Chiến dịch chống IS đang bế tắc

Thứ Ba, 21/10/2014, 20:45

Ngày 15/10, chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) rốt cuộc cũng được đặt tên là Chiến dịch Inherent Resolve, hàm ý quyết tâm cao độ của liên minh toàn cầu chống IS đạt đến mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt tổ chức “ung nhọt” này. Tuy vậy, tình hình hiện nay cho thấy liên minh chống IS vẫn đang trong tình trạng chưa thật sự gắn kết và các cuộc ném bom vẫn chưa cho thấy hiệu quả như mong muốn.

Có tên gọi là một chuyện, hiệu quả chiến dịch mang lại là chuyện khác. Đó là tình trạng của chiến dịch Inherent Resolve hiện nay. Dư luận báo chí đang nói nhiều đến khả năng thất bại của chiến dịch ném bom IS ở Iraq và Syria. Từ khi mở màn những cuộc không kích IS trong lãnh thổ Iraq vào đầu tháng 8/2014, hầu như chưa bao giờ máy bay Mỹ khiến cho IS phải lùi bước hay co cụm lại hoặc thu hẹp địa bàn chiếm đóng, có chăng là việc rút khỏi một số vị trí bị Mỹ ném bom dày đặc, như đập nước gần Mosul, khu người Kurd ở Bắc Iraq, nhưng lại mở rộng chiếm đóng các địa bàn khác.

Hiện tại, IS đang áp sát thủ đô Baghdad của Iraq, chỉ còn cách sân bay Baghdad hơn chục kilômét. Những đoàn quân IS thiện chiến không cần dùng đến chiến xa hiện đại vẫn có thể lù lù tiến tới bất chấp bom đạn Mỹ và đồng minh “vãi chài” khắp nơi. Có vẻ như, những quả bom ấy không thể tìm trúng mục tiêu cần diệt nên mặc dù Mỹ liên tục thông báo “đã tiêu diệt hàng trăm tay súng” vẫn không thể chặn được bước tiến của IS.

Ở Syria, cuộc chiến giành giật thị trấn trọng yếu Kobani vẫn diễn ra quyết liệt. Liên tiếp hai ngày 14 và 15/10, máy bay Mỹ và đồng minh tăng cường ném bom vào thị trấn này và cũng tuyên bố “đã tiêu diệt hàng trăm tay súng IS”, “đã đánh bật IS ra khỏi Kobani”. Đó là những tuyên bố mang tính tuyên truyền hay chỉ là màn “lên dây cót tinh thần” cho một liên minh thiếu vững chắc? Thực tế, IS chỉ tạm rút khỏi các vị trí bị ném bom, thực tế lực lượng này vẫn tiến vào Kobani.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với các Tổng Tư lệnh Quân đội các nước liên minh chống IS.

Ngày 13/10, IS đã chứng minh sức mạnh của mình bằng việc đánh chiếm một căn cứ huấn luyện của quân đội Iraq tại thị trấn Hit, tỉnh Anbar, phía tây Baghdad và giáp biên giới Syria. Hành động này giúp IS tiến gần đến việc kiểm soát hoàn toàn tỉnh Anbar, đồng thời chuẩn bị tấn công vào Baghdad để hoàn tất việc kiểm soát Iraq. Ngày 16/10, IS tiếp tục tung ra video cảnh báo các cường quốc Mỹ, Nga, Đức, Anh, Pháp trong chiến dịch không kích và đe dọa lãnh đạo các nước, tuyên bố chiến dịch không kích sẽ thất bại.

