Chiến cơ Nga hạ cánh đường băng Caracas...

Thứ Năm, 17/01/2019, 16:38
Ngày 10-1, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bắt đầu nhiệm kỳ 2 đầy khó khăn với những hoạt động chống phá mạnh mẽ cả từ trong nước lẫn ngoài nước. Ngoài lên tiếng tố cáo những hành vi can thiệp từ phương Tây, Nga cũng đã có một số động thái về quân sự tại quốc gia đồng minh ở Nam Mỹ này.

Ngày 12-1, Bộ Ngoại giao Nga lên án những nỗ lực của Mỹ trong việc thành lập một chính phủ Venezuela thay thế chính quyền của Tổng thống Maduro là sự xâm phạm chủ quyền của đất nước này. 

“Đường lối chính trị trơ trẽn của Washington nhằm hướng tới việc thành lập những cơ cấu chính phủ vi hiến của Venezuela, những nỗ lực phớt lờ thực tế nhằm công nhận một số cơ cấu chính quyền là hợp pháp, đồng thời không công nhận một số cơ cấu khác, kéo dài áp lực trừng phạt, làm suy yếu tình hình kinh tế chính trị và tạo ra muôn vàn khó khăn cho những người dân bình thường ở Venezuela về bản chất là sự xâm phạm một cách trắng trợn chủ quyền của đất nước”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.

Hôm 8-1, Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt mới đối với chính quyền Venezuela vì cáo buộc tham nhũng, nhắm vào 7 cá nhân và 20 thực thể, trong đó có cả công ty truyền hình tư nhân Globovision Tele, Reuters dẫn thông báo trên trang mạng của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết. Bộ Tư pháp Mỹ thông tin, công dân Hoa Kỳ phải ngưng các giao dịch với Đài truyền hình Globovision Tele của Venezuela có văn phòng tại Coral Gables, bang Florida và thủ đô Caracas.

Ông Nicolas Maduro tuyên thệ nhậm chức tổng thống Venezuela nhiệm kỳ 2, ngày 10-1.

Tuần trước, các quốc gia Mỹ Latinh trong nhóm Lima đã ký tuyên bố chung gọi nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Venezuela là bất hợp pháp. Nhóm Lima gồm Canada và 12 thành viên Mỹ Latinh (trừ Mexico) đã phát đi tuyên bố chung nói rằng nhiệm kỳ mới của ông Maduro là bất hợp pháp vì cuộc bầu cử 2018 không tự do và công bằng. 

Các nước này khẳng định sẽ không công nhận vai trò lãnh đạo của Tổng thống Maduro. Các nước trong nhóm Lima còn đe dọa đưa ra trừng phạt như cắt đứt quan hệ ngoại giao, hay thay thế đại sứ bằng đại biện hoặc không cho viên chức cao cấp chính quyền Venezuela đến các nước này. Thậm chí Peru đã thông báo cấm Tổng thống Venezuela và nhiều thành viên chính phủ vào lãnh thổ nước này. Trước đó, quốc gia Nam Mỹ này kêu gọi các nước láng giềng châu Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Caracas.

Trong khi đó, bên trong Venezuela, nhiều quan chức thuộc phe đối lập cũng lên tiếng. 4 ngày trước khi Tổng thống Maduro tuyên thệ nhậm chức, Quốc hội Venezuela - trong tay phe đối lập - tuyên bố “bất hợp pháp” nhiệm kỳ thứ hai của ông Maduro. Lời tuyên bố này được đưa ra vào lúc Quốc hội Venezuela bầu chủ tịch mới.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố do Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino phát đi ngày 8-1, quân đội Venezuela tuyên bố “ủng hộ không giới hạn và trung thành tuyệt đối” với ông Maduro trong vai trò của một tổng thống cũng như “Tổng tư lệnh trong giai đoạn 2019-2025”. Các dân biểu đối lập ở Venezuela không che giấu là họ trông chờ vào áp lực quốc tế để mở ra một giai đoạn chuyển tiếp. Thế nhưng, những tuyên bố nói trên và lá phiếu của các dân biểu đối lập chỉ mang tính tượng trưng, bởi vì từ năm 2017, một quốc hội lập hiến hoàn toàn thân Tổng thống Maduro đã được hình thành. Còn quốc hội trong tay phe đối lập đã mất hết quyền hạn. Ngày 13-1, ông Juan Guaido đã bị Cơ quan an ninh quốc nội (SEBIN) Venezuela bắt giữ khoảng một tiếng đồng hồ, sau đó đã được thả.

Phản ứng trước làn sóng chống phá mới này, ông Maduro nói rằng cuộc bầu cử tại Venezuela năm ngoái là công bằng và phe đối lập không tham gia tranh cử vì họ biết họ sẽ thua. Tổng thống Venezuela đổ lỗi cho các chính phủ nước ngoài, trong đó có các quốc gia Mỹ Latinh đang tìm cách lật đổ ông. Chính quyền Caracas cho rằng tất cả những luận điệu nêu trên, cả của những người đối lập lẫn nhóm Lima hay giới truyền thông đưa ra, là nhằm tạo ra một cuộc đảo chính. Theo Caracas, những “sáng kiến” trên được Mỹ khuyến khích.

Ngày 9-1, Nga cảnh báo “những kẻ giấu mặt” ở Hoa Kỳ về kịch bản quân sự ở Venezuela. “Chúng tôi cảnh báo những cái đầu nóng ở Washington về loại “cám dỗ” này”, Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Ryabkov nói.

Không biết có phải là một sự “đề phòng” hành động quân sự nhắm vào Venezuela hay không, giữa tháng 12-2018, Nga đã cho 2 oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 hạ cánh xuống sân bay quốc tế Maiquetia ở Caracas, thủ đô Venezuela. Theo hãng tin Pháp AFP, 2 oanh tạc cơ có khả năng mang bom hạt nhân đã được Nga phái đến Venezuela để tham gia cuộc tập trận chung với lực lượng Venezuela. Tháp tùng theo 2 oanh tạc cơ này còn có 1 vận tải cơ hạng nặng An-124, 1 máy bay chở khách Il-62 của không quân Nga cùng khoảng 100 quân nhân. Các máy bay trên đã đi được hơn 10.000 km. Tuyến đường bay nằm trên vùng biển Đại Tây Dương, Barents, Na Uy và vùng biển Caribe. Buổi tiếp phi hành đoàn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Venezuela, Tướng Vladimir Padrino Lopez và đại diện Đại sứ quán Nga.

Trên mạng Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lập tức đả kích việc Moscow điều không quân đến Venezuela. Theo ông, đó là một sự lãng phí tài sản quốc gia. Lời lên án của Mỹ đã bị phía Nga bác bỏ. Phát ngôn viên Điện Kremlin đã cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo hoàn toàn sai trái và thiếu tính ngoại giao.

Về phần mình, chính quyền Venezuela đã ca ngợi hành động của Nga, mà theo Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez, đã cho thấy là Venezuela có “những người bạn ở khắp nơi trên thế giới, sẵn sàng bảo vệ những mối quan hệ cân bằng và có chất lượng giữa các quốc gia”.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.