Chuyển biến đối thoại liên minh Thái Bình Dương

Thứ Hai, 27/04/2020, 12:31
Lâu nay, khu vực Quần đảo Thái Bình Dương không nằm trong các cuộc thảo luận của liên minh Mỹ-Australia về hợp tác an ninh và ngăn chặn ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều này đang bắt đầu thay đổi.

Hai nước giờ nhận ra nhu cầu cần đưa khu vực quần đảo này vào các đối thoại an ninh thường niên nhằm ứng phó với tình hình mới.

Về mặt lịch sử, khu vực này không phải là nơi chứa đựng những mối đe dọa quân sự “truyền thống” hàng đầu. Tuy nhiên, cả Mỹ và Australia hiện không thể bỏ qua khu vực này khi nó trở thành một lãnh địa cho hoạt động an ninh của Trung Quốc. Trên thực tế, một căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương có thể giúp Trung Quốc có một “chỗ trú chân” để tiến hành các chiến dịch nhằm gây sức ép đối với Australia, thọc sườn Mỹ... và thu thập thông tin tình báo nếu xảy ra khủng hoảng an ninh khu vực.

Vì vậy, đã xuất hiện những tranh luận về nhu cầu ngày càng gia tăng cần đưa vào nội dung các cuộc thảo luận của đối thoại liên minh Mỹ - Australia vấn đề lên kế hoạch và hành động nhằm đối phó với nguy cơ nói trên.

Mỹ- Australia hiện thực hóa khả năng ngăn chặn răn đe ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cách tiếp cận truyền thống

Lâu nay, cả Mỹ và Australia đều có những lợi ích lâu dài trong khu vực, song cả hai lại chưa đầu tư đủ nguồn lực và can dự để đảm bảo duy trì được lợi ích được thúc đẩy từ một cuộc khủng hoảng xảy ra trong ngắn hạn. Một số ý kiến cho rằng Bắc Kinh đã gia tăng tầm ảnh hưởng ở khu vực quần đảo Thái Bình Dương trong khi Washington thì “ngủ quên trên chiến thắng”.

Trên thực tế, khu vực này vẫn nằm ngoài tư duy chiến lược của Chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tài liệu Chiến lược Quốc phòng 2017 của Mỹ đã không có một từ ngữ nào đề cập đến khu vực này. Trong khi đó, các tài liệu Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ lại không đưa ra bất kỳ kế hoạch lâu dài nào để giải quyết những thách thức chiến lược ở khu vực.

Còn đối với Australia, các chính sách của Canberra đối với khu vực này lâu nay thường ở phạm vi hạn hẹp, dù gần đây Canberra đã thể hiện quan tâm nhiều hơn. Canberra lâu nay đã quen với việc coi Thái Bình Dương là khu vực của những mối đe dọa an ninh phi truyền thống chủ đạo và những chiến dịch quân sự ở khu vực Trung Đông xa xôi lại trở thành nhân tố thúc đẩy Australia tập trung phát triển năng lực và chi tiêu cho các chiến dịch này kể từ năm 2001.

Chỉ khi nhận ra tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương thì Canberra mới “bừng tỉnh” để rồi chuyển hướng chú ý và tài nguyên chiến lược của mình quay trở lại khu vực. Canberra đã tiến hành chính sách “Tăng cường Thái Bình Dương” trong đó tập trung vào hai thành tố chính là viện trợ và phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời nâng cao quy mô của các hoạt động can dự an ninh khu vực. Ngoài ra, nỗ lực “quay trở lại khu vực” của Australia còn được ghi nhận trong cuộc tập trận hải quân Indo-Pacific Endeavor diễn ra thường niên ở khu vực Thái Bình Dương.

Tình hình mới

Mặc dù có thể được thúc đẩy nhiều hơn bởi “chủ nghĩa cơ hội chiến lược” chứ không phải bởi một đại chiến lược, sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với liên minh My ä- Australia nếu các dự án xây dựng cở sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ cho khu vực trở thành vỏ bọc bên ngoài cho sự hiện diện quân sự thường xuyên của Trung Quốc ở khu vực. Khi đó, Bắc Kinh có thể do thám các hoạt động của liên minh trong thời bình, kiểm soát các hải lộ  thiết yếu hoặc đe dọa các lực lượng bản địa nếu xảy ra một cuộc xung đột ở châu Á.

Tình trạng quản trị yếu kém và yêu cầu chỉ xây cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ sẽ tạo nên nhân tố chi phí - lợi ích đối với Bắc Kinh nếu nước này rốt cục tìm kiếm sự tiếp cận chiến lược ở khu vực. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Phillip Davidson gần đây miêu tả sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh là “bình phong để thúc đẩy những mối quan tâm an ninh của Trung Quốc”, bao gồm cả những căn cứ quân sự ở khu vực Quần đảo Thái Bình Dương.

Những sự việc gần đây càng hun đúc cho những quan ngại nói trên. Ví dụ, tháng 10-2019, giới chức đảo Tulagi thuộc Solomon đã ký thỏa thuận cho một công ty nhà nước Trung Quốc thuê toàn bộ đảo này, một thỏa thuận cuối cùng bị chính quyền trung ương Solomon hủy bỏ. Trước đó, hồi tháng 4-2018, tin tức cho hay Trung Quốc và Vanuatu đã thảo luận việc Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự ở đảo quốc Nam Thái Bình Dương này, song cả hai đều bác bỏ.

Một số lựa chọn

Canberra và Washington có thể tìm cách thiết lập các cơ sở hạ tầng của liên minh tại các vị trí quan trọng chiến lược như đã làm ở Papua New Guinea và sắp tới là Solomon. Tuy nhiên, chạy đua với Bắc Kinh chỉ bằng “ngoại giao tiền tệ” có thể không làm tăng lợi thế cho liên minh trong dài hạn, do đó gây khó khăn cho liên minh trong việc ngăn chặn Trung Quốc có được sự tiếp cận chiến lược trong khu vực một khi nước này quyết làm như vậy.

Do đó, lựa chọn thứ hai ít tốn kém hơn là liên minh có thể đầu tư vào những năng lực quân sự mới nhằm hạn chế khả năng hoạt động của các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Ví dụ, liên minh có thể cùng phát triển năng lực chống hạm hoặc những năng lực tên lửa thuộc phạm vi cho phép của Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung.

Thứ ba, hai bên mở rộng hợp tác nghiên cứu và phát triển. Điều này giúp Australia tạo ra những hiệu ứng chiến lược độc lập và hỗ trợ Mỹ giải quyết những thách thức xảy ra trong quá trình triển khai chiến lược  Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương.

Cho dù liên minh đi theo lựa chọn nào thì cuộc thảo luận liên minh sâu sắc hơn về khả năng ngăn chặn và răn đe ở khu vực quần đảo Thái Bình Dương chắc chắn là cần thiết. Hy vọng, các cuộc đối thoại răn đe trong tương lai của liên minh sẽ thảo luận những vấn đề phức tạp nói trên một cách chi tiết hơn.

Hà Ngọc (Tổng hợp)
.
.