Chiến tranh khí đốt mở màn

Chủ Nhật, 22/06/2014, 16:35

Quan hệ Nga - Ukraina gia tăng căng thẳng sau khi Tập đoàn Gazprom chính thức ngưng cấp khí đốt cho Ukraina vì Kiev chưa trả hết nợ. Trong khi đó Moskva tố cáo chính quyền Kiev nhắm mắt làm ngơ để những thành phần cực đoan đập phá Đại sứ quán Nga ở Kiev. Những cáo buộc qua lại giữa Nga và Ukraina về việc đưa quân  qua biên giới của nhau cũng được hai bên đưa ra.

Từ 6 giờ GMT ngày 16/6/2014, Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom thông báo chính thức khóa van cấp khí đốt cho Ukraina. Lý do chính quyền Kiev không thanh toán đúng thời hạn khoản nợ lên tới 4,5 tỉ USD. Kể từ nay trở đi, Gazprom chuyển sang chế độ trả trước khi bán khí đốt cho Tập đoàn Naftogaz của Ukraina. Nôm na là Gazprom chỉ bán cho Naftogaz số lượng khí đốt tương đương với phần tiền ứng trước.

Quyết định của Gazprom đưa ra sau khi vòng đàm phán cuối cùng được tổ chức vào đêm 15/6 rạng sáng ngày 16/6 giữa Nga và Ukraina về vấn đề khí đốt, không mang lại kết quả.

Phát biểu sau cuộc gặp, phát ngôn viên của Gazprom, ông Sergei Kuprianov, nói: "Chúng tôi không đạt được đồng thuận. Có rất ít khả năng chúng tôi sẽ gặp lại nhau".

Trước đó, đại diện Ủy ban Năng lượng của Liên minh châu Âu, Guenter Oettinger, cũng có mặt trong cuộc đối thoại cũng đưa ra nhận định "bi quan" trước việc đạt được thỏa thuận.

Ông Oettinger đã đưa ra đề nghị phía Kiev thỏa hiệp trả 1 tỉ USD vào ngày 16/6, và trả góp phần còn lại, nhưng bị Gazprom từ chối. Cuộc đối thoại này do các đại diện của EU làm trung gian.

Giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở miền đông Ukraina giữa phe ly khai thân Nga và quân chính phủ Ukraina.

Hồi tháng 4/2014, Moskva cáo buộc Kiev không thanh toán được tiền và quyết định cắt bỏ giá ưu đãi cho Ukraina, vốn được cựu Tổng thống Viktor Yanukovych mặc cả hồi tháng 12/2013. Hồi đầu tháng này, Gazprom gia hạn cho Ukraina để thu xếp thanh toán sau khi được trả một phần nợ khoảng 786 triệu USD. Ukraina nói sẽ không trả hết nợ nhằm phản đối việc Gazprom gần đây tăng 80% giá bán.

Trước đây, giá khí đốt Nga bán ưu đãi cho Ukraina chỉ với 268 USD/ 1.000m3, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Nay giá tăng lên thành 385 USD/ 1.000m3, giá cao nhất ở châu Âu. Bắt đầu cuộc gặp, Kiev cho biết sẽ sẵn sàng trả 1,95 tỉ USD nếu Nga giảm giá xuống còn 326 USD/ 1.000m3. Nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định 385 USD/ 1.000m3 là giá cuối cùng.

Trước cuộc gặp, Kiev dọa là nếu Moskva không xét lại giá cả, thì Ukraina sẽ không thanh toán hóa đơn cho nhà cung cấp là Tập đoàn Gazprom. Hơn thế nữa, chính quyền Ukraina còn tuyên bố là sẽ không trả cho phía Nga một phần khoản nợ.

Ngay sau khi thỏa thuận đổ vỡ, Thủ tướng Ukraina Arseni Yatsebyuk cho biết là Kiev vẫn giữ nguyên lập trường, và ra lệnh cho Bộ Tư pháp hoàn tất việc chuẩn bị hồ sơ để bảo vệ lợi ích của Ukraina trong quan hệ giữa tập đoàn quốc doanh Naftogaz với Gazprom trước Tòa án Trọng tài ở Stockholm. Về phần mình, Gazprom cho biết họ cũng chuẩn bị kiện Naftogaz để đòi nợ.

Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraina trên nguyên tắc không gây nhiều trở ngại cho quốc gia này, ít ra là trong ngắn hạn. Bởi vì Ukraina đã tích lũy được một khối lượng dự trữ có thể đáp ứng nhu cầu của toàn quốc cho 3 - 4 tháng tới. Hơn nữa, Ukraina trông chờ vào một số các nguồn cung cấp từ châu Âu.

Chủ tịch Tập đoàn khí đốt Naftogaz của Ukraina, ông Andri Kobolev nói rằng đã chuẩn bị cho "kịch bản tồi tệ nhất" như trong cuộc khủng hoảng năm 2009, Nga cúp nguồn khí đốt làm rối loạn nghiêm trọng việc cung cấp cho châu Âu.  Câu hỏi đặt ra là liệu Ukraina có khả năng cầm cự được trong bao lâu.

Đại sứ quán Nga tại Kiev bị người biểu tình tấn công ngày 14/6.

