Chính sách mới của Mỹ đối với châu Âu

Thứ Năm, 26/05/2011, 08:20

Chuyến đi vòng quanh châu Âu của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thu hút sự chú ý của dư luận thế giới không chỉ vì việc Tổng thống Mỹ đến thăm các đồng minh ở cựu lục địa và dự Hội nghị G-8 ở Pháp mà còn vì những chủ đề trong nghị trình làm việc của ông Obama cho thấy có sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với châu Âu.

Một vòng châu Âu của ông Obama đã bắt đầu từ hôm thứ Hai 23/5 vừa qua tại Dublin, khi ông Obama ghé thăm Cộng hòa Ailen trong một ngày. Tại đây, ngay sau lễ đón tiếp long trọng của Tổng thống Mary McAleese, ông Obama đã trồng một cây sồi trong Công viên Phoenix, bên cạnh cây củ tùng mà Tổng thống John F. Kennedy đã trồng vào năm 1963. Sau đó, ông Obama đã được Thủ tướng Enda Kenny tiếp đãi trọng thị tại khu trang trại Farmleigh rộng 31 hécta ở ngoại ô Dublin. (Xin mở ngoặc nói thêm, ở Ailen còn có một địa phương có ý nghĩa rất đặc biệt đối với ông Obama: đó là làng Moneygall, quê quán của thân mẫu ông, bà Stanley Ann Dunham).

Theo lịch trình chuyến đi, ngay sau Ailen, ông Obama sẽ đến London để thăm đồng minh rất quan trọng, một thời "sát cánh" với Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq. Sau đó, ông Obama sẽ đến Deauville (Pháp) để dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 8 nền kinh tế phát triển (G-8), và điểm dừng chân cuối cùng là Warsaw (Ba Lan).

Giới phân tích nhìn thấy ở chuyến đi này là một cơ hội để ông Obama gần như "xóa bài làm lại" trong các chính sách đối với châu Âu. Một phần trong mục tiêu chuyến đi của ông là nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Âu và việc phục hồi các mối liên kết chặt chẽ với cựu lục địa đã được ông Obama cam kết từ đầu nhiệm kỳ. Trước đây, ông Bush theo đuổi chính sách chia châu Âu thành hai phần: "châu Âu cũ" gồm chủ yếu là các nước Tây Âu và "châu Âu mới" gồm các nước Trung và Đông Âu mới gia nhập EU và hăm hở "Tây tiến". Bây giờ, ông Obama chủ trương xóa bỏ sự "phân biệt đối xử" đó, đối xử với châu Âu "cũ" hay "mới" đều như nhau.

Trong 2 ngày thăm nước Anh (24 và 25/5), ông Obama dự tính sẽ có những trao đổi bổ ích với Thủ tướng David Cameron nhiều vấn đề về an ninh, về Libya, Afghanistan, Pakistan,… trong đó ông Obama dự tính sẽ cùng với Thủ tướng Cameron công bố việc thành lập Hội đồng Chiến lược An ninh Quốc gia - một sự hợp tác an ninh chung Mỹ-Anh mới thay thế cho sự hợp tác trước đây. Nhà Trắng cho biết, Hội đồng mới này sẽ tạo điều kiện thuận tiện để 2 nước hợp tác chặt chẽ hơn trong việc chia sẻ thông tin tình báo về các nguy cơ an ninh lâu dài. Còn Ba Lan, điểm dừng chân cuối cùng, hứa hẹn có nhiều vấn đề nhạy cảm khác chờ đợi ông Obama.

Năm ngoái, ông Obama đã phải hủy chuyến thăm Ba Lan ngay sau vụ tai nạn máy bay khiến Tổng thống Lech Kaczynski tử nạn nhằm "chia sẻ" với Ba Lan trong hoạn nạn, vì bụi núi lửa Iceland. Bây giờ, ông Obama dự tính sẽ cùng Ba Lan tưởng niệm những nạn nhân vụ tai nạn đó. Nhưng những vấn đề nhạy cảm liên quan đến việc cân bằng quan hệ chiến lược của Ba Lan với nước Nga và phương Tây chắc chắn sẽ là đề tài nóng hơn là các vấn đề "xa xôi" tận Libya hay Afghanistan.

Dư luận đặc biệt chú ý đến nội dung chủ đề chính của các cuộc hội đàm và hội nghị xuyên suốt chuyến đi của ông Obama lần này có sự thay đổi chút ít so với năm đầu tiên ông mới lên nhậm chức. Trong hai năm đầu tiên nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của ông Obama, mối quan hệ giữa châu Âu với nước Mỹ chủ yếu dựa trên bối cảnh khủng hoảng kinh tế và đôi bên cùng chung nỗ lực để giải quyết. Đó là một thay đổi so với thời ông George W.Bush vốn chủ yếu dựa trên sự hợp tác an ninh và chống khủng bố toàn cầu.

Khi đến thăm London và dự Hội nghị G-20 vào năm 2009, ông Obama được chào đón nồng nhiệt với tư cách là một "luồng sinh khí mới" cho quan hệ giữa đôi bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiên, nhìn vào lộ trình và nghị trình làm việc lần này của ông Obama ở châu Âu, với trọng tâm là Hội nghị G-8 ở Pháp, và mặc dù châu Âu vẫn đang loay hoay giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công, nhưng vấn đề kinh tế đã không còn là chủ đề chính của các cuộc hội đàm nữa. Thay vào đó, những vấn đề được cho là bao trùm chuyến đi của ông Obama bây giờ - và cũng là mối quan tâm chung của các cường quốc kinh tế lớn - chính là các vấn đề về an ninh, về tình hình chống khủng bố ở Nam Á và tình hình bất ổn tại các nước Arập khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Ngay cả trong Hội nghị G-8, những sự kiện nóng bỏng như: chiến sự ở Afghanistan, khủng bố tấn công ở Pakistan sau vụ việc Osama bin Laden, chiến sự khốc liệt tại Libya và các cuộc biểu tình, nổi dậy ở Syria, Yemen, Jordan, Bahrain, Morocco,… cũng sẽ lấn át, chiếm vị trí hàng đầu, còn các vấn đề kinh tế bị đẩy xuống "Phần B của chủ đề thứ 3" (các nhà ngoại giao ở châu Âu cho rằng, tại Hội nghị G-20 sắp tới tại Cannes, Pháp, chủ đề kinh tế mới thật sự được quan tâm thảo luận sâu).

Một trong những vấn đề liên quan đến tình hình Trung Đông và Bắc Phi, hứa hẹn sẽ có những thảo luận căng thẳng, chính là việc châu Âu đang kêu gọi Mỹ trở lại nắm vai trò "đầu tàu" trong cuộc chiến ở Libya - một lời đề nghị đã bị Washington "phớt lờ" suốt 2 tháng qua. Như một số nhà phân tích đã nói, trong tình thế khó khăn trăm bề về kinh tế, chính trị, xã hội, châu Âu đang cho thấy sẵn sàng trở lại "đi theo Mỹ" như trước đây. Đứng trước cơ hội này, liệu ông Obama sẽ tiếp tục từ chối vai trò dẫn đầu của mình hay sẵn sàng "chia sẻ khó khăn" với các đồng minh châu Âu?

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.