Chiến sự ở Gaza: 3 ngày ngừng bắn

Thứ Hai, 04/08/2014, 15:35

Ngày 31/7, Israel và Hamas đã bất ngờ đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong 3 ngày bắt đầu từ sáng thứ sáu 1/8/2014 để tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo. Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang hy vọng thỏa thuận ngừng bắn này có thể tạo tiền đề cho một thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa 2 bên tham chiến. Tuy nhiên, một thỏa thuận như thế còn tùy thuộc vào quyết tâm chấm dứt bạo lực của cả Israel và Hamas.

3 ngày ngừng bắn sẽ là khoảng thời gian "yên bình" đáng kể nhất từ khi Israel mở chiến dịch Protective Edge tấn công vào Dải Gaza. 24 ngày chiến dịch đó đã gây ra biết bao đau thương, mất mát cho người dân Palestine, tàn phá nặng nề cơ sở vật chất hạ tầng ở Dải Gaza.

Mức độ tàn khốc của chiến dịch đã gia tăng theo cấp số nhân, cứ sau mỗi vụ tấn công gây phẫn nộ là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố "quyết tâm" gia tăng hơn nữa cường độ tấn công. Thảm kịch của người dân Palestine vô tội đang làm tổn thương nhân loại có lương tri trên toàn thế giới.

Truyền thông quốc tế ngày 31/7 đã đồng loạt đưa tin về những tổn thất quá nặng nề trong những ngày cuối tháng 7/2014 do tên lửa và pháo cối của Israel gây ra ở Dải Gaza.

Tờ Time của Mỹ đặt tít lớn "Chỉ có đổ nát là tồn tại", còn BBC News của Anh và Kênh Truyền hình CNN của Mỹ thì gọi, thứ tư ngày 30/7 là "ngày đẫm máu nhất" trong 24 ngày Israel triển khai chiến dịch Protective Edge tấn công vào Dải Gaza, với hơn 100 người chết, trong đó Chỉ riêng khu Jabaliya ở Gaza City đã có 43 người chết.

Một trong những vụ tấn công đẫm máu và tàn nhẫn nhất của Israel là loạt pháo bắn trúng vào một trường học dùng làm nơi trú ẩn của hàng nghìn người Palestine mất nhà cửa nằm trong khu Jabaliya vào lúc 5 giờ 30 sáng 30/7, tức là lúc nhiều người còn đang chìm trong giấc ngủ, làm chết 19 người, trong đó có nhiều trẻ em.

Lính Israel nghỉ ngơi tại chỗ sau thỏa thuận ngừng bắn.

Người phát ngôn của Cơ quan Cứu hộ và cứu trợ nhân đạo LHQ (UNRWA) Christopher Gunness đã sụp xuống khóc nức nở khi thông báo trên Kênh truyền hình Al-Jazeera về thảm kịch này. Đây là lần thứ 2 một trường học được UNRWA dùng làm nơi trú ẩn cho thường dân vô tội bị Israel cố tình tấn công. Chưa dừng lại đó, Israel tiếp tục nã pháo vào hàng loạt trường học dùng làm nơi tú ẩn nhân đạo do UNRWA quản lý. Hàng chục người đã chết tại các trường học đó, trong đó có nhiều người là nhân viên LHQ đang làm công tác nhân đạo.

Hầu như tất cả các cơ quan thông tấn, các tổ chức nhân đạo và cộng đồng quốc tế, ngoại trừ Quốc hội Mỹ và một số đồng minh thân Israel, đều lên án gay gắt hành động tấn công vào nơi tập trung người tị nạn vô tội.

Thế nhưng, ngay sau vụ tấn công sáng sớm 30/7, người phát ngôn Chính phủ Israel Mark Regev phát biểu một cách lạnh lùng rằng: "Nếu chúng tôi phát hiện đạn pháo của chúng tôi đánh trúng ngôi trường đó thì chúng tôi sẽ xin lỗi"(?). Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu: "Tất cả bằng chứng đều cho thấy rõ ràng là do pháo của Israel gây ra".

Chiến dịch tấn công Dải Gaza của Israel tính đến nay đã trải qua 24 ngày, gây ra nhiều thương vong và tổn thất về cơ sở vật chất, hạ tầng ở Dải Gaza. Kênh truyền hình CNN của Mỹ hôm 31/7 đưa ra con số thống kê như sau: Hơn 1.300 người chết (Wall Street Journal dẫn nguồn cơ quan y tế Palestine cho là 1.428 người), 240.000 người mất nhà cửa, hơn 4.000 ngôi nhà, 130 trường học, 20 cơ sở y tế bị phá hủy, chưa kể cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông, trong đó nhà máy điện chính của Gaza đã trúng tên lửa Israel hôm 30/7 làm mất điện trên diện rộng tại hầu hết các thành phố lớn ở Gaza.

Những trẻ em Palestine - nạn nhân của vụ tấn công sáng sớm 30/7 vừa qua.

