Chính phủ Iraq khủng hoảng

Thứ Năm, 16/08/2007, 15:30
Trong khi người Mỹ ráo riết vận động Iran nhằm tìm kiếm giải pháp an ninh cho Iraq thì trong nội bộ nước này lại rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị tệ hại nhất kể từ năm 2003, làm dấy lên dự báo không mấy sáng sủa cho tương lai của Chính phủ đoàn kết dân tộc do Thủ tướng Nouri al-Maliki đứng đầu.

Một Chính phủ liên hiệp lỏng lẻo

Phát biểu với báo chí, Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari than thở: “Chúng tôi đang có một cuộc khủng hoảng chính phủ. Chính phủ hoàn toàn không đáp ứng được mong mỏi của nhân dân nước chúng tôi”.

Còn tờ báo Shiite Al Mada thì viết: “Hầu hết các khối chính trị đều không chịu hoạt động trong khuôn khổ đồng thuận dân tộc”.

Những phát biểu như thế đang làm cho bầu không khí chính trị vốn đã bị “ô nhiễm” càng thêm "ô nhiễm". Đó chính là dấu hiệu cho những đổ vỡ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà chính bản thân người Iraq cũng không thiết tha níu kéo.

Cuộc họp Chính phủ khẩn cấp ngày 27/7 tại thành phố nghỉ mát Salaheddin ở miền Bắc đã là một minh chứng: không mang lại kết quả nào ngoài việc các phái theo phe Thủ tướng Maliki chỉ trích khối Sunni trong Mặt trận Hiệp thương Iraq (IAF) đã tẩy chay cuộc họp làm cho chính phủ không thể thông qua bất cứ giải pháp nào nhằm thoát ra khỏi tình trạng “bó tay” hiện nay.

Phát biểu ngay sau cuộc họp, phát ngôn viên Chính phủ Ali al-Dabbagh đã chỉ trích gay gắt hành động tẩy chay của 6 thành viên nội các thuộc IAF.

Cuộc “khủng hoảng” mới xuất phát từ những bất đồng giữa khối IAF với khối Shiite. Ngày 29/6, IAF đã tuyên bố tẩy chay các cuộc họp của chính phủ và dọa tẩy chay vĩnh viễn do việc chính phủ trước đó vài ngày đã ra lệnh bắt giam đối với Bộ trưởng Văn hóa Asaad Kamal al-Hashemi, thành viên của khối.

Hashemi bị cáo buộc đã ra lệnh cho thuộc hạ giết chết 2 con trai của một chính khách Sunni tên là Mithal al-Alusi trong một vụ tấn công ở ngoại ô Baghdad vào tháng 2/2005. Lệnh bắt đã khiến cho ông Hashemi lúc đó đang công du ở Jordan không thể quay về Iraq.

Chính phủ Iraq sau cuộc họp ngày 27/7.

Kể từ đó cho đến nay, toàn bộ 6 bộ trưởng và thứ trưởng của IAF (gồm các Bộ trưởng Quốc phòng, Văn hóa, Kế hoạch, Giáo dục cao học, Bộ trưởng Các vấn đề phụ nữ và một Thứ trưởng Bộ An ninh) đã không dự các cuộc họp và các hoạt động chung của Chính phủ Iraq, mà làm việc riêng rẽ.

Ngày 25/7, IAF đưa ra 11 yêu sách, trong đó có việc chính phủ phải bãi bỏ lệnh bắt giam đối với Bộ trưởng Hashemi và thả hàng ngàn tù nhân người Arập Sunni – những người không phạm tội hình sự nghiêm trọng nhưng lại bị bắt giam không xét xử trong các nhà tù do Mỹ dựng lên ở Iraq. IAF ra điều kiện rằng, 6 bộ trưởng, thứ trưởng chỉ quay trở lại làm việc cùng với chính phủ nếu Thủ tướng Maliki chấp thuận các yêu sách nói trên.

Ngày 27/7, đáp lại những lời chỉ trích từ phía chính phủ, IAF ra thời hạn trong vòng một tuần, nếu các yêu cầu của họ không được đáp ứng thì tất cả các bộ trưởng, thứ trưởng của khối này sẽ vĩnh viễn rút khỏi chính phủ và ngày 1/8 vừa qua một số Bộ trưởng trên đã tuyên bố từ chức.

Và đây cũng là lần thứ hai Chính phủ Iraq bị tẩy chay. Tháng 4-2007, 6 thành viên nội các thuộc đảng Shiite trung thành với giáo sĩ Moqtada al-Sadr cũng đã đồng loạt từ chức để phản đối việc chính phủ của ông Maliki không chịu đưa ra thời hạn yêu cầu Mỹ rút quân.

Như vậy, Chính phủ Iraq hiện đang khuyết đến 12 trên tổng số 39 vị trí. Điều đáng nói ở chỗ, chính phủ làm việc mà không có mặt một số bộ trưởng quan trọng, và điều này đang gây dư luận bất an, không còn tin tưởng vào khả năng hoạt động có hiệu quả khi phải tiếp nhận việc bảo đảm an ninh nội địa từ liên quân do Mỹ dẫn đầu.

Trước tình hình bấp bênh hiện nay của chính phủ, vài nhà bình luận Iraq còn đưa ra một dự báo “đen tối” rằng, chỉ cần thêm vài vị trí bỏ trống, Chính phủ Iraq sẽ không còn tiếp tục hoạt động được nữa vì không bảo đảm các quy định ghi trong Hiến pháp.

Tất cả những gì đã và đang diễn ra cho thấy sau 14 tháng hoạt động, chính phủ của ông Maliki không những không thể hiện sự tiến bộ nào trong việc tạo ra ổn định về an ninh và chính trị mà còn cho thấy những bất đồng, chia rẽ giữa các phái (Shiite, Sunni, Kurd) ngày càng sâu sắc.

Sự lo lắng của người Mỹ

Tình hình khủng hoảng chính phủ đang làm tê liệt các hoạt động của Quốc hội Iraq trong việc xây dựng 18 bộ luật cơ bản phục vụ việc điều hành đất nước một cách độc lập, trong đó quan trọng nhất là 2 bộ luật về dầu mỏ và cải cách lực lượng an ninh.

Nhà Trắng cũng đang cần có các thông tin báo cáo từ chiến trường của các chỉ huy quân sự tại Iraq, cũng như những thông tin từ Chính phủ và Quốc hội Iraq về các tiến triển trong thời gian qua để báo cáo lên Quốc hội Mỹ vào ngày 15/9 tới, trong đó đương nhiên phải có thông tin về việc xây dựng 18 bộ luật điều hành đất nước Iraq.

Tầm quan trọng của các báo cáo này là ở chỗ, nó sẽ ảnh hưởng đến quyết định của Quốc hội Mỹ đối với việc duy trì quân đội Mỹ tại Iraq. Nhiều nguồn tin cho biết, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc có ý định cho quân đóng tại Iraq, ít nhất cho đến hết năm 2009.

Bất kỳ thông tin không khả quan nào từ Iraq cũng đều có thể khiến cho cuộc đối đầu hiện nay giữa Chính phủ với Quốc hội Mỹ thêm phần căng thẳng.

Trong khi đó, Washington lại đang sốt ruột vì càng ngày các hoạt động của Baghdad càng không nằm trong tầm kiểm soát của họ trong khi sự cách biệt giữa 2 bên đang ngày càng bộc lộ rõ rệt.

Hơn nữa, ngày càng có nhiều người Iraq không muốn người Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của mình

Tiểu Bảo (tổng hợp)
.
.