Chuyến hồi hương của cựu hoàng Hy Lạp Constantine II

Chủ Nhật, 29/12/2013, 20:15

Cựu hoàng Hy Lạp Constantine II vừa khiến cho cả nước Hy Lạp sửng sốt với việc quay trở về quê hương sau 46 năm sống lưu vong ở nước ngoài. Chuyến hồi hương của cựu hoàng không được đón chào, bởi vì đất nước Hy Lạp vẫn đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, và cũng vì nhiều người còn chưa quên những sự kiện liên quan đến ông trong vài chục năm trước đây.

Cựu hoàng Constantine II hôm 15/12/2013 đã đặt chân đến thủ đô Athens, nơi ông sinh ra và lớn lên. Năm nay 73 tuổi, cựu hoàng Constantine II được xem là vị vua cuối cùng của Hy Lạp trước khi nước này chuyển hẳn sang chế độ cộng hòa. Ông là anh em họ của Hoàng tử Philip và là cha đỡ đầu của Hoàng tử William của nước Anh. Vợ ông, Hoàng hậu Anne-Marie, là công chúa Đan Mạch.

Cuộc đời Constantine II đã trải qua giai đoạn thăng trầm trong những năm tháng sôi động thập niên 60 thế kỷ XX. Ông đăng quang vào năm 1964 trong một nghi lễ đặc biệt nối ngôi vua cha vừa qua đời trước đó không lâu. Thời điểm đó, Constantine II còn trẻ, được nhiều người kỳ vọng mang lại sự đổi mới cho đất nước Hy Lạp.

Một sự trùng hợp là, thời điểm ông lên ngôi thì ông George Papandreou, một chính khách trung dung, cũng vừa được bầu làm Thủ tướng (vào tháng 2/1964), chấm dứt 11 năm cầm quyền của đảng cánh hữu Liên đoàn cấp tiến Quốc gia (ERE).

Giai đoạn đầu, sự “chung sống” giữa Vua Constantine II với Thủ tướng Papandreou có vẻ xuôi chèo mát mái, nhưng cũng chỉ được vài tháng, sang năm 1965 thì mọi chuyện bắt đầu xấu đi. Đặc biệt là trong vụ bê bối có dính líu đến Andreas, con trai Thủ tướng George Papandreou, khiến cho George Papandreou tự nắm lấy quyền lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tức là nắm quyền chỉ huy quân đội Hy Lạp.

Động thái này khiến cho Hoàng gia lo ngại, và Vua Constantine II không chấp nhận cho George Papandreou thâu tóm quyền chỉ huy quân đội, mà thay vào đó đề nghị bổ nhiệm người khác, vì nhà vua cho rằng sẽ tránh được "xung đột lợi ích". Papandreou không đồng ý với đề nghị của nhà vua nên đã từ chức Thủ tướng. Ngay sau đó, Vua Constantine II bổ nhiệm một thủ tướng mới, thành lập một chính phủ mới, mở ra giai đoạn thay đổi chính phủ xoành xoạch cho đến năm 1967.

Cuộc bầu cử tháng 5/1967 với chiến thắng của lực lượng chính trị trung dung, nước Mỹ lo ngại Andreas, con trai George Papandreou, sẽ có cơ hội thăng tiến trong chính quyền mới. Vua Constantine II đã nói chuyện với đại sứ Mỹ khi đó là Phillips Talbot để tham khảo ý kiến của người Mỹ.

Sau cuộc nói chuyện đó, Constantine II đã gặp gỡ và nói chuyện với các tướng lĩnh quân đội và được quân đội "hứa hẹn" sẽ không có hành động nào cho đến kỳ bầu cử tiếp theo. Thế nhưng, những động thái mạnh mẽ của Andreas Papandreou đã khiến quân đội lo lắng và họ quyết định hành động trước một bước.

