Chưa, nhưng sẽ…

Chủ Nhật, 03/03/2019, 08:41
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai tại Hà Nội chưa có một kết quả mang tính lịch sử. Tuy nhiên, cả Triều Tiên và Mỹ đã đạt "tiến bộ có ý nghĩa hơn bao giờ hết". Lòng tin được củng cố thêm, những bước tiến nhỏ nhưng thiết thực cho phép tin vào cơ hội lớn hơn ở phía trước.

Chưa thể đi đến cuối con đường

Hãng thông tấn nhà nước của Triều Tiên (KCNA) cho biết Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội đã được bắt đầu nhờ vào "ước muốn mãnh liệt" và "lòng quyết tâm đặc biệt" của hai nhà lãnh đạo để chấm dứt tình trạng đối đầu và thù địch, mở ra một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng.

Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định đối thoại với Chủ tịch Kim Jong-un mang tính xây dựng. Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội chiều 28-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, mặc dù ông và Chủ tịch Kim Jong-un đã có một cuộc đối thoại tốt đẹp và mang tính xây dựng nhưng hai nhà lãnh đạo chưa thể đi đến một thỏa thuận nào do những bất đồng về vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CTV.

Tổng thống Donald Trump cho biết, phía Triều Tiên muốn được gỡ bỏ lệnh trừng phạt trước khi tháo dỡ cơ sở hạt nhân, song Mỹ không đồng ý. Cũng tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Chúng tôi đã đạt được những bước tiến triển thực sự...". Tổng thống Donald Trump cho rằng, ông Kim Jong-un đã có những thay đổi nhất định trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

“Chủ tịch Kim Jong-un là một người có tính cách thú vị, quan hệ giữa chúng tôi rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, đôi khi bạn phải đi một cách chậm rãi... Chúng tôi thấy việc ký kết một thỏa thuận vào thời điểm này không thực sự phù hợp". Theo Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Kim Jong-un tỏ ý sẵn sàng dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon nhưng muốn mọi lệnh cấm vận phải được dỡ bỏ trước.

Nói về lệnh cấm vận, Tổng thống Trump cho biết thêm, ông rất muốn dỡ bỏ các cấm vận với Triều Tiên trong tương lai vì ông tin rằng Triều Tiên có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Tổng thống Trump cho biết, ông hoàn toàn có thể ký kết một thỏa thuận nhưng ông không muốn vội vã. Tổng thống Mỹ nói: "Tôi muốn làm theo cách đúng đắn chứ không phải theo cách nhanh chóng".

Tổng thống Mỹ Donlad Trump với lá cờ Việt Nam trên tay tại cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: CTV.

Dù không đi tới kết quả nào, Tổng thống Trump cho biết có nhiều bước tiến đã đạt được khi Chủ tịch Kim Jong-un nói rằng Triều Tiên sẽ không tiến hành thử hạt nhân thêm. Ông Trump nói: "Các vụ thử vũ khí sẽ không diễn ra, đặc biệt là thử tên lửa hay bất cứ thứ gì liên quan đến hạt nhân... Và tôi tin lời ông ấy".

Còn trong buổi họp báo muộn lúc 23h30 cùng ngày, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho khẳng định Bình Nhưỡng đã đưa ra đề nghị mang tính thực tế nhưng chưa đạt kết quả. Theo đó, Bình Nhưỡng chỉ yêu cầu dỡ bỏ một phần (5 trên 11 lệnh cấm vận) chứ không phải toàn bộ như giải thích của Tổng thống Mỹ trong buổi họp báo trước đó.

Ngoại trưởng Ri cho biết Bình Nhưỡng đã đặt lên bàn đàm phán tại Hà Nội đề nghị chấm dứt vĩnh viễn thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa, song có vẻ như điều đó chưa đủ đối với Mỹ. “Mỹ là bên chưa sẵn sàng chấp nhận đề xuất của chúng tôi”, ông Ri nói tại cuộc họp báo.

Hội nghị thu hút hàng nghìn phóng viên từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Zing.

