Chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba đã lỗi thời

Thứ Tư, 19/08/2009, 15:05
Ngày 1/1/2009, Cuba kỷ niệm trọng thể 50 năm Ngày cách mạng thành công lật đổ chế độ độc tài Batista do Mỹ hậu thuẫn. Cũng gần như trong suốt thời gian ấy, Cuba phải chịu đựng sự "cấm vận" theo cách gọi của Mỹ, chống một nước có chủ quyền tại vùng Caribê. Đúng hơn phải gọi đó là sự "bao vây", vì chính sách cấm vận của Mỹ cũng nhằm ngăn chặn cả các nước khác có quan hệ kinh tế, thương mại với Cuba.

Đúng hơn phải gọi  đó là sự "bao vây", vì chính sách cấm vận của Mỹ cũng nhằm ngăn chặn cả các nước khác có quan hệ kinh tế, thương mại với Cuba.

Đây là cuộc cấm vận toàn diện, tàn bạo và dài nhất trong lịch sử đối với một đất nước có chủ quyền. Toàn diện, vì ngay từ năm 1962, Tổng thống Kennedy, đã quyết định cấm hoàn toàn các hoạt động thương mại với  Cuba, cấm nhập vào Mỹ tất cả hàng hóa làm từ các vật liệu có xuất xứ từ Cuba, thậm chí ngay cả khi hàng hóa đó được làm từ nước khác.

Các đạo luật "Trợ giúp nước ngoài" (tháng 8/1962 và tháng 12/1963) của Quốc hội Mỹ còn ngạo mạn cấm trợ giúp và trừng phạt "bất kỳ nước nào" có quan hệ thương mại và hành động giúp đỡ Cuba. Chính phủ Mỹ còn ép buộc chính quyền các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh và các nước thuộc khối NATO thi hành các biện pháp thắt chặt cấm vận chống Cuba.

Đạo luật Helms-Burton năm 1996 quy định trừng phạt các công ty nước ngoài có quan hệ thương mại với Cuba bị nhiều nước trong Liên hiệp châu Âu (EU) phản đối. Cho đến tận ngày nay, tàu biển thuộc các hãng có quan hệ thương mại với Cuba vẫn bị cấm chuyên chở các hàng hóa Mỹ.

Chính quyền Mỹ còn cấm công dân Mỹ có các quan hệ tài chính, du lịch với Cuba, kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất khẩu lương thực, thực phẩm và thuốc chữa bệnh sang Cuba kể cả vì lý do nhân đạo. Ngoài ra, Mỹ còn chi một số tiền khổng lồ cho các chiến dịch tuyên truyền và hoạt động thù địch chống phá Cuba trong suốt gần 50 qua.

Cuộc bao vây, cấm vận của Mỹ chống Cuba, chính thức kéo dài 47 năm. Nhưng cần phải tính từ ngày 17/3/1960 khi Tổng thống Eisenhower phê chuẩn kế hoạch hành động ngầm chống Cuba, là cơ sở quan trọng cho các quyết định cấm vận kinh tế sau này. Như vậy, đến nay Mỹ đã bao vây, cấm vận chống Cuba trong suốt 49 năm ròng. Cuộc cấm vận này kéo dài qua 11 đời tổng thống Mỹ, bắt đầu từ Eisenhower, vị Tổng thống thứ 34, đến Obama, vị Tổng thống thứ 44 hiện nay.

Thiệt hại của Cuba trong 47 năm bị bao vây, cấm vận Cuba quá lớn. Nhưng thật trớ trêu, chính nhiều người Mỹ lại cho rằng nước Mỹ phải trả giá lớn hơn so với Cuba. Đại diện lãnh đạo các tổ chức doanh nhân Mỹ, trong đó có Phòng Thương mại Mỹ, đã ký chung bức thư tháng 12/2008 thúc giục Tổng thống mới đắc cử Obama bỏ cấm vận chống Cuba. Bức thư trên đã nêu rõ nền kinh tế Mỹ hàng năm đã mất đi khoảng 1,2 tỉ USD vì cấm vận Cuba.

Quỹ Chính sách Cuba - CPF (do một cựu đại sứ Mỹ điều hành) lại đánh giá mức thiệt hại cao hơn: hàng năm thiệt khoảng hơn 4,84 tỉ USD do bị mất các khoản bán hàng và xuất khẩu sang Cuba. Trong khi đó, chính quyền Cuba công bố hàng năm Cuba bị thiệt hại khoảng 685 triệu USD do bị bao vây, cấm vận. Như vậy, nếu theo cách tính của CPF thì hàng năm, cuộc bao vây, cấm vận Cuba đã làm cho Mỹ bị thiệt hơn 4,155 tỉ USD so với số thiệt hại của chính Cuba. Đúng là gieo gió, gặt bão.

