Chính biến ở Burkina Faso: Cuộc nổi dậy hay đảo chính quân sự?

Thứ Sáu, 07/11/2014, 20:30

Tức giận trước nỗ lực của Quốc hội Burkina Faso (trước là Cộng hòa Thượng Volta), một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới ở Tây Phi, nhằm kéo dài thêm thời gian cầm quyền sau 27 năm, của Tổng thống nước này, ông Blaise Compaore, ngày 28/10 vừa qua, tại thủ đô Ouagadougou đã bùng phát làn sóng phản đối với đông đảo thanh niên. Lợi dụng việc này, quân đội Burkina Faso đã tuyên bố giải tán chính phủ và quốc hội, đồng thời thành lập cơ quan lâm thời điều hành đất nước. Trước sức ép của làn sóng biểu tình và của quân đội, ngày 31/10, Tổng thống Compaore đã phải từ chức.

Đảo chính quân sự và sự tranh giành quyền lực

Theo các nguồn tin địa phương, làn sóng phản đối đã lên tới đỉnh điểm khi số người biểu tình vào ngày 28/10 tại thủ đô Ouagadougou đã lên tới 1.500 người. Trước đó, người biểu tình đã dựng các rào chắn và đốt lốp xe ở thủ đô kể từ khi đề xuất sửa đổi hiến pháp được thông báo ngày 21/10, theo đó cho phép Tổng thống Blaise Compaore kéo dài thời gian cầm quyền.

Ngoài ra, các trường học cũng đóng cửa từ hôm 24/10 để tham gia biểu tình, gây nên tình trạng trì trệ ở Ouagadougou. Các nhóm xã hội dân sự cũng yêu cầu phải hủy bỏ đề xuất trên và cho rằng đất nước này có nguy cơ rơi vào tình trạng tê liệt nếu đề xuất trên được thông qua.

Lực lượng đối lập đã kêu gọi người dân bao vây Nghị viện để ngăn chặn việc xem xét đề xuất này. Lực lượng an ninh đã phải sử dụng tới hơi cay để kiểm soát và giải tán đám đông la hét phản đối.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 30/10, hàng trăm người biểu tình đã xông vào khu vực tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Ouagadougou, phóng hỏa đốt tòa nhà này nhằm phản đối kế hoạch bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp dự kiến diễn ra cùng ngày. Nhiều người biểu tình đã dỡ bỏ hàng rào an ninh để tràn vào, cướp phá văn phòng rồi sau đó phóng hỏa.

Các nhân chứng cho biết từ xa có thể thấy khói đen bốc lên, trong đó bao gồm Văn phòng Chủ tịch Quốc hội. Một người đã thiệt mạng trong vụ hỗn độn này.

Trong khi đó, hàng trăm người biểu tình khác cũng đã ập vào trụ sở Đài Truyền hình Quốc gia Burkina Faso (RTB), hôi của và đập phá xe cộ tại đây. Những người biểu tình phản đối kế hoạch sửa đổi hiến pháp còn hướng về Dinh Tổng thống, buộc lực lượng an ninh thắt chặt an toàn tại khu vực lân cận.

Được biết, lực lượng an ninh đã nổ súng và xịt hơi cay nhằm ngăn chặn đám đông. An ninh cũng được thắt chặt tại xung quanh khu vực nhà riêng của anh trai Tổng thống Compaore sau khi nhiều người biểu tình tấn công cả khu vực này.

Trước làn sóng biểu tình, ngay trong ngày 30/10, Chính phủ Burkina Faso đã thông báo hủy bỏ sửa đổi hiến pháp giúp Tổng thống Compaore kéo dài thời gian cầm quyền.

Tuy nhiên, việc làm trên của chính phủ dường như chưa đủ để làm nguôi ngoai cơn giận của người dân, làn sóng biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bạo lực vẫn tiếp tục bùng phát.

Trước tình hình như vậy, Tổng thống Blaise Compaore đã phải áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Ông cũng tuyên bố không từ chức, đồng thời kêu gọi đàm phán chuyển giao quyền lực. Ông cho biết “sẵn sàng đối thoại về một giai đoạn chuyển tiếp để chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân bầu”.

Tổng thống Burkina Faso - ông Blaise Compaore mới bị phế truất.

Vào rạng sáng 31/10, quân đội Burkina Faso ra tuyên bố giải tán chính phủ và quốc hội, đồng thời thành lập cơ quan lâm thời điều hành đất nước. Trong tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp với giới truyền thông, Tham mưu trưởng quân đội Burkina Fasso, ông Navere Honore Traore nhấn mạnh, bộ máy lãnh đạo lâm thời sẽ có trách nhiệm dẫn dắt đất nước trong vòng 12 tháng cho đến khi tổ chức được các cuộc bầu cử, thành lập chính phủ mới. Quân đội Burkina Faso cũng áp đặt lệnh giới nghiêm từ 19 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ hôm sau.