Nền móng cho sự tiến triển

Nói về mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Trump cho biết, bất chấp việc chưa đạt được một thỏa thuận nhưng ông khẳng định bầu không khí của cuộc gặp và quan hệ của ông và Chủ tịch Kim Jong-un vẫn tốt đẹp. "Không phải giống như bạn chỉ đứng dậy và bỏ đi. Mối quan hệ của chúng tôi rất nồng ấm và khi chúng tôi đứng dậy khỏi bàn đàm phán thì đó là một cách kết thúc rất hữu nghị".       

Các nguyên thủ của nhiều quốc gia trong khu vực hay các quốc gia có liên quan đã bày tỏ tiếc nuối vì hai bên không đạt thỏa thuận, song đánh giá rằng hai bên đã đạt "tiến bộ có ý nghĩa hơn bao giờ hết". Tuy nhiên, hầu hết các phát ngôn của các quốc gia đều hiểu rõ sự "chân thành" của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hy vọng "đối thoại Mỹ - Triều sẽ được tiếp tục" khi nhiều người cảm nhận rõ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này thành công ngay từ cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 27-2.

Giới quan sát quốc tế có chung một nhận định: Những bước đi, dù là nhỏ nhất, cũng được nhìn nhận là thành công nếu điều này đủ sức tạo nền móng cho sự tiến triển của cả hai nước trong tương lai. Giới quan sát cho rằng, trong cuộc gặp lần này, những chuyển biến đã rõ nét hơn rất nhiều, từ các tuyên bố mang tính đe dọa chiến tranh tới những hứa hẹn hòa bình, luôn được xem là thành quả to lớn đối với mọi chính quyền.

Tổng thống Trump đã nhận được sự hoan nghênh khi thuyết phục thành công Bình Nhưỡng tạm ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong hơn một năm qua. Hơn thế nữa, việc hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm cũng được đánh giá là một điều phi thường. Ngay từ đầu, các chuyên gia đã biết để có một thỏa thuận về việc ngay lập tức xúc tiến tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ là kết quả tuyệt vời nhất, song điều này rất khó xảy ra, nhất là trong ngắn hạn.

Hội nghị thu hút hàng nghìn phóng viên từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Zing.

Ngay cả khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẵn sàng tiến tới thỏa thuận, đúng như những gì Tổng thống Trump tin tưởng, thì việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn không thể diễn ra "một sớm một chiều". Song, những tia hy vọng đang rõ ràng hơn rất nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Đây là cơ hội cần được nắm bắt, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã đúng khi theo đuổi nó.

Những tiến bộ ngoại giao và khi lòng tin được xây dựng, người ta có thể nghĩ đến những kịch bản xa hơn. Bế tắc trên Bán đảo Triều Tiên đã kéo dài hơn 7 thập niên và khó có thể chấm dứt điều này chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng, nền tảng cho những thay đổi và cải cách sau này đã xuất hiện.

Lòng tin chưa đủ lớn

Có thể thấy rõ cách mà nhà lãnh đạo Mỹ nói về cuộc họp này khá cởi mở và thân thiện cho thấy dù không đạt được thỏa thuận, song Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã "có thời gian hữu ích" với Chủ tịch Kim Jong-un và không khí kết thúc cuộc gặp "rất tốt, không ai ra về trong giận dữ". Theo ông Trump, tầm nhìn phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên đang xích lại gần nhau và ông cũng để ngỏ cơ hội cho các cuộc gặp Mỹ - Triều tiếp theo.

Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội cho thấy vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thực sự là bài toán hóc búa, không dễ giải quyết trong thời gian ngắn. Thực tế rằng quan điểm và nhận thức của hai bên về vấn đề phi hạt nhân hóa còn quá nhiều khác biệt và rõ ràng Mỹ và Triều Tiên vẫn còn những nghi ngờ chưa thể hóa giải. Lòng tin chiến lược mới được xây dựng sau cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 6 năm ngoái tại Singapore chưa đủ lớn và đó cũng là lý do hai bên dù có những động thái mang tính thiện chí trong 8 tháng qua, song vẫn chỉ là những bước nhượng bộ nhỏ để thăm dò phản ứng của đối phương. Thời gian 8 tháng cũng chưa đủ để Mỹ và Triều Tiên giải quyết được mọi mâu thuẫn đã khiến quan hệ hai nước đối đầu suốt hơn 7 thập niên qua.

