Sau cuộc cải tổ nội các của Thủ tướng Samak sundaravel:

Chính trường Thái Lan tiếp tục bất ổn

Thứ Bảy, 09/08/2008, 08:30
Việc liên minh cầm quyền do đảng Quyền lực nhân dân (PPP) đệ trình phương án sửa đổi hiến pháp ngay trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội nhất là khi tân nội các của Thủ tướng Samak Sundaravej vừa ra mắt sau khi mới cải tổ đang là chủ đề thời sự tranh luận của các phe phái, cũng như nhiều giới trong xã hội. Do đó, đây được coi là “hàn thử biểu” về sự tín nhiệm của dư luận đối với chính phủ mới của Thủ tướng Samak Sundaravej.

Sự chống đối của phe đối lập

Ngay sau khi biết kế hoạch của PPP, Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) đã tái khẳng định việc huy động lực lượng, tổ chức những cuộc biểu tình lớn trên phạm vi rộng khắp nhằm ngăn cản việc sửa đổi hiến pháp. Điều đáng nói là việc này diễn ra trong khi có hơn 53% người dân đồng ý với chủ trương sửa đổi hiến pháp, có gần 47% còn lại phản đối.

Đây là kết quả cuộc điều tra dư luận vừa được Trung tâm Nghiên cứu ABAC Poll tiến hành ở 18 tỉnh, thành phố thuộc các vùng miền khác nhau của Thái Lan và điều này đang khiến giới chuyên môn quan tâm bởi nó liên quan tới sự bất ổn hiện nay trên chính trường Thái Lan.

Nhiều người coi đây là “kết quả” tất yếu của việc chỉ có khoảng 58% cử tri Thái Lan bỏ phiếu, đồng ý với bản hiến pháp trước đây. Nhưng giới phân tích lại cho đó là hệ quả của sự chống đối mà phe đối lập đã và đang tiến hành. PAD tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình, ít nhất là đến ngày 18-8 để phản đối chính phủ sửa đổi bản hiến pháp năm 2007. PAD công khai tuyên bố, mục tiêu của họ là lật đổ chính phủ của ông Samak Sundaravej.

Thủ tướng Samak Sundaravej từng cáo buộc PAD có kế hoạch chiếm giữ 73 văn phòng chính quyền địa phương ở 73 tỉnh, thành phố trên toàn quốc nhằm kích động quân đội đảo chính. Thủ tướng Samak Sundaravej cũng khẳng định, hiến pháp hiện nay, Ủy ban Bầu cử và Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia là một phần trong những nỗ lực nhằm lật đổ chính phủ của ông.

Được biết, trước khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej chấp thuận kế hoạch cải tổ nội các của Thủ tướng Samak Sundaravej, ngày 1-8, Quốc hội đã họp trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của 750 cảnh sát vũ trang đề phòng sự “làm loạn” của PAD.

Những giải pháp nửa vời?

Dư luận không quan tâm nhiều tới việc “đảo quân” của Thủ tướng Samak Sundaravej bởi người ta hiểu đây là giải pháp tình thế bởi nội các mới 6 tháng tuổi của ông đang phải chịu sức ép từ nhiều phía. Nhưng giới bình luận lại coi những gì đang diễn ra trên chính trường Thái Lan là giải pháp nửa vời và khó mang lại kết quả. Về phần mình, người dân cũng như dư luận chỉ chú ý tới tính lâu dài trong chính sách, cũng như sự ổn định để mọi người yên tâm làm ăn.

Thủ tướng Samak Sundaravej quyết định cải tổ nội các sau khi đảng Puea Pandin rút khỏi chính phủ liên minh và vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ hôm 27/6 vừa qua.

Được biết, cựu Bộ trưởng Y tế Chiya Sasomsub trở lại nội các với tư cách Bộ trưởng Thương mại. Người tiền nhiệm Mingkwan Sangsuwan được cử giữ chức Bộ trưởng Công nghiệp. Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Chavarat Charnvirakul được cử đứng đầu bộ này. Cựu Bộ trưởng Văn hóa Anusorn Wongwan được cử giữ chức Bộ An ninh và Phát triển xã hội. Cựu Phó chủ tịch Quốc hội Somsak Kiartsuranon được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Văn hóa. Còn cựu Cảnh sát trưởng quốc gia Kowit Wattana được cử giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã chấp thuận kế hoạch cải tổ nội các của Thủ tướng Samak Sundaravej.

Trong khi một số nhà phân tích coi đây là động thái nhằm giảm bớt sức ép đối với chính phủ của ông Samak Sundaravej do “không hoàn thành tốt nhiệm vụ” thì nhiều người lại có cách nhìn khác. Họ coi đây là bước đi đã được chuẩn bị từ trước và đó là giải pháp nhằm đối phó hữu hiệu đối với phe đối lập. Nhiều người hy vọng, tân chính phủ sẽ đứng vững sau cuộc cải tổ, nhưng xem ra Thủ tướng Samak Sundaravej vẫn còn khá nhiều việc phải làm trước khi làm chủ tình hình.

Lên nắm quyền mới được 6 tháng, nhưng chính phủ của Thủ tướng Samak Sundaravej luôn phải đối mặt với những cuộc tấn công chính trị, pháp lý, biểu tình cùng sự suy yếu của nền kinh tế do vật giá leo thang. Nhiều người thẳng thắn nhận định, cải tổ không đồng nghĩa với việc tân chính phủ sẽ lập tức nhận được sự ủng hộ của dư luận, cũng như gia tăng uy tín trong người dân.

Hiện dư luận đang dõi theo cách chèo lái đất nước vượt qua khó khăn của tân chính phủ và điều này có quan hệ chặt chẽ với việc tồn tại của Thủ tướng Samak Sundaravej, cũng như chính phủ liên hiệp. Giới chuyên môn cảnh báo, nếu thêm một số đảng nữa rút lui khỏi chính phủ liên hiệp giống như đảng Puea Pandin thì Thủ tướng Samak Sundaravej sẽ buộc phải giải tán Quốc hội, biện pháp duy nhất để tránh cho chính phủ bị sụp đổ.

Một số nhân tố bất ổn khác

Không thể nói chính trường Thái Lan đứng ngoài cuộc tranh chấp biên giới với Campuchia xung quanh ngôi đền Preah Vihear. Mặc dù Ngoại trưởng Thái Lan Tej Bunnag và người đồng cấp Campuchia Hor Namhong đã thống nhất một số giải pháp nhằm giải quyết những bất đồng đối với ngôi đền Preah Vihear, nhưng việc thực thi không diễn ra đúng như kế hoạch. Nhiều người cho rằng, phe đối lập đang lợi dụng tối đa vấn đề này để chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Samak Sundaravej.

Trong một diễn biến khác, nhiều vụ đánh bom liên tiếp đã diễn ra tại 2 địa danh du lịch nổi tiếng là Songkhla và Hat Yai ở tỉnh Songkhla, miền Nam Thái Lan tối 2/8 vừa qua. Được biết, Songkhla, Pattani và Yala là 3 tỉnh đông người Hồi giáo sinh sống và thường xuyên xảy ra bạo lực khiến nhiều người thiệt mạng. Trước đó tại tỉnh Udon Thani đã xảy ra xung đột bạo lực giữa những người biểu tình của PAD với “Nhóm người yêu Udon” khiến hàng chục người bị thương. Tư lệnh Lục quân, Đại tướng Anupong Paochinda nhấn mạnh, sử dụng bạo lực sẽ chỉ làm cho tình hình nghiêm trọng thêm

Nguyễn Diệu Hương Ly (Tổng hợp)
.
.