Lời khẳng định sức mạnh của IS là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự kém hiệu quả của chiến dịch không kích. Và điều này được lý giải chủ yếu nằm trong chính liên minh do Mỹ dẫn đầu. Từ khi mở màn không kích cách đây 2 tháng, đến nay liên minh chống IS đã mở rộng đáng kể, từ 10 quốc gia ban đầu đã tăng lên 22 quốc gia, trong đó bao gồm cả những quốc gia Arập trong khu vực. Tuy nhiên, sự mở rộng về số lượng này đã không đảm bảo gia tăng hiệu quả các cuộc không kích. Trong liên minh vẫn còn tồn tại những bất đồng giữa các quốc gia, nhất là về chiến lược, kế hoạch tấn công IS ở Syria, về vấn đề lấn cấn giữa tấn công IS và “không hỗ trợ Assad”.

Một số quốc gia ngay từ đầu đã chần chừ tham gia ném bom, rồi sau khi tham gia ném bom thì không muốn ném bom ở Syria vì ngại vi phạm luật pháp quốc tế về việc xâm phạm lãnh thổ quốc gia khác. Thổ Nhĩ Kỳ một mực không tham gia ném bom hỗ trợ người Kurd ở Syria và Iraq vì lý do chính người Kurd đang đòi ly khai, thành lập nhà nước riêng, đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến cho Mỹ tức giận vì khăng khăng từ chối cho phép liên minh chống IS sử dụng các căn cứ không quân gần biên giới Syria làm bàn đạp xuất kích.

Các chuyên gia cho rằng, bất đồng tồn tại giữa các quốc gia trong liên minh chống IS là do mỗi quốc gia có mục tiêu khác nhau trong chiến dịch chống IS. Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Pháp đưa ra đề nghị thiết lập một vùng đệm an ninh nhằm bảo vệ người tị nạn ở miền Bắc Syria, nhưng thực tế là để bảo đảm an ninh cho chính Thổ Nhĩ Kỳ khi tham gia không kích chống IS. Đề nghị này đã bị Mỹ, Đức và một số nước phản đối. Sau những kết quả không khả quan của chiến dịch không kích IS, đã bắt đầu xuất hiện những ý kiến yêu cầu xem xét đưa bộ binh tham chiến trên mặt đất nhằm hỗ trợ các lực lượng người Kurd ở Iraq và phiến quân FSA ở Syria chống IS.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond là một trong những người đã đặt vấn đề này. Trong chuyến thăm thành phố Arbil, miền Bắc Iraq, ngày 13/10, ông Hammond cảnh báo, ném bom thôi chưa đủ để chặn bước tiến của IS mà lực lượng trên mặt đất cần phải chiến đấu tích cực hơn nữa. Nhưng hiện tại lực lượng mặt đất của Iraq vừa mỏng lại vừa yếu về năng lực chiến đấu nên không thể kháng cự được IS. Còn lực lượng FSA ở Syria thì lại đang nội chiến với quân đội Chính phủ Syria nên cũng khó lòng chống cự IS ở Syria.

Ông Hammond phân tích thêm, muốn dùng bộ binh chống IS đạt hiệu quả thì dứt khoát liên minh quốc tế phải cử bộ binh đến Iraq. Điều này có nghĩa là, cuộc chiến Iraq sẽ tái hiện hoàn toàn như năm 2003. Mỹ sẽ khó đồng ý với ý tưởng này, vì Iraq đã trở thành nỗi ám ảnh chiến tranh trong lòng nước Mỹ, và Tổng thống Obama đã tuyên bố sau khi rút quân khỏi Iraq năm 2011 rằng Washington sẽ không đưa quân đội quay trở lại Iraq lần nữa.

Phát biểu tại cuộc làm việc 90 phút với các tổng tư lệnh quân đội 21 quốc gia trong liên minh chống IS tại Căn cứ Không quân Andrews hôm 14/10, Tổng thống Mỹ Obama nhấn mạnh rằng, chiến dịch chống IS là một chiến dịch lâu dài, đòi hỏi một chiến lược bền vững, không thể đánh và thắng nhanh được. Liệu các quốc gia trong liên minh chống IS có tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tốn kém đó hay không sẽ là vấn đề cần có câu trả lời trong thời gian tới

Văn Trương (tổng hợp)
.
.