/tháng, đến giờ (năm 2000) đã là 88.700đ;  rằng có 40 hộ nghèo được vay vốn, thì nay đã có 16 hộ xây được nhà ngói khang trang, các hộ còn lại đều đủ ăn đủ mặc cả. Ánh mắt bà Hillary như rạng rỡ hẳn lên. Dường như ở cái thôn Việt Nam nghèo rớt mồng tơi này, bà bỗng chợt nhận ra, hạnh phúc nào có to tát gì đâu, xa xôi diệu vợi gì đâu?

Lưu luyến chia tay chị Thu, bà Hillary sang thôn Phú Tàng, đến thăm nhà chị Lương. Rất đài các trong bộ veston màu hoàng yến, nhưng cũng hết sức dân dã như mọi bà mẹ về quê, Đệ nhất phu nhân nước Mỹ cứ xăm xăm quên cả cánh bảo vệ vây kín xung quanh, cứ len lỏi qua các bụi ruối, vườn chuối, luống su hào, đến tận bên các chú bò, chú lợn đang lim dim sau bữa chén no nê. Ngắm nhìn đầy thích thú (có lẽ vì lạ), bà Hillary hỏi chị Lương về cách nuôi bò, chăn lợn của gia đình và bà con thôn Phú Tàng.

Không một vẻ xa cách nào, quanh bộ bàn ghế mộc mạc (do chính chồng chị Lương tự đóng khi làm mộc - một nghề phụ nữa cũng rất phát triển sau khi vay vốn Quỹ Tình thương), bên ấm chè xanh nghi ngút khói và nải chuối ngự thơm lừng, hai người đàn bà tíu tít chuyện trò, quên khuấy cả nghi lễ xã giao, địa vị xã hội, quên tuốt cả những cách trở địa lý, e ngại chính trị rườm rà.

Câu chuyện của chị Lương với  bà Hillary hôm ấy là câu chuyện của hai bà mẹ. Chị Lương khoe có 2 con, một đứa lớp 5, một lớp 7. Phu nhân Tổng thống Mỹ chăm chú nghe rồi hỏi các cháu đi học có xa không, đi học bằng phương tiện gì. Chị Lương cười “như Liên Xô”: “Ôi dào, trường gần lắm, có 3 cây số thôi. Nhưng nhà tôi có hẳn cái xe đạp mini Tàu, cho hai cháu chở nhau đi, tiện lắm. Vô tư đi…”.

Bà Hillary chỉ cô con gái rượu Chelsea đi sang Việt Nam cùng bố mẹ, cũng hồ hởi chả kém chị Lương, khoe rằng cháu nó đang là sinh viên đại học. Chị Lương nhà ta hôm nay đón “phu nhân Tổng thống, “oách” quá nên bỗng hoạt bát: “Tôi chúc cháu Chelsea nhà ông bà học giỏi, tốt nghiệp đại học ra làm việc có ích cho nước Mỹ…”.

Rồi không để cho bà Hillary kịp chen lời, chị Lương nói tiếp: “Mà bà nhớ nhé, tôi cũng sẽ nuôi dạy cho cả hai đứa nhà tôi vào đại học như chị Chelsea, bắt chúng nó học thật giỏi, được đi du học bên trường chị Chelsea càng tốt, rồi phải về lo làm như “Quỹ Tình thương”, lo cho cả nhà, cả thôn, cả làng đều no đủ…”.

Hai người mẹ cùng cười sảng khoái. Họ cùng sung sướng nghĩ về tương lai của con cháu, về ngày mai hạnh phúc và hòa bình. Quá khứ đau thương và buồn bã của cuộc chiến diễn ra khi những đứa con họ chưa chào đời, lúc này dường như đã lắng xuống, dường như đã tan biến trong đáy lòng, trong sâu thẳm trái tim hai người mẹ Việt - Mỹ, trong cuộc trò chuyện trưa nay gần chân Núi Đôi. Những trái tim đàn bà hầu như không bao giờ có biên giới?

Ở đâu ra chiếc nón Việt Nam trên đầu đệ nhất phu nhân  Hoa Kỳ?

Sau khi thăm nhà chị Thu, chị Lương, bà Hillary cùng cả đoàn ra đình làng Bắc Phú. Tại đó, bà có cuộc gặp thân thiện với hơn 100 hội viên  Hội Phụ nữ xã Bắc Phú. Phát biểu tại đình làng, bà Hillary tâm sự: “Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, đến nhiều vùng quê, nhưng không có một nơi nghèo khó nào đem đến cho tôi một ấn tượng đặc biệt như ở nơi đây. Với một số vốn trợ giúp ít ỏi của  Oxfam US có nhà dăm bảy trăm ngàn, có nhà vài ba triệu đồng Việt Nam, vậy mà các bạn đã làm được rất nhiều điều”.

