Chìm tàu chở dầu Đức Trí: Nỗi đau dưới con sóng bạc

Thứ Sáu, 14/03/2008, 08:00
22h30’ ngày 2/3, tàu chở dầu Đức Trí, số hiệu 3WEG, thuộc Công ty TNHH vận tải biển Đức Trí, trên đường đi Đà Nẵng, đã gặp nạn tại 10029'42N, 107047'30E - cách thị xã La Gi, Bình Thuận khoảng 10 hải lý về hướng Đông Nam, cách mũi Nghinh Phong - Vũng Tàu 80km. 14 thuyền viên đã chìm theo con tàu giữa biển cả mênh mông.

Cứu nạn giữa sóng gió 

Nhận được tin tàu Đức Trí bị nạn, chúng tôi sớm có mặt tại Đồn Biên phòng 456, thị xã La Gi, Bình Thuận, nơi đặt Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn. Đại diện Ban chỉ huy cho biết, tàu bị nạn từ đêm 2/3, nhưng đến sáng 4/3, ngư dân mới phát hiện và báo cho Đồn Biên phòng 456.

Do biển động cấp 6-7, tàu bị trôi dạt nên đến 13h30’ ngày 5/3, các lực lượng tìm kiếm mới phát hiện và xác định tàu bị lật úp cách bờ biển xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân khoảng 4,6 hải lý. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ  Trung  tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Khu vực III, Công ty Trục vớt cứu hộ Visal và các lực lượng khác nhanh chóng đến hiện trường.

Tàu Đức Trí chở 1.700 tấn dầu nên nguy cơ tràn dầu rất cao, khi đến hiện trường các lực lượng nhanh chóng triển khai phao quây để chống dầu loang. Tàu bị nạn vẫn đang trong tình trạng trôi lập lờ về hướng Mũi Ba Kiềm, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, cách đất liền 1,2 hải lý. Hai tàu kéo Visal  đang kéo phao quây theo tàu  bị nạn.

Đến tối 6/3, tàu bị nạn mới được “kéo cáp” với 2 tàu cứu hộ Visal  nhằm hạn chế nguy cơ thủng, vỡ vỏ tàu do va chạm mạnh vào đá khi trôi tự do. Do điều kiện thời tiết và phương tiện an toàn chưa thích hợp, các thợ lặn chưa thể tìm kiếm nạn nhân.

Sáng 7/3, tàu Sar đã triển khai đưa 14 thợ lặn tìm kiếm, vớt xác nạn nhân. Đội thợ lặn tiếp cận với khoang tàu bị nạn và tiến hành khoan thân tàu. Lực lượng cứu nạn phải lặn sâu vào trong khoang tàu để tìm kiếm xác các nạn nhân. Đến 13h30’, nạn nhân đầu tiên được phát hiện đưa lên khỏi khoang máy. 16h cùng ngày, xác nạn nhân thứ hai đã được tìm thấy đưa lên tàu cứu nạn để đưa vào đất liền (ông Nguyễn Đình Ky, máy trưởng, 58 tuổi, Hải Phòng).

Đưa thi thể thuyền viên vào bệnh viện.

Thông tin từ Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực phía Nam cho hay, sáng 8/3, các thợ lặn tiếp tục tìm kiếm nhưng do thời tiết xấu, gió giật cấp 6, cấp 7, sóng biển đã giật đứt dây ống thở nối với tàu cứu nạn. Sau đó, sóng lớn lại giật gãy cọc bích neo đậu tàu khiến tàu bị tròng trành. Để đảm bảo an toàn tính mạng của các thợ lặn, Ban chỉ huy cứu nạn buộc phải ngưng công việc tìm kiếm thi thể nạn nhân.

Được ngư dân báo có một xác đang trôi trên biển, tàu Sar 272 đã đến tọa độ được báo để vớt đem về đất liền xác định danh tính. Xác thứ tư được đội thợ lặn tìm thấy nhưng vì nằm trong khoang tàu nhỏ hẹp, xác đã trương phình, hai thợ lặn không đưa ra được. Lúc đó, biển lại động, thuyền gỗ mang phương tiện ra bị đánh vỡ.

Đến chiều tối, một xác thuyền viên được vớt tại vùng biển Hàm Thuận Nam, Bình Thuận do ngư dân phát hiện. Danh tính được xác định là thợ máy Tôn Thái Thủy, 33 tuổi, quê Nghệ An. Ngày 9/3, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sóng to, gió lớn, công tác cứu nạn khó thực hiện vì phải đảm bảo tính mạng cho các thợ lặn.

Người thân trông ngóng

Khi nhận được tin về vụ đắm tàu, hàng chục thân nhân của các thuyền viên chủ yếu ở miền Bắc, miền Trung vội vã vào thị xã La Gi, Bình Thuận. Họ nóng lòng đợi thông tin từ ngày 5 đến 7/3, khi chưa xác định được tọa độ tàu trôi và việc cứu nạn  vẫn chưa được triển khai do biển động.

