Chiến sự giữ Israel và Hezbollah: Thường dân chịu trận

Thứ Năm, 20/07/2006, 09:45

Theo ước tính sơ bộ, sau 8 ngày gây chiến, Israel đã làm thiệt mạng hơn 260 dân thường Lebanon và làm 500.000 người khác lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Sáng 19/7, bên cạnh những đợt không kích nhằm vào khu vực ngoại ô thủ đô Beirut, bộ binh Israel cũng đã tràn vào biên giới phía Nam Lebanon, tiến hành những đợt giao tranh nảy lửa với phiến quân Hezbollah. Mục đích của đợt tấn công này là nhằm tìm kiếm những đường hầm bí mật và kho vũ khí của Hezbollah. Giới chức Tel Aviv cho biết, họ sẽ tiếp tục đưa thêm bộ binh vào Lebanon để gây sức ép buộc Hezbollah phải thả hai binh sĩ đã bị bắt hồi tuần trước.

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế, các hành động bạo lực vẫn tiếp diễn với cường độ và tốc độ nhanh hơn. Trong khi Israel cho rằng, họ không cần phải đàm phán với Hezbollah thì phong trào này cũng "ngoan cố", tìm mọi cách bổ sung lực lượng, trang bị thêm vũ khí nhằm phục vụ một cuộc chiến lâu dài với Tel Aviv. Đáp trả lại những đợt không kích, Hezbollah đã bắn 750 quả tên lửa vào phía Bắc Israel, đặc biệt là thành phố Haifa khiến 20 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Do quá lo sợ, chán chường trước cảnh bom đạn liên tiếp, hàng ngàn người Lebanon đã tháo chạy sang SyriaIran lánh nạn. Chính phủ nhiều quốc gia khác trên thế giới phải huy động cả tàu chiến, máy bay tới sơ tán công dân nước mình khỏi Beirut. Có thể nói, đây là cuộc sơ tán lớn nhất kể từ thế chiến thứ II đến nay.

Trước tình hình như vậy, Thủ tướng Lebanon Fouad Siniora đã kêu gọi hai bên kiềm chế và yêu cầu sự can thiệp của LHQ. Tổ chức Ân xá quốc tế cũng đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ phải có biện pháp bảo vệ dân thường khỏi những đợt không kích của Israel. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế khác chỉ trích các thành viên G8 không thể hiện rõ quan điểm, lập trường của mình trong vấn đề Trung Đông.

Liên đoàn các quốc gia Arab lại tiếp tục đệ trình lên LHQ những dự thảo và phương cách giải quyết cho vấn đề Israel - LebanonIsrael - Palestine.

Về phía Nga, ngoài việc gửi tàu chiến để sơ tán công dân nước mình khỏi Leabanon, Chính quyền Moskva đã cử công sứ đặc biệt chuyên đàm phán về các vấn đề Trung Đông Sergei Yakovlev tới Israel, Palestine, Lebanon. Theo lịch trình, ông này sẽ có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và đàm phán với một số quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao và Văn phòng Thủ tướng Israel. Tiếp đó, Sergei Yakovlev sẽ gặp gỡ với đại diện của Tổng thư ký LHQ tại Jerusalem.

Còn Mỹ, với quan điểm cho rằng Hezbollah là "gốc rễ" của mọi vấn đề, Ngoại trưởng Condoleeza Rice sẽ có mặt tại Trung Đông ngày 21/7 để hội đàm cùng người phụ trách đối ngoại EU Javier Solana, Ngoại trưởng Israel Tzipi Livni, một số quan chức Palestine và các nhà hòa giải Ai Cập.

Nhanh chóng sơ tán lao động Việt NamLebanon tới nơi an toàn

Ngày 18/7, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam xung quanh vấn đề bạo lực ngày càng gia tăng ở Trung Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Lê Dũng nói: "Việt Nam hết sức lo ngại trước tình hình bạo lực ngày càng gia tăng ở Trung Đông, gây nhiều thiệt hại cho dân thường. Việt Nam kêu gọi Israel chấm dứt các hành động bạo lực leo thang quân sự, các bên liên quan kiềm chế, có các hành động thiết thực cứu vãn tiến trình hòa bình ở Trung Đông, tạo thuận lợi cho việc ổn định tình hình, giải quyết bất đồng thông qua đàm phán".

Về cộng đồng người Việt Nam đang sống và làm việc tại Lebanon, ông Lê Dũng cho biết, hiện có khoảng 300 người Việt Nam đang ở Lebanon. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Sứ quán Việt Nam tại Cairo (Ai Cập) cập nhật diễn biến tình hình chiến sự, báo cáo kịp thời về nước. Các Bộ, ngành hữu quan cũng đang tập trung bàn biện pháp khẩn trương trợ giúp bà con sơ tán tới nơi an toàn khi tình hình đòi hỏi.

Bộ Lao động Thương binh và xã hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các ngành hữu quan tập trung rà soát, thống kê cụ thể về số lượng, địa chỉ làm việc của lao động Việt Nam tại Lebanon, chủ động tìm cách giúp bà con tản cư khỏi vùng có chiến sự.

 

Huyền Chi
.
.