Rồi bà Hillary cũng khoe rằng, trước hôm tháp tùng chồng sang thăm Việt Nam, bà có gặp đại diện một hãng lớn ở Florida, và họ đã chính thức báo với bà, sẽ hỗ trợ cho “Quỹ Tình thương” tại Việt Nam một khoản tín dụng 25.000USD cho 625 phụ nữ Bắc Phú có vốn vay để sản xuất, mở mang nghề phụ, nâng cao đời sống gia đình và làng xóm…

Những người mẹ, người chị, người em ở Bắc Phú, Sóc Sơn hôm ấy trông đẹp hẳn lên trong bộ bà ba  đồng phục màu cánh sen của “Quỹ Tình thương”. Giữa đình làng, bên phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ, họ say sưa kể cho bà nghe về những công việc xóa đói, giảm nghèo. Họ say sưa hát. Hát cho phu nhân Tổng thống nghe những làn điệu chèo, những bài ca về quê hương dân tộc Việt Nam, gian khổ mà anh dũng, bất khuất kiên cường mà vị tha nhân ái.

Và bà Hillary đã tạm biệt một làng quê nghèo Việt Nam trong tiếng vọng thiết tha của những bài ca như thế, tròn 8 năm về trước. Và cũng tròn 8 năm, kể từ khi bà Hillary rời Việt Nam, bà cũng chắc chắn chưa bao giờ biết được một chi tiết đầy thú vị trong chuyến đi ấy của bà. Bây giờ bà không còn là Đệ nhất phu nhân nước Mỹ. Bây giờ, bà là tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Chi tiết nhỏ sau đây tôi bỗng nghĩ gần gũi với công việc lớn lao mà bà bắt đầu đảm trách từ hôm nay vì nước Mỹ, và có phần, vì cả thế giới.

Như đã kể ở trên, cái trưa ngày 17/11/2000, cái trưa bà Hillary về Sóc Sơn, cái trưa ấy sao mà nắng gay nắng gắt. Lúc ở thôn Yên Tàng, lúc đứng xem khay đậu phụ vừa ra lò ở sân nhà chị Thu, đúng là trên nắng dưới lửa, chao ôi là nóng. Bà Hillary dù đã cố gắng lắm vẫn cứ chốc chốc lại phải xòe bàn tay đẹp như tranh vẽ đưa lên đầu che nắng.

Đúng lúc đó, đúng cái lúc bà đang rất khổ sở vì nắng nóng ấy, trong hoan hỉ tiếp đón và rôm rả chuyện trò; trong gắt gao bảo vệ và tíu tít tác nghiệp an ninh; trong mải mê ghi chép, quay chụp của cánh phóng viên, có một người đàn ông Việt Nam đi theo đoàn từ sáng sớm, mặc chiếc áo bludông màu xanh ôlivơ, đội chiếc mũ vải cũng màu ấy, đeo kính đen sành điệu, đứng kín đáo giữa đám đông, khẽ rỉ tai tôi: “Này, cậu có thấy bà phu nhân Tổng thống đang rất tội vì nắng không?”. “Vâng, đúng thế ạ, hôm nay nắng nóng quá…”.

Giọng càng nhỏ hơn, kín đáo hơn, nhưng đã là rất quả quyết, rất khẳng định, người đàn ông nói với tôi, nửa như ra lệnh, nửa như vật nài: “Cậu ra cuối sân, chỗ cạnh nhà bếp kia, mượn mấy cô gái 2 cái nón. Chọn cái tươm tươm một tí, đưa ngay lại đây cho tôi!”. Tôi mang 2 cái nón đã được “tuyển chọn” theo ý ông quay lại chỉ sau độ 1 phút. Ông ngoắc tay gọi một nhân viên của mình lại, trao 2 cái nón, bảo: “Đưa ra cho mẹ con bà Hillary đội ngay kẻo chết nắng!”.

Nhận từ tay người thanh niên chiếc nón lá Việt Nam, bà Hillary chỉ thoáng  một giây bất ngờ, rồi không kịp để cho 2 cô cảnh vệ tiếp cận kịp lao đến kiểm tra chiếc nón, phu nhân Tổng thống đã mỉm cười đầy xúc động và đội ngay chiếc nón lên đầu, như những người mẹ, người chị, như mọi cô gái Việt Nam đang xúm xít quanh bà.

Chiếc nón lá Việt Nam trắng muốt, lấp lánh dưới nắng chói, bỗng thấy quá hợp với mái tóc vàng hoe, với long lanh ánh mắt hạnh phúc của bà phu nhân Tổng thống, với màu hoàng yến của bộ veston bà đang mặc trên người.

8 năm đã trôi qua, bà Hillary, bà Đệ nhất phu nhân nước Mỹ hôm ấy, bà Thượng nghị sĩ bang New York sau này, nữ ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ 2008, và từ hôm nay là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà vẫn chẳng thể nào biết được, người đàn ông đã nghĩ ra việc phải trao ngay cho bà chiếc nón lá Việt Nam khi bà đầu trần đứng dưới nắng gắt Sóc Sơn hôm ấy là ai?

Thưa bà, và thưa bạn đọc thân mến, người đàn ông ấy chính là một vị Thiếu tướng An ninh, là một trong những người chỉ huy đảm bảo công tác an ninh tuyệt đối cho chuyến thăm Việt Nam lần ấy của Tổng thống Bill Clinton và phu nhân. Người đàn ông ấy khi đó cũng là một “nghị sĩ”. Ông là đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, khóa XI, là Giám đốc Công an Hà Nội.

Ông là Phạm Chuyên

Vũ Hùng
.
.