Ngày 21/4/1967, một nhóm sĩ quan quân đội do đại tá George Papadopoulos chỉ huy đã thực hiện cuộc binh biến, thiết lập chế độ quân phiệt tại Hy Lạp. Quan hệ giữa Constantine II với quân đội ngay từ đầu đã không được yên ấm, dẫn đến việc nhà vua thực hiện một cuộc "phản đảo chính" vào ngày 13/12/1967.

Tuy nhiên, ngay sau cuộc đảo chính bất thành này, Constantine II trốn chạy đến vùng Thessaloniki rồi dùng chuyên cơ riêng của Hoàng gia đưa cả gia đình rời khỏi Hy Lạp, bắt đầu cuộc sống lưu vong ở nước ngoài, đầu tiên là ở Italia cho đến tháng 6/1973, rồi sau đó sang Anh.

Tháng 11/1974, Konstantinos Karamanlis, cựu Thủ tướng dưới thời Vua Paul (cha của Constantine II), quay trở về Hy Lạp để tranh cử và giành chiến thắng, trở thành Thủ tướng Hy Lạp lần thứ 2. Tháng 12/1974, Karamanlis kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để quyết định việc khôi phục chế độ quân chủ hay duy trì chế độ cộng hòa.

Mặc dù từng là người của Hoàng gia, nhưng Karamanlis lại không mặn mà với viêc khôi phục chế độ quân chủ, trong khi Constantine II lại bị cấm trở về nước, cho nên kết quả cuộc trưng cầu đã vĩnh viễn cắt đứt cơ hội trở về nước của Constantine.

Vậy là Constantine tiếp tục cuộc sống lưu vong ở Anh cho đến năm 1981 được chính quyền cho phép về nước chịu tang mẹ, cựu Hoàng hậu Frederica xứ Hanover. Tuy Constantine II sống ở nước ngoài, nhưng tài sản, dinh thự và đất đai thuộc Hoàng gia cũ vẫn còn rất nhiều.

Năm 1992, ông ký kết một thỏa thuận với Thủ tướng Constantine Mitsotakis theo đó ông hiến phần lớn bất động sản cho một tổ chức phi lợi nhuận để đổi lấy Dinh thự Hoàng gia lâu năm ở Tatoi, gần Athens.

Tuy nhiên, đến năm 1994, Chính phủ của Thủ tướng Andreas Papandreou đã đơn phương xóa bỏ thỏa thuận 1992 và tịch thu toàn bộ tài sản của Constantine II ở Hy Lạp, kể cả quốc tịch Hy Lạp của ông. Constantine II đâm đơn kiện Nhà nước Hy Lạp ra Tòa án Nhân quyền châu Âu đòi bồi thường 500 triệu euro cho các tài sản đã bị tịch biên.

Theo phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu, Constantine II được bồi thường 12 triệu euro. Constantine II lập ra tổ chức nhân đạo Anna Maria để tiếp nhận tiền bồi thường, đồng thời để cho nhân dân Hy Lạp được sử dụng số tiền đó cho mục đích cứu trợ thiên tai và từ thiện. 

Từ sau phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu, Constantine II bắt đầu có vài chuyến trở về thăm quê nhà, một lần vào năm 2004 để tham dự sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, Thế vận hội ở Athens. 

Ngày 15/12/2013, ngay sau khi con trai Nikolaos cưới vợ, cựu hoàng Constantine II và cựu hoàng hậu Anna-Marie đã cùng trở về Hy Lạp, dự tính ở lâu dài ở quê nhà.

Lần trở về này, dù nhiều người dân ở Hy Lạp vẫn không mong muốn sự có mặt của ông, nhưng nó vẫn là hành động có ý nghĩa tích cực đối với đất nước Hy Lạp đang kiệt quệ vì khủng hoảng, đang chứng kiến hàng trăm ngàn trí thức tài năng bỏ quê hương ra đi

An Châu (tổng hợp)
.
.