Chính trường Ai Cập: Bất ngờ về Thủ tướng mới

Thứ Sáu, 03/08/2012, 22:45

Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã chỉ định Hesham Kandil, một quan chức của chế độ  tổng thống Mubarak, người không thuộc đảng phái chính trị nào, vào vị trí thủ tướng của đất nước. Quyết định này gây ngạc nhiên cho nhiều người  Ai Cập vì Kandil là một chính khách còn trẻ và có ít kinh nghiệm chính trường.

Đối mặt với nhiều thách thức

Sự bổ nhiệm Kandil, một chính trị gia ít người biết tới, là một hành động thực hiện lời cam kết của Tổng thống Morsi. Ông đã thề là thủ tướng mới sẽ không phải là thành viên của đảng chính trị Anh em Hồi giáo. Morsi, ứng cử viên của đảng này, đã chịu sức ép từ phía các đảng phái chính trị khác khi chọn ra chính phủ điều hành đất nước. Tuy nhiên việc chọn Kandil, một chính trị gia chưa từng trải, sẽ khiến Ai Cập gặp không ít khó khăn trước mắt.

Kandil sẽ phải giải quyết các vấn đề về tài chính, sự chia rẽ sâu sắc về chính trị, các vấn đề về tôn giáo… dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các tướng lĩnh trong quân đội. Đây là những vấn đề rất lớn và nó thực sự là một thách thức. Các tướng lĩnh quân đội nắm quyền lập pháp và hạn chế quyền lực của Tổng thống. Sự lựa chọn này thực sự là một "canh bạc" của Morsi khi chưa biết chính phủ liên hiệp của Kandil có giải quyết được tình trạng kinh tế, chính trị của đất nước hay không, đặc biệt là các vấn đề gây nhức nhối như thất nghiệp, lạm phát, mức lương thấp….

Trong một cuộc họp báo ngắn gần đây, Kandil nói rằng: "Kiên nhẫn là cần thiết", ông cũng cho rằng kỷ nguyên về một quốc gia tham nhũng đã chấm dứt và việc ông cần làm hiện nay là làm thế nào để đạt được những mục tiêu về kinh tế, xã hội trong chương trình "tái thiết" của Morsi. Sự lựa chọn Kandil, 50 tuổi, là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Ai Cập, đã chấm dứt những đồn đoán ngờ vực trước đó. Tuy nhiên, chưa rõ nội các cũ và các tướng lĩnh có cho phép Kandil được độc lập trong việc lựa chọn những vị trí chủ chốt như Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Nội vụ hay  không.

Kandil và Morsi đều được đào tạo ở Hoa Kỳ. Cả hai đều nhận học vị tiến sĩ kỹ thuật. Kandil là một chuyên gia cao cấp ngành nước dưới thời Tổng thống Mubarak và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Nguồn nước năm 2011.

Tổng thống Mohammed Morsi (trái) và thủ tướng Hesham Kandil.

Những ngờ vực

Sự thăng tiến nhanh chóng của Kandil gây ngạc nhiên cho không ít người. Giới chính trị ở đây cũng chia rẽ và bất bình về quyết định này. "Ông ấy không được công chúng biết tới. Ông ta không có kinh nghiệm về chính trị hay kinh tế. Ông ta chỉ đơn giản là một quan chức cao cấp của chế độ cũ mà thôi". Nabil Abdel Fattah, một cố vấn và nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính trị và chiến lược Al Ahram, nhận xét về Kandil.

Còn Hisham Tawfiq, một thành viên quản trị của thị trường chứng khoán Ai Cập thì nói rằng: "Thực sự mà nói, tôi không nghĩ đây là thủ tướng mới. Tôi đã mong Tổng thống chọn một người có kinh nghiệm về kinh tế vì thế quyết định này làm tôi cảm thấy có chút bực bội và thất vọng nhưng chúng tôi sẽ phải chờ xem".

Gần đây, Kandil và Morsi tham dự một cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh châu Phi. Cuộc họp này rất quan trọng đối với Cairo nhằm tái lập lại quan hệ với những khu vực có nhiều căng thẳng dưới thời Mubarak, đặc biệt là những quốc gia có dòng sông Nile chảy qua. Ai Cập hiện đang nắm giữ quyền lớn đối với con sông này nhưng những nước như Ethiopia và các quốc gia khác cũng đang mong muốn được chia phần nhiều hơn để phát triển nông nghiệp, sản xuất điện….

Kandil đã làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Phi và Tổ chức Sáng kiến lưu vực sông Nile để xác định quyền nước và quyền quyết định nguồn cung cấp nước tương lai của Ai Cập. Tuy nhiên các chính trị gia và các nhà phân tích vẫn đang ngờ vực liệu ông có khả năng điều khiển được quyền lực của quân đội trong các  quyết định về các vấn đề trong và ngoài nước hay không.

"Tôi nghĩ ông ấy hơi mềm mỏng - Ala Ezz, Tổng thư ký của Liên đoàn Công nghiệp Ai Cập, người từng lớn lên với Kandil, nói - Vị trí này cần một người mạnh mẽ và tích cực hơn".

Morsi đã nỗ lực thâu tóm quyền lực từ tay quân đội, lực lượng kiểm soát đất nước sau khi chế độ của ông Mubarak sụp đổ. Quân đội đã cắt bớt quyền lực của Morsi, giải tán Quốc hội, một lực lượng hậu thuẫn lớn của Tổng thống. Sắp tới Tòa án sẽ ra một phán quyết về việc quân đội cần phải trao nhiều quyền hơn cho Tổng thống.

Đây là phép thử để tân Thủ tướng Kandil đối mặt với những khó khăn của đất nước khi phải chật vật điều hành trong sự kiểm soát của các tướng lĩnh.

Người phát ngôn của Morsi, Tổng thống dân sự đầu tiên của đất nước, đã gọi Kandil là một công dân "yêu nước độc lập". Hy vọng rằng với sự tin tưởng của Tổng thống, Thủ tướng Kandil sẽ chèo lái đất nước Ai Cập ra khỏi những khó khăn, vượt qua được thách thức

Lương Lan (tổng hợp)
.
.