Bất chấp sự bao vây, cấm vận kéo dài và tàn bạo của Mỹ, Cuba - hòn đảo XHCN vẫn hiên ngang tồn tại, phát triển. Theo đánh giá của người Mỹ và các tổ chức quốc tế, Cuba đã đạt được một số thành tựu về xã hội hơn hẳn nước Mỹ như bảo vệ sức khỏe toàn dân, giáo dục đại học và phổ thông, bảo đảm lương thực, thực phẩm và các tiện nghi sinh hoạt tối thiểu. Hiện nay, so với Mỹ thì Cuba hơn hẳn về các chỉ số xã hội cơ bản như sau:

- Nhà ở: Nhờ có Luật Cải cách đô thị năm 1960, đến nay 85% dân số Cuba đã có nhà riêng và không phải trả thuế tài sản hoặc lãi suất cho khoản nợ mua nhà trả dần. Chi phí nhà ở không vượt quá 10% thu nhập của mỗi gia đình.

- Thất nghiệp: Theo số liệu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tỉ lệ thất nghiệp của Cuba là 1,8% so với tỉ lệ này của Mỹ là 7,6% (và còn cao hơn nữa).

- Tỉ lệ biết chữ: Theo số liệu của UNDP, tỉ lệ người biết chữ ở Cuba là 99,8% cao hơn so với tỉ lệ này ở Mỹ (97%).

- Tỉ lệ trẻ em chết: Cuba có tỉ lệ trẻ em chết là 4,7/1.000 trẻ sinh, thấp hơn hẳn so với Mỹ (6,0/1.000 trẻ sinh).

- Số lượng tù nhân: Theo UNDP, Cuba có tỉ lệ tù nhân khoảng 487/100.000 người dân, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ (738/100.000 người dân).

Một số tác giả còn phê phán chính sách cấm vận của chính quyền đã ngăn cản công dân Mỹ không được tiếp cận với các thành tựu công nghệ y sinh cao hàng đầu thế giới của Cuba như các vắcxin B, PPG - loại thuốc giảm mỡ máu, cholesterol, vắcxin CimaVax EGF chữa ung thư phổi....

Vì sao Mỹ lại áp đặt bao vây, cấm vận Cuba lâu dài và khốc liệt như vậy? Không khó để trả lời câu hỏi này. Về mặt kinh tế, trước Cách mạng Cuba, người Mỹ nắm quyền kiểm soát 70% diện tích đất trồng trọt và 3/4 ngành công nghiệp chủ yếu của đất nước này.

Về mặt chính trị, cách mạng Cuba thành công đã trở thành tấm gương sáng cho các nước châu Phi, Mỹ Latinh giành độc lập. Uy tín của nước Cuba XHCN, ngay cạnh nước Mỹ, đang ngày một tăng cao trên trường quốc tế làm cho các thế lực diều hâu trong chính quyền Mỹ ăn không ngon, ngủ không yên. Thất bại ở Vịnh Con Lợn đã làm phá sản âm mưu dùng vũ lực để lật đổ Nhà nước Cuba non trẻ. Chính quyền Mỹ phải tăng thêm các thủ đoạn, biện pháp khác để hòng bóp chết Cách mạng Cuba.

Trải qua gần 50 năm bị bao vây, cấm vận, Cuba vẫn hiên ngang đứng vững và phát triển, còn chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ chống Cuba ngày càng bị lên án ở khắp nơi trên thế giới và ngay cả ở nước Mỹ. Đã có những tiếng nói lương tri từ nước Mỹ yêu cầu bỏ cấm vận Cuba ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX.

Ngày 12/12/1963, Chưởng lý Robert F. Kennedy đã gửi giác thư đến Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Dean Rusk đòi bãi bỏ lệnh cấm du lịch đến Cuba "vì nó đi ngược lại với quyền tự do truyền thống của Mỹ". Đáng tiếc là mãi đến ngày 29/6/2005, bức giác thư này mới được công bố.

Ngày 9/2/1975, Thượng nghị sĩ Mỹ Edward M. Kennedy đã phát biểu trên truyền hình thành phố Mexico thúc giục chính quyền Mỹ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Cuba. Tháng 4/2009, Hãng CNN công bố kết quả thăm dò dư luận Mỹ về quan hệ Mỹ - Cuba như sau: 64% số được hỏi cho rằng chính quyền Mỹ cần bỏ lệnh cấm du lịch đến Cuba, trong khi 71% số được hỏi cho rằng Mỹ cần khôi phục lại quan hệ ngoại giao đầy đủ với Cuba.

Ngay từ năm 1975, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã biểu quyết chấm dứt trừng phạt kinh tế và chính trị chống Cuba, bất chấp sức ép từ Mỹ. Bắt đầu từ năm 1993, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, số phiếu ủng hộ Nghị quyết yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận chống Cuba đã có xu hướng ngày càng chiếm đa số.

Năm 2008, có 185 nước trong tổng số 192 nước ủng hộ Nghị quyết mang tên "Sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ đối với Cuba", chỉ có 3 phiếu chống và 2 phiếu trắng. Đây là lần thứ 17 liên tục Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết với đa số áp đảo kêu gọi Mỹ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba

Trong 20 năm gần đây, nền chính trị thế giới đã có nhiều biến đổi lớn, kinh tế thế giới cũng đã phát triển vượt bậc. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ chống Cuba rõ ràng đã trở nên quá ư lạc hậu, đi ngược lại trào lưu phát triển của thế giới, ngược lại với chính các tuyên bố bảo vệ quyền con người của chính quyền Mỹ

Hoa Huyền (tổng hợp)
.
.