Chiến tranh Libya: Nói vậy mà không phải vậy

Thứ Ba, 24/05/2011, 06:25

Vậy là đến nay cuộc chiến tại Libya đã tròn 2 tháng kể từ ngày Mỹ và phương Tây mở màn chiến dịch không kích ồ ạt nhằm phá hủy toàn bộ sức mạnh quân sự của nhà lãnh đạo Libya Gaddafi, để dọn đường cho lực lượng nổi dậy chống chính phủ nắm quyền kiểm soát đất nước. Nhưng thực tế chiến trường đã không theo ý muốn của Mỹ và phương Tây.

Nhận thấy mục tiêu đánh sập toàn bộ đội quân của nhà lãnh đạo Gaddafi bất thành, NATO đã chuyển dịch mục tiêu sang tiêu diệt nhà lãnh đạo Gaddafi và viện trợ quân sự cho phe nổi dậy hay tấn công trên bộ. Và việc Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) mới đây phát lệnh truy nã đối với các thành viên trong gia đình ông Gaddafi có thể được hiểu là một động thái mới nhất nhằm dọn đường dư luận cho việc truy sát ông Gaddafi.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi phát biểu với báo chí ngày 8/5 đã nói, không loại trừ khả năng trong chiến dịch quân sự tại Libya, ông Gaddafi sẽ bị tiêu diệt. Về phần mình, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng phát biểu rằng, ông tin tưởng thời gian sắp hết đối với nhà lãnh đạo Libya Gaddafi bất chấp tình trạng bế tắc kéo dài trong cuộc giao tranh giữa lực lượng của ông Gaddafi và phe chống đối. Tuy nhiên, ông Rasmussen cũng thừa nhận cuộc chiến tàn khốc kéo dài hơn 2 tháng này (chưa biết bao giờ kết thúc) sẽ được giải quyết thông qua biện pháp chính trị, chứ không phải quân sự?!

Ý tưởng của bà Clinton và ông Rasmussen mới nghe có vẻ khác nhau về cách định đoạt số phận của nhà lãnh đạo Gaddafi, nhưng thực chất chỉ là một. Họ vẫn cố gắng tiêu diệt hay loại trừ ông Gaddafi bằng bất cứ giá nào - từ truy sát cho đến loại bỏ thông qua các giải pháp chính trị. Nhưng xem ra tựu trung vẫn chỉ là lời đe dọa đối với nhà lãnh đạo Gaddafi. Vì trên thực tế ông không chết sau hàng loạt các vụ tấn công của NATO và quân đội của ông cũng chưa đầu hàng, mà đang nỗ lực tấn công vào phe nổi dậy trên các mặt trận khác nhau.

Còn cái chết của người con trai út Gaddafi, như BBC bình luận: "Cái chết của ông Saif al-Arab Gaddafi, có vẻ là hậu quả của những chiến thuật ngày càng hung hăng của NATO nhằm phá thế bế tắc của cuộc xung đột. Nhưng vụ giết hại con trai ông Gaddafi trong đợt không kích là một sai lầm chiến thuật nghiêm trọng - về mặt quân sự, nó không có gì đáng kể, còn về mặt ngoại giao đây là một thảm họa. Ông Gaddafi có thể dùng cái chết của con trai để chia rẽ kẻ thù. Giá trị tuyên truyền của cái chết không chủ ý đó có thể rất tai hại".

Viện trợ quân sự hay tấn công trên bộ là phương án được Mỹ và NATO đặt ra khá lâu. Do sự ràng buộc của nghị quyết 1973, Mỹ và phương Tây muốn nới rộng khuôn khổ pháp lý này để rảnh tay hành động kiên quyết hơn nhằm loại trừ "vật cản chính trị Gaddafi".

Các nguồn tin LHQ tại phiên họp của Hội đồng Bảo an ngày 9/5 cho biết, bế tắc tại thực địa và bế tắc tại HĐBA về một nghị quyết mới cho phép phương Tây hành động mạnh hơn ở Libya đã đặt Mỹ và phương Tây trước những lựa chọn khó khăn là bí mật viện trợ cho quân chống chính phủ hay bỏ rơi họ. Cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy xuất hiện một giải pháp chính trị. Nhà lãnh đạo Gaddafi không dễ từ chức trong khi quân đối lập ngày càng tỏ ra đuối sức.

Nga và Trung Quốc đã nói rõ rằng, họ sẽ chống lại mọi nỗ lực cho phép viện trợ cho quân nổi dậy thông qua việc miễn cho lực lượng này các biện pháp cấm vận của LHQ.  Mỹ và phương Tây cũng gặp phải sự chống đối ở HĐBA bởi một số thành viên trước đây từng ủng hộ nghị quyết bảo vệ dân thường nay lại quay sang chống Mỹ và  phương Tây vì cho rằng quyền hạn mà nghị quyết trước đây về Libya cho phép đã bị Mỹ và  phương Tây lạm dụng nhằm thúc đẩy thay đổi chế độ và lật đổ chính phủ của ông Gaddafi.

Người dân Libya tiếp tục rời bỏ quê hương mình kể từ khi phương Tây mở chiến dịch quân sự 19/3.

Giới quan sát nhận định nếu phương Tây mạo hiểm viện trợ quân sự cho quân nổi dậy thì đây cũng là tiền lệ rất xấu để Nga và Trung Quốc phá vỡ lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran hoặc CHDCND Triều Tiên. Nếu phương Tây mạo hiểm hơn nữa là đưa bộ binh vào Libya thì hành động này có thể sẽ bị coi là “tự sát chính trị” ở trong nước đối với các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp.

Tuy nhiên, dường như Mỹ và phương Tây vẫn không từ bỏ dã tâm là bằng mọi cách trừ khử nhà lãnh đạo Libya. Hôm 16/5, chưởng lý Tòa án Hình sự Quốc tế, Moreno-Ocampo, thông báo đã đề nghị các thẩm phán của Tòa phát lệnh truy nã nhắm vào Đại tá Gaddafi, con trai của ông là Seif Al-Islam và lãnh đạo Cơ quan Tình báo Libya Abdallah Al Senoussi. Ông Moreno-Ocampo khẳng định: Cả ba nhân vật này bị cáo buộc phạm tội ác chống nhân loại và ông đã có những bằng chứng cho thấy "đích thân nhà lãnh đạo Gaddafi đã ra lệnh tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào thường dân Libya không vũ trang".

Nhưng hãy coi cách ông Moreno-Ocampo thu thập bằng chứng như thế nào. Từ ngày 3/3 vừa qua, văn phòng chưởng lý ICC đã cho thực hiện 30 cuộc điều tra, thu thập tài liệu và bằng chứng tại 11 quốc gia. Hơn 1.200 tài liệu đã được xem xét, trong đó có nhiều băng video, ảnh và hơn 50 cuộc phỏng vấn các nhân chứng hoặc những người liên quan. Tuy nhiên, các điều tra viên không tới gặp và thẩm vấn các nhân chứng tại Libya vì sợ “tên bay đạn lạc”!

Sau hơn 2 tháng, chả thấy người dân Libya nào được bảo vệ đúng như nghị quyết 1973 của LHQ mà chỉ thấy ngày càng có nhiều người dân vô tội Libya bị giết bởi bom đạn của cả hai phía. Từ giữa tháng 2 đến nay, kể từ khi xảy ra cuộc nổi dậy tại Libya, các vụ bạo lực đã làm hàng nghìn người thiệt mạng, gần 750.000 người phải đi lánh nạn, cuộc sống của người dân Libya hoàn toàn bị xáo trộn

M.T. (tổng hợp)
.
.