Chính phủ CH Séc giải tán: Đám mây đen bao trùm EU

Thứ Sáu, 03/04/2009, 07:45
Chính phủ của Thủ tướng Cộng hòa (CH) Séc và hiện là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), ông Mirek Topolanek, bị sụp đổ sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 24/3 vừa qua. Sự kiện trên như một đám mây đen đang phủ bóng lên tương lai của EU nhất là trong tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Tại Quốc hội CH Séc hôm 24/3 vừa qua, 101 trên tổng số 200 dân biểu đã bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Topolanek, lên nắm quyền từ tháng 1/2007. Cuộc bỏ phiếu lần này do đảng Dân chủ Xã hội, đảng đối lập lớn nhất của Séc đề xuất.

Phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Thủ tướng Topolanek cho biết ông chấp nhận kết quả cuộc bỏ phiếu và sẽ tuân thủ hiến pháp. Ngày 26/3, ông Topolanek đã đệ đơn từ chức sau khi trình bày trước Nghị viện châu Âu bản tổng kết cuộc họp thượng đỉnh của khối vừa qua.

Nguyên nhân dẫn tới việc chính phủ của Thủ tướng Topolanek sụp đổ được cho là xuất phát từ sự điều hành kém trong việc đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề kinh tế chỉ là giọt nước làm tràn ly. Trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, nền kinh tế của Séc đang trong đà tăng trưởng nhanh nhưng trong tháng 1/2009, sản lượng công nghiệp của nước này đã giảm 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo các dự báo, kinh tế Séc sẽ tăng trưởng âm trong năm nay.

Những diễn biến trong cuộc bỏ phiếu lại phản ánh một thực tế khác. Chính phủ của Thủ tướng Topolanek được hình thành từ sự liên minh của đảng Công giáo Dân chủ và đảng Xanh. Liên minh này hiện chỉ chiếm 96 trên tổng số 200 ghế trong Quốc hội Séc và phụ thuộc rất nhiều vào lá phiếu của các đại biểu độc lập trong mỗi lần bầu cử.

Ngay trong đảng phái của ông Topolanek đã xuất hiện mâu thuẫn nội bộ mà điển hình là mâu thuẫn giữa Tổng thống Vaclav Klaus và Thủ tướng Topolanek. Người đứng đầu Nhà nước Séc thì luôn phản đối việc nước này tham gia khối EU, thậm chí ông từng khẳng định rằng Chủ tịch EU chẳng qua chỉ là một chức vụ bình thường, nếu không muốn nói là bù nhìn vì thực chất theo ông việc lãnh đạo EU là do các nước lớn. Trong khi Thủ tướng lại luôn muốn xích lại gần hơn với các thành viên lớn của EU.

Theo Hiến pháp CH Séc, Tổng thống Vaclav Klaus sẽ phải chọn nhân vật đứng ra thành lập chính phủ mới. Sau 3 lần thành lập chính phủ mới không thành, Séc sẽ phải tổ chức bầu cử sớm. Mặc dù chỉ thuộc phe thiểu số, song ngày 25/3 vừa qua, ông Topolanek khẳng định rằng ông sẽ quay lại nắm quyền điều hành chính phủ sắp tới vì đảng của ông sẽ phủ quyết bất cứ một ứng cử viên nào khác.

Như vậy, sắp tới sẽ xảy ra cuộc chiến cân não giữa Thủ tướng mãn nhiệm Topolanek, Tổng thống Klaus và thủ lĩnh phe đối lập Paroubek? Hai phe chính trị  này chắc chắn đã xem xét tới khả năng tiến hành bầu cử Quốc hội trước thời hạn.

Séc là quốc gia thành viên EU chưa đầy 5 năm lại không thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu và chưa thông qua Hiệp ước Lisbonne (Hiến pháp EU), và với gần 3 tháng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU, Séc đang làm cả đoàn tàu EU loạng choạng!

Đây là giai đoạn EU cần một tiếng nói mạnh mẽ, bảo vệ quan điểm của toàn khối trong việc đối phó với khủng hoảng chẳng hạn như tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G20 sắp tới đây tại London.

Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội đối lập Paroubek cho biết, do Séc đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU nên đảng của ông áp dụng chính sách khoan nhượng đối với chính phủ, sẵn sàng để chính phủ tiếp tục nắm quyền cho tới cuối tháng 6 kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch EU.

Nếu đúng như vậy, thì theo nhiều tờ báo Pháp, uy tín của Liên minh châu Âu sẽ bị tổn hại nghiêm trọng vì vị chủ tịch của khối này chỉ còn là bù nhìn do mất sự ủng hộ của Quốc hội

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.