Chương trình huấn luyện chuyên gia đàm phán của cảnh sát Mỹ

Thứ Hai, 17/10/2005, 09:01

Ngoài những kỹ năng sử dụng vũ khí và các chiến thuật của một cảnh sát, chuyên gia đàm phán còn phải luôn duy trì các kỹ năng giao tiếp cá nhân và chuẩn bị tinh thần để giúp đỡ những thành viên khác của đội.

Từ hàng chục năm nay, Cảnh sát Mỹ đã sử dụng những phương pháp khác nhau để thuyết phục những kẻ tình nghi và những đám đông tự nguyện làm theo đề nghị của cảnh sát. Tuy nhiên, mãi tới những năm 70 của thế kỷ trước, Cảnh sát thành phố New York và FBI mới xây dựng các chương trình huấn luyện cho các chuyên gia đàm phán trong những vụ bắt giữ con tin.

Chương trình này được thiết kế nhằm mục đích giao tiếp với những tên tội phạm bắt giữ con tin, đặc biệt là bọn khủng bố, để thuyết phục chúng đầu hàng mà không phải đổ máu. Kỹ thuật đàm phán không chỉ bó hẹp trong những vụ bắt giữ con tin mà còn được sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau như tự vẫn, bạo lực tại trường học, công sở và cả những vụ bạo lực gia đình. Dần dần, kỹ thuật đàm phán của cảnh sát được hoàn thiện và được các chuyên gia đánh giá cao về tính hiệu quả.

Thông thường những chuyên gia đàm phán giỏi bao giờ cũng trưởng thành từ những nhân viên điều tra giỏi nhất. Đó là những người có kỹ năng thẩm vấn và phỏng vấn tốt, xử lý tốt những tình huống căng thẳng và biết sử dụng những phương pháp dễ gần và ôn hòa để hạn chế những tình huống nguy hiểm.

Ngoài những kỹ năng cần thiết trên, chuyên gia đàm phán cũng cần phải có một số đặc điểm khác như: tính chín chắn, khả năng chịu đựng áp lực trong công việc và tính đồng đội cao. Không chỉ lấy ứng cử viên từ những đội đặc nhiệm, mà một số người có những khả năng đặc biệt cũng có thể được lựa chọn.

Các nữ chuyên gia đàm phán có khả năng làm dịu tình huống căng thẳng, tạo cảm giác yên ổn cho nhiều đối tượng, trong khi những người biết nhiều thứ tiếng lại có khả năng nói chuyện với đối tượng bằng thứ tiếng mẹ đẻ của họ.

Nhiều người cho rằng, các chuyên gia đàm phán có khả năng hùng biện bẩm sinh nhưng chỉ đúng một nửa. Họ còn phải trau dồi một số kỹ năng quan trọng khác, trong đó quan trọng nhất là khả năng biết lắng nghe kỹ lưỡng và nhận ra các chi tiết thuận lợi cho công việc của mình. Họ có khả năng tạo ra cầu nối với các đối tượng, hiểu và cảm thông với đối tượng.

Việc huấn luyện các kỹ năng giao tiếp cũng như những phương pháp đàm phán do nhiều tổ chức khác nhau như Hiệp hội Sĩ quan chiến lược quốc gia, Viện nghiên cứu của cảnh sátViện nghiên cứu của FBI tại Quantico... tổ chức. Mỗi khóa huấn luyện kéo dài ít nhất 40 tiếng đồng hồ và bao gồm nhiều vấn đề như hoạt động và giám sát theo nhóm như thế nào, các loại tình huống và những chiến thuật áp dụng, vấn đề xử lý stress. Các học viên cũng phải tham gia thực tập trong các tình huống giả định nhằm rèn luyện các kỹ năng đàm phán của mình

Hà Trần (Theo PoliceMag)
.
.