Chúc nhau liêm chính

Thứ Hai, 23/01/2012, 05:20

Bước sang năm mới, người ta thường chúc nhau những điều tốt lành. Đủ các chữ Phúc, Lộc, Thọ, An, Khang… Nhưng tự rèn mình thì thường xin chữ Tâm. Mỗi năm một khác, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác cho nên có thể ước mong không năm nào giống năm nào.

Năm nay - Nhâm Thìn, 2012, nghĩ về mình lại nghĩ về đất nước, một anh bạn nói: "Năm nay chúng ta nên chúc nhau Liêm Chính". Nghe thế tưởng chừng như anh bạn đang "lên gân lên cốt" gì đây, đành phải nghe giải thích. Anh bạn nói: Xem ra, giữ được Liêm Chính thì giữ được chữ Tín với nhân dân, với đồng nghiệp, với bạn bè cho nên lúc này là Phúc lớn và bền lâu, là An bình, thanh thản, là Khang - yên vui, khỏe mạnh. Chữ Tâm lúc này cần thể hiện trong Liêm Chính.

- Đạo đức Hồ Chí Minh có nhiều nội dung nhưng Người thường nhắc tới Cần, Kiệm, Liêm, Chính, sao ông lại nhấn mạnh Liêm Chính?

- Ai dám coi nhẹ Cần Kiệm, cái gốc làm nên phú cường, nhưng mỗi năm, mỗi thời điểm nên nhấn mạnh một nội dung, xem ra lúc này, chữ Liêm Chính đang nổi lên như ước ao của nhiều người.

- Chữ Liêm Chính xem ra là đạo đức của cán bộ, viên chức?

- Cán bộ Liêm Chính giữ trong mối quan hệ tốt đẹp, trong sáng giữa Nhà nước với nhân dân, giữa cấp trên với cấp dưới nhưng cũng là của mọi người - Anh bạn khẳng định như vậy.

Liêm nói gọn lại là trong sạch, không tham lam. Người cán bộ, viên chức được gọi là Liêm, theo Bác Hồ là người "không ham địa vị, không tham tiền tài, không ham tâng bốc". Người còn khuyên "Chớ tham của, chớ tham sắc, chớ tham danh vọng" để giữ được chữ Liêm. Nhưng giữ cho cuộc sống trong sạch, không tham lam, sống bằng sự đóng góp chính đáng của mình, trong khuôn khổ pháp luật, không buôn gian bán dối, không lừa đảo để sung túc, giàu có mà trong lòng thanh thản cũng là mong muốn của mọi người. Thế chẳng phải chữ Liêm là điều tự rèn luyện mà cũng là mong muốn cho nhau không chỉ với cán bộ, viên chức mà của cả mọi người sao?

Đã Liêm còn phải Chính. Chính là thẳng thắn, đúng đắn. Không "chính" tức là "tà". Bác Hồ đã nói: con người đã Cần, Kiệm, Liêm nhưng phải Chính mới là "người hoàn toàn". Theo Người, làm việc "chính" là làm việc tốt, việc thiện. Làm việc ác, việc xấu là làm việc tà. Làm lợi cho dân là làm việc chính, làm hại cho dân dù là nhỏ cũng là làm việc tà; tôn trọng nhân dân là chính; hách dịch, đe nẹt, ức hiếp nhân dân là tà. Con người chân chính theo Hồ Chủ tịch là phải "phò chính, trừ tà". Ngay thẳng đúng đắn, hết lòng phò chính trừ tà không chỉ là sự phấn đấu của cán bộ mà là của toàn dân; thấy chủ trương đúng, mới mẻ, cán bộ tốt hết lòng vì dân thì ra sức ủng hộ, thấy chủ trương không phù hợp, thấy cán bộ dù ở cấp nào làm sai cũng thẳng thắn góp ý, đấu tranh kiên quyết và đúng mực không sợ bị thiệt thòi, thế là con người "chính". Thế chẳng phải chữ Chính là điều cần rèn luyện và mong muốn cho nhau trong lúc này hay sao?

Muốn giữ được Liêm Chính trước hết con người phải biết liêm sỉ, nghĩa là phải biết xấu hổ, biết buồn tủi trước việc làm xấu của mình; quyết không che giấu, nghĩa là phải Chính với chính mình để mình mỗi ngày một tốt hơn.

Đảng ta vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Lãnh đạo khác với chỉ huy. Là Người lãnh đạo, phải có khả năng lãnh đạo. Nhiều nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng khả năng lãnh đạo trước hết là khả năng thuyết phục, thu hút người khác theo mình; điều đó quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố chủ yếu như:

Là tấm gương về đạo đức, trí tuệ để mọi người thấy đúng đắn mà kính phục, noi theo;

Là phẩm chất giữ đúng lời hứa để giữ được chữ Tín với nhân dân, với đồng nghiệp;

Là người nhất quán trong hành động, lời nói đi đôi với việc làm để mọi người yên tâm làm theo chỉ dẫn;

Và là người đối xử công bằng với mọi người, mạnh dạn thu hút và dùng người có tài cho dù người đó không ăn ý với mình; xử sự với nhau thì phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn…

Chắc có thể còn nhiều yếu tố khác nữa nhưng cứ xem như thế để thấy Liêm Chính quan trọng nhường nào với vị trí "đầy tớ" cũng như "lãnh đạo" nhân dân.

Đầu năm cùng chúc nhau Liêm Chính chẳng đúng lắm sao?

Nhâm Thìn - 2012

H.T.
.
.