Họ thức đêm cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 456 để chờ tin từ tàu cứu nạn. Trưa 7/3, được tin tàu dạt về vùng biển xã Bình Châu, Xuyên Mộc, Vũng Tàu. Họ lại vội vã đến Đồn Biên phòng 484 Bình Châu.

Đến chiều, từ đồn biên phòng họ lại về TP Vũng Tàu khi nghe tin xác nạn nhân sẽ được chuyển về Bệnh viện Lê Lợi. Đã được bố trí ở khách sạn, nhưng gần 70 thân nhân vẫn ngồi la liệt trước nhà xác bệnh viện. Khuôn mặt ai cũng thất thần, mắt đỏ hoe vì mất ngủ và phải gánh chịu nỗi đau mất người thân.

Ông Trần Ngọc Đà, chú ruột nạn nhân Trần Quang Sinh, cho biết, mấy ngày nay, anh em ông đều tập trung theo dõi việc cứu nạn. Từng xác nạn nhân được mang về bệnh viện. Mọi người chạy vào để nhận diện. Tiếng khóc vỡ òa. Những người thấy nạn nhân không phải người thân của mình càng khóc to hơn.

Đến sáng 9/3, 5 nạn nhân đã được tìm thấy, trong đó, 4 nạn nhân đã xác định được danh tính. Những nạn nhân này được khâm liệm để đưa về quê an táng. Còn thân nhân của 9 thuyền viên chưa tìm thấy vẫn chờ đợi. Công tác cứu nạn không được nhanh chóng như mong đợi. Sự nôn nóng và bức xúc của người thân ngày càng tăng.

Nhưng theo ông Phạm Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực III, cho biết. Việc triển khai tìm kiếm nạn nhân không thể nhanh hơn vì vùng biển Bình Thuận có gió đông bắc giật cấp 6, giật trên cấp 6, biển động, mưa rải rác và có nơi có giông. Nhiều tàu cứu nạn bị đứt neo cố định, tàu Đức Trí do sóng giật mạnh, nên mất thời gian định vị lại. Mặc dù đội thợ lặn đã cố gắng vào trong khoang tàu để tìm kiếm thi thể nạn nhân nhưng bị sóng lớn đẩy bật ra, có người bị đứt ống dẫn khí phải trồi lên để tránh nguy hiểm.

Theo ông Nguyễn Văn Khá, Giám đốc Công ty Trục vớt cứu hộ  Visal, cho biết, nếu biển êm, anh em sẽ nhanh chóng đưa những xác còn lại trong tàu lên bờ. Nếu không được thì tiến hành hút dầu trước rồi sau đó trục vớt tàu (công đoạn này phải mất hơn 1 tháng), để tìm xác. Do tàu lật úp nên khoang 3 nằm xuống đáy biển, bị cát lấp đầy, thợ lặn tìm nạn nhân trong khoang rất khó.

Những nỗi Băn khoăn

Tại buổi gặp gỡ với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Văn Đức chiều ngày 8/3, một câu hỏi được đặt ra từ phía người thân nạn nhân  là vì sao sau 2 ngày tàu Đức Trí bị nạn, trung tâm ứng cứu mới phát hiện ra xác tàu.

Ông Phạm Hiển cho biết, đây là trường hợp hy hữu vì bất kỳ tàu nào cũng phải trang bị một phao Epirb - phao định vị chỉ báo khẩn cấp - có chức năng mã hóa tên tàu. Khi tàu chìm, phao  gặp áp lực của nước sẽ tự động phát ra tín hiệu cấp cứu. Nguyên nhân sẽ được Cơ quan điều tra làm rõ sau khi trục vớt tàu. --PageBreak--

Một điều khó hiểu là các cơ quan quản lý hàng hải không hề biết hải trình của tàu bị nạn. Và theo thông lệ, khi tàu hoạt động trên biển sẽ thường xuyên liên lạc với công ty. Thế nhưng 2 ngày  sau khi tàu lật úp, cho đến khi cứu được anh Lương Minh Lưu, các cơ quan chức năng và công ty mới nhận được thông tin.

Vậy trong 2 ngày tàu mất tích, trách nhiệm của Công ty TNHH Vận tải biển Đức Trí trong việc kiểm soát an toàn tính mạng của những thuyền viên để ở đâu? Về tổng số thuyền viên trên tàu cũng còn những bàn cãi. Theo vợ của chủ tàu cho biết trên tàu có 14 người, còn trong danh sách gửi cơ quan chức năng thì 11 người. Tiếp xúc với ông Lưu, ông cho biết, trên thuyền có 15 người. Thi thể đầu tiên được xác định danh tính là ông Tạ Trung Kiên, quê ở Bình Phước lại không có trong danh sách.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức đã chỉ đạo: Ưu tiên cao nhất là việc tìm kiếm và trục vớt tất cả thi thể nạn nhân trên tàu Đức Trí. Do thời tiết xấu nên phải đảm bảo an toàn cho đội cứu nạn. Nguy cơ tàu vỡ rất cao vì tàu đã cũ, đội cứu  nạn đang cố gắng kiểm soát, không để dầu FO trong tàu tràn ra gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường.