Việc Ukraina bị khóa van khí đốt ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn cung cấp cho nhiều nước trong Liên minh châu Âu. Nhất là khi mà chính Gazprom đã báo trước với Ủy ban châu Âu: Khối lượng khí đốt của Nga bán cho EU có thể bị ảnh hưởng, nếu như Ukraina giữ lại một phần để đáp ứng nhu cầu nội địa. Cần biết là gần 15% khí đốt sử dụng tại châu Âu hiện phải đi qua ngả Ukraina. Ngày 16/6, đại diện Gazprom cho biết, tập đoàn này vẫn sẽ cung cấp đầy đủ khối lượng khí đốt cho người tiêu dùng châu Âu, tuân thủ các giá trị hợp đồng.

"Công ty Naftogaz của Ukraina cần phải đảm bảo việc vận chuyển thông suốt khí đốt đến các điểm giao hàng"- ông Sergei Kupriyanov nói.

Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Ukraina Yury Prodan cho biết, Ukraina đã ngừng tiếp nhận khí đốt từ Nga và đang chuẩn bị áp dụng chế độ khẩn cấp trong năng lượng.

Tại cuộc họp báo ở Kiev, ông nói rằng nguồn cung khí đốt từ Nga cho người tiêu dùng Ukraina đã giảm xuống chỉ số "không", chỉ còn khối lượng khí đốt vận chuyển đến châu Âu 185 triệu m3/ ngày. Ông lưu ý rằng, Kiev bảo đảm "hoạt động quá cảnh khí đốt đáng tin cậy cho các nước châu Âu".

Cuộc đàm phán về khí đốt giữa Nga và Ukraina trở nên bế tắc một phần là vì những căng thẳng giữa hai quốc gia ngày càng tăng. Đại sứ quán Nga tại Kiev ngày 14/6 đã bị những người biểu tình quá khích tấn công trước sự thờ ơ của các nhân viên bảo vệ. Sự kích động này diễn ra một ngày sau khi chiếc trực thăng chở 49 binh lính chính phủ bị quân nổi dậy ở Lougansk bắn rơi.

Hãng tin RIA Novosti đưa tin, những người biểu tình trước Đại sứ quán Nga ở Kiev đã ném đá và trứng thối vào tòa nhà trước khi gỡ quốc kỳ Nga xuống để đốt.

Hãng thông tấn Itar-tas cho biết thêm: khoảng 150 đến 200 người biểu tình quá khích Ukraina đã tập trung trước Đại sứ quán Nga ở Kiev đêm 14/6. Họ móc đá lát đường, dùng bom khói và pháo ném vào tòa nhà. Hầu như toàn bộ cửa sổ trong tòa nhà đều bị đập vỡ. Thêm vào đó, những người biểu tình còn tấn công một người đàn ông vừa ra khỏi sứ quán và tước giấy tờ của người này.

Truyền hình Nga chiếu cảnh, nhân viên của các cơ quan thực thi pháp luật Ukraina đang có mặt tại Đại sứ quán Nga chỉ bình thản quan sát những gì xảy ra và không can thiệp vào tình hình.

Vụ tấn công Đại sứ quán Nga diễn ra một ngày sau khi lực lượng ly khai thân Nga dùng tên lửa phòng không hiện đại bắn hạ một chiếc máy bay IL -76 của Ukraina tại Lougansk làm thiệt mạng 40 lính dù và 9 người trong phi hành đoàn. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất do lực lượng nổi dậy tiến hành đồng thời cũng gây tổn thất lớn nhất cho quân đội chính phủ kể từ tháng 4/2014, khi các chiến dịch quân sự dẹp loạn ở miền Đông Ukraina của chính quyền Kiev diễn ra.

Ngày 16/6, Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt vì Kiev không thanh toán 4,5 tỉ USD đúng kỳ hạn.

Phát biểu trên kênh truyền hình Nước Nga 24, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã gọi tình hình với cuộc tấn công vào Đại sứ quán Nga tại Kiev là không thể chấp nhận. Ông nói: "Chúng tôi tuyệt nhiên không thể chấp nhận việc chính quyền Ukraina làm ngơ không có biện pháp gì để ngăn chặn hành động trái pháp luật đối với Đại sứ quán Nga tại Kiev".

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã thông báo với Chủ tịch OSCE Didier Burkhalter về vụ việc và yêu cầu ông này huy động mọi khả năng để không cho xảy ra hành động khiêu khích mới chống Đại sứ quán Nga tại Kiev. Được biết, nhà lãnh đạo OSCE đã hứa với Bộ trưởng Lavrov rằng sẽ lập tức giải quyết vấn đề cuộc tấn công vào Tòa đại sứ. Đại diện thường trực của Nga tại LHQ, Vitaly Churkin, đã nêu vấn đề khẩn cấp trước Hội đồng Bảo an LHQ về hành động khiêu khích chống Đại sứ quán Nga tại Ukraina.

Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 15/6, NATO đã tung ra các hình ảnh mà họ nói là để chứng minh cho tuyên bố của phía Ukraina rằng xe tăng Nga đang tiến vào lãnh thổ Ukraina. Tuy nhiên, Moskva trong cùng ngày đã bác bỏ việc họ đưa xe tăng vào Ukraina để giúp những phiến quân thân Nga ở miền Đông nước này.

Những diễn biến chiến sự mới tại miền Đông Ukraina đang có nguy cơ làm tắt hy vọng có thể giảm căng thẳng giữa Kiev và Moskva vừa mới lóe lên sau khi ông Petro Poroschenko đắc cử Tổng thống Ukraina

M.T. (tổng hợp)
.
.