Chuyến công du lịch sử của Tổng thống V.Putin tới Iran

Thứ Bảy, 20/10/2007, 13:15
Bất chấp có nguồn tin về một âm mưu ám sát nhằm vào ông, nhưng Tổng thống V.Putin vẫn bay tới Iran trong một chuyến công du lịch sử. Tuy nhiên, chuyên cơ của Tổng thống Nga tới Iran là vào sáng 16/10 thay vì đêm 15/10 như lịch trình được công bố.

Trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel trước khi rời nước Đức, chiều 15/10, ông V.Putin khẳng định rằng: “Tất nhiên là tôi sẽ tới Iran. Nếu cứ nghe tất cả những lời đe dọa thì tôi không bao giờ dám rời khỏi nhà”.

Ông V.Putin còn cho biết, chuyến đi tới Iran đã được lên kế hoạch từ lâu và sẽ không thay đổi. Bởi đây là một sự kiện lịch sử quan trọng trong quan hệ giữa hai nước Nga và Iran. Kể từ năm 1943, nghĩa là tới 64 năm, mới có một nhà lãnh đạo cao cấp nhất của nước Nga tới thăm Iran.

Nói một cách chính xác hơn thì vị lãnh đạo từ Moskva năm ấy là lãnh tụ Liên Xô nổi tiếng - Joseph Stalin tham dự hội nghị của các nước Đồng minh tại Tehran cùng với Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt. Còn ông V.Putin hiện nay là Tổng thống Liên bang Nga, nước kế thừa vị trí cường quốc của Liên Xô trên trường quốc tế.

Theo thông báo của điện Kremlin và các hãng thông tấn của Nga, Tổng thống V.Putin tới Iran với mục đích chính là để dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước vùng biển Caspian.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ giữa Iran và các nước phương Tây hiện đang căng thẳng, chuyến thăm Iran của Tổng thống Nga là rất quan trọng. Các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Iran, nhất là Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad chắc chắn có nhiều nội dung mà giới phân tích quan tâm. Tổng thống Nga cho biết ông sẽ đề cập đến vấn đề hạt nhân đang gây tranh cãi của Iran với người đứng đầu nhà nước Iran.

Có thể nói rằng, quan hệ giữa Nga và Iran hiện nay khá tốt đẹp. Nga thường bất đồng ý kiến với Mỹ và các nước phương Tây trong các vấn đề trừng phạt Iran thông qua Liên Hiệp Quốc. Mặt khác, Nga hiện đang giúp Iran xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bushehr ở miền Nam Iran.

Nhà máy sản xuất năng lượng hạt nhân Bushehr của Iran được Nga giúp xây dựng.

Phía Iran rất coi trọng chuyến thăm Tehran của Tổng thống V.Putin, nhất là trong bối cảnh nước này đang bị Mỹ và phương Tây cô lập. Đây là một cơ hội tốt để Iran chứng tỏ mình cũng là một quốc gia quan trọng.

Dư luận thế giới rất quan tâm tới chuyến công du của Tổng thống Nga V.Putin tới Iran.

Vào thời điểm này, chuyến đi Tehran của ông V.Putin là rất nhạy cảm. Iran đang là điểm nóng của an ninh thế giới hiện nay không chỉ vì vấn đề hạt nhân của nước này mà Tehran còn có vai trò quan trọng ở khu vực Trung Đông và thế giới Hồi giáo.

Mặt khác, nước Nga hiện đang khẳng định vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của mình trên trường quốc tế. Hơn nữa, vai trò và uy tín cá nhân của ông V.Putin cũng rất ấn tượng đối với các chính khách trên thế giới.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trước chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nga tới Iran lại có khá nhiều hoạt động ngoại giao cấp cao nhộn nhịp như vậy. Rõ ràng là phương án ưu tiên mọi nỗ lực ngoại giao cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng xung quanh vấn đề hạt nhân bằng biện pháp hòa bình là trước hết.

Tuần trước, tân Tổng thống Pháp Nicolas Sakorzy đến thăm Nga lần đầu tiên nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai nước vốn suy giảm kể từ khi ông lên cầm quyền. Nhưng vấn đề Iran cũng nằm trong chương trình thảo luận giữa ông với Tổng thống V.Putin.

Trước khi tới Moskva, ông Nicolas Sarkozy vẫn giữ lập trường cứng rắn đối với Iran trong những tháng gần đây và thậm chí đề cập tới khả năng chiến tranh. Pháp cũng thực hiện việc thúc đẩy sự trừng phạt nặng hơn dành cho Tehran. Còn nước Nga đã chống lại kiểu hành động này. Nhưng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết sau cuộc hội đàm với Tổng thống V.Putin, Pháp và Nga đã thu hẹp được một số bất đồng về bế tắc hạt nhân của Iran.

Ông Sakorzy tiết lộ: "Lập trường của chúng tôi về Iran và các vấn đề nhạy cảm khác đã xích lại gần nhau hơn", ông Sarkozy nói với báo giới trong suốt chuyến thăm Nga. Ông đã đề cập tới "nhiều sự nhất trí" về Iran, song không nói chi tiết.

Tổng thống Nga V. Putin cũng cho biết Nga và Pháp đã có “những tiến triển về vấn đề Iran” và ông nói thêm: “Chúng tôi không có dữ liệu cho rằng Iran đang tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân. Vì thế chúng tôi hành động dựa trên quan điểm là Iran không có kế hoạch trên, nhưng chúng tôi chia sẻ mối quan tâm của các đồng sự rằng các chương trình trên cần phải được làm càng sáng tỏ”.

Thủ đô Tehran.

Trước khi tới Tehran, Tổng thống V.Putin đã gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức và Tổng thống V.Putin tại thành phố Wiesbaden, kéo dài trong hai ngày ngoài việc bàn về chương trình phòng thủ chống tên lửa của Mỹ ở châu Âu, hai bên còn bàn về tương lai của Kosovo và tất nhiên là có vấn đề hạt nhân Iran.

Và người ta không thể không để ý đến chuyến đi Moskva của Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates chỉ vài ngày trước đây. Mặc dù nội dung chính của chuyến đi này là nhằm thuyết phục Nga thay đổi lập trường cứng rắn của mình về lá chắn tên lửa của Mỹ, nhưng vấn đề Iran cũng có trong cuộc gặp giữa các quan chức cao cấp Mỹ và Tổng thống Nga V.Putin.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây, báo chí Mỹ lại rộ lên về khả năng sẽ có thể xảy ra một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Iran như kiểu quân đội Israel tấn công vào một cơ sở nghi có chương trình nghiên cứu hạt nhân của Syria mới đây.

Tổng thống Nga V.Putin tới Iran vào giữa lúc tình hình quan hệ giữa Mỹ và các nước phương Tây với Iran rất căng thẳng xung quanh việc Tehran từ chối ngừng làm giàu uranium. Đó là nỗi ám ảnh và lo ngại của Mỹ và phương Tây vì họ nghi ngờ Iran đang cố gắng đạt được mục đích sản xuất vũ khí hạt nhân mặc dù Tehran khăng khăng việc sản xuất năng lượng hạt nhân là vì mục đích hòa bình.

Mỹ và các nước phương Tây hy vọng ông Putin sẽ góp phần tháo gỡ được bế tắc trong quan hệ giữa phương Tây và Iran hiện nay

Thanh Đàm
.
.