Nếu khoang tàu chở dầu bị vỡ thì dầu tràn sẽ ảnh hưởng đến vùng biển dọc khu vực Nam Bộ. Hiện, 1.700 tấn dầu thương phẩm đã có dấu hiệu rò rỉ ra ngoài. Có hai phương án đưa dầu lên tàu cứu nạn. Phương án thứ nhất là mở van dầu ở khoang tàu và hút dầu ra. Phương án này khả năng dầu tràn ra nhiều. Phương án hai là khoan vào thành tàu rồi cắm ống hút chuyên dụng để rút dầu.

Thuyền viên sống sót kể lại

Chiều 8/3,  ông Lương Minh Lưu, 51 tuổi, quê xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, Ninh Bình, thuyền viên duy nhất  được tìm thấy và sống sót sau vụ chìm tàu  chở dầu của Công ty Đức Trí tối ngày 2/3, đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bà Rịa, thảng thốt kể lại: “Tối hôm đó, tàu đang vào khu vực biển Mũi Né, Phan Thiết để tránh biển động. Sau giờ ăn tối, một số thuyền viên say sóng vào nằm nghỉ. Đến khoảng 10h30’, tôi đang ở tầng hai, đằng sau lái thì có cảm giác tàu nghiêng dần về một bên rồi lật úp trong chớp nhoáng.

Tôi quờ tay bám dây cột rađa. Khi tàu chìm xuống biển, tôi va vào thành thuyền choáng váng. Vài giây sau, tôi hoảng hốt tìm đường bơi ra ngoài. Khi nổi lên mặt nước, thấy một phao tròn đang trôi, tôi bơi lại đó. Khi đó cháu Hân (Vũ Văn Hân, thủy thủ, 24 tuổi, Nghệ An) cũng bơi lại. Hai chúng tôi nắm lấy phao bơi. Trong đêm tối, chúng tôi thấy nhiều đèn của thuyền cá nhưng không bơi lại được vì sóng lớn cứ xô phao ra xa. Hai chú cháu bơi mãi cho đến chiều 3/3 thì Hân kiệt sức. Đến tối, tôi đuối sức bất tỉnh khi nào không hay cho đến khi tỉnh dậy thì thấy mình ở bệnh viện”.

Theo một nguồn tin riêng, tàu Đức Trí  đã sử dụng 23 năm, từng một lần hoán đổi diện tích và Công ty TNHH Đức Trí đang thương thảo hợp đồng bán cho một công ty vận tải biển khác, đây là chuyến đi cuối cùng. Và đó là chuyến đi định mệnh.

Ông Nguyễn Văn Tùng, em trai Tổng giám đốc Công ty Đức Trí cho biết, hiện công ty đã hỗ trợ chi phí mai táng cho mỗi gia đình nạn nhân với số tiền từ 26 triệu đến 28 triệu đồng tùy vào mức độ quê các nạn nhân xa gần. Ngoài ra, mỗi thủy thủ đều được công ty bảo hiểm đền bù khoảng 25 triệu đồng.

Dự báo thời tiết trong tuần tới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ không mưa nhưng biển có gió mạnh cấp 6, cấp 7. Đây là trở ngại lớn nhất đối với công tác tìm kiếm và trục vớt xác nạn nhân. Cho đến hết ngày 10/3, chỉ có 6 xác nạn nhân được trục vớt và đưa vào bệnh viện Lê Lợi để người nhà nhận dạng.

5 xác đã được xác định danh tính, trong đó có xác thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện, xác hai ông Tạ Trung Kiên (Bình Dương), Nguyễn Đình Ky (Hải Phòng); xác các anh Phạm Bá Hiệp (26 tuổi, Hải Dương), Tôn Thái Thủy (Nghệ An). Còn một thi thể chưa nhận dạng được. Hiện tại công tác cứu nạn tàu Đức Trí vẫn đang được khẩn trương tiến hành.

 Một vấn đề khác được đặt ra, sau vụ chìm tàu Đức Trí đó là nguy cơ tràn dầu ở bờ biển tây nam. Theo báo cáo của ban chỉ huy cứu nạn thì vệt dầu loang từ tàu bị chìm rất lớn, mật độ dầu loang khá đậm đặc. Cơ quan chức năng nhận định phải hơn 20 ngày mới có thể khắc phục được những vết dầu loang...

Vinh Hoàng
.
.