Việc duy trì được không khí đối thoại là vô cùng quan trọng. Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên đều phát đi những thông điệp rằng họ sẵn sàng nỗ lực để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Mặc dù chưa thể đi tới tuyên bố chung, song thái độ của hai bên đều cho thấy sự mềm mỏng, thay vì cứng rắn.

Quang cảnh buổi họp báo muộn của phái đoàn Triều Tiên tại Hà Nội.

Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh lần này cho thấy Mỹ và Triều Tiên đều cần thêm thời gian để cân nhắc có những nhượng bộ cần thiết cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Điều quan trọng là cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội đã thu hẹp khoảng cách giữa hai bên để Mỹ và Triều có thể tiếp tục cùng nhau vượt qua chặng đường dài tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp mở rộng giữa phái đoàn hai bên, Chủ tịch Triều Tiên khẳng định sự sẵn sàng phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho biết Bình Nhưỡng và Washington đang thảo luận những bước đi cụ thể trong tiến trình này.

Chả vậy mà khi được phóng viên đặt câu hỏi: "Thưa ngài Kim Jong-un, ông đã sẵn sàng cho phi hạt nhân hóa chưa". Chủ tịch Triều Tiên trả lời: "Nếu không sẵn sàng để làm như vậy, tôi đã không có mặt ở đây". Tổng thống Trump cũng cho rằng "Đây có thể là câu trả lời hay nhất mà các bạn từng được nghe". Nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ.

Những dấu hiệu tích cực

Hội nghị thượng đỉnh lần hai cũng ghi nhận sự cầu thị của cả hai phía khi ý tưởng mở văn phòng liên lạc ngoại giao Mỹ - Triều nhận phản hồi tích cực. Chuyên gia về Triều Tiên Ankit Panda, biên tập viên của tạp chí Diplomat nhận định ý tưởng trên là "cách thức cụ thể và kịp thời để thay đổi mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên theo hướng tích cực".

Còn trong cuộc trả lời báo giới sau cuộc họp song phương mở rộng trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai, khi được hỏi rằng liệu Mỹ có thể lập văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng hay không, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trả lời: "Tôi nghĩ đó là điều đáng hoan nghênh... Tôi nghĩ chúng ta cần thêm thời gian thảo luận". Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng "đó là một ý tưởng tốt".

Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho biết Tổng thống Hàn Quốc theo dõi sát cuộc gặp và nhận định hội nghị thượng đỉnh lần hai sẽ giúp định hình mối quan hệ liên Triều trong tương lai. Theo đó, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh Seoul sẽ vạch ra con đường riêng trong 100 năm sắp tới với tên gọi “Cơ chế Bán đảo Triều Tiên mới”.

Kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 diễn ra trong hai ngày 27 - 28-2-2019 tại Hà Nội ngoài việc thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, còn mở ra kỳ vọng cho sự ổn định an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là khu vực Đông Bắc Á. Kết quả hội nghị đã ghi dấu ấn vô cùng quan trọng trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những biến đổi lớn lao cả về chính trị, an ninh, kinh tế...

Hội nghị mang dấu ấn và ý nghĩa thực tiễn vô cùng quan trọng. "Là một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam hiểu được và trân quý giá trị của hòa bình. Vì vậy, Việt Nam mong muốn và nỗ lực đóng góp hết sức mình vào tiến trình hòa bình, hòa giải phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Việc Hà Nội được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai, thể hiện lòng tin đối với Việt Nam, qua đó thấy được vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và đối với các đối tác. Với sự chuẩn bị chu đáo trong thời gian qua, từ khâu lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế, truyền thông, chứng tỏ Việt Nam đầy đủ năng lực để đăng cai các sự kiện quốc tế lớn", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng nói.

Hoa Huyền
.
.