Lãnh đạo đối lập Benewende Sankara khẳng định việc quân đội tiếm quyền là “đảo chính”, nhưng cũng nhấn mạnh rằng việc Tổng thống Compaore ra đi là “không cần tranh cãi” vì ông này đã nắm quyền ở quốc gia Tây Phi này 27 năm.

Trong một tuyên bố đầy bất ngờ được đưa ra trên đài phát thanh ngày 31/10, Tổng thống Compaore đã thông báo chính thức từ chức và kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử tự do và minh bạch. Ông cho biết sẽ có một “khoảng trống quyền lực” ở Burkina Faso nhằm cho phép tiến hành một giai đoạn chuyển giao. Giai đoạn chuyển giao này sẽ kết thúc bằng cuộc bầu cử được tổ chức trong thời gian tối đa là 90 ngày.

Sau khi Tổng thống từ chức, ông Traore đã có bài phát biểu trước các tướng lĩnh và quan chức Burkina Faso, trong đó ông khẳng định sẽ nắm quyền điều hành đất nước, đồng thời cam kết sẽ “ngay lập tức tham vấn mọi đảng phái trong nước để lập lại trật tự theo đúng Hiến pháp một cách sớm nhất có thể”.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi ông Traore tuyên bố lên nắm quyền điều hành đất nước, một nhóm sĩ quan quân đội cũng khẳng định đã “nắm giữ vận mệnh đất nước”.

Từ doanh trại Guillaume Ouedraogo, Trung tá Issac Yacouba Zida, cho biết một “cơ quan chuyển tiếp” sẽ được thành lập nhằm khôi phục trật tự Hiến pháp. Ông cũng ra lệnh đóng cửa biên giới sau khi Tổng thống bị phế truất Blaise Compaore rời khỏi thủ đô Ouagadougou.

Trong khi đó, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình phản đối việc ông Traore nắm quyền điều hành đất nước. Những người biểu tình cho rằng ông Traore đã phục vụ Tổng thống bị phế truất Compaore suốt nhiều năm qua nên khi nắm quyền ông sẽ tiếp tục những đường hướng, chính sách của ông Compaore.

Những người biểu tình yêu cầu tướng về hưu Kouame Lougue lên lãnh đạo trong giai đoạn chuyển tiếp. Ông Kouame Lougue, từng là Tổng Tham mưu trưởng và cựu Bộ trưởng Quốc phòng, bị cáo buộc tiến hành đảo chính và bị mất chức năm 2003. Tuy nhiên, giới chức quân đội cấp cao Burkina Faso ngày 1/11 đã chỉ định ông Zida Issac Yacouba làm lãnh đạo lâm thời nước này.

Trong một tuyên bố, họ nêu rõ: “Trung tá Zida đã được nhất trí lựa chọn lên nắm quyền lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp sau sự ra đi của Tổng thống Compaore”. Việc làm này đã đánh dấu lần thứ 7 một quan chức quân đội tiếp quản chức vụ người đứng đầu nhà nước, kể từ khi Burkina Faso giành được độc lập từ Pháp vào năm 1960.

Những lời cảnh báo và kêu gọi

Sau một cuộc tham vấn ngày 1/11, liên minh các đảng đối lập chính trị và các tổ chức xã hội dân sự ở Burkina Faso đã ra tuyên bố nêu rõ: “Chiến thắng từ cuộc nổi dậy là của nhân dân, vì vậy việc điều hành cuộc chuyển giao cũng thuộc về nhân dân, không thể bị quân đội chiếm hữu bằng bất cứ cách nào”.

Tuyên bố cũng cảnh báo sự tiếm quyền của quân đội, đề nghị một cuộc chuyển giao dân sự và dân chủ. Cùng ngày, Mỹ đã lên án việc quân đội Burkina Faso áp đặt toan tính của mình đối với người dân Burkina Faso, và kêu gọi quân đội Burkina Faso chuyển giao quyền lực ngay lập tức cho chính quyền dân sự.

Trong khi đó, đại diện của Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cũng ra tuyên bố chung kêu gọi nhanh chóng lập lại chính phủ và chính quyền: “Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh virus Ebola đang hoành hành tại khu vực Tây Phi và các nước thành viên ECOWAS phải áp dụng các biện pháp cần thiết để tránh virus lan rộng”.

Tuyên bố này cũng nhấn mạnh rằng người dân Burkina Faso có các nguồn lực cần thiết để điều hành quá trình chuyển tiếp một cách hòa bình và trật tự. Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi quân đội Burkina Faso tôn trọng quyền của người dân và bày tỏ hy vọng sớm có một chính quyền chuyển tiếp dân sự nhằm chuẩn bị cho các cuộc bầu cử tự do và minh bạch trong thời gian sớm nhất

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.