Cộng đồng quốc tế một lần nữa bàng hoàng, đau buồn trước thảm kịch do Israel gây ra ở Dải Gaza. Người phát ngôn LHQ xem các vụ tấn công nhắm vào dân thường vô tội là "nỗi nhục của thế giới" và kêu gọi chấm dứt vô điều kiện hành động lạm sát dân thường Palestine. Nhiều nước trên thế giới cũng đã lên án hành động giết người vô tội của Israel. Chile, Brazil, Peru và Ecuador đã triệu tập đại sứ về nước để phản đối Israel,…

Ngoài ra, hành động quân sự của Israel tại Dải Gaza còn châm ngòi cho một loạt hành động bạo lực chống Do Thái tại một số nước châu Âu, đặc biệt là tại Pháp. Khu ngoại ô Sercelles của thành phố Paris được xem là "tiểu Jerusalem" trong mấy ngày qua đã trở thành mục tiêu tấn công của những người ủng hộ Palestine, với nhiều cửa hiệu, nhà thờ và quầy hàng tạp hóa bị đốt phá.

Ngay cả bên trong lãnh thổ Israel, chiến sự ở Gaza cũng là nguyên nhân cho những xung đột căng thẳng sắc tộc giữa cộng đồng người Israel gốc Arập với người Do Thái, kể cả lực lượng chức năng, chính quyền. Đây là mầm mống bất ổn trong nội bộ xã hội Israel nếu Tel Aviv tiếp tục kéo dài chiến dịch ở Dải Gaza.

Cho đến ngày 31/7, Israel vẫn phớt lờ những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế chấm dứt bạo lực đẫm máu tại Gaza. Lập luận duy nhất của Israel từ nhiều ngày qua khi tung chiến dịch tấn công vào Dải Gaza là "phá hủy hệ thống địa đạo" của Hamas, đồng thời tấn công làm suy yếu lực lượng này, buộc Hamas phải "chịu thua".

Tuy nhiên, tên lửa và pháo cối của Israel có buộc Hamas "chịu thua" được hay không thì chưa ai dám chắc, nhưng một điều chắc chắn là người Palestine vô tội bị bắn giết không thương tiếc, và mỗi khi gây ra loạt vụ bắn giết như thế, Israel đều ngụy biện rằng do "tên lửa Hamas từ hướng đó bắn vào người của chúng tôi".

Vậy, 3 ngày ngừng bắn có ý nghĩa gì đối với cả Israel và Hamas?

Chỉ sau khi bị thế giới lên án quá gay gắt sau vụ bắn pháo vào ngôi trường sáng sớm 30/7 làm chết 19 người, Israel đã bất ngờ cùng với Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn. Tuy vậy, dư luận vẫn băn khoăn liệu thỏa thuận ngừng bắn này có kéo dài được hay không. Từ khi Israel triển khai chiến dịch Protective vào ngày 8/7, đã có vài lần hai bên "ngừng bắn", nhưng hầu như ngay sau đó thì tiếng súng, tiếng pháo và tên lửa lại nổ vang.

Trên thực tế hiện tại, dù đã thỏa thuận ngừng bắn nhưng Israel vẫn duy trì lực lượng tại Dải Gaza chứ không rút đi. BBC News cho biết, cũng trong ngày 31/7/2014, Israel lại tiếp tục động viên thêm 16.000 quân dự bị để đẩy mạnh cuộc tấn công tàn khốc vào Gaza. Hành động này của Israel sẽ khó bảo đảm ngừng bắn lâu dài chứ chưa nói đến việc thỏa thuận hòa bình, vì yêu cầu của Hamas là Israel phải rút quân khỏi Gaza và rút người khỏi các khu vực chiếm đóng thuộc lãnh thổ của người Palestine.

Một cách để có được hòa bình lâu dài không riêng gì ở Dải Gaza mà cả Trung Đông nói chung, là cộng đồng thế giới, nhất là Mỹ, phải có biện pháp chế tài nhất định đối với những hành động lạm sát người Palestine của Israel. Chừng nào "tội ác chưa bị trừng phạt", Israel sẽ còn hành động theo ý mình, chà đạp lên quyền được sống của người Palestine, bất chấp luật pháp quốc tế. Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy rất khó có được điều đó. Quốc hội Mỹ ngày 31/7 đã biểu quyết 100% ủng hộ hành động giết người của Israel, đồng thời chỉ trích Tổng thống Barack Obama thiếu hành động kiên quyết để ủng hộ Israel chống Hamas.

Nhiều nghị sĩ Mỹ còn "lên án" Hamas phải chịu trách nhiệm vì lấy dân Gaza làm "lá chắn sống"!? Tờ Asia Times Online ngày 30/7/2014 đã đăng một bài bình luận nhan đề "Tội ác (Israel) và Trừng phạt (Nga)" - một kiểu chơi chữ đầy ngụ ý. Trong nội dung, tác giả bài báo đã châm biếm lãnh đạo 5 quốc gia gồm Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã họp trực tuyến qua video và cùng đồng thuận "gia tăng áp lực" yêu cầu ngừng bắn ở Gaza. Thủ tướng Israel Netanyahu đáp lại ngay tức khắc bằng lời bác bỏ thẳng thừng, tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch tàn khốc của mình, cho dù có hay không có áp lực trên

Văn Trương (tổng hợp)
.
.