Chuyến đi hàn gắn vết thương chiến tranh

Thứ Tư, 29/04/2015, 14:30
Hai nạn nhân sống sót trong các vụ thảm sát mà binh lính Hàn Quốc thực hiện trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam đã đến thăm Hàn Quốc trong tháng 4 này. Đó là ông Nguyễn Tấn Lân, 64 tuổi và bà Nguyễn Thị Thanh, 55 tuổi. Cùng đi là Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP HCM. Chuyến thăm đặc biệt này được Bảo tàng Hòa bình Hàn Quốc bảo trợ.

Khi đến Hàn Quốc, các vị khách Việt Nam đã đến tham quan Ngôi nhà chứng tích nô lệ tình dục thời Quân phiệt Nhật xâm lược Triều Tiên ở huyện Gwangju, tỉnh Gyonggi, sau đó tham dự các hội nghị thảo luận bàn tròn ở Seoul, Busan và Daegu, tạo điều kiện cho các cựu binh Hàn Quốc xin lỗi nhân dân Việt Nam.

Đây là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của các nạn nhân chiến tranh Việt Nam sống sót sau vụ thảm sát mà lính Hàn Quốc đã thực hiện.

Ông Nguyễn Tấn Lân đến từ xã An Bình, một làng quê ở tỉnh Bình Định, gần nơi đơn vị Mãnh hổ của Hàn Quốc đồn trú. Lính Hàn Quốc đã mở cuộc càn quét, giết 65 người dân An Bình vào ngày 15/2/1966, trong đó có mẹ và chị gái của ông. Bản thân ông phải mang trên mình nhiều mảnh kim loại vì bị trúng lựu đạn. Năm 2003, ông được các bác sĩ Hàn Quốc tiến hành phẫu thuật loại bỏ những mảnh lựu đạn đó.

Ông Nguyễn Tấn Lân. Ảnh: Bảo tàng Hòa bình Hàn Quốc.

Làng Phong Nhĩ (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) của bà Nguyễn Thị Thanh nằm gần đơn vị Rồng xanh của Hàn Quốc, nơi đây lính Hàn Quốc giết hại 74 người dân vào ngày 12/2/1968. Bà Nguyễn Thị Thanh mất 5 người thân gồm mẹ, chị gái, anh trai, dì và một người chị họ bị lính đơn vị Rồng xanh giết trong trận càn đó. Bà Thanh bị thương rất nặng, ruột lòi ra khỏi ổ bụng và mất 5 năm điều trị tại bệnh viện.

Bà Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Bảo tàng Hòa bình Hàn Quốc.

Hai nạn nhân - nhân chứng phải sống trọn đời với ký ức đau thương, cho biết: "Tiếng gào khóc thảm thiết của những nạn nhân bị thảm sát vẫn in sâu trong tâm trí chúng tôi, tiếng người dân gào khóc trong đau đớn vì bị tra tấn vẫn còn văng vẳng đâu đây…".

Tổng thư ký Bảo tàng Hòa bình, ông Seok Mi Hwa cho biết, chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của các nạn nhân Việt Nam là nhằm mục đích làm cho người dân hiểu rõ hơn về ký ức đau thương mà hai quốc gia đã trải qua 40 năm sau chiến tranh.

Tổng cộng có 320.000 lính Hàn Quốc được gửi đến miền Nam Việt Nam từ năm 1965 đến 1973, và 5.000 lính đã chết trên chiến trường này.

Theo thống kê từ phía Hàn Quốc, 9.000 người dân miền Nam Việt Nam bị lính Hàn Quốc giết hại, trong đó 1.004 người ở làng An Bình (Bình Định) bị giết trong năm 1966 và 357 người ở Điện Bàn (Quảng Nam) trong Tết Mậu Thân năm 1968.

Phạm Khôi